Sao lại xem chiến tranh biên giới 1979 là nội dung tế nhị?
GS. NGND. Vũ Dương Ninh nhấn mạnh bây giờ không bàn chuyện cần thiết hay không việc đưa nội dung cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới và biển đảo vào sách giáo khoa, bởi vì lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã khẳng định chuyện này. Điều cần thiết là bàn chuyện nên viết như thế nào trong đó.
01:59 17/02/2017
Có nhiều tấm gương anh hùng chưa được nhắc đến
Thưa GS, trước hết, xin được trở lại SGK hiện hành. Trong cuốn sách Lịch sử 12 do ông đồng chủ biên thì cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc chỉ đưa được vào 11 dòng. Khi đó, những người viết sách đã suy nghĩ như thế nào?
- Ở trại viết sách tại Đồ Sơn năm đó, những người viết sách lịch sử chúng tôi đã thảo luận về việc đưa sự kiện chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc vào SGK như thế nào. Khi đó, đã có ý kiến từ bên ngoài là không nên đưa cuộc chiến này vào trong SGK, nhưng chúng tôi không đồng ý và đã phân công người viết.
Lúc đầu, chúng tôi đưa lên hội đồng thẩm định 4 trang. Nhưng vì các cơ quan xét duyệt nêu lý do khách quan nên sự kiện này đã được thu gọn chỉ còn mươi dòng. Hoàn cảnh khi đó bắt buộc như vậy, những người viết sách chúng tôi rất không hài lòng nhưng cũng phải chấp nhận.
Pháo đài Đồng Đăng, nơi gần 400 quân và dân Lạng Sơn bị quân Trung Quốc thả bộc phá và khí ngạt vào hang giết chết. Ảnh: Hoàng Hường |
Tới thời điểm này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ xem xét đưa nội dung chiến tranh biên giới, hải đảo vào chương trình và SGK mới. Theo ông, cần phải đưa những nội dung “tế nhị” này vào sách như thế nào cho hợp lý?
- Sao lại gọi là “tế nhị”? Những từ này gần đây hay bị lạm dụng, dùng sai nghĩa để che giấu một sự thực nào đó. Tôi không đồng ý.
Đến năm 2018 mới có sách giáo khoa mới. Vì vậy, tôi đã nhiều lần đề nghị trước hết, cần biên soạn tài liệu về những sự kiện này để các thầy cô giáo có thể giảng ngay cho học sinh. Không nên chỉ chờ đợi tài liệu từ phía Bộ GD-ĐT, mà tốt nhất, các tỉnh nên tổ chức các thầy cô giáo dạy giỏi biên soạn tài liệu, kết hợp với những vấn đề của địa phương cùng với sự góp ý của lãnh đạo Sở GD-ĐT, của các nhà chuyên môn.
Bên cạnh bài giảng chính, nên có các hoạt động ngoại khóa như thi hát, kể chuyện, thảo luận, chiếu phim ảnh… Nhưng nơi có điều kiện, nên cho học sinh tham quan bảo tàng và thực địa, để các em có nhiều cách tiếp cận. Được biết, Đà Nẵng đã biên soạn tài liệu này, các địa phương khác nên tham khảo rút kinh nghiệm.
5 nguyên tắc đưa vào chương trình phổ thông
Còn đối với chương trình và SGK mới thì sao, thưa ông?
- Khi biên soạn chương trình và SGK môn Lịch sử, theo tôi có thể nêu 5 nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất, phải nói sự thực khách quan là đã xảy ra những vụ việc như vậy: Năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, năm 1977 - 1978 là chiến tranh biên giới Tây Nam, năm 1979 chiến tranh biên giới phía Bắc rồi đến các vụ xâm phạm biển đảo, đặc biệt là vụ Gạc Ma năm 1988…Chiến tranh biên giới phía Bắc trên thực tế không dừng lại ở năm 1979, mà còn kéo dài tới sau này như cuộc chiến Vị Xuyên…
Thứ hai, phải khẳng định về phía Việt Nam, đây là một quá trình đấu tranh chống xâm lược bảo vệ biên giới đất liền và hải đảo. Phải phân tích cuộc chiến tranh này là do Trung Quốc xâm lược lãnh thổ chủ quyền của chúng ta, chúng ta phải chiến đấu chống xâm lược.
GS Vũ Dương Ninh: "Trong cuộc chiến tranh biên giới này, chúng ta đã biết được những ai? Đã có nhiều tấm gương anh hùng cho đến nay họ chưa được nhắc đến?". Ảnh: Ngân Anh |
Thứ ba, cũng như hai cuộc kháng chiến trước, phải nêu cao tấm gương hy sinh anh dũng của đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này. Giáo dục lịch sử phải qua nhân vật và sự kiện. Phải nêu cho học sinh thấy được những tấm gương cụ thể.
Trong kháng chiến chống Pháp có La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót… Trong chiến tranh chống Mỹ có Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân… Còn trong cuộc chiến tranh biên giới này, chúng ta đã biết được những ai? Đã có nhiều tấm gương anh hùng cho đến nay họ chưa được nhắc đến.
Thứ tư, cho tới nay cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới và biển đảo vẫn còn tiếp diễn. Nước ta hàng ngày hàng giờ vẫn đang đứng trước nguy cơ bị xâm lược. Cho nên rất cần làm cho học sinh hiểu rõ tình hình và thường xuyên nâng cao tinh thần cảnh giác.
Và nguyên tắc thứ năm, kinh nghiệm hai cuộc kháng chiến trước đây cho thấy cần mở rộng mặt trận ngoại giao, đoàn kết nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, gìn giữ hòa bình và hợp tác phát triển.
Với 5 nguyên tắc trên, ta có thể có cả một hoặc nhiều cuốn sách về các cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới đất liền và hải đảo.
Đó là chuyện của các nhà nghiên cứu. SGK phổ thông còn tùy thuộc chương trình từng cấp học, tùy theo thời lượng và số trang cho phép, nhưng dẫu sao cũng cần có một chương riêng. Và tinh thần cơ bản phải là khẳng định tính chất chính nghĩa của Việt Nam và nêu gương các anh hùng đã đấu tranh đề bảo vệ biên cương Tổ quốc.
- Ngân Anh/Vietnamnet (Thực hiện)
Chiến tranh biên giới 1979: Nhân chứng và nấm mồ 400 người
Lính Trung Quốc thả bộc phá và khí ngạt vào hang khiến gần 400 người cả dân và quân thiệt mạng, chỉ vài người sống sót, trở thành nhân chứng cuối cùng cho câu chuyện bi tráng ở pháo đài Đồng Đăng.