Ra đi là để trở về: 2 nữ trí thức Việt ở nước ngoài muốn giúp ‘nâng tầm’ người trẻ Việt
Hồ Thu Hương đã đến 40 quốc gia và thông thạo 5 ngôn ngữ. Về Việt Nam, cô muốn giúp các bạn trẻ trở thành công dân toàn cầu thông qua 77 tiêu chí. Nguyễn Thị Sao Ly, nghiên cứu sinh Đại học Johns Hopkins, thành công của chương trình thúc đẩy tiềm năng học sinh ở Mỹ, muốn đưa về Việt Nam.
21:00 28/05/2021
Thành công nhờ có sự tự tin và động lực lớn để phát triển bản thânHồ Thu Hương – Nadia Ho (sinh năm 1988) sinh ra ở Hà Nội và lớn lên ở Cộng hòa Séc. Cô tốt nghiệp bậc cử nhân ngành Thương mại quốc tế ở Đại học Kinh tế Praha, Cộng hòa Séc và ngành Marketing ở Đại học Kinh doanh (UADE), Argentina. Sau đón Thu Hương tiếp tục học cao học ngành Marketing tại trường Kedge Business School – Pháp.
Trong suốt quá trình sinh sống và học tập tại nước ngoài, Thu Hương từng làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới và hiện tại đang triển khai một startup về công nghệ giáo dục tại Hoa Kỳ.
Cô gái Việt bắt đầu sang Séc từ năm lên 9 tuổi, với mong muốn đi du học, được đến các quốc gia khác trên thế giới để tìm hiểu, học hỏi kiến thức. Nhờ động lực lớn này mà từ hồi trung học, Hương đã đăng ký các cuộc thi để có điều kiện ra nước ngoài học tập ngắn hạn.
Thu Hương không bao giờ dậm chân tại chỗ vì khi học đại học ở Praha, cô cũng tiếp tục đăng ký học bổng để sang Argentina học tập bằng tiếng Tây Ban Nha. Thời gian học tập ở Séc, cô cũng may mắn nhận được một học bổng làm việc tại Canada.
Cô còn gặt hái được rất nhiều thành công trong các cuộc thi: 23 giải thưởng cấp trường, thành phố, vùng miền, quốc gia và quốc tế trong những năm học trung học (các môn tiếng Anh, Pháp, Văn, Toán, Địa lý, Lịch sử…); Giải 5 cuộc thi quản lý kinh doanh REVEAL của L’Oreal (383 thí sinh) tại Cộng hòa Séc và Slovakia…
Thu Hương chia sẻ trên báo Dân Trí: “Mình nghĩ những cơ hội đã nhận được vì mình có một động lực lớn để phát triển bản thân, sự tự tin. Vì vậy mình mong các bạn trẻ có thể tích lũy được để tìm kiếm con đường thành công. Khi gặp trở ngại nào đó, không nên bỏ cuộc mà tìm một con đường đi khác để vượt qua”.
Hiện tại, nữ thạc sĩ sử dụng thông thạo 5 ngôn ngữ, trong đó tiếng Việt, Séc được cô nói như tiếng mẹ đẻ, tiếng Anh được học từ thời tiểu học, tiếng Pháp học thời trung học và tiếng Tây Ban Nha cô học khi lên đại học. Một ngày của Thu Hương giao tiếp 4 ngôn ngữ, còn tiếng Pháp được duy trì qua xem qua tivi, nghe nhạc.
Dự án giúp bạn trẻ Việt trở thành công dân toàn cầu
Từ trải nghiệm của bản thân, Thu Hương về dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2019 và mang theo dự án giúp các bạn trẻ Việt trở thành công dân toàn cầu.
Hương nói: “Mình gọi đó là 77 tiêu chí để sánh vai với thế giới. Vì trong quá trình học tập và làm việc tại nước ngoài, mình cũng hiểu được những kỹ năng, kiến thức, nhân phẩm mà các bạn Việt Nam đang thiếu.
Có những yếu tố các bạn chưa tập trung từ khi còn ngồi ở các trường trung học, đại học ở Việt Nam, mà mình nghĩ các bạn cần có để tự tin ra thế giới, có thể tự tin làm việc, học tập ở bất kỳ môi trường nào”.
Thu Hương mong muốn thông qua dự án này, các bạn trẻ cả nước sẽ có điều kiện được giao lưu với thế giới, tìm kiếm, mở rộng những mối quan hệ (ảnh: Dân Trí).
Dự án được Thu Hương nhen nhóm từ năm 2015, thời điểm đó nhờ có điều kiện gặp gỡ, trò chuyện với các bạn trẻ Việt Nam trên toàn cầu nên ý tưởng về một cộng đồng công dân toàn cầu đã nảy nở trong suy nghĩ của cô.
Từ những dự án nhỏ trong dự án lớn, ngày ngày được tiếp xúc với các bạn trẻ cả trực tiếp và online, Thu Hương đã viết ra các tiêu chí mà các bạn trẻ nên tập trung vào trước khi ra trường và tìm kiếm công việc. Cô tin rằng khi có sự chuẩn bị tốt cho bản thân, bạn trẻ sẽ rất tự tin và thành công hơn rất nhiều.
Cũng trong quá trình nghiên cứu, cô nhận thấy các bạn trẻ Việt Nam thời đại hội nhập vẫn chưa đủ tự tin khẳng định mình, kỹ năng giao tiếp còn hạn chế và việc sử dụng ngoại ngữ chưa tốt tạo thành điểm yếu đáng tiếc. Nữ thạc sĩ chỉ ra những điểm còn hạn chế mà bạn trẻ Việt cần khắc phục: “Các bạn thiếu tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài, chưa làm được những công trình, dự án bằng các ngôn ngữ khác nhau. Đây là thiếu sót rất lớn khi Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập”.
“Có thể thấy như Philippines, nhờ sử dụng tiếng Anh rất giỏi nên họ có nhiều cơ hội toàn cầu, các công ty ở Mỹ thường tuyển nhiều người nước này. Mình nghĩ đây là một khía cạnh mà người Việt có thể cạnh tranh với Philippines khi mà chúng ta sử dụng được tiếng Anh thành thạo”.
Cô cũng cho rằng trong thời đại đất nước phát triển, mỗi người nên tập trung vào việc cải thiện, nâng cao nhân phẩm của mình. Nếu chỉ tập trung vào kỹ năng mà không cải thiện phẩm chất, tính cách của con người thì việc phát triển của một quốc gia sẽ chậm lại.
Nữ thạc sĩ 8X cho biết, hiện tại dự án đang tập trung phát triển ngoại ngữ, bao gồm các thành viên đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, đất nước khác nhau trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Mỹ… Ngoài ra, dự án còn có các kỳ tình nguyện xuyên quốc gia hướng tới đối tượng người nghèo. Không chỉ cải thiện ngoại ngữ, dự án còn giúp các bạn trẻ học được tinh thần đoàn kết, làm việc nhóm, học hỏi giao lưu với người nước ngoài.
Trong tương lai gần, Thu Hương ấp ủ hệ thống công nghệ giáo dục giúp cho người Việt học ngoại ngữ, cải thiện các kỹ năng mềm tốt hơn. Dự kiến sẽ bắt đầu chạy vào năm sau. Hệ thống này được kỳ vọng sẽ giúp mọi người có thể tham gia các khóa học ngoại ngữ online ở mọi nơi trên thế giới.
Nghiên cứu sinh Mỹ muốn giúp học sinh Việt Nam thích học
Ngày 28/11 ở Hà Nội, tại diễn đàn “Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2019”, cô gái Nguyễn Thị Sao Ly tự tin trình bày về SARE (Summer Academic Research Experience) – chương trình trải nghiệm mùa hè nhằm tìm kiếm và thúc đẩy tiềm năng của những học sinh không thích học, theo VnExpress.
“Nếu quan tâm đúng mức đến nhóm lao động có khả năng nhưng thiếu động lực cố gắng, tôi tin Việt Nam sẽ phát triển toàn diện, công bằng và không bỏ lại bất kỳ ai phía sau”, cô gái kết thúc phần thuyết trình.
Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, Nguyễn Thị Sao Ly (26 tuổi) và 2 anh chị ruột được trải nghiệm môi trường học tập tiên tiến ngay từ nhỏ. Năm 15 tuổi, Ly đến Mỹ, học lớp 11 trường King’s Academy, sau đó trở thành sinh viên Đại học California tại Los Angeles, tốt nghiệp cử nhân trong top 5% người giỏi nhất trường.
Năm 2017, Ly nhận được thư mời phỏng vấn và nhập học chương trình tiến sĩ tại 8 trường ở Mỹ. Đam mê nghiên cứu y học, cô lựa chọn chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Sinh hoá tế bào và Tế bào học (BCMB) của Đại học Johns Hopkins.
Trong năm đầu tiên tại Hopkins, Ly dành thời gian tìm hiểu nội dung nghiên cứu của các giáo sư trong trường và tham gia phòng nghiên cứu cơ động học của tế bào do giáo sư Douglas Robinson hướng dẫn. Dù nghiên cứu y học, cô vẫn luôn quan tâm đến giáo dục và sẵn sàng tham gia tổ chức chương trình giáo dục SARE cho học sinh trong thành phố Baltimore (Mỹ).
Là chương trình ngắn hạn kéo dài hai tháng mỗi dịp hè, SARE được giáo sư Robinson lên ý tưởng và thử nghiệm lần đầu năm 2009, được duy trì đến hiện tại. SARE hướng tới học sinh thiếu động lực, không muốn học hoặc chưa có định hướng sự nghiệp rõ ràng để thúc đẩy và phát triển tiềm năng các em.
Tại Mỹ, học sinh muốn tham dự SARE sẽ gửi đơn giới thiệu hoàn cảnh, tính cách và vấn đề gặp phải để ban tổ chức tìm người phù hợp. 20 học sinh được chọn sẽ trực tiếp trải nghiệm môi trường học tập, nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins trong hai tháng thông qua sự hướng dẫn của những nghiên cứu sinh ưu tú. Để nâng cao chất lượng, một học sinh được ghép cặp với một nghiên cứu sinh.
Ngoài thời gian học tập, nghiên cứu, 20 học sinh được tham gia những buổi workshop do chính giáo sư Douglas Robinson tổ chức để giúp các em tìm định hướng, lấy lại động lực học tập.
Ly cho rằng ưu điểm lớn nhất của SARE là tạo dựng động lực cố gắng giúp học sinh tìm ra điểm mạnh, yếu và đánh giá được khả năng của bản thân trong môi trường học tập, nghiên cứu chuyên nghiệp. “Tham gia chương trình, ban tổ chức trả lương cho các em. Số tiền không lớn nhưng thể hiện sự trân trọng và công bằng cho công sức các em bỏ ra”, cô cho biết.
Hồ Thu Hương và Nguyễn Thị Sao Ly (ảnh: Dân Trí và VnExpress).
Sau 10 năm áp dụng với 200 học sinh, chương trình SARE đạt kết quả ấn tượng khi 98% các em tham gia tốt nghiệp cấp ba và 83% đỗ đại học, cao gần gấp đôi so với mức trung bình của thành phố Baltimore là 65% và 48%.
Sao Ly cho rằng SARE cần thiết để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam, đặc biệt là trước đại học. “Nếu ứng dụng SARE tại Việt Nam, các trường cần thay đổi một số tiêu chí như hình thức giảng dạy, môn học đăng ký và điều chỉnh tỷ lệ giữa người hướng dẫn với học sinh để phù hợp với nguồn lực của nhà trường và trình độ các em”, cô chia sẻ.
Học lỏm bí quyết sống thọ như cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter: Đánh bại bệnh ung thư, vẫn khỏe mạnh đi xây nhà ở tuổi 95
Xây nhà, đi săn, đạp xe,… không gì cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter lại không làm được ở tuổi 95.