Ranh giới thành, bại của hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim
Một tuyên bố về phi hạt nhân hóa của Kim Jong-un được coi là chìa khóa cho thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore.
03:30 08/06/2018
Hiếm khi trong lịch sử hiện đại có một hội nghị thượng đỉnh không thể chắc chắn về kết quả như hội nghị ở Singapore giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, theo Guardian.
Một bên là lãnh đạo của đất nước đã dành ra ba thập kỷ để phát triển tên lửa và đầu đạn hạt nhân. Kim Jong-un khẳng định nhiệm vụ lịch sử của Triều Tiên là phát triển kinh tế, nhưng Bình Nhưỡng cũng từng đưa ra tuyên bố tương tự và rồi vẫn không từ bỏ vũ khí hạt nhân vì tin rằng đó là sự đảm bảo sống còn.
Bên kia bàn đàm phán là một Tổng thống Mỹ được đánh giá là thất thường, khó đoán, xem thường lời khuyên từ những quan chức của mình và hoàn toàn tin vào bản năng - cảm giác về "nghệ thuật thương thảo".
Sự khó lường của cả hai có thể khiến cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim kéo dài tới hai ngày, nhưng cũng có khả năng chỉ diễn ra trong vài phút, với ranh giới thành - bại rất mong manh.
Lá bài mà lãnh đạo Mỹ - Triều mang đến Singapore là những nhượng bộ họ có thể đưa ra trước đối phương. Câu hỏi lớn nhất tuần tới là quân bài nào sẽ được họ sử dụng và tiếp đó sẽ là gì. Tối thiểu, Kim Jong-un được kỳ vọng chính thức hóa việc đình chỉ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân và có thể tiến xa hơn bằng tuyên bố đóng băng các hoạt động hạt nhân như làm giàu urani.
Tuy nhiên, yếu tố lớn nhất trong đề nghị mở màn của Kim sẽ là một tuyên bố về kế hoạch phá hủy vũ khí hạt nhân. Tại hội nghị này, mọi thứ sẽ được đề cập chi tiết như định rõ ràng về phi hạt nhân hóa và liệu Kim có cam kết một lịch trình phá hủy cụ thể.
"Tôi tin rằng khả năng lớn nhất là cuối hội nghị, Triều Tiên nói sẵn sàng phi hạt nhân hóa nhưng phải qua đàm phán", Joseph Yun, cựu đặc sứ Mỹ về chính sách Triều Tiên, hiện là cố vấn Viện Hòa bình Mỹ, cho biết.
Đối với Robert Gallucci, người dẫn đầu các cuộc đàm phán với Triều Tiên thời cựu tổng thống Bill Clinton, tuyên bố cụ thể về phi hạt nhân hóa do Kim Jong-un đưa ra sẽ là chìa khóa cho thành công hay thất bại của Trump ở Singapore.
"Dù không có được bất cứ gì khác ngoài tuyên bố phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, ông ấy vẫn chiến thắng. Nếu ông ấy có được những thứ khác nhưng không có được tuyên bố đó, chắc chắn là một thất bại", Gallucci cho biết.
Siegfried Hecker, nhà vật lý có kinh nghiệm trực tiếp về chương trình hạt nhân của Triều Tiên cho biết, việc phá hủy toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên (ước tính 20-30 đầu đạn), tên lửa, loại bỏ vật liệu phân tách và năng lực sản xuất có thể mất ít nhất 10 năm.
Khách sạn Capella ở đảo Sentosa, Singapore, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12/6. Ảnh: Reuters. |
Một số yếu tố khác có thể được mong chờ trong đề nghị mở màn của Kim Jong-un là thỏa thuận cho phép thanh sát viên quốc tế tới khu vực hạt nhân của Triều Tiên, chủ yếu là khu phức hợp hạt nhân tại Yongbyon.
"Khi nghĩ về thành công lớn trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới, tôi chỉ nghĩ đến việc đưa các thanh sát viên đến Triều Tiên", theo Suzanne DiMaggio, giám đốc của tổ chức New America, người dẫn đầu các cuộc đàm phán không chính thức với Triều Tiên.
Nhượng bộ như vậy phù hợp với những gì Triều Tiên đã đề nghị trong các thỏa thuận trước đó. Tại hội nghị thượng đỉnh này hoặc trong những hội nghị kế tiếp, Mỹ có thể yêu cầu kiểm kê đầy đủ chương trình hạt nhân Triều Tiên đã công khai hay còn giấu kín. Điều này sẽ được xác minh bằng cách cho các thanh sát viên tiếp cận hiện trường.
Trump có nhiều cách khác nhau để đáp lại nhượng bộ của Triều Tiên, như đưa ra lời đảm bảo an ninh và cam kết không tấn công quốc gia này. Trump cũng gợi ý rằng ông có thể sẵn sàng bắt đầu đàm phán để đưa ra hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Đồng thời, Mỹ có thể thiết lập một văn phòng liên lạc ở Bình Nhưỡng và cho phép Triều Tiên thiết lập văn phòng của họ ở Washington, nhằm tiến tới công nhận lẫn nhau.
Một cách khác để Mỹ chứng minh tính linh hoạt trong đàm phán là giảm tập trận chung với Hàn Quốc, hạn chế sử dụng những gì Bình Nhưỡng xem là "khí tài hạt nhân và chiến lược" như chiến đấu cơ F-22 và máy bay ném bom hạt nhân B1-B.
Đồng thời, Bình Nhưỡng được mong đợi sẽ gia nhập Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) và ký vào Hiệp ước Cấm Thử hạt nhân Toàn diện (CTBT) như một cam kết cho tình trạng phi hạt nhân hóa. Đổi lại, các biện pháp trừng phạt sẽ phải dỡ bỏ và vị trí của Triều Tiên trong các tổ chức quốc tế sẽ được bảo đảm như một phần của việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao.
Những khát vọng như vậy có thể là quá nhiều đối với những gì có thể xảy ra tại Singapore. Điều quan trọng trong tuần tới là liệu các cuộc đàm phán tại hội nghị có mang tới sự đồng thuận và Kim Jong-un có cho thấy một số bằng chứng rằng những tuyên bố về hạt nhân thời gian này Triều Tiên có thực sự nghiêm túc hay không.
"Kim Jong-un 34 tuổi. Tôi nghĩ rằng ông ấy vẫn muốn sống thêm 40 năm nữa và ông ấy đã trải nghiệm sống ở nước ngoài. Trong lịch sử, Triều Tiên chưa từng cho thấy bất cứ dấu hiệu nào muốn phi hạt nhân hóa nhưng dẫu sao đó cũng là một giả thuyết đáng để thử nghiệm. Chiến tranh không phải một lựa chọn", cựu đặc sứ Yun nói tại một ủy ban Thượng viện hôm 5/6.
Nguồn: VnExpress.net
Trump hy vọng cuộc gặp Kim Jong-un sẽ khởi đầu 'điều lớn lao'
Tổng thống Mỹ bày tỏ kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên, dù từng nói khó có đột phá trong sự kiện này.