Quyền bình đẳng về cơ hội làm việc tại Hoa Kỳ
Chánh phủ liên bang Hoa Kỳ có những đạo luật về quyền bình đẳng trong vấn đề việc làm, nhằm giúp cho một số người trong hoàn cảnh nào đó được xem là thành phần được bảo vệ (protected class) không thể bị kỳ thị về cơ hội làm việc trên đất Mỹ, từ giai đoạn tuyển dụng, trong thời gian làm việc, hay khi bị sa thải.
05:03 05/07/2017
Thành phần được bảo vệ bởi các luật lệ này bao gồm những ai bị kỳ thị vì giới tính, chủng tộc, màu da, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia, trên 40 tuổi, bị khuyết tật hay sức khoẻ yếu kém.
Ủy Ban Cơ Hội Làm Việc Bình Đẳng (Equal Employment Opportunity Commission – EEOC) là cơ quan thuộc chính quyền liên bang Hoa Kỳ có trách nhiệm áp dụng các luật lệ căn bản sau đây nhằm cấm tình trạng kỳ thị và sách nhiễu trong vấn đề việc làm:
– Khoản VII của Luật Dân Quyền ban hành năm 1964 (Title VII of the Civil Rights Act of 1964) chống kỳ thị trong việc làm dựa vào giới tính, chủng tộc, màu da, tôn giáo, hoặc nguồn gốc quốc gia;
– Luật Lương Bổng Đồng Đều ban hành năm 1963 (The Equal Pay Act of 1963 – EPA) bảo vệ cho nam và nữ làm những việc nói chung là giống nhau trong cùng một nơi, không thể bị kỳ thị về lương bổng vì giới tính;
– Luật Kỳ Thị Tuổi Tác Trong Việc Làm ban hành năm 1967 (The Age Discrimination in Employment Act of 1967 – ADEA) bảo vệ cho người từ 40 tuổi trở lên không thể bị kỳ thị trong việc làm vì lớn tuổi;
– Khoản I của Luật Người Mỹ Bị Khuyết Tật ban hành năm 1990 (Title I of the American with Disability Act of 1990 – ADA) cấm kỳ thị trong vấn đề việc làm đối với những cá nhân có khả năng nhưng bị khuyết tật; và
– Luật Dân Quyền ban hành năm 1991 (The Civil Rights Act of 1991) quy định vấn đề bồi thường thiệt hại về tiền bạc trong trường hợp cố tình kỳ thị trong việc làm.
Nói chung, cơ quan EEOC có trách nhiệm thi hành các đạo luật của chính phủ liên bang Hoa Kỳ về sự bình đẳng trong cơ hội làm việc, nhằm ngăn cấm sự kỳ thị trong mọi khía cạnh liên quan đến việc làm, bao gồm việc tuyển dụng, sa thải, trả lương, chỉ định việc làm, thuyên chuyển, thăng thưởng, giảm hoặc tăng giờ làm việc, tái tuyển dụng, v.v…, cho tới những phúc lợi phụ, chương trình về hưu, nghỉ phép, hoặc bất cứ đòi hỏi hoặc điều kiện làm việc nào khác.
Các đạo luật của chánh quyền liên bang về sự bình đẳng trong cơ hội làm việc cũng cấm việc sách nhiễu tình dục và các hình thức sách nhiễu khác tại nơi làm việc dựa trên chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia, khuyết tật, tuổi tác, hoặc kỳ thị phụ nữ trong lúc mang thai. Các luật này cũng ngăn cấm mọi hình thức trả thù người phản đối hay đứng ra tố giác các vụ kỳ thị, hay đã làm chứng hoặc tham gia vào cuộc điều tra về những hành động kỳ thị trong việc làm.
Tuy nhiên, cũng cần biết rằng EEOC chỉ giới hạn trách nhiệm thực thi các luật chống kỳ thị việc làm trong lãnh vực tư nhân và các cơ quan chánh quyền cấp tiểu bang và địa phương mà thôi, dầu rằng những luật lệ chống kỳ thị trong việc làm vừa kể trên đây cũng được áp dụng chung cho các cơ quan liên bang. Muốn có thêm thông tin trong việc thực thi các luật chống kỳ thị về việc làm trong lãnh vực cấp liên bang, xin liên lạc với văn phòng Cơ Hội Làm Việc Bình Đẳng (EEO) tại cơ quan liên bang nơi xảy ra sự kỳ thị.
* Giới hạn áp dụng của luật liên bang cấm kỳ thị trong việc làm
Các đạo luật bình đẳng về cơ hội làm việc của chánh phủ liên bang do EEOC thi hành cũng có một số giới hạn trong việc áp dụng.
Hiện nay, tất cả chủ nhân các hãng xưởng hoặc doanh nghiệp trong lãnh vực tư, các chính quyền tiểu bang và địa phương, và trường học có từ 15 công nhân viên trở lên, bắt buộc phải tuân hành Khoản VII của Luật Dân Quyền 1964 và Khoản I của Luật Người Mỹ Bị Khuyết Tật năm 1990 – ADA, nghĩa là không được phép kỳ thị trong việc làm dựa vào chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, hoặc nguồn gốc quốc gia; và không được kỳ thị việc làm đối với những cá nhân có khả năng nhưng bị khuyết tật.
Luật Kỳ Thị Tuổi Tác Trong Việc Làm 1967 – ADEA (bảo vệ mọi người nam nữ từ 40 tuổi trở lên trong trường hợp bị kỳ thị việc làm vì tuổi tác) được áp dụng cho tất cả chủ nhân các doanh nghiệp trong lãnh vực tư, các chính quyền tiểu bang và địa phương, và trường học có từ 20 công nhân viên trở lên.
Ngoài ra, các cơ quan giới thiệu việc làm, các nghiệp đoàn lao động, các chương trình thực tập hoặc huấn nghệ, cũng phải tuân hành các luật vừa kể trên.
Riêng về Luật Lương Bổng Đồng Đều năm 1963 – EPA (cấm trả lương không đồng đều dựa trên giới tính) được áp dụng cho tất cả các cơ quan và doanh nghiệp, không phân biệt số công nhân viên làm việc.
* Luật cấm kỳ thị trong việc làm dựa trên tình trạng di trú
Ngoài các luật cấm kỳ thị trong việc làm do EEOC thi hành, Bộ Tư Pháp của chánh phủ liên bang Hoa Kỳ cũng có bộ phận đặc trách thi hành một số điều khoản của bộ luật di trú (Immigration and Nationality Act § 274B, 8 U.S.C. § 1324b.), nhằm ngăn cấm sự phân biệt đối xử dựa trên nguồn gốc quốc gia khi thuê mướn, giới thiệu, tuyển dụng, hay sa thải đối với công dân Hoa Kỳ hoặc ngoại kiều có quyền lao động tại Hoa Kỳ, bao gồm những thường trú nhân, di dân và người tị nạn.
********
* Luật cấm kỳ thị trong việc làm do tiểu bang ấn định
Cùng với các đạo luật của chính phủ liên bang cấm kỳ thị trong việc làm như đã nói trên, mỗi tiểu bang tại Hoa Kỳ cũng có đặt ra những bộ luật liên quan đến vấn đề này, được áp dụng song hành với các luật của chánh phủ liên bang. Và mỗi tiểu bang đều có cơ quan đặc trách vấn đề kỳ thị trong việc làm, phối hợp với văn phòng EEOC tại địa phương để thi hành các đạo luật bình đẳng về cơ hội làm việc.
Tại California, Cơ Quan Công Bằng về Việc Làm và Gia Cư (Department of Fair Employment and Housing – DFEH) có trách nhiệm thi hành các điều khoản của bộ luật “The California Fair Employment and Housing Act,” là luật của tiểu bang ngăn cấm các hình thức kỳ thị trong việc làm và gia cư. Vì California là nơi sinh sống của rất nhiều người thuộc các sắc dân thiểu số – là thành phần nằm trong giới được bảo vệ (protected class) theo luật chống kỳ thị về việc làm của liên bang – luật chống kỳ thị trong việc làm và gia cư của California do đó mà rất gắt gao. Có những sự kiện không bị xem là hành động kỳ thị bởi luật liên bang, nhưng là bất hợp pháp theo luật chống kỳ thị trong việc làm và gia cư của tiểu bang California.
* Những hình thức kỳ thị thường xảy ra trong vấn đề việc làm
Kỳ thị về nguồn gốc quốc gia, chủng tộc, màu da: Đây là hình thức kỳ thị bị ngăn cấm bởi Khoản VII của Luật Dân Quyền 1964. Kỳ thị bất cứ một ứng viên xin việc hay nhân viên đang làm việc vì nguồn gốc quốc gia cũng như chủng tộc, mầu da, tôn giáo và giới tính là bất hợp pháp. Không ai có thể bị từ chối cơ hội làm việc bình đẳng vì sinh quán, tổ tiên, văn hóa, hoặc vì đặc tính ngôn ngữ chung của một nhóm sắc tộc. Cơ hội làm việc bình đẳng cũng không thể bị từ chối vì kết hôn hoặc liên hệ với người thuộc một nhóm hay quốc gia nào đó; hoặc vì là hội viên hay có liên hệ với những nhóm sắc được chú ý; hay vì đi học hoặc tham gia vào những trường, nhà thờ hoặc đền chùa được coi là thuộc một nhóm nguồn gốc quốc gia; hoặc vì mang một tên họ thuộc nhóm nguồn gốc quốc gia nào đó.
Khoản VII của Luật Dân Quyền 1964 cũng ngăn cấm vấn đề sách nhiễu dựa trên nguồn gốc quốc gia. Nói xấu người thiểu số hoặc có hành vi bằng lời nói hoặc cử chỉ nhắm vào quốc tịch của một cá nhân sẽ được coi là sách nhiễu nếu gây ra một môi trường làm việc có tính cách đe dọa, thù nghịch hoặc làm quấy rầy một cách vô lý đến hiệu năng làm việc, hay gây ảnh hưởng xấu đến cơ hội làm việc của đương sự hay bạn đồng nghiệp.
Chủ nhân có trách nhiệm giữ cho nơi làm việc không xảy ra những vụ sách nhiễu về nguồn gốc quốc gia. Chủ nhân có thể phải chịu trách nhiệm về bất cứ sự sách nhiễu nào tại nơi làm việc do công nhân viên, quản lý hay giám thị gây ra, bất luận những hành động đó có được chủ nhân cho phép hay không.
Sách nhiễu tình dục: Đây là một hình thức kỳ thị giới tính, vi phạm Khoản VII của Luật Dân Quyền 1964. Sách nhiễu tình dục là những hành động tình dục không được tán thưởng; đòi hỏi ân huệ tình dục hoặc những hành vi bằng lời nói hay việc làm có bản chất tình dục khi sự chấp nhận hoặc từ chối hành vi này gây ảnh hưởng đến việc làm của một cá nhân, gây trở ngại một cách vô lý đến hiệu năng làm việc của một cá nhân, hoặc tạo ra một môi trường làm việc đe dọa, thù nghịch hoặc xúc phạm. Nạn nhân cũng như kẻ sách nhiễu có thể là nữ hay nam. Kẻ sách nhiễu có thể là cấp chỉ huy của nạn nhân, một đại diện của chủ nhân, đồng nghiệp, hoặc cũng có thể là người ngoài không phải là nhân viên. Nạn nhân không nhất thiết phải là người bị sách nhiễu, mà có thể là bất cứ ai bị ảnh hưởng bởi hành vi sách nhiễu. Sự sách nhiễu tình dục bất hợp pháp có thể xẩy ra dù không gây thiệt hại kinh tế cho nạn nhân, hoặc cũng không làm cho nạn nhân bị mất việc.
Quy định buộc công nhân viên chỉ được nói tiếng Anh mà thôi: Đây là một thứ quy định có thể được xem là vi phạm Khoản VII của Luật Dân Quyền 1964, ngoại trừ khi chủ nhân chứng minh được quy định này là cần thiết cho thương nghiệp.
Tuy nhiên, nếu chủ nhân tin quy định “chỉ nói tiếng Anh” là quan trọng và cần thiết cho thương nghiệp, chủ nhân phải thông báo rõ ràng cho công nhân viên biết khi nào họ phải nói tiếng Anh, và hậu quả nếu vi phạm. Bất cứ quyết định nào bất lợi cho công nhân viên căn cứ vào sự vi phạm quy định “chỉ nói tiếng Anh” sẽ bị coi như bằng chứng kỳ thị nếu chủ nhân không báo trước cho công nhân viên biết rõ về quy định này.
Kỳ thị người nói tiếng Anh không đúng giọng: Nếu từ chối cơ hội làm việc của một cá nhân vì giọng nói hoặc cách nói của đương sự, chủ nhân phải đưa ra một lý do chính đáng không có tính cách kỳ thị. Chủ nhân không thể từ chối tuyển dụng một người có khả năng làm việc khi giọng nói hoặc cách nói của đương sự không tạo ảnh hưởng tai hại gì cho hiệu năng làm việc. Buộc nhân viên hoặc ứng viên xin việc phải thông thạo Anh ngữ có thể sẽ vi phạm Khoản VII của Luật Dân Quyền 1964, nếu quy định này được áp dụng nhằm loại bỏ những cá nhân có nguồn gốc quốc gia nào đó chứ không liên hệ đến hiệu năng việc làm.
Kỳ thị người lớn tuổi: Luật Kỳ Thị Tuổi Tác Trong Việc Làm ban hành năm 1967 (ADEA) bảo vệ người từ 40 tuổi trở lên không thể bị kỳ thị trong vấn đề việc làm vì đã lớn tuổi. Sự bảo vệ của luật ADEA áp dụng cho cả người đi xin việc làm cũng như đang làm việc. Theo luật ADEA, bị coi là bất hợp pháp nếu kỳ thị một người trong vấn đề liên quan đến việc làm vì người đó trên 40 tuổi (bất kể nam nữ). Các hình thức kỳ thị bị ngăn cấm bao gồm yếu tố thời hạn, điều kiện, hay các đặc quyền về tuyển dụng, sa thải, thăng cấp, lương bổng, phúc lợi, giờ làm việc, bồi thường, bổ nhiệm, huấn nghệ, v.v…
Kỳ thị người bị khuyết tật: Khoản I của Luật Người Mỹ Bị Khuyết Tật năm 1990 (ADA) cấm chủ nhân trong lãnh vực tư, chính quyền tiểu bang và địa phương, những cơ quan công tư giới thiệu việc làm và các nghiệp đoàn lao động, không được kỳ thị trong những thủ tục nộp đơn xin việc, thi tuyển, sa thải, thăng cấp, thù lao, chương trình học nghề; hay trong việc cấp phát những đặc lợi làm việc khác nhắm vào những cá nhân có khả năng nhưng mang khuyết tật. Luật này cũng đòi hỏi chủ nhân phải tạo thích nghi cho những ứng viên hoặc nhân viên có khả năng nhưng có khuyết tật, nếu điều đó không gây “khó khăn quá đáng” cho thương nghiệp của chủ.
Luật ADA được tu chính năm 2009 với những thay đổi rất quan trọng, nhờ đó mà có thêm rất nhiều người mang một số tật bệnh hay có sức khoẻ yếu kém có thể hội đủ tiêu chuẩn được hưởng sự bảo vệ của luật ADA, hầu có việc làm theo đúng khả năng và tình trạng thể chất của mình.
Trả đũa nhân viên vì đã phản đối sự kỳ thị: Rất nhiều người đi làm dầu nhận thấy có sự kỳ thị nhưng cũng không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù (bị đuổi việc, bị sách nhiễu, v.v…) Tuy nhiên, sẽ bị coi là bất hợp pháp bởi luật chống kỳ thị, nếu có hành động trả đũa một nhân viên hay cá nhân nào vì họ phản đối các hình thức kỳ thị vi phạm các đạo luật về sự bình đẳng trong cơ hội làm việc; hay vì đã tố giác hoặc nạp đơn khiếu nại sự kỳ thị với cơ quan EEOC; hay vì làm chứng, tham dự trong cuộc điều tra kỳ thị dưới một hình thức nào đó, một diễn tiến tranh chấp, hay một vụ thưa kiện trong khuôn khổ cho phép bởi các đạo luật chống kỳ thị trong việc làm.
Nói chung, chánh quyền liên bang và các tiểu bang đều có những đạo luật nhằm bảo đảm quyền bình đẳng trong cơ hội làm việc cho mọi người, từ giai đoạn tuyển dụng, trong thời gian làm việc, và nhất là trong vấn đề sa thải. Dầu vậy, các trường hợp kỳ thị trong việc làm vẫn thường xuyên xảy ra, đặc biệt là những vụ sách nhiễu tình dục (sexual harassment) tại nơi làm việc, và vấn đề thiếu công bằng khi sa thải công nhân viên. Nguyên nhân của các hình thức vi phạm vừa kể hầu hết là do cấp quản lý hay giám thị tại nhiều cơ sở doanh nghiệp đã không có sự hiểu biết tường tận về luật lệ hiện hành, và nạn nhân cũng thường ít khiếu nại vì không hiểu rõ những quyền lợi pháp lý của mình.
Đặc biệt là mặc dầu hầu hết các công việc làm tại Hoa Kỳ đều theo hình thức “employment at will,” nghĩa là chủ có quyền sa thải, và người đi làm có quyền tự ý thôi việc bất cứ lúc nào và không cần phải có lý do, nhưng các cơ sở doanh nghiệp có thể sẽ vi phạm luật lệ cấm kỳ thị nếu sa thải nhân viên dựa trên sự phân biệt về giới tính, chủng tộc, màu da, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia, tuổi tác, tình trạng khuyết tật và sức khoẻ, hay tình trạng di trú.
Tóm lại, mọi người ở Mỹ đều có quyền bình đẳng trong vấn đề việc làm, không thể bị kỳ thị hoặc bị sách nhiễu trong lúc làm việc hay khi đi xin việc, không thể bị sa thải do kỳ thị, và cũng không thể bị trả đũa nếu tố giác hay làm chứng về một vụ kỳ thị trong vấn đề việc làm.
Sau cùng, cũng nên biết rằng luật pháp Hoa Kỳ có những giới hạn rất chặt chẽ về thời gian dành cho việc khiếu nại các hình thức kỳ thị trong vấn đề việc làm. Vì vậy, nếu nghĩ rằng mình bị đối xử kỳ thị trong vấn đề việc làm và muốn được hưởng sự bảo vệ của luật pháp, nạn nhân cần phải mau chóng tiến hành thủ tục khiếu nại theo đúng thời hạn quy định bởi luật liên bang và tiểu bang.
EB-3 lao động phổ thông và quy trình nộp đơn
EB-3 Lao động phổ thông nằm trong diện ưu tiên thứ 3 của lao động định cư. Lao Động phổ thông là những công việc có đòi hỏi ít hơn 2-năm đào tạo hoặc kinh nghiệm, ví dụ như người lao động có khả năng đảm nhiệm các công việc mà những lao động đủ điều kiện ở Hoa Kỳ không có sẵn.