Phút sinh tử của người hùng đấu súng với kẻ thảm sát ở nhà thờ Mỹ
Nghe tiếng súng phát ra từ nhà thờ, cựu huấn luyện viên bắn súng Mỹ không kịp xỏ giày, cầm súng băng qua đường chặn kẻ tấn công.
00:22 08/11/2017
Ông Willeford và con gái. Ảnh: Facebook.
Trưa 5/11, Stephen Willeford, 55 tuổi, sống ở hạt Sunderland Springs, bang Texas đang ở nhà thì con gái bước vào phòng, nói nghe thấy tiếng súng phát ra từ nhà thờ Đệ nhất Baptist gần đó, theo AP.
"Tôi nghe thấy tiếng súng tiếp tục vang lên, từng nhát một, liên tục, 'pằng, pằng, pằng'. Tôi hiểu ngay có chuyện bất thường, tiếng súng thể hiện rõ đang nhắm vào người khác, không phải vang lên ngẫu nhiên", Willeford nhớ lại.
Từng là huấn luyện viên bắn súng của Hiệp hội Súng trường Mỹ, ông quyết định nạp đạn vào súng, trong lúc con gái hét lên thông báo tình hình bên ngoài. Cô nói nhìn thấy một người đàn ông vận đồ đen đang nhắm bắn vào nhà thờ. Willeford không kịp xỏ giày, cầm súng chạy băng qua đường để ngăn chặn tay súng.
"Hắn nhìn thấy tôi, tôi cũng nhìn thấy hắn", Willeford kể lại. "Tôi đứng nấp sau một xe tải".
Hai bên nã đạn vào nhau.
"Tôi biết mình đã bắn trúng y", Willerford nói. "Y nhảy lên xe, bắn một cặp vợ chồng gần đó qua cửa kính ôtô. Khi kính vỡ rơi xuống, tôi bắn một phát nữa trúng hắn".
Kẻ tấn công nhà thờ sau đó được xác định là Devin Patric Kelley, 26 tuổi, một cựu quân nhân từng phục vụ trong không quân Mỹ. Sau phút đấu súng với Willeford, Kelley quyết định vứt vũ khí, nhảy lên xe chạy vào đường cao tốc.
Tay súng tấn công nhà thờ ở Texas. Ảnh: Time.
Willeford nhìn thấy xe tải của Johnie Langendorff chạy ngang qua, bèn ra dấu cho anh này dừng lại. Willeford chạy tới và giải thích tình hình với Langendorff. "Tay đó vừa xả súng trong nhà thờ Baptist. Chúng ta cần ngăn hắn lại", Willeford nói.
Langendorff không chần chừ, lập tức chở Willeford lái xe đuổi theo Kelley. Vừa truy đuổi, họ vừa gọi điện cho cảnh sát mô tả kẻ tấn công. Cuối cùng, hai người bắt kịp xe của Kelley. Hắn mất tay lái, tông vào một biển báo và xe lật xuống mương.
Willeford nhảy khỏi xe, tới gần và chĩa súng vào Kelley, ra lệnh "Ra khỏi xe tải ngay", nhưng không thấy y cử động. Một lát sau, cảnh sát tới hiện trường. Họ cho rằng có thể tay súng đã tự sát.
Julius Kepper, hàng xóm 7 năm nay với Willeford, cho biết ông là người đam mê súng ống và xe môtô, thường xuyên tập luyện và sở hữu tới 5 xe phân khối lớn. Hiện Willeford là thợ lắp đặt ống nước cho nhiều dự án lớn như bệnh viện, trường học.
Kepper và láng giềng của Willeford cho biết gia đình ông đã ở đây ít nhất ba thế hệ. Ông nội và bố của Willeford đều chăn nuôi bò sữa. Kepper không ngạc nhiên khi hay tin Willerford đấu súng với Kelley.
"Những người khác cũng sẽ hành động giống anh ấy nếu biết chuyện", Kepper khẳng định.
Langendorff (trái) và Willeford trong lễ tưởng niệm nạn nhân. Ảnh: AP.
Free Martin, giám đốc sở cảnh sát Texas, hôm 6/11 biểu dương Willeford và Langendorff. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz cũng ca ngợi hành động của Willeford sau khi tới hiện trường làm việc với cảnh sát.
Tuy nhiên, Willeford nói rằng mình không phải anh hùng. "Tôi nghĩ Chúa đã bảo vệ tôi, ban cho tôi kỹ năng để làm điều phải làm", ông nói. "Tôi không phải anh hùng. Nhiều bạn bè của tôi thường đi lễ trong nhà thờ đó. Tôi đã rất lo lắng khi chuyện xảy ra".
Hiện trường vụ thảm sát lớn nhất tại nhà thờ Texas, Mỹ
Vụ xả súng gây thương vong lớn nhất trong lịch sử bang Texas, Mỹ một lần nữa khiến nhiều người đặt câu hỏi về vai trò của kiểm soát vũ khí trong các vụ bạo lực về súng.