Quận Cam thay đổi ra sao trong mùa dịch COVID-19?
Lo lắng nhưng vẫn quan tâm mọi người và giúp đỡ cộng đồng là những điều mà nhiều người Việt Nam ở bang California, Mỹ đang làm để cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19.
02:30 17/04/2020
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ ngày 13-4 (giờ Việt Nam), chị Vy Hoàng, cư dân khu Phước Lộc Thọ ở quận Cam, chia sẻ cá nhân chị không thấy có thay đổi quá nhiều trong bối cảnh chính phủ Mỹ đang đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).
Chị Ngọc cùng gia đình tình nguyện may khẩu trang quyên góp cho các bệnh viện tại Sacramento và những khu vực khác trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Chị vẫn đi làm bán thời gian ở một tiệm thuốc tây, ba chị vẫn làm ở phòng mạch chuyên bốc thuốc đông y. Đường phố vắng hơn bình thường, nhưng một số người vẫn đeo khẩu trang đi tập thể dục.
Đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài
Hàng quán trong khu Phước Lộc Thọ đóng cửa gần hết, những quán mở cửa chỉ bán mang về. Hiện tại mẹ chị Vy đi chợ phải đeo khẩu trang và bao tay.
Chị cho biết chương trình học ngành y tá của chị đã được chuyển sang trực tuyến. Khách đến hiệu thuốc chỗ chị làm giờ không vào trong mà chỉ đứng ngoài cửa, nộp đơn thuốc và chờ giao thuốc ngay tại chỗ, không cần ký tên để báo cho bên bảo hiểm như trước đây.
Chị Vy cũng cảm thấy lo lắng trước tình hình của dịch bệnh ở Mỹ. "Hồi chưa có gì nhiều, tôi vẫn tin tưởng vào hệ thống y tế Mỹ, nhưng giờ nghe bạn làm y tá nói không có đủ đồ để dùng nên cũng lo. Mọi thứ xảy ra quá nhanh" - chị chia sẻ. Dù vậy, chị cho rằng chính phủ Mỹ cũng đang rất cố gắng và làm tốt trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Chị Vy ước chừng đến 95% người trong khu chị sống đều đeo khẩu trang khi ra ngoài. Người gốc Việt bên Mỹ rất chịu khó làm việc và hay tích cóp, dành dụm nên hiện giờ người chị biết đều chưa đến mức quá khó khăn.
Một cặp vợ chồng chị quen đã nghỉ việc ở nhà được khoảng 1 tháng vì nhà hàng và tiệm nail đóng cửa. Họ chuyển sang bán đồ ăn trực tuyến để kiếm thêm thu nhập lo cho đứa con nhỏ. Hai người bạn khác của chị thì dự kiến nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tháng 4 sau khi hãng xe họ làm đã cho nhân viên nghỉ việc.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, chị Ngọc Nguyễn, chủ một tiệm nail ở thành phố Sacramento, cho biết tiệm của chị đã đóng cửa từ ngày 19-3 theo lệnh của chính phủ Mỹ. Lúc đầu chính phủ nói là đóng cửa đến 1-4, nhưng nay kéo dài đến 1-5.
Chị Ngọc nói muốn mở cửa làm ăn cũng khó, vì "không có khách, mà thợ sợ bệnh nên cũng không dám đi làm". Đóng cửa tiệm đồng nghĩa với việc không có thu nhập, chị Ngoc cho biết chính quyền có các chương trình xin giảm tiền thuê cho tiệm nhưng chỉ cho tạm thời không trả trong vòng 3 tháng và đến tháng thứ 4 sẽ phải trả hết 4 tháng, nên cũng không giúp được gì.
Chính phủ cũng có thêm chương trình cho vay nợ lên đến 10.000 USD để hỗ trợ chủ doanh nghiệp trả lương cho thợ và không được dùng vào việc khác, có thể không cần trả lại nếu đơn xin được chấp thuận. Chị Ngọc cho biết đã nộp đơn xin hỗ trợ nhưng không biết có được hay không, vì có rất nhiều người xin và hệ thống đang quá tải.
Chị Ngân Ngô, cũng sống tại Sacramento, cho biết những ngành nghề cần thiết vẫn phải mở cửa nhưng đã có những điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu ở yên tại nhà của chính quyền địa phương. Chồng chị vẫn đi làm ở tiệm giặt ủi trong khu chợ gần nhà, nhà hàng vẫn mở cửa nhưng thời gian mở cửa ít hơn và chủ yếu là dành cho những người mua mang về.
Nhà chị cũng thay đổi thói quen chợ búa, mua nhiều thực phẩm về trữ hơn để hạn chế ra đường. "Ở chợ bây giờ nhân viên phải đeo bao tay với khẩu trang. Khách cũng phải đeo khẩu trang mới cho vô cửa, chủ yếu ở khu chợ Việt, còn chợ Mỹ thì kêu gọi nhưng không bắt buộc đeo khẩu trang" - chị Ngân cho biết.
Ngoài ra, cả chị Ngân và chị Ngọc đều cho biết từ ngày 13-4 (giờ Mỹ), chính phủ sẽ bắt đầu gửi tiền hỗ trợ cho người dân, bao gồm tiền trợ cấp thất nghiệp dựa theo thu nhập trong vòng 6 tháng, hỗ trợ 600 USD/tuần trong 3 tháng (của chính quyền bang) và 1.200 USD cho mỗi người lớn, 500 USD cho mỗi em bé (của chính phủ liên bang) nên cũng đang mong ngóng.
Số tiền hỗ trợ trên sẽ giúp họ chi trả phần nào tiền nhà, điện, nước, gas và tiền bảo hiểm hằng tháng.
May khẩu trang quyên góp cho bệnh viện
Chị Ngân cho biết vì khẩu trang và bao tay đang thiếu nên nhiều người trong khu chị sống cũng tự may khẩu trang vải ở nhà, dư thì quyên góp cho bệnh viện.
Trong khi đó, chị Ngọc chia sẻ chị đã tham gia vào "Face Mask Makers with Love" - một nhóm do các nhân viên y tế lập trên Facebook, để may khẩu trang quyên góp cho các bệnh viện, trường học... Nhóm này đã hoạt động khoảng hơn 1 tháng, với hơn 1.400 thành viên.
"Vì mình rảnh, không muốn lãng phí thời gian nên dùng thời gian đó để làm việc có ích", chị Ngọc chia sẻ. Chị cũng kêu gọi mẹ và các cô tham gia. "Mấy cô nhà Ngọc cũng mua máy may về may", chị kể.
Ai có khả năng thì mua vải về may, không thì dùng vải của những người quyên góp. Sau đó sẽ có tình nguyện viên đến nhà để thu gom khẩu trang, chuyển cho doanh nghiệp tình nguyện giặt ủi cho hợp vệ sinh trước khi đóng gói chuyển đi.
"Linh mục nhà thờ Ngọc hay đi lễ nói hay lắm, rằng mùa dịch khuyến khích rửa tay chứ đừng phủi tay với nhân loại", chị chia sẻ. Chị đang học y tá nên cũng có ý định xin tình nguyện đến giúp đỡ thêm các viện dưỡng lão ở địa phương.
Tính đến sáng 13-4 (giờ Việt Nam), Mỹ đã ghi nhận 560.433 ca COVID-19, trong đó 22.115 ca tử vong. Riêng tại bang California có 23.287 ca nhiễm và 681 ca tử vong, đứng thứ 5 trong số những bang có nhiều ca nhiễm nhất nước Mỹ.
Link nguồn: https://tuoitre.vn/quan-cam-thay-doi-ra-sao-trong-mua-dich-covid-19-20200413152053917.htm
Đàn ông Mỹ đổ xô đi gửi tinh trùng vì sợ Covid-19
Không chỉ lo nhiễm bệnh, đàn ông Mỹ còn sợ đại dịch sẽ hủy hoại khả năng di truyền của họ nên đổ xô đi đông lạnh tinh trùng.