Quách Văn Quý - tỷ phú lưu vong ở Mỹ bị nghi làm gián điệp cho Bắc Kinh
Tỷ phú Trung Quốc Quách Văn Quý bị nghi là gián điệp của Bắc Kinh dù thường xuyên đăng các bài viết và thông điệp chống Bắc Kinh.
21:30 26/07/2019
Tỷ phú bất động sản Trung Quốc Quách Văn Quý (Guo Wengui), còn được biết đến với tên gọi Miles Kwok, đào tẩu sang Mỹ cách đây 4 năm sau khi một đối tác của ông bị bắt về tội tham nhũng. Quách là một trong những gương mặt bị truy nã gắt gao nhất Trung Quốc vì hàng loạt tội danh, bao gồm hối lộ và cưỡng dâm. Quách nói ông vô tội và cho rằng các cáo buộc trên mang động cơ chính trị.
Tỷ phủ Trung Quốc Quách Văn Quý, người đang sống lưu vong ở New York. Ảnh: Reuters. |
Quách từ lâu tự quảng bá bản thân như là một tiếng nói bất đồng chính kiến bị chính phủ Trung Quốc săn lùng bởi ông phản kháng vai trò cầm quyền của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Quách đang xin tỵ nạn chính trị tại Mỹ và được cho là đã thoát khỏi lệnh trục xuất của chính quyền sau khi Tổng thống Donald Trump biết ông là thành viên câu lạc bộ Mar-a-Lago ở nam Florida. Câu lạc bộ này thuộc sở hữu của ông chủ Nhà Trắng.
Nhưng theo hồ sơ trong đơn kiện nộp lên tòa án liên bang ở New York mới đây, Quách lại chính là gián điệp làm việc cho chính phủ Trung Quốc.
"Quách là kẻ săn lùng những người bất đồng chính kiến chống chính phủ Trung Quốc, một nhà tuyên truyền kiêm điệp viên phục vụ nhà nước Trung Quốc và đảng Cộng sản Trung Quốc", nội dung hồ sơ đơn kiện nộp lên tòa án hôm 19/7 của công ty nghiên cứu Strategic Vision US ở Arlington, bang Virginia, có đoạn.
Những nghi vấn về việc Quách là gián điệp của Trung Quốc xuất hiện trong vụ tranh chấp hợp đồng giữa công ty Eastern Profit ở Hong Kong và công ty nghiên cứu Strategic Vision US. Thông qua luật sư, Quách bác bỏ tất cả các cáo buộc và tuyên bố chúng "không đáng tin cậy".
Trong thông báo phản hồi các câu hỏi từ báo Miami Herald về đơn kiện của Strategic Vision US, Daniel Podhaskie, luật sư đại diện cho Quách viết: "Đơn kiện này là về vụ tranh chấp hợp đồng giữa Eastern Profit và Strategic nhưng Strategic giờ đây lạm dụng đặc quyền kiện tụng để phỉ báng ông Quách". Podhaskie cho rằng hành động phỉ báng nêu trên là nhằm trả đũa sau khi đơn phản kiện của Strategic Vision US bị bác bỏ.
Theo Podhaskie, việc hàng chục tài sản của Quách bị phong tỏa tại Trung Quốc là bằng chứng cho thấy ông không làm việc cho đảng Cộng sản Trung Quốc.
Eastern Profit, với Quách là người đại diện, đã thuê Strategic Vision US hồi năm ngoái để điều tra thông tin tài chính, mạng xã hội và chi tiết đi lại của 15 cá nhân Trung Quốc đang hoạt động tại Mỹ trong một hợp đồng trị giá 9 triệu USD. Quách cho rằng những cá nhân này có liên quan đến các quan chức cấp cao Trung Quốc.
Tuy nhiên, Eastern Profit cáo buộc Strategic Vision US không cung cấp thông tin chuyên sâu về 15 người Trung Quốc được yêu cầu theo dõi sau khi đã nhận khoản đặc cọc ban đầu một triệu USD cho dịch vụ "nghiên cứu tận gốc chất lượng cao" như cam kết. Eastern Profit yêu cầu Strategic Vision US hoàn trả số tiền đặt cọc với lý do vi phạm hợp đồng.
Theo đơn kiện, bà French Wallop, giám đốc điều hành Strategic Vision US, bị Eastern Profit cắt hợp đồng điều tra hồi tháng 2/2018 vì công ty này chỉ cung cấp các thông tin về các mục tiêu điều tra mà phần lớn đều đã được công bố rộng rãi.
Đơn phản kiện của Strategic Vision US hôm 19/7 cho biết thông tin của 15 cá nhân này được Mỹ xếp vào dạng "hồ sơ được bảo vệ". Chuyên gia nhận định những cá nhân nước ngoài được bảo vệ dữ liệu như vậy có thể đang hỗ trợ công việc của chính phủ Mỹ.
Strategic Vision US kết luận Quách muốn tìm kiếm thông tin của những người Trung Quốc có khả năng đang hỗ trợ chính phủ Mỹ trong các cuộc điều tra an ninh quốc gia hoặc liên quan đến các vấn đề nhạy cảm khác. Công ty nhấn mạnh "Quách chưa bao giờ có ý định sử dụng kết quả điều tra của Strategic Vision US để chống lại đảng Cộng sản Trung Quốc".
Strategic Vision US khẳng định Quách thực sự là gián điệp cho chính phủ Trung Quốc và đã nói dối về câu chuyện của ông ngay từ ban đầu. Công ty cũng cáo buộc Quách đã đưa cho họ một USB chứa mã độc.
"Các bằng chứng cho thấy Quách bị bắt ở Trung Quốc vào ngày mà ông tuyên bố nhập cảnh vào Mỹ hồi đầu năm 2015 và ông ta đã chuyển hàng trăm triệu USD qua lại giữa Trung Quốc và Mỹ trong nhiều năm sau khi nhà chức trách Trung Quốc được cho là đã tịch thu các tài sản của ông ta. Mặt khác, Quách cũng sử dụng hàng loạt vụ kiện để tạo ra các cuộc tranh cãi giả tạo chống chính phủ Trung Quốc, đồng thời nộp rất nhiều đơn kiện thực sự chống lại những nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc để hủy hoại uy tín của họ và khiến họ khánh kiệt tài chính", Edward Greim, luật sư của Strategic Vision US viết trong một thông báo gửi đến tờ Miami Herald.
Các cáo buộc chống lại Quách được đưa ra giữa lúc FBI đang tiếp tục điều tra nghi án gián điệp của Trung Quốc tại câu lạc bộ Mar-a-Lago. Hồi tháng ba, Yujing Zhang, một công dân Trung Quốc 33 tuổi, bị bắt và khởi tố về tội xâm nhập bất hợp pháp, lừa dối đặc vụ FBI sau khi cô ta tìm cách lẻn vào vào câu lạc bộ Mar-a-Lago và nêu nhiều lý do khác nhau để che đậy ý đồ thực sự của mình. Theo nhà chức trách, khi bị bắt, Zhang mang theo hàng loạt thiết bị điện tử, trong đó có một USB có chứa mã độc.
Các thượng nghị sĩ đang kêu gọi nhà chức trách liên bang thẩm định những rủi ro an ninh tiềm tàng của Mar-a-Lago với tư cách một câu lạc bộ cao cấp, nơi phí thành viên lên đến 200.000 USD, cho phép thành viên tiếp cận gần như không hạn chế đối với dinh thự riêng của Tổng thống Trump tại nam Florida.
Hồi tháng 12/2018, Quách bị chụp hình lúc đang có mặt ở Mar-a-Lago và đi dạo quanh khuôn viên của câu bộ với một con chó nhỏ màu trắng.
Thời điểm đó, Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump và các thành viên khác trong gia đình Trump đang tất bật ra vào câu lạc bộ để dự các sự kiện khác nhau đón chào lễ Giáng sinh.
Bức hình cho thấy Quách dắt chó đứng cạnh một phụ nữ gần đê chắn sóng ở câu lạc bộ Mar-a-Lago . Nó được chụp bởi Claude Taylor, một nhà hoạt động chống Trump, khi Taylor đang lái thuyền trên kênh Intracoastal gần đó.
Khi Taylor chụp hình Quách, tỷ phú này cũng chụp chiếc thuyền của Taylor. Không lâu sau, Taylor đăng nhập vào Wifi dành cho khách của câu lạc bộ Mar-a-Lago và nhận được một thông tin liên lạc từ câu lạc bộ. Thông tin này gồm bức ảnh chụp Quách đọc báo trong câu lạc bộ Mar-a-Lago và một hình ảnh khác cho thấy ông đang đứng với hậu cảnh là chiếc thuyền của Taylor.
"Quách muốn thật nhiều người biết ông ta là một thành viên uy tín của câu lạc bộ Mar-a-Lago", Taylor nói.
Tuy nhiên, Podhaskie, luật sư của Quách, nhấn mạnh "ông là nhà bất đồng chính kiến bị Trung Quốc truy nã gắt gao nhất trên thế giới và cũng là người chỉ trích chính phủ Trung Quốc mạnh mẽ và thẳng thắn nhất kể từ khi đến Mỹ".
Chính phủ Trung Quốc rõ ràng đã rất nỗ lực để đưa Quách trở về nước. Ngày 24/5/2017, một số quan chức Trung Quốc đã đến căn penthouse trị giá 67 triệu USD của Quách ở Manhattan để thuyết phục ông từ bỏ cuộc vận động chống Trung Quốc và quay về.
Tuy nhiên, các quan chức trên đến Mỹ bằng visa không cho phép thực thi công vụ và điều này dẫn đến cuộc tranh cãi ở hậu trường giữa FBI và Bộ Ngoại giao Mỹ về việc liệu có nên bắt họ khi họ rời Mỹ hay không. Cuối cùng, các lo ngại của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng vụ bắt sẽ gây ra một biến cố ngoại giao quốc tế đã thắng thế, giúp các quan chức Trung Quốc rời Mỹ an toàn.
Lúc bấy giờ, Chủ tịch Tài chính của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Steve Wynn, nhà tài phiệt casino, người bạn lâu năm của Trump và có các lợi ích kinh doanh ở đặc khu Macau, được cho là đã thay mặt chính phủ Trung Quốc trao tận tay một bức thư cho Trump đề nghị Mỹ trục xuất Quách về Trung Quốc. Tuy nhiên, Steve Wynn phủ nhận.
Theo tờ Wall Street Journal, Trump dường như đã sẵn sàng thực hiện đề nghị của Trung Quốc nhưng các trợ lý đã ngăn cản ông lại bằng cách tiết lộ rằng Quách là thành viên câu lạc bộ Mar-a-Lago.
Cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon (trái) chào đón tỷ phú Quách Văn Quý trước khi tham gia một cuộc họp báo chung ở New York hồi tháng 11/2018. Ảnh: AFP. |
Quách được biết đến như là một trong những tỷ phú lạ lùng nhất Trung Quốc với sự nghiệp nhuốm màu tranh cãi. Trang Facebook chính thức của Quách đăng nhiều video về các buổi tập luyện thể hình hàng ngày của ông cùng những nội dung chống đảng Cộng sản Trung Quốc. Một video gần đây ghi lại cảnh ông trao đổi với cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon về mối quan hệ Mỹ - Trung trong lúc dùng bữa tối.
Tại một cuộc họp báo hồi năm ngoái, Bannon thông báo ông sẽ tham gia nỗ lực của Quách nhằm phanh phui các vụ tham nhũng liên quan đến Trung Quốc trên toàn cầu. Quách và Bannon cáo buộc chính phủ Trung Quốc liên quan đến cái chết của tỷ phú Vương Kiện (Wang Jian ), cựu chủ tịch Tập đoàn HNA của Trung Quốc, người chết sau cú ngã hồi tháng 7/2018 khi ông trèo lên mỏm đá để chụp ảnh trong chuyến du lịch đến một làng quê ở Pháp.
Các nhà điều tra Pháp kết luận đây là tai nạn và khẳng định không có bằng chứng tự tử. Tuy nhiên, Quách tiết lộ ông đã tiến hành một cuộc điều tra riêng về cái chết của Vương và phát hiện không ít điểm bất thường, như việc việc các cận vệ dùng kim châm cứu trên mặt của Vương sau khi ông ngã. Quách và Bannon đã ra mắt Quỹ Thượng tôn pháp luật với mục đích thu thập các bằng chứng về những cái chết bất thường như trường hợp Vương.
Hồng Vân (Theo South China Morning Post)
Chuyện tình cựu Tổng thống Obama: Từ “gã – được – thổi – phồng” đến ông chủ Nhà Trắng và công cuộc tán tỉnh công phu của những người có EQ cao
“Nếu Barack tin là anh ấy có thể làm một điều gì đó trong chính trị, thì tôi là ai mà lại ngăn cản anh? Tôi là ai mà đạp đổ ý tưởng đó khi anh thậm chí còn chưa làm thử? Suy cho cùng, anh là người duy nhất đã vẫy gọi tôi tiến lên phía trước khi tôi muốn từ bỏ sự nghiệp luật sư của mình…