Sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Mỹ: Gia tăng lo ngại toàn cầu
Nhiều chuyên gia nhận định chính sách hạn chế nhập cư của ông Donald Trump khác thường và khó hiểu nhất trong lịch sử nước Mỹ.
19:49 31/01/2017
Sắc lệnh hạn chế người tị nạn từ 7 nước Hồi giáo mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hôm 28/1 vừa qua đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Chính sách này vấp phải nhiều chỉ trích cả trong và ngoài nước Mỹ, từ các tầng lớp chính giới đến giới chuyên gia và người lao động.
Báo chí Mỹ và thế giới trong 2 ngày qua đồng loạt đưa tin gọi sắc lệnh hạn chế người tị nạn của Tổng thống Donald Trump là “tàn nhẫn và nguy hiểm”, gây tổn thương cho các gia đình người tị nạn, những người vẫn luôn tin tưởng rằng họ có thể thoát khỏi cảnh tàn sát đẫm máu để tìm kiếm hy vọng mới trên đất Mỹ.
Người ta có thể cảm nhận sự đau khổ và tuyệt vọng của họ tại các sân bay Mỹ chỉ vài giờ sau khi sắc lệnh được ban hành. Tại nhiều thành phố của nước Mỹ, hàng ngàn người Mỹ gốc các nước có trong danh sách của Sắc lệnh đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối. Họ gọi đây là sự phân biệt đối xử không thể chấp nhận được.
Không chỉ gây làn sóng giận dữ trong dân chúng, nhiều người trong chính giới Mỹ cũng bày tỏ lo ngại trước sắc lệnh của Tổng thống. Hàng trăm nhà ngoại giao Mỹ ở nước ngoài cùng ký vào một tài liệu để chính thức phản đối lệnh cấm nhập cảnh của , cho rằng điều này sẽ gây tổn hại tới đất nước.
Các nhà ngoại giao đồng tình rằng sắc lệnh của ông Trump sẽ không làm nước Mỹ an toàn hơn mà còn gửi thông điệp sai lầm tới thế giới Hồi giáo, làm xa lánh quan hệ với các nước đã hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết động thái của các nhà ngoại giao không phải là bất thường nhưng số lượng người cùng ký một tài liệu lớn như trên là chưa từng có tiền lệ. Theo luật của Bộ Ngoại giao Mỹ, các quan chức bị cấm tìm cách trả đũa những người tham gia ký giấy phản đối theo đúng quy trình.
Bang Washington ngày 30/1 cũng đã quyết định đệ đơn kiện Tổng thống vi hiến liên quan đến sắc lệnh hạn chế người nhập cư từ các nước Hồi giáo. Thống đốc bang Washington, ông Jay Inslee, cho rằng “chưa bao giờ hệ thống kiểm soát và cân bằng của chúng ta lại quan trọng hơn lúc này”.
“Cho đến khi buộc chính phủ hành động trước những tổn thương về đạo đức và pháp lý rõ ràng mà những người vô tội, tôn trọng pháp luật đang phải gánh chịu khi nhập cảnh tại Mỹ, các bang có quyền bảo vệ và thúc đẩy quyền lợi của những người đang lưu trú tại biên giới Mỹ”,
Các tập đoàn lớn của Mỹ như hãng Apple, Ford và Goldman Sachs cho biết họ không ủng hộ sắc lệnh mà Tổng thống Trump đã ký hồi tuần trước cấm những người nhập cư từ 7 quốc gia có dân số phần lớn theo đạo Hồi vào Mỹ.
Giám đốc điều hành của các tập đoàn công nghệ, nơi tuyển dụng nhiều người nhập cư, đã lên tiếng phản đối sắc lệnh đầu tiên. Các giám đốc điều hành tập đoàn thương mại điện tử như Amazon, eBay, Etsy cũng có động thái tương tự. Trong khi đó, hãng công nghệ Google cho hay, họ có kế hoạch quyên góp 4 triệu USD đến 4 tổ chức để hỗ trợ pháp lý và các vấn đề khác cho người nhập cư.
Google lo ngại sắc lệnh của ông Trump sẽ gây tổn hại cho nhiều lao động hiện tại của hãng này và gia đình họ, đồng thời gây khó khăn hơn trong việc thuê lao động kỹ thuật có tay nghề cao bên ngoài nước Mỹ trong tương lai.
Một số công ty khác như hãng dược phẩm Merck & Co, Uber có chính sách giúp đỡ các lao động bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm. Starbucks cũng có kế hoạch thuê 10.000 người tị nạn trong 5 năm tiếp theo. Phản ứng của giới doanh nghiệp Mỹ về sắc lệnh mới khá mạnh mẽ, nhanh chóng và cứng rắn. Ông Bill Klepper, Giáo sư tại Trường Columbia Business ở New York, nhận định “Điều này chưa từng xảy ra trước đây”.
Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã bày tỏ quan điểm trước sắc lệnh hạn chế người nhập cư của Tổng thống Mỹ.
Trả lời phỏng vấn trên L’Express, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Marc Ayrault chỉ ra rằng “khi đối mặt với một thế giới bất ổn và bấp bênh, tìm cách co cụm lại là một phản ứng vô ích”.
Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố việc áp đặt lệnh cấm nhập cư dựa trên nguồn gốc và tôn giáo là “bất hợp lý” ngay cả trong bối cảnh cần thiết phải chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố. Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) kêu gọi ông D.Trump duy trì tiếp nhận những người chạy trốn chiến tranh và khủng bố.
Iran, 1 trong số 7 quốc gia nằm trong danh sách bị hạn chế nhập cư đã ban hành một tuyên bố gọi sắc lệnh của Trump là “một sự xúc phạm trắng trợn đến thế giới Hồi giáo, đặc biệt là đất nước Iran vĩ đại”.
Dù không nằm trong danh sách nhưng Indonesia, đất nước Hồi giáo lớn nhất thế giới, cũng bày tỏ hối tiếc về quyết định này. Các công dân của Indonesia tại Mỹ được cảnh báo đề cao cảnh giác và liên hệ với lãnh sự quán gần nhất nếu có điều gì xảy ra với họ sau khi lệnh cấm được ban hành./.
Theo VOV
Thực hư tin Tổng thống Trump miễn visa cho công dân châu Á vào Mỹ
Nhiều người châu Á đã cảm thấy rất phấn khích vì thông tin cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump miễn phí cấp visa tới Mỹ.