Sắc lệnh nhập cư mới: Mỹ cấm nhập cảnh công dân 6 nước
Ngày 6-3 tổng thống Donald Trump đã ký ban hành sắc lệnh nhập cư sửa đổi, tạm thời cấm nhập cảnh với người tị nạn và công dân của 6 quốc gia phần đông là người Hồi giáo.
10:29 07/03/2017
Theo hãng tin AFP, lần này, công dân Iraq, các cư dân thường trú tại Mỹ và những người sở hữu visa hợp lệ được loại khỏi danh sách cấm.
Còn lại, sắc lệnh nhập cư thứ hai của ông Trump ra lệnh tạm ngừng tiếp nhận trong 120 ngày và dừng cấp mới thị thực cho công dân của 6 nước Syria, Iran, Libya, Somali, Yemen và Sudan.
Nhà Trắng cho biết ông Trump đã ký ban hành sắc lệnh nhập cư sửa đổi này trong phòng kín vào sáng 6-3 giờ Mỹ.
Sắc lệnh mới có hiệu lực từ 16-3 và được ban hành với ý định giải quyết các rắc rối pháp lý. Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer nói: “Những nguyên tắc của sắc lệnh hành pháp vẫn giữ nguyên như cũ”.
Ngoại trưởng Rex Tillerson cho rằng sắc lệnh mới là “một biện pháp thiết yếu” để củng cố an ninh quốc gia. Trong khi đó Bộ trưởng tư pháp Jeff Sessions cho rằng nó “cung cấp một khoảng ngưng cần thiết” để đánh giá lại cách nước Mỹ ứng xử với những người đến từ ‘các nước quan ngại'”.
Ông Sessions nói: “Ba trong số những nước này là những quốc gia bảo trợ khủng bố”. Ông nhắc tới Iran, Sudan và Syria. Những nước còn lại ông cho rằng đã là nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố.
Tuy nhiên dư luận chỉ trích vẫn không đồng tình với cách liệt kê danh sách cấm nhập cảnh này, vì trong đó có cả công dân của những nước chưa bao giờ liên quan tới các vụ tấn công khủng bố ở Mỹ.
Các tổ chức phi chính phủ cáo buộc ông Trump ngấm ngầm theo đuổi việc thực hiện cam kết gây tranh cãi và có thể là bất hợp pháp mà ông từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử, đó là thực thi “một lệnh cấm nhập cảnh toàn toàn, triệt để với những người Hồi giáo tới Mỹ”.
Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho rằng sắc lệnh nhập cử sửa đổi sẽ bị bác bỏ.
Việc công dân Iraq bị liệt kê trong danh sách cấm của sắc lệnh nhập cư lần trước đã khiến công luận nước này phẫn nộ. Thủ tướng Haider al-Abadi cũng tỏ thái độ bức xúc. Bởi lẽ ngay trong lúc này, quân đội Mỹ và Iraq vẫn đang sát cánh bên nhau trong cuộc chiến giành lại thành phố Mosul từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Bộ ngoại giao Iraq ngày 6-3 đã lên tiếng hoan nghênh sắc lệnh mới, mô tả nó như “một bước quan trọng” để củng cố quan hệ giữa Baghdad và Washington.
Dẫu thế thì sắc lệnh nhập cư vừa ban hành của tổng thống Donald Trump sẽ vẫn tiếp tục gây ra những hoang mang cho công dân các nước về chính sách nhập cư của Mỹ.
Ngày 6-3, chính phủ Nigeria khuyến cáo công dân nước này nếu không phải vì việc gì quá cấp bách, họ nên tạm dừng các chuyến đi lại đến Mỹ vì tình trạng thiếu rõ ràng hiện nay của những quy định mới trong chính sách nhập cư.
Theo cố vấn đặc biệt của tổng thống Nigeria, trong vài tuần qua, nhà chức trách nước này đã nhận được thông tin về một số trường hợp công dân Nigeria có visa hợp lệ để vào Mỹ nhưng cũng đã bị từ chối nhập cảnh và bị gửi trả về Nigeria.
Tuy nhiên một số dư luận cũng cho rằng sắc lệnh nhập cư sửa đổi của ông Trump cũng sẽ làm phân tán sự chú ý của công luận với những bê bối đang nóng lên về mối quan hệ giữa đội ngũ của ông Trump, bản thân ông Trump với chính quyền Nga.
Kể từ khi tình báo Mỹ công khai cáo buộc Nga cố tình can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ tháng 11 năm ngoái để ủng hộ ông Trump, công luận Mỹ đang rốt ráo muốn biết liệu có hay không một số người trong đội ngũ ông Trump đã cấu kết với Matxcơva ở cuộc bầu cử đó.
Tuần qua bộ trưởng tư pháp Jeff Sessions đã tuyên bố tự rút khỏi các cuộc điều tra liên quan tới bầu cử sau khi xuất hiện thông tin tiết lộ việc ông Sessions đã gặp đại sứ Nga tại Mỹ hai lần trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Ông Trump bất ngờ lên Twitter cáo buộc tổng thống Barack Obama nghe trộm điện thoại của ông.
Người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ có thể bị trục xuất ngay sau chính sách nhập cư mới
Theo chính sách nhập cư mới mà chính quyền Trump hé lộ một phần nội dung vào hôm qua (21/2), hàng triệu người đang sinh sống bất hợp pháp tại Mỹ có thể sẽ bị trục xuất ngay lập tức, bao gồm cả những người bị bắt chỉ vì vi phạm giao thông.