Ròng rã 17 năm tìm người vợ mất tích và cuộc đoàn tụ kỳ diệu
Ngày bà Mãi đạp xe đi biệt tích, ông Đạt và gia đình đã đi tìm ròng rã nhưng phải 17 năm sau mới thấy bà đang ở một nơi cách nhà hơn 200 km.
23:39 30/05/2023
Mười ngày qua, ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Bùi Văn Đạt ở xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên đầy ắp tiếng cười. Mỗi buổi tối lại có thêm nhiều người thân và hàng xóm đến hàn huyên, chia vui với ông Đạt.
"Mâm cơm giờ có thêm một người vợ, người mẹ, người bà khiến niềm vui nhân lên gấp bội", ông Đạt, 54 tuổi, chồng của bà Mãi nói.
Ông Đạt nên duyên cùng bà Mạc Thị Mãi, người cùng làng năm 1990 và lần lượt sinh ba người con, hai trai một gái. Trước kia ông Đạt làm nghề thợ mộc còn vợ ở nhà ruộng.
Năm 1995, khi sinh con trai út được ba tháng, bà Mãi không may bị xe máy tông ngã, sang chấn tâm lý nhưng vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường. Chiều 6/11/2006, bà Mãi mượn xe đạp của em gái đi khỏi nhà. Tối mịt, gia đình không thấy bà trở về, tìm kiếm khắp nơi nhưng bặt vô âm tín.
Từ ngày vợ mất tích, ông Đạt và các con không ngừng hy vọng rằng một ngày bà sẽ trở về. Song dấu vết bà Mãi cứ mất dần, năm này qua năm khác. Gia đình cũng đăng thông tin tìm kiếm trên khắp các báo, đài nhưng không có kết quả. Hễ nghe có thông tin gì về vợ là ông Đạt lại xách ba lô lên đường đi tìm. Có lần người ta nói ở Tiền Hải, Thái Bình thấy người giống bà Mãi. Cả nhà bắt xe sang xác minh suốt hai ngày nhưng không phải, đành ra về trong nỗi thất vọng.
Vợ bỏ nhà đi biệt tích, song ông Đạt không đi bước nữa, một mình gồng gánh nuôi ba con ăn học, dựng vợ gả chồng cho họ. Đến nay, ông đã có đầy đủ cháu nội, ngoại.
"Cảnh gà trống nuôi con nhiều khi cũng tủi, có những đêm tôi ngồi khóc một mình", ông Đạt kể. Ông bảo, dù có lúc cạn hy vọng nhưng chưa bao giờ nghĩ vợ đã chết mà đoán bà đang lang thang như người vô gia cư ở đâu đó hoặc bị kẻ xấu bán ra nước ngoài.
Cuộc sống gia đình trôi đi trong lặng lẽ cho đến ngày 19/5/2023. Sáng hôm đó, ông Đạt nhận được điện thoại của cán bộ xã Hợp Thành nói rằng có người phụ nữ vô gia cư, dáng vẻ giống vợ ông đang điều trị tại Bệnh viện tâm thần tỉnh Thanh Hóa. Nhìn bức ảnh chụp bà Mãi trong bệnh viện, dù sau nhiều năm, vóc dáng thay đổi song ông Đạt nhận ra ngay đó là vợ mình.
Sớm hôm sau, gia đình lên đường vào Thanh Hóa. Suốt chặng đường hơn 200 km, ông Đạt "lòng như lửa đốt". Vừa trông thấy người vợ, ông bật khóc. Sẩm tối 20/5, chiếc xe chở bà Mãi về đến nhà tại thôn 7, xã Hợp Thành. Căn nhà nhỏ chật kín người đến thăm hỏi, chia vui. 17 năm trông ngóng, bố mẹ của bà Mãi, nay đều đã ngoài 90 tuổi ôm con gái nghẹn ngào. Cả gia đình quây quần bên mâm cơm đã chuẩn bị sẵn.
Chị Mạc Thị Hà (cháu gọi bà Mãi bằng cô ruột) cho biết gia đình chưa bao giờ có một cuộc hội ngộ xúc động và ý nghĩa như thế. Từ khi gặp lại người thân, bà Mãi nhớ và nhận ra hầu hết mọi người, ngoại trừ cậu con trai út Bùi Văn Mạnh vì lúc bà đi lạc mới 11 tuổi.
"Có lẽ tình thân, máu mủ ruột rà là sợi dây vô hình khiến cô tôi nhớ lại và tìm được gia đình mình", chị Hà nói. Theo người cháu, hạnh phúc nhất là các cụ thân sinh ra bà Mãi vẫn còn mạnh khỏe.
Ông Ninh Ngọc Quế, tổ trưởng kiểm tra quy tắc đô thị phường Đông Hương, TP Thanh Hóa, kể khoảng đầu tháng 5 người dân báo trên các tuyến đường ở thành phố có một người phụ nữ vô gia cư tuổi ngoài 50, người gầy gò, ăn mặc rách rưới, có biểu hiện không bình thường. Ban ngày, bà đi lang thang khắp nơi xin đồ ăn tại các hàng quán, tối ngủ vỉa hè.
Ông Quế tìm cách tiếp cận, đưa bà về trạm y tế phường chăm sóc, phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP Thanh Hóa làm thủ tục đưa bà vào viện chăm sóc, điều trị.
Những ngày sau đó, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội liên tục đăng thông tin tìm người thân cho người phụ nữ vô gia cư trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng không có phản hồi.
Theo chị Trần Thị Lý, điều dưỡng trưởng khoa Nữ, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, ngày thứ tư sau khi vào viện, bệnh nhân bắt đầu có ý thức phối hợp điều trị. Các điều dưỡng viên có thể trò chuyện, cắt tóc, thay quần áo mới, điều trị theo phác đồ. Điều may mắn là bệnh nhân không có bệnh gì khác ngoài chứng tâm thần.
Đến ngày thứ 10, điều kỳ diệu đã xảy ra khi nữ bệnh nhân khôi phục một phần trí nhớ. Bà cho biết mình tên là Mạc Thị Mãi, quê ở xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Từ những thông tin bà Mãi cung cấp, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP Thanh Hóa đã phối hợp bệnh viện liên lạc về địa chỉ bà Mãi khai để xác minh thân nhân và kết nối cuộc đoàn tụ.
Theo bác sĩ Lê Bật Tân, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, do 17 năm đi lang thang không được điều trị, không dùng thuốc nên ban đầu bà Mãi mất trí nhớ nặng. Khi được chăm sóc, chữa trị bệnh nhân dần phục hồi ký ức. Trước khi bàn giao bà Mãi cho người thân, bệnh viện đã kê đơn, hướng dẫn cụ thể người nhà các bước chăm sóc tiếp theo.
"Chứng kiến câu chuyện hội ngộ của bà Mãi sau 17 năm lưu lạc, các y bác sĩ chúng tôi rất rất xúc động. Hy vọng sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt để sớm hòa nhập với gia đình", bác sĩ Tân chia sẻ.
"Đây là cuộc trở về kỳ diệu, là niềm hạnh phúc và may mắn nhất cuộc đời tôi", ông Đạt xúc động nói.
Ông cho hay để có cuộc đoàn tụ như ngày hôm nay, công lớn nhờ sự giúp đỡ của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa và chính quyền địa phương.
Sáng 29/5, anh Bùi Văn Mạnh, con trai út của bà Mãi nói sức khỏe và trí nhớ của mẹ đang hồi phục tốt. Bà ăn ngủ điều độ nên tinh thần tốt hơn trước rất nhiều. 10 ngày qua, anh Mạnh nghỉ việc ở nhà phụ bố chăm sóc mẹ.
"Chúng tôi sẽ bù đắp cho mẹ những thiệt thòi, đói khổ suốt gần 20 năm qua", anh Mạnh nói.
Mẹ Việt sinh đôi tại trời Tây không có 1 ngày ở cữ, tự thân chăm con từ A-Z, không kiêng bất cứ thứ gì
Khác với nhiều mẹ Việt sau sinh được ở cữ 1-3 tháng mà không phải làm gì thì bà mẹ người Việt sống tại Cộng hòa Séc này phải tự thân vận động từ A-Z, không biết lấy 1 ngày ở cữ.