Portland: Ta chưa đi, đất đã hoá tâm hồn

Cái thành phố Portland nhỏ bé nơi tôi đang sống có gì để “yêu” và “khoe” với mọi người nhỉ? Nhưng rồi tôi nghĩ, với mỗi vùng đất thì mỗi người sẽ có những cảm nhận riêng của mình. Mỗi người sẽ “yêu” một nơi nào đó theo những tiêu chí riêng và rất khó có thể đánh giá hay so sánh.

14:48 02/04/2017

Bởi lẽ, tình yêu, dù với bất cứ thứ gì, thì bản thân nó luôn là thứ rất chủ quan và cảm tính. Lan man ngẫm ngợi, tôi chợt nhận ra cái thành phố nhỏ bé bên dòng Willamet hiền hòa này đã để lại trong tôi quá nhiều cảm xúc và dấu ấn. Tôi chưa dám gọi đó là tình yêu đối với thành phố nhưng chắc chắn đó là những “spiritual attachments” khó có thể quên trong những năm tháng tiếp theo của cuộc đời.

Thành phố xanh

Portland không phải là thủ đô nhưng là trung tâm kinh tế sôi động nhất của bang Oregon. Được thành lập vào năm 1851 với dân số ban đầu khoảng 800 người, phần lớn là người da đỏ bản địa, thành phố Portland hiện tại có diện tích 375 kmvà khoảng 600.000 dân. Thời tiết và khí hậu Portland cũng được chia thành bốn mùa nhưng ấn tượng rõ rệt nhất là mùa đông với mưa và lạnh (từ tháng 11 đến tháng 3) và mùa hè (từ tháng 6 đến hết tháng 8). Điều thú vị là các nguồn nước thiên nhiên (ao, hồ, sông, biển) tại thành phố và các vùng phụ cận đều rất lạnh, kể cả vào mùa hè, nên người dân không thể bơi hay có những hoạt động giải trí sôi động liên quan đến nước như ở các khu vực khác trên lãnh thổ nước Mỹ.

Trong lần đầu tiên đặt chân đến Portland vào năm 2009, tôi không hề có cảm giác choáng ngợp vì thành phố này không giống những gì mà người ta có thể hình dung về nước Mỹ qua xem Tivi hay phim ảnh. Thay vì những tòa nhà chọc trời, thành phố tạo ấn tượng cho người mới đến bởi sự thanh bình, sạch sẽ, và ngăn nắp. Dòng Willamet trong xanh vắt ngang thành phố, chia địa bàn thành khu trung tâm (downtown) và các vùng phụ cận. Tất cả những con đường chính chạy từ trung tâm ra vùng ngoại vi đều được mang tên riêng trong khi những con đường cắt ngang chúng lại được đặt tên theo số thứ tự. Hệ thống xe bus và tàu điện được bố trí và kết nối khoa học, vận hành chính xác đến từng phút từ 5h sáng đến 1h30 đêm. Chỉ với 5 USD cho một vé cả ngày, hành khách có thể sử dụng bất cứ phương tiện nào (bus hay tàu điện), bất cứ tuyến giao thông nào mà họ muốn (đi sân bay, khu dân cư, trung tâm thương mại, hay các thành phố vệ tinh). Nếu bạn mới đến Portland lần đầu và chẳng may bị lạc ở đâu đó, bạn cứ nhớ rõ nguyên tắc quy hoạch trên đây là có thể dễ dàng tìm về trung tâm thành phố, để rồi từ đó định hình lại những nơi bạn cần đi.

Sắc xanh ở khắp mọi nơi

Sắc xanh ở khắp mọi nơi

Đến Portland, có thể bạn sẽ thấy thư thái hơn khi cảm nhận được màu sắc chủ đạo của thành phố – màu xanh. Bạn sẽ thấy màu xanh lam xuất hiện phổ biến trên xe bus, tàu điện, và nhiều tòa nhà. Bạn sẽ bị ấn tượng bởi màu xanh lá cây của công viên, sân chơi, và thảm cỏ, từ khu trung tâm đến các vùng phụ cận. Bất kỳ lúc nào, người dân cũng có thể kiếm cho mình một không gian xanh, thoáng đãng và sạch sẽ để thư giãn, tổ chức ăn uống ngoài trời hay chơi thể thao. Không chỉ tràn ngập không gian xanh, Portland cũng là một trong những đô thị dẫn đầu nước Mỹ về việc sử dụng năng lượng sạch để phục vụ cho hệ thống giao thông công cộng và các tòa nhà. Rác thải được yêu cầu phân loại hữu cơ – vô cơ ngay từ từng hộ gia đình, khiến việc thu gom và xử lý hiệu quả hơn. Điều này lý giải vì sao Portland luôn được mô tả như là một đô thị kiểu mẫu về xanh và phát triển bền vững. Chỉ cần gõ lệnh tìm kiếm trên google với mấy từ khóa “green cities” hay “sustainable cities”, bạn sẽ thấy Portland luôn là thành phố dẫn đầu về khía cạnh này: năm 2009, thành phố đứng thứ ba trong top 15 thành phố phát triển bền vững nhất nước Mỹ[1]. Năm 2008 và 2012, Portland được xếp số 1 trong 50 thành phố xanh nhất nước Mỹ[2]&[3]. Dẫu các bảng xếp hạng này cũng chỉ mang tính chất tham khảo, tôi vẫn cảm thấy thật vui vì mình đang được sinh sống và học tập tại một thành phố mẫu mực về mô hình phát triển của các đô thị hiện đại.

Đô thị hiện đại

Đông qua Xuân tới – tháng 3

Hơi ấm Việt giữa thành phố hoa hồng

Thành phố của tôi thấm đẫm hơi ấm Việt. Dấu ấn văn hóa Việt xuất hiện và lan tỏa trước hết từ các sản phẩm ẩm thưc, mà phổ biến nhất là “Phở”, bánh mỳ Sài Gòn, và “Café sữa đá”. Nhà hàng Thành Long tọa lạc ngay trong khu trung tâm thành phố sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian để có các món Việt, nhất là Phở. Nếu để ý các xe bán hàng di động, bạn cũng có thể mua được nem cuốn, chả giò, bánh mỳ, hay kể cả cốc café đậm hương vị Việt. Đi xa thêm bốn đến năm dặm về phía Tây Bắc và Tây Nam thành phố, bạn có thể tha hồ lựa chọn thêm, từ Phở Hùng, Phở Văn, phở Kim hay Phở Gia. Nếu bạn thích các loại bánh trái, đậu phụ và giò chả thì chắc chắn bạn phải đến Bui Tofu, bánh mỳ Sài Gòn thì phải đến Bình Minh hay Nam Lộc. Nếu muốn đa dạng hơn thì bạn nên đến các khu chợ, mà lớn nhất là Hồng Phát và Fubon, tiếp đến là Sài Gòn, Cần Thơ, Thanh Thảo, hay Bến Tre. Tất cả những địa chỉ này đều khá gần nhau cho nên bạn có thể ôm theo một cốc “café sữa đá” kiểu Sài Gòn, thứ đồ uống có thể kiếm dễ dàng, và dạo một vòng chỉ trong nửa buổi. Những biển hiệu tiếng Việt, đồ ăn, thức uống, những khuôn mặt, nụ cười, và giọng nói “rặt Nam Bộ” sẽ khiến bạn cảm thấy gần gũi và ấm áp như đang dạo chơi đâu đó giữa Sài Gòn.

Lễ hội hoa Tulip – tháng 4&5

Lễ hội hoa Tulip – tháng 4&5

Hiện có khoảng 10.000 người Việt đang sống tại Portland và phần lớn qua đây sau năm 1975. Vì thế, vẫn còn đó một chút e dè, nhất là với “dân Bắc Kỳ” hay những ai nói giọng Hà Nội như tôi. Thế nhưng, chút hệ lụy quá khứ đó không thể át nổi tình cảm đồng hương – thứ tình cảm diệu kỳ giúp người Việt xich lại và giúp đỡ nhau. Khi mới sang, gia đình tôi được một gia đình Việt Kiều đón nhận và hỗ trợ để thích ứng với cuộc sống tại thành phố mới. Nhờ họ mà chúng tôi được tiếp cận các tổ chức xã hội chuyên trợ giúp người Việt, đăng ký kiểm tra và nhập học cho bọn trẻ, nộp đơn xin bảo hiểm y tế theo chương trình ưu tiên của bang, và mọi thứ cần thiết khác để ổn định cuộc sống nơi đất khách. Bọn trẻ nhà tôi háo hức hòa nhập môi trường mới, còn chúng tôi vui mừng vì chính quyền thành phố miễn phí toàn bộ học phí và tiền ăn trưa ở trường cho hai đứa trẻ. Chắc hẳn bạn sẽ đồng ý với tôi rằng, với một sinh viên xa nhà, những sự hỗ trợ đó là quý giá biết chừng nào. Tôi vốn không thiện cảm với cái ý niệm “đồng hương, đồng khói” khi còn ở trong nước bởi tôi tin nó chính là một trong những căn nguyên của bệnh “địa phương chủ nghĩa” ở ta. Thế nhưng qua đây, cuộc sống lại đem đến cho tôi những cảm nhận khác, thiêng liêng hơn về hai chữ “đồng hương” hay “đồng bào”.

Mùa hoa Lavender – tháng 7

Mùa hoa Lavender – tháng 7

Portland quyến rũ lòng người bởi cây và hoa. Thành phố còn có tên gọi là “thành phố hoa hồng” nhưng không chỉ có hoa hồng, Portland còn tự trang điểm cho mình để trở nên rực rỡ hơn với các loại cây lá đa sắc và lễ hội hoa “mùa nào thức nấy”: trong tiết xuân ấm áp tháng 4, dòng Willamet như tấm gương trong veo được khoác thêm vòng nguyệt quế của hoa đào. Những cơn mưa bất chợt tháng 5 không làm nản lòng người hướng đến nông trại vùng Woodburn để được đắm chìm trong lễ hội hoa Tulip. Tháng 6, thành phố sôi động và sặc sỡ như một cô gái Latin dưới cái nắng hè gay gắt, lễ hội hoa hồng, và các loại penonies. Tháng 7, sắc tím ngút ngàn của hoa oải hương gợi một cảm giác dịu nhẹ, giúp xua bớt cái nóng giữa hè. Tháng 9 và 10 là thời khắc chuyển mùa, sắc xanh của lá dần được thay thế bởi sắc vàng, tím, đỏ, cam. Trong cái hân hoan của tiết Thu dịu nhẹ, thành phố như biến thành tấm thảm đa sắc bởi những hàng cây ào ạt trút lá, những con phố nhỏ xinh, sạch và bình yên đến ngỡ ngàng. Tháng 11 đến, thành phố giật mình bởi những con mưa báo lạnh. Pioneer Square -“phòng khách” của thành phố, cũng thưa bớt người đứng, ngồi, vãn cảnh. Đường phố ẩm ướt hơn. Những hàng cây trụi lá, trơ cành, co ro trong cái lạnh và gió rít ầm ào của mùa Đông đang đến.

Sắc Thu – Tháng 9&10

Sắc Thu – Tháng 9&10

Tri thức, dân chủ, và sự hợp tác

Từ sân bay Portland đi vào trung tâm thành phố qua khuôn viên trường đại học Portland State, bạn sẽ gặp một khẩu hiệu thú vị “Let knowledge serve the City”, được gắn trên một chiếc cầu cạn bắc ngang một trục đường chính. Một cách khái quát thì triết lý của trường và lãnh đạo thành phố là quản trị dựa trên tri thức và sự hợp tác, đề cao sự tự do cá nhân và sáng tạo, đồng thời đặc biệt coi trọng sự tham gia của cộng đồng trong các quyết sách quản trị. Triết lý này được cụ thể hóa thành các nguyên tắc đào tạo tại trường Portland State do thành phố bảo trợ: biến thành phố thành lớp học, coi trọng phản hồi từ thực tiễn, đề cao mối liên hệ giữa kiến thức sách vở với các vấn đề chính sách của thành phố. Vì thế, sự xuất hiện của các nhân viên và quan chức chính quyền trong lớp học và sự tham gia của sinh viên vào các dự án của thành phố là hết sức phổ biến.

IMG_2680

Phải thú thật là chỉ đến khi đọc các trước tác chính trị kinh điển của Mỹ thì tôi mới biết rằng Abraham Lincoln là tác giả của câu nói nổi tiếng về việc xây dựng một “chính quyền của dân, do dân, và vì dân”. Ngẫm ra thì giới cầm quyền ở đâu cũng có thể tuyên bố như vậy. Sự khác biệt chỉ là ở cách thức mà người Mỹ đã chuyển hóa tinh thần của câu “khẩu hiệu” đó thành hành động trong thực tiễn. Portland đã cho tôi những trải nghiệm thay đổi cách nhìn. Từ việc sửa chữa một tòa nhà nhỏ nơi bọn trẻ nhà tôi đang theo học, việc thay đổi cách thức thu gom rác, đến cả một dự án lớn là sửa chữa hệ thống cấp nước của thành phố, người dân luôn được tham vấn và tạo điều kiện để tham gia ý kiến. Cơ sở cho truyền thống đó, người Mỹ từ lâu vốn tự hào về bản “Hiến pháp” của họ – một “kỳ quan nhân tạo” trong thế giới hiện đại. Họ cũng hoàn toàn có thể hãnh diện về một nền tảng thiết chế vô cùng phức tạp và chặt chẽ, điều kiện tối cần thiết để người dân có thể thực thi quyền lực chính trị của mình. Với tôi, trải nghiệm Portland đem lại cảm nhận về một thứ còn hơn thế. Tôi tạm gọi đó là “văn hóa về sự tham gia của người dân – culture of civic engagement”. Chính cái văn hóa này với những chuẩn mực hết sức cụ thể của nó đã thúc đẩy sự hợp tác giữa chính quyền và người dân trong việc quản trị xã hội. Cũng chính các nguyên tắc dân chủ và thái độ hợp tác giữa “quyền lực nhà nước” và “quyền lực xã hội” đã góp phần đem đến sự thịnh vượng và phát triển bền vững cho cộng đồng nơi đây. Năm năm đắm mình trong cuộc sống nơi thành phố này, tôi nghiệm ra rằng, muốn “tri thức phục vụ thành phố” như câu khẩu hiệu trên kia, nó không thể bị tách rời khỏi môi trường dân chủ và cách tiếp cận hợp tác.

Thay lời kết

Viết đến đây, tôi chợt nhớ mấy câu thơ quen thuộc của Chế Lan Viên: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Với tôi, Portland đã “hóa tâm hồn” ngay từ lúc này – khi tôi chưa rời xa nó. Năm năm chưa phải là dài nhưng những trải nghiệm đã quá đủ để tôi không khỏi bồi hồi khi hình dung đến một ngày mình sẽ phải rời xa nơi đây. Thành phố không phải là nơi tôi sinh ra, cũng không phải là nơi tôi lớn lên. Nhưng thành phố là nơi giúp tôi thực sự trưởng thành, cả về tri thức học thuật lẫn kinh nghiệm sống. Quả thực, tình yêu với một địa danh không hẳn phụ thuộc vào danh tiếng hay những khía cạnh bề ngoài của nơi mà chúng ta đã hoặc đang sống. Mỗi nơi, mỗi người lại có những trải nghiệm rất riêng. Tình yêu được hình thành và bồi đắp từ đó. Với tôi, Portland là hiện thân của chất lượng sống hoàn hảo: một thành phố xanh, sạch, và thanh bình. Và hơn thế, cái thành phố còn rất trẻ và nhỏ bé này đã dạy cho tôi những bài học lớn về cách thức mà người dân và chính quyền cùng chung tay để dựng xây một cộng đồng thịnh vượng và bền vững. Tôi cũng không biết chừng đó đã đủ để nói là “yêu” Portland hay chưa nhưng chỉ có một điều chắc chắn, thành phố đã là một phần của cuộc đời tôi.

Dạo quanh vùng Boston và cảm nhận khi sống và học tập tại Mỹ

Dạo quanh vùng Boston và cảm nhận khi sống và học tập tại Mỹ

Năm năm trước tôi lần đầu đặt chân lên đất Mỹ, tôi là học sinh giao lưu văn hoá ở bang Oklahoma. Ở đó tôi đã được trải nghiệm nhiều cảm xúc vui buồn, sự thú vị của con người và văn hoá Mỹ…

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất