Sản phẩm ngành nail liệu đã an toàn hơn xưa?

Chỉ cần thỉnh thoảng thấy mũi mình “bị dội” hay thoáng nhức đầu vì mùi hóa chất xộc lên đến tận óc khi bước hẳn vào không gian của các tiệm nail, giới tiêu thụ ai cũng biết một cách mơ hồ rằng sản phẩm của ngành săn sóc móng tay chứa nhiều chất độc, chắc chắn có hại cho sức khỏe của cả khách hàng và những người thợ làm móng phải suốt ngày tiếp xúc với chúng.

20:30 30/01/2018

Vào cuối năm 2012, khi cơ Quan Bảo Vệ Sức Khỏa và An Toàn Lao Ðộng của Bộ Lao Ðộng Hoa Kỳ phổ biến một tài liệu dài 20 trang, nêu đích danh 12 loại hóa chất độc hại trong các sản phẩm dùng ở mọi tiệm nail, mọi người biết rõ ràng hơn. Những hóa chất độc hại này giờ đã được vạch mặt chỉ tên, trong đó có: Acetone, Acetonitrile, Butyl Acetate, Dibutyl phthalate (DBP), Ethyl acetate, Ethyl methacrylate (EMA), Formaldehyde, Isopropyl Acetate, Methecrylic acid, Methyl methacrylate (MMA), Toluene, v.v…

Cũng từ đó, hàng loạt các công ty nail supplies bắt đầu quảng cáo cho sản phẩm do công ty mình sản xuất là “an toàn”, “không độc hại.”

Không riêng những công ty sản xuất, dần dà cả nhân viên hay chủ những tiệm nail cũng khoe với khách:

“Tiệm chúng tôi chỉ dùng các loại sơn móng tay ‘an toàn’, ‘không độc hại’. Tất cả đều là ‘3-Free’ đấy.” Cô Shannon Phạm, một nhân viên làm móng tai khu vực Torrance, California, tuyên bố.

Thị trường hiện đã có các sản phẩm được quảng cáo là “an toàn”, “không độc hại.” (Hình minh họa: Getty Images)

Bà Hà Lê, chủ một tiệm nail ở vùng Huntington Beach giải thích với khách hàng là bà “phải lên giá chút đỉnh để có thể mua thuốc sơn móng an toàn hơn, cỡ “6-Free’ trở lên.”

Với hàng loạt những sản phẩm “3-Free”, “5-Free”, “6-Free” sản phẩm ngành nail có vẻ ngày càng an toàn hơn. Nhiều người tự nhủ.

Nhưng thực sự có đơn giản như vậy ? Có phải khi giới làm nail chỉ cần mua những sản phẩm có dán nhãn “3-Free”, “5-Free” thậm chí “10-Free” về dùng là cả thợ lẫn khách đều được an toàn?

Bà Anna Young, một chuyên viên nghiên cứu thuộc Hoffman Program on Chemical and Health của Ban Sức Khỏe Công Cộng tại đại học Harvard không nghĩ như vậy.

“Dù các hãng sản xuất có khẳng định “3-Free”, “4-Free”, “5-Free”, “6-Free” hay bao nhiêu Free đi nữa, giới làm móng tay hàng ngày đều phải đối diện với những chất độc, và nguy cơ cho việc sinh sản cho những người thợ đang trong tuổi sinh con; những tai hại cho sự hô hấp và dị ứng, v.v… vẫn còn hầu như là nguyên vẹn.” Bà Young khẳng định.

Vì áp lực của dư luận và các tổ chức đòi an toàn cho ngành nail, những hóa chất độc hại được Cơ Quan Bảo Vệ Sức Khỏa và An Toàn Lao Ðộng của Bộ Lao Ðộng Hoa Kỳ nêu đích danh vào năm 2012 đang dần dà được thay thế.

Điều đáng quan tâm là, theo bà Anna Young, những hóa chất bị cho là độc hại này được thay thế bằng những hóa chất khác, có thể cũng độc hại không kém, nhưng chưa ai biết đến.

Bà Young giải thích: “Việc điều tra để khám phá độc tính trong những hóa chất mới được dùng trên thị trường đòi hỏi giới nghiên cứu phải nỗ lực lâu dài và một ngân sách khổng lồ, điều mà hiện nay chúng ta tại Hoa Kỳ chưa có.” Bà lập luận:

“Có thể hiểu tại sao giới làm nail và cả khách hàng tin tưởng hồn nhiên rằng sản phẩm làm móng giờ đây đã an toàn lắm. Vì những cơ quan kiểm soát phẩm chất của chính phủ rất yếu, không ai trong chúng ta có thể hiểu được mức độc hại của các hóa chất đang được sử dụng thay cho những chất độc đã bị chỉ mặt điểm danh. Thêm vào đó, nhãn hiệu của các sản phẩm ngành nail rất phức tạp, khó hiểu và khó tránh việc một số công ty sản xuất cố tình gây nhầm lẫn.”

Bà Anna Young không phải là người duy nhất có cái nhìn hơi bi quan về sự an toàn của các sản phẩm ngành nail.

Một nhóm nhà nghiên cứu của Tổ Hợp Nghiên Cứu Môi Trường tại đại học Duke University đã tìm thấy bằng chứng một chất hoá học, được cho là đang được sử dụng rộng rãi trong các thuốc móng tay phổ biến, có thể gây rối loạn nội tiết trong cơ thể của hơn hai mười người phụ nữ tham dự cuộc nghiên cứu điều tra sinh học của họ.

Bà Sara Sciammacco, đại diện cho Tổ Hợp Nghiên Cứu Môi Trường phân tích:

“Để hiểu rõ thành phần hóa học của những chất thường được dùng cho sơn móng tay, trước tiên chúng ta phải phân tích những độc tố được liệt kê trong Bảng dữ liệu An toàn (Safety Data Sheets – SDS), tức tài liệu công bố về nguy hiểm về hóa chất của sản phẩm tại các tiệm nail do Cơ quan An toàn và Sức khoẻ Nghề nghiệp phát hành. Chúng tôi khám phá ra rằng những SDS này thường chỉ liệt kê một số ít các hóa chất. Vì thế các công ty sản xuất có thể không tiết lộ các hóa chất có khả năng gây độc khác, nếu đó là các chất bí mật thương mại hoặc được sử dụng dưới mức cần phải công bố cho SDS.”

Bà Sciammacco vạch ra:

“Chẳng hạn, Đạo Luật về Thực Phẩm, Thuốc, và Mỹ Phẩm năm 1938 (the Food, Drug, and Cosmetic Act of 1938) cho phép các công ty nail supplies liệt kê một số hóa chất như Diethyl phthalate (một chất hóa học có tác dụng làm dẻo, gây độc hại rộng rãi), gọi tên chất đó trên bao bì một cách đơn giản là “hương thơm.”

“Giới làm nail, người tiêu dùng và thậm chí, ngay cả các nhà nghiên cứu, thường không hiểu tính chất của các hóa chất được liệt kê trên nhãn, mà người ta chỉ nhìn thấy những chữ “an toàn”, “tự nhiên” và “không độc hại” là mua. Chúng ta có thể tin tưởng vào những nhãn hiệu này không?

Bà Sciammacco đặt câu hỏi rồi tự trả lời:

“Chưa chắc là có thể tin được. Nhiều công ty sản xuất đang hăng hái lọai bỏ những hóa chất trong danh sách dài lê thê những chất lần lượt bị khám phá là gây độc hại. Chẳng hạn, trong thập niên qua, hầu hết các công ty sản xuất đều loại bỏ ba kẻ thù nguy hiểm nhất của giới làm nail là: Dibutyl phthalate, Toluene; và Formaldehyde, rồi sau đó quảng cáo sản phẩm của họ “3-Free” tức không chứa ba chất cực độc này. Thực tế là, một số sơn móng tay này có thể đã loại bỏ một vài chất độc, nhưng vẫn chứa các hóa chất đáng quan tâm khác. Ngoài ra, hiện Hoa Kỳ không có nguồn tin toàn diện và đáng tin cậy về vô số các nhãn móng tay đang phát triển và ảnh hưởng của chúng trên sức khoẻ người tiêu thụ.”

Vậy điều gì khiến các công ty sản xuất này dám mạnh dạn quảng cáo là họ chế ra sản phẩm an toàn?

Theo bà Sciammacco, câu trả lời rất đơn giản: Sản phẩm của họ không chứa những chất đã bị nêu đích danh là độc hại.

“Điều này tốt, nhưng vẫn chưa đủ, vì thuốc sơn móng ngày nay vẫn chứa những độc tố khác, như Benzophenone, một độc tố có thể làm vỡ hormone và gây ra một số bệnh ung thư, nhưng chưa bị liệt kê trên danh sách của Cơ Quan Bảo Vệ Sức Khỏa và An Toàn Lao Ðộng của Bộ Lao Ðộng Hoa Kỳ.

Được hỏi người tiêu dùng có thể tạm yên lòng với những sản phẩm có nhãn hiệu “3-Free”, “6-Free” hay “10-Free” không, bà Anna Young trả lời:

“Nguyên nội sự kiện nhiều hãng dùng nhãn “10-Free” không này cũng khiến người ta rợn người rồi. Điều đầu tiên chúng ta phải hỏi các công ty này là vì sao những chất độc hại này trước kia từng có trong sản phẩm săn sóc móng? Để bây giờ hứa hẹn là chúng đã bị loại bỏ?”

Bà Anne Young cũng cảnh cáo là trong một số trường hợp, các nhãn hiệu đang ngày càng ‘mạnh miệng’ này có thể tạo sự yên tâm giả mạo cho giới tiêu thụ:

“Thay vì dùng chất làm dẻo dibutyl phthalate thuộc nhóm “Ba cực độc”, nhiều sơn móng tay giờ đây chứa triphenyl phosphate, một chất thay thế cho dibutyl phthalate, cũng gây nguy hại cho việc sinh sản của phụ nữ. Hơn nữa, nhãn hiệu của thuốc sơn móng không phải lúc nào cũng chính xác.”

Khi nói “nhãn hiệu không chính xác”, bà Young Bà muốn đề cập đến việc vào năm 2012, Cơ Quan Kiểm Soát Chất Độc Hại của tiểu bang California khám phá ra là 5 trong số 7 loại sơn móng tay “3-Free” mà họ kiểm soát thực ra có chứa một trong ba chất cực độc nằm trong nhóm “Toxic-Trio”.

“Gánh nặng của việc đòi hỏi thuốc sơn móng “an toàn” không phải thuộc trách nhiệm của người tiêu dùng, của chủ tiệm hay của những thợ nail. Trách nhiệm ấy là của chính phủ.” Bà Young phát biểu.

Các sản phẩm ngành nail có vẻ ngày càng an toàn hơn. (Hình minh họa: Getty Images)

Vậy phải làm sao?

Tại Hoa Kỳ, có lẽ giới quan tâm cần phải vận động để Đạo Luật về Thực Phẩm, Thuốc, và Mỹ Phẩm năm 1938 được cập nhật. Vì nước Mỹ hiện không đòi hỏi là các loại sản phẩm sơn móng (ngoại trừ chất pha mầu) phải được cơ quan công quyền kiểm soát và chấp thuận trước khi được tung ra thị trường. Ở Mỹ chỉ khoảng mười hóa chất bị cấm hay bị buộc chỉ dùng hạn chế, so với hơn 1,600 hóa chất bị kiểm soát ở Liên Hiệp Âu Châu,

“Luật phải đòi hỏi mọi hóa chất được dùng trong thuốc sơn móng tay phải được liệt kê trong thời gian đang được bào chế để bảo vệ người tiêu dùng và người lao động.” Bà Anna Young hô hào.

Tags:
Michigan: Lỡ tay bắn chết bạn, thanh niên tự tử chết theo

Michigan: Lỡ tay bắn chết bạn, thanh niên tự tử chết theo

Giới hữu trách cho hay một thanh niên ở Michigan trong tiệc mừng sinh nhật thứ 21 của mình đã lỡ tay bắn người bạn thân nhất, rồi ngay sau đó do quá hối hận đã tự tử chết theo.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất