'Quả bom hẹn giờ' đợi ông Biden sau ngày 20/1

Khi lên nắm quyền vào ngày 20/1, tổng thống đắc cử Joe biden sẽ ngay lập tức phải chạy đua với thời gian để cứu lấy một hiệp định kiểm soát vũ khí hạt nhân quan trọng với Nga.

10:30 18/01/2021

Hiệp ước New START, sẽ hết hạn 16 ngày sau khi ông Biden nhậm chức, là hiệp ước lớn cuối cùng về kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Nga - hai quốc gia có kho vũ khí hạt nhân khổng lồ từng gây nhiều lo ngại cho an ninh thế giới trong thời Chiến tranh Lạnh.

Nhưng việc chạy đua để đạt được một thỏa hiệp kịp trước hạn cuối nói trên không hề đơn giản. Căng thẳng đang cao giữa Moscow và Washington sau vụ hack lớn mà Mỹ cáo buộc Nga đứng đằng sau khiến ông Biden tuyên bố sẽ cứng rắn với Nga.

hiep dinh hat nhan Nga my anh 1

Ông Biden và ông Putin trong cuộc gặp năm 2011. Ảnh: AFP.

Ảnh hưởng lớn tới mỗi nước

Việc đạt được thỏa hiệp kiểm soát vũ khí hạt nhân hay không sẽ có ảnh hưởng lớn, theo Elena Chernenko, biên tập viên mảng quốc tế ở báo Kommersant của Nga, người đã theo dõi sát việc đàm phán.

“Hiệp ước này làm giảm rủi ro một bên tính toán nhầm ý định hoặc kế hoạch của bên kia - điều đã xảy ra vài lần và dẫn đến những giai đoạn nguy hiểm trong thời Chiến tranh Lạnh”, bà nói với AFP.

Cụ thể thỏa thuận giữa hai bên như thế nào sẽ tác động đến ưu tiên chi tiêu của cả hai chính phủ Mỹ và Nga, theo nhà bình luận chính trị Nga Vladimir Frolov.

Việc có gia hạn được hiệp ước New START hay không sẽ quyết định xem “liệu có phải chi nhiều tiền hơn cần thiết hay không vào các đồ chơi hạt nhân thay vì chi cho y tế”, đối với cả Moscow lẫn Washington - ông Frolov nói với AFP.

Hiệp định New START được ký năm 2010 giữa cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và ông Dmitry Medvedev (lúc đó đang là tổng thống Nga). Hiệp định giới hạn số đầu đạn ở mức 1.550 mỗi bên, và giới hạn số bệ phóng và máy bay ném bom.

Ông Biden sẽ có chiến thắng ngoại giao ngay đầu nhiệm kỳ nếu đạt được thỏa thuận với Nga, nhưng ông cũng chịu sức ép phải cân bằng với lời hứa tranh cử là cứng rắn với Nga.

Các nghị sĩ ở Mỹ đã đòi hỏi trừng phạt Nga vào năm ngoái, sau khi kết luận rằng những hacker do Kremlin hậu thuẫn đứng đằng sau vụ đột nhập diện rộng vào các cơ quan chính phủ Mỹ.

Vụ hack đó chỉ là một trong hàng loạt bất đồng, căng thẳng giữa Mỹ và Nga, do xung đột ở Ukraine, Syria và cáo buộc Nga can thiệp bầu cử.

hiep dinh hat nhan Nga my anh 2

Một máy bay ném bom Tu-95 của Nga (trên) bị một máy bay F-22 của Mỹ áp sát ngoài khơi Alaska, trong bức ảnh ngày 16/6/2020. Các máy bay ném bom hạt nhân chiến lược của Nga đã có nhiều chuyến bay gần Alaska nhằm thể hiện tiềm lực tầm xa. Ảnh: AP.

Giọng điệu lạc quan từ hai phía

Dẫu có nhiều căng thẳng, giọng điệu từ cả Moscow và Washington gần đây cho thấy triển vọng rằng vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân sẽ là lĩnh vực thỏa hiệp hiếm hoi giữa hai bên.

Cố vấn an ninh quốc gia được đề cử của ông Biden, Jake Sullivan, vào tháng này nói rằng ông Biden đã giao cho cấp dưới tìm cách gia hạn New START “ngay khi lên nắm quyền”.

Ở Moscow, Tổng thống Putin gần đây đề nghị gia hạn một năm mà không có điều kiện, và giao cho Ngoại trưởng Sergei Lavrov tìm hiểu phản ứng “rõ ràng” từ phía Mỹ.

Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, người ủng hộ hiệp định kiểm soát vũ khí giữa Liên Xô và Mỹ, vào tuần này dự đoán ông Biden sẽ gia hạn thỏa thuận, và kêu gọi hai bên “đàm phán nhằm tiếp tục cắt giảm” vũ khí hạt nhân.

Theo nhà bình luận Frolov, Moscow đang ủng hộ gia hạn hiệp định, vì như vậy Nga có thể hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của mình một cách dần dần, thay vì phải vội vàng đổ tiền vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Ông Frolov cũng nói Nga nhiều khả năng sẽ không muốn phá hỏng việc đàm phán chỉ để khiến ông Biden trông yếu thế, vì Kremlin “không quan tâm lắm tới việc ông Biden thắng cử”. Ông cho rằng việc gia hạn New START là “hiển nhiên” đối với ông Putin.

Việc đàm phán Nga - Mỹ dưới thời ông Trump bị bế tắc vì Mỹ yêu cầu Trung Quốc tham gia hiệp định. Bắc Kinh không tỏ ra hứng thú với việc tham gia. Yêu cầu trên dẫn đến tranh cãi công khai hồi tháng 6/2020, khi một nhà đàm phán của Mỹ ở Vienna tweet bức hình một lá cờ Trung Quốc cạnh một chiếc ghế trống.

“Trung Quốc không đến rồi”, Đặc phái viên của Mỹ về Kiểm soát Vũ khí Marshall Billingslea nói, dù Bắc Kinh chưa bao giờ hứa sẽ tới vòng đàm phán.

Sang thời ông Biden, việc đàm phán có thể có những đột phá mới, theo các nhà phân tích.

“Giờ đây ở Mỹ đã có ‘những người lớn trong phòng họp’”, bà Chernenko nói, vận dụng một thành ngữ ví von thông dụng ở Mỹ. “Vì vậy dù có nhiều mảng căng thẳng, đây có thể là mảng mà Moscow và Washington sẽ thỏa hiệp được để làm thế giới an toàn hơn một chút”.

Dù cả Washington và Moscow đều ngỏ ý hy vọng kết quả tốt đẹp trước ngày 5/2, ngày mà New START mãn hạn, vẫn chưa rõ cụ thể kết quả đó là gì.

“Đó là lúc mà Nga có thể tới bàn đàm phán với một danh sách dài những bất bình và đòi hỏi”, bà Chernenko cảnh báo.

Tags:
Những sai lầm tai hại khiến người bị đột quỵ não không thể qua khỏi

Những sai lầm tai hại khiến người bị đột quỵ não không thể qua khỏi

Trời rét là yếu tố thúc đẩy nhóm bệnh nhân bị đột quỵ, đặc biệt là chảy máu não, bệnh nhân có cơn tăng huyết áp kịch phát.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất