Quan chức Mỹ lạm quyền, lừa công chúng để bảo vệ TT Trump và câu chuyện về lòng trung thành trong Nhà Trắng

Bộ trưởng thương mại Mỹ cảnh cáo cơ quan dự báo thời tiết vì đã nói sự thật trong các bản tin dự báo thời tiết. Tất cả chỉ để sếp của ông ta - Tổng thống Donald Trump hài lòng.

07:00 13/09/2019

Một câu chuyện hy hữu trong quá trình hành pháp vừa xảy ra ở nước Mỹ. Khi mà các nhà khoa học bị đe dọa đuổi việc do họ đã nói lên sự thật. Oái oăm thay, sự thật này lại đi ngược lại với những gì Tổng thống của họ đã khẳng định. Điều gì sẽ xảy ra nếu những mục đích chính trị được đặt lên trên sự thật?

Chúng tôi xin lược trích bài báo trên tờ New York Times với tựa đề "Wilbur Ross và cuộc chiến chống lại sự thật của Trump".

Cơn bão Dorian: Tweet của Tổng thống và Thông báo không đóng dấu

Ngày 1 tháng 9, ông Trump đã tweet một cảnh báo đến cư dân của một số bang, có cả Alabama, rằng rất có thể họ sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn nhiều so với dự đoán về cơn bão. Một vài phút sau, trả lời các câu hỏi từ những người dân Alabama, văn phòng Dịch vụ thời tiết quốc gia ở Birmingham đã đưa ra thông báo rằng: "Họ không thấy có bất kỳ ảnh hưởng nào từ cơn bão Dorian cả"!

Từ đây, giông bão cấp 12 bắt đầu ập đến Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ NOAA.

Ngày thứ Hai 9/9, Thời báo Times đưa tin, ngay trong tuần từ 1 - 7/9, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross đã đe dọa sa thải các quan chức tại NOAA. Lý do rất ấn tượng. Không phải vì năng lực của họ quá tệ mà bởi vì họ đã làm tốt công việc của mình.

Ông Bộ trưởng này không hài lòng chút nào vì các nhà khoa học tại Trung tâm Dịch vụ thời tiết quốc gia trực thuộc NOAA, đã đưa ra dự báo mâu thuẫn với cảnh báo trước đó của Tổng thống Trump về cơn bão Dorian. Tuy nhiên, các nhà khoa học ở NOAA lại đang nói lên sự thật. Và cảnh báo của ông tổng thống trở nên sai lệch hoàn toàn. Từ đây, dư luận nhìn thấy đang tồn tại một sự lạm dụng quyền lực nhằm mục đích đánh lừa công chúng để bảo vệ cho tổng thống.

Khi mà các nhà khoa học cố gắng ngăn chặn sự lan truyền thông tin sai lệch về một thảm họa tự nhiên, cần phải được coi là họ đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Một quan chức Nhà Trắng cho rằng việc đính chính thông tin chính là hành động khôn ngoan trong nỗ lực để lấy lại thể diện cho tổng thống.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã lại dành nhiều ngày sau đó chỉ để chứng minh rằng mình đúng. Một cảnh tượng được NYT miêu tả là "đáng xấu hổ" đã diễn ra trong cuộc họp báo vào ngày 4/9. Tại đó ông Trump đã trình chiếu một biểu đồ hiển thị dải đất Alabama trên con đường cơn bão Dorian di chuyển. Đáng tiếc, đây là biểu đồ mà ngay sau đó, bị phát hiện là đã bị chỉnh sửa một cách vụng về bằng Sharpie, một loại bút vẽ chuyên dụng của Mỹ. Và khi sự chế nhạo trở bị đẩy thành cao trào thì Nhà Trắng đã có những quyết sách khá nghiêm túc.

The Times đã lần theo nhiều nguồn tin để thấy rằng, Bộ trưởng Ross đã hoãn chuyến công du được lên lịch sẵn của ông đến Hy Lạp vào thứ Sáu ngày 6/9, để dành thời gian ra lệnh cho các quan chức hàng đầu tại NOAA, đơn vị trực thuộc Bộ Thương mại, tìm cách khắc phục thông tin rằng cơ quan này đã mâu thuẫn với ý kiến của Tổng thống. Khi ông Neil Jacobs, một quan chức đứng đầu của NOAA phản đối sự chỉ đạo này, ông Ross đã đe dọa sa thải các nhà quản lý cấp cao của NOAA.

Vài giờ sau, NOAA đã đưa ra một tuyên bố không dấu với nội dung chê trách văn phòng ở Birmingham và khẳng định rằng Tổng thống đã đúng. Vấn đề tưởng như được giải quyết ổn thỏa.

Quan chức Mỹ lạm quyền, lừa công chúng để bảo vệ TT Trump và câu chuyện về lòng trung thành trong  - Ảnh 3.

Cảnh tượng "đáng xấu hổ" khi Tổng thống Trump sử dụng một biểu đồ hiển thị dải đất Alabama trên con đường cơn bão Dorian di chuyển được chỉnh sửa vụng về. Ảnh: AFP

Các nhà khoa học lên tiếng

Không chấp nhận sự can thiệp mang yếu tố chính trị vào nghiên cứu khoa học, các cựu quan chức và cả những lãnh đạo đương nhiệm của NOAA, cùng với các nhà khí tượng học bắt đầu phản đối.

Tại một hội nghị hôm thứ Hai 9/9, giám đốc Dịch vụ thời tiết quốc gia Louis Uccellini, đã ca ngợi văn phòng Birmingham vì đã ủng hộ tính toàn vẹn của quá trình dự báo. Craig McLean, một nhà khoa học cao cấp của NOAA cũng ngay lập tức mở một cuộc điều tra đánh giá liệu các kết quả khoa học của cơ quan này có bị chính trị dung túng.

Trong mục Góc nhìn của tờ Washington Post hôm thứ Hai, ba cựu quan chức của NOAA đã hoan nghênh quyết định của ông này. Họ khẳng định: "một dự báo hoặc cảnh báo chịu ảnh hưởng bởi chính trị sẽ làm suy yếu niềm tin của cộng đồng, và mất đi khả năng phản ứng nhanh, hiệu quả trong các trường hợp có thể đe dọa đến tính mạng người dân". Và "dự báo thời tiết không được phép chịu ảnh hưởng từ chính trị".

NYT cho rằng, đặt chính trị lên trên khoa học đã trở thành quy trình hoạt động chuẩn mực dưới thời chính quyền Tổng thống Trump.

Từ những rủi ro sức khỏe trong hoạt động khai thác than cho đến tác động của biến đổi khí hậu gây nguy cơ lên an ninh quốc gia… Ông Trump luôn tỏ thái độ "thù địch" với bất kỳ nghiên cứu nào không phù hợp với lợi ích chính trị hoặc quan điểm của ông. Chính quyền của ông đã hết lần này đến lần khác đàn áp và kiểm duyệt dữ liệu khiến các nhà khoa học phải khiếu nại hoặc từ chức để phản đối. Ở nước Mỹ lúc này, các nghiên cứu đã bị trật bánh, các nhà khoa học được tái chỉ định và các ban cố vấn đã bị giải tán.

Nhà Trắng đã phủ nhận thông tin Bộ trưởng Ross đe dọa sẽ sa thải bất cứ ai tại NOAA, nhưng những tranh cãi thì vẫn sẽ tiếp tục. Ông Don Beyer, một đảng viên Dân chủ từ Virginia, đã kêu gọi Bộ trưởng từ chức. Đồng thời tuyên bố các cuộc tấn công trực tiếp của ông vào các nhà khoa học và nhân viên liên bang cho thấy một bộ mặt đáng xấu hổ của các thành viên trong nội các chính phủ, những người không đủ năng lực chưa từng có trong lịch sử.

Lúc này, người Mỹ đang tranh luận về "lòng trung thành". Thực tế ở Mỹ, lòng trung thành là một đặc điểm có giá trị của mọi nhân viên. Nhưng các thành viên của chính quyền Trump dường như đã quên rằng họ làm việc cho - và lòng trung thành của họ thuộc về - người dân Mỹ. Họ cần phục vụ lợi ích công chúng, chứ không phải làm việc vì bản ngã của tổng thống.

theo Trí Thức Trẻ

Tags:
Trung Quốc mạnh tay chấm dứt tình trạng hàng nhái, hàng giả vì... ông Trump?

Trung Quốc mạnh tay chấm dứt tình trạng hàng nhái, hàng giả vì... ông Trump?

Theo Hãng tin Kyodo, do bị Tổng thống Trump liên tục thúc giục phải chấn chỉnh các hành vi kinh doanh bị cáo buộc là không công bằng, Bắc Kinh có thể phải mạnh tay hơn để tháo bỏ "thiên đường hàng nhái".

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất