Quà Giáng sinh - Bài viết mang đậm tính nhân văn, cực kì xúc động của 1 con người xa xứ

Chị không để ý rằng mình đã mang đến cho nhiều người món quà Giáng sinh quý giá, cho cả người sống, người đã khuất. (Phạm Trang, Nga)

08:34 07/06/2023

Tôi biết chị trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, khi vụ cháy ở Egorev cướp đi sinh mạng của 14 công nhân xưởng may. Theo lời giới thiệu của mọi người, chị có nhiều kinh nghiệm trong việc lo giấy tờ, thủ tục cho người mất. Khi đó cả cộng đồng chung tay vào lo việc tang ma, có kẻ ác miệng còn bảo: "Bà ấy chuyên nghề 'dịch vụ' ở chợ, không khéo lại bớt xén tí tiền".

Gặp chị, mọi điều hồ nghi trong tôi tan biến. Một người phụ nữ luống 50 với gương mặt đôn hậu và nụ cười hiền, đôi mắt sáng giữ lại nét đẹp thời con gái trên gương mặt đã đen sạm vì nắng gió. Chị tận tình đi với tôi nhiều lần xuống tận bệnh viện, rành rẽ giảng giải cho tôi nghe các thủ tục cần thiết, cách làm sao cho chi phí thật rẻ mà mọi việc vẫn chu toàn cho người đã khuất. Thấy tôi có ý ngạc nhiên, chị chỉ cười bảo: "Mọi người cứ nhờ mãi rồi đâm quen việc em ạ".

Những chuyến đi rong ruổi lên xuống Egorev làm cho hai chị em tôi đâm ra thân nhau. Chị kể về ngày tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, rồi duyên số đưa chị đến nước Nga làm phiên dịch đội lao động thời Liên Xô cũ. Câu chuyện chị kể mấy mươi năm chị lăn lộn ở nước Nga cứ nhẹ tênh như một chuyến dạo chơi nhàn hạ, nhưng bàn tay chị gầy guộc, nổi gân xanh với những làn da sạm khô cằn có vẻ như đang tố cáo những điều ngược lại.

Chị không thành "soái" như nhiều người cùng thời ở Nga, nhưng chị tự mình nuôi dưỡng các con nên người và có được một căn phòng nhỏ để mẹ con "chui ra, chui vào".

"Mình cũng đã sướng hơn nhiều người lắm. Mình không có số đi buôn làm giàu, thì đủ sống lo cho con với cái vốn tiếng Nga là mừng rồi em ạ", chị cười mãn nguyện sau câu nói.

Chị xin học cho trẻ con, dẫn người đi bệnh viện, đi phiên dịch lúc cần thiết. Cả ngày chị như như con quay. Mỗi lần gặp chị là mỗi lúc tôi lại có chuyện nhờ chị, những chuyện mà tôi gần như chẳng còn thể nhờ ai, những chuyện chết chóc, bệnh hoạn của những con người cùng khổ, những công việc không hứa hẹn mang đến tiền bạc và danh vọng. Nào là công nhân xưởng may bị té ở cách Moskva gần cả trăm cây số mà không tìm thấy chủ xưởng, nào là cháy ở vườn rau làm một người thiệt mạng, nào là một cô gái xấu số, không thân nhân bị khai sai tên khi mất vì một chứng bệnh đáng sợ... Chỉ nghe kể sơ qua thì hầu như ai cũng đã lắc đầu thoái thác, chỉ có chị luôn nhận lời tôi một cách nhiệt thành.

Nhiều lúc tôi chưa kịp chuyển cho chị số tiền hỗ trợ nạn nhân do cộng đồng quyên góp, chị cứ bỏ tiền túi đi đi về về, chầu chực ở các cơ quan công quyền hàng mấy ngày trời để lo cho xong công việc. Chị bảo chị làm "dịch vụ" cũng đủ sống, còn việc này là việc thiện, việc nghĩa, chị không tính công xá, lãi lời, hơn thiệt. Hóa đơn tiền xe chị đưa sau những chuyến "công tác" ra tít tắp vùng ngoại ô chỉ là những tấm vé tàu electrichka nhàu nhĩ. Có ai đếm được những chuyến tàu đêm muộn màng đưa chị trở về Moskva sau khi chị lặn lội đi giúp người cơ nhỡ ở những vùng lân cận.

Đêm nay cũng vậy, đêm Giáng sinh, ai cũng muốn về sớm bên gia đình. Vậy mà chị một mình bươn bả ở cánh đồng vùng ngoại ô. Tôi áy náy vô cùng vì đã không đi với chị, chị không cho tôi đi cùng khi biết tôi chưa nhận được hộ chiếu đang gia hạn. Hôm qua, trưởng phòng cảnh sát vùng ngoại ô Brotnhitsy gọi điện báo tin có một thanh niên người Việt đột tử trên đường khi đang đi cùng một thanh niên khác, cả hai đều không có tiền bạc, giấy tờ gì, người chết nằm nhà xác, người sống ngơ ngác ngồi trong đồn, cảnh sát rất cần người phiên dịch.

Gần cuối năm, đường vào đường ra thành phố tắc nghẽn, mới năm giờ chiều trời mùa đông đã tối om. Mãi đến gần 20h mới xong được thủ tục khai báo lần đầu ở đồn cảnh sát. Sếp đồn cảnh sát mừng rỡ gọi điện cảm ơn tôi vì đã tìm thấy khả năng giải quyết được một "gánh nặng" cuối năm, việc giấy tờ cho người đã khuất chắc cũng được hoàn tất trong nay mai. T., người thanh niên bị bắt nhìn chị như bà tiên có phép màu, sau vài giờ "đàm phán", cảnh sát cho chị bảo lãnh cậu ra dù cho cậu ta hoàn toàn không tí giấy tờ tuỳ thân nào. Sau cú sốc vì chứng kiến thảm cảnh bạn đột tử, lại bị uống nước cầm hơi liền mấy ngày trong đồn, T. lơ mơ, cũng chẳng biết đường nào để tự về vườn rau, nơi cậu làm việc. Chị lại lặn lội đón xe đưa T. về cánh đồng cách đồn cảnh sát thêm gần hai mươi cây số.

Chị đưa T. về tận xóm nhà kính của người Việt, nơi có hàng mấy trăm người Việt chui rúc tạm bợ trong mùa đông giá rét. Ai nấy đều mừng rỡ khi T. trở về, nhưng không ai có thể đưa chị quay ra chỗ đường sáng, bởi lẽ không một ai có giấy tờ, đêm đen xuống, cổng khoá, rào cao ngăn lại, cái nhà kính tối om ấy dồn chứa hàng trăm thân phận "vô hình" tồn tại, họ sống cũng như "không sống", chỉ le lói đổ bóng mình xuống những luống hành nồng nặc mùi u ám.

Tôi thấp thỏm chờ, trong đầu như nghe được tiếng gió rít qua đoạn đường chị đang một mình băng ngang. Tôi đã từng đến nơi ấy, một khoảng vắng tối tăm nằm ngoài rìa thị trấn ngoại ô nhỏ. Cũng lạ thật, lần nào làm đám tang cho ai, chị cũng từ chối vào phòng tang lễ đối diện với người mất, chị thường bảo tôi: "Em gan thật đấy, chị hãi lắm". Vậy mà chị lại dám đơn độc đêm hôm ở nơi đó. Tôi như nhìn thấy dáng chị nhỏ xíu, chậm bước nhưng vững vàng, thấp thoáng ẩn hiện trong bóng đêm.

Trên bầu trời rộng có những vì sao Giáng sinh lấp lánh, có ngôi sao nào cùng đi với chị? Có rất nhiều người đang vui cười quanh bàn tiệc đêm nay, có người hoá trang thành ông già Noel có phép màu. Vậy mà chị tôi, người khoác trên vai cả bầu trời đêm vẫn lặng lẽ nơi nào. Chị không để ý rằng mình cũng đã mang đến cho nhiều người món quà Giáng sinh quý giá, cho cả người chết, cả người sống, cho cả tôi, đứa em đang mong chuông điện thoại chị gọi như ngóng trông tiếng chuông đón Giáng sinh về.

Phạm Trang / vnexpress.net

Link nguồn: https://vnexpress.net/qua-giang-sinh-3227075.html

Tags:
NS Hồng Nga tuổi 75: 'Sống như ma quỷ con chẳng để ý', lật đật về Việt Nam ở với con dâu

NS Hồng Nga tuổi 75: "Sống như ma quỷ con chẳng để ý", lật đật về Việt Nam ở với con dâu

Mới đây, hình ảnh nghệ sĩ Hồng Nga ngồi hát trước cửa nhà trong một xóm nhỏ tại Sài Gòn đã được kênh YouTube chuyên chia sẻ về cuộc sống nghệ sĩ đăng tải. Hình ảnh nữ nghệ sĩ giản dị, ngân nga câu hát cải lương khiến không ít người nhớ lại một thời quá khứ huy hoàng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất