Sao mạng ở Mỹ được công ty tài chính săn đón

Các nhà sáng tạo nội dung tài chính đang được nhiều công ty đầu tư săn đón với mức lương hậu hĩnh, với mục đích giúp tiếp cận nhóm khách hàng ở độ tuổi 20.

01:00 25/09/2021

Ban đầu, không ai có thể giải thích được vì sao việc kinh doanh của công ty tư vấn tài chính nhắm đến các nhà đầu tư trẻ Betterment lại khởi sắc như vậy. Nó ghi nhận khoảng 10.000 lượt đăng ký mới trong một ngày.

Hóa ra, một sao mạng 25 tuổi đến từ Tennessee (Mỹ) đã đăng video mô tả cách nghỉ hưu an nhàn như một triệu phú bằng cách sử dụng nền tảng Betterment.

Chàng trai này có tên Austin Hankwitz và là một finfluencer toàn thời gian, tức người có ảnh hưởng chuyên về lĩnh vực tài chính, một trong những nghề hot nhất lúc này, theo Bloomberg.

sao mang Pho Wall anh 2

Austin Hankwitz giúp một số công ty đầu tư tài chính thu hút lượng lớn khách hàng trẻ. Ảnh: Brett Carlsen/Bloomberg.

Sau khi Betterment nhận thấy sức hút họ nhận được thông qua các bài đăng của Hankwitz, công ty đã thuê chàng trai này trong một tháng để kết nối các dịch vụ đầu tư của họ với mạng xã hội.

Công ty tư vấn tài chính Wealthfront cũng hợp tác với khoảng 15 nhà sáng tạo nội dung, theo Giám đốc truyền thông Kate Wauck.

“Thành thật mà nói, những bạn trẻ này giỏi kể câu chuyện của chúng tôi hơn chính chúng tôi”, bà chia sẻ.

Người trẻ để tâm tới tài chính

Hiện, những thanh thiếu niên và người ở độ tuổi 20 - đối tượng thường dùng nền tảng trực tuyến để trao đổi về sản phẩm làm đẹp, phim bom tấn hay kiến thức đời sống - để mắt đến lĩnh vực tài chính.

Trong khi đó, những người có ảnh hưởng như Hankwitz có thể chuyển các khái niệm khô khan thành loạt video dễ hiểu trên mạng xã hội bằng cách sử dụng những câu chuyện vui nhộn, âm nhạc và dòng chú thích đầy màu sắc, làm cho các sản phẩm đầu tư dễ dàng tiếp cận hơn với thế hệ Millennials và Gen Z.

Đối với ngành tài chính, việc hợp tác với những sao mạng như vậy là điều không cần bàn cãi. Từ trước đến nay, họ chưa bao giờ có khả năng tiếp cận trực tiếp và nhanh chóng đến nhóm đối tượng trẻ như vậy, đặc biệt vào thời điểm đầu tư bán lẻ tăng vọt.

sao mang Pho Wall anh 3

Trước đây, nhiều công ty đầu tư ở Phố Wall gặp khó trong việc tiếp cận nhóm khách hàng trẻ. Ảnh: Michael Nagle/Bloomberg.

Theo dữ liệu của công ty phân tích App Annie, thời gian sử dụng các ứng dụng tài chính của một số người ở Mỹ trong đại dịch tăng tới 90% so với những năm trước, trong khi lượt tải xuống ứng dụng tăng 20%.

Việc tham gia thị trường chứng khoán thông qua điện thoại di động cũng tăng cao, với số giờ dành cho các ứng dụng giao dịch và đầu tư tăng vọt 135%.

Thu nhập cao

Trước năm 2020, Hankwitz vẫn lao đao với công việc tài chính kiểu cũ, mải mê làm việc trên các thương vụ mua bán và sáp nhập cho một công ty chăm sóc sức khỏe. Tạo các video vui mắt trên Internet chỉ là nghề tay trái của anh.

Giờ đây, Hankwitz trở thành một đối tượng hấp dẫn đối với các công ty khởi nghiệp và tài chính mong muốn được tiếp cận gần 500.000 người theo dõi của anh ấy.

Một số cũng đã thuê Hankwitz để tư vấn tiếp thị, mời anh trò chuyện với các CEO hoặc thậm chí ngồi vào hội đồng quản trị của công ty.

Hankwitz tính phí từ 4.500-8.000 USD cho mỗi bài đăng trên kênh cá nhân. Nhìn chung, hiện anh đang đại diện cho 6 công ty.

sao mang Pho Wall anh 4

Công việc influencer của Hankwitz mang về thu nhập hơn 500.000 USD/năm. Ảnh: Brett Carlsen/Bloomberg.

Fundrise, một nền tảng đầu tư bất động sản, trả phí để anh đăng 2 video hàng tháng, đồng thời gửi tiền thưởng lên tới 2.000 USD/tháng dựa trên số lượng người dùng anh kéo về cho nền tảng.

BlockFi, một nền tảng giao dịch tiền điện tử, sẽ gửi Hankwitz 25 USD với mỗi người dùng gia nhập nền tảng thông qua mã code đặc biệt của sao mạng này.

Ứng dụng giao dịch chứng khoán Public.com đã đề nghị trả cho Hankwitz một khoản tiền hàng tháng và cả cổ phần công ty nếu anh đồng ý thay thế các biểu đồ cổ phiếu của Yahoo Finance trên các video bằng của họ.

Ngoài ra, anh còn có kênh Patreon - nơi anh cung cấp các phân tích tài chính và đầu tư sâu hơn với giá từ 4-17 USD/tháng mỗi người. Hiện kênh thu hút khoảng 1.100 người đăng ký.

“Tôi đủ khả năng nghỉ công việc chính vào 6 tháng trước để chuyển sang làm finflunecer toàn thời gian”, chàng trai nói với Bloomberg.

Hankwitz từ chối cho biết số tiền anh kiếm được hàng năm, nhưng thừa nhận con số cao hơn 500.000 USD. Mức thu nhập này cao hơn gấp nhiều lần tiền lương của các nhân viên ngân hàng Mỹ. Hiện một số ngân hàng lớn ở xứ cờ hoa như JP Morgan, Citigroup, UBS... đề nghị mức lương 100.000-110.000 USD/năm cho nhân viên năm đầu, theo New York Times.

Anh cũng xây dựng danh mục đầu tư trị giá khoảng 1,3 triệu USD kể từ tháng 3/2020, một phần là nhờ số tiền nhận được từ các thương hiệu mà anh làm đại diện.

Gần gũi khách hàng trẻ

Theo số liệu từ Brian Hanly, CEO của công ty đại diện tài năng cho influencer Bullish Studio, các nhà sáng tạo nội dung có thể được trả từ 100-1.500 USD cho mỗi lượt quảng cáo trên mục story hoặc 1.000-10.000 USD cho mỗi bài viết được đăng tải ở Instagram.

Tại TikTok, chi phí cho một bài đăng dao động từ 2.500-20.000 USD tùy thuộc vào độ phủ sóng của video và số lượng người theo dõi của sao mạng. Để đạt được điều đó, các nhà sáng tạo nội dung phải phát triển cá tính riêng nhất định.

sao mang Pho Wall anh 5

"Bà Dow Jones" Take Sacks được mệnh danh là "ngôi sao nhạc pop của ngành tài chính". Ảnh: alphasixty.

Chẳng hạn, Take Sacks (30 tuổi), một trong 15 nhà sáng tạo nội dung hợp tác với Wealthfront, thường được biết đến với cái tên Bà Dow Jones, giải thích định nghĩa lãi kép bằng cách so sánh nó với độ nổi tiếng của ca sĩ Billie Eilish, hoặc Bitcoin với chuyện tình của cặp Jennifer Lopez và Ben Affleck.

“Tôi tạo ra những gì tôi và cả những người khác đều cần. Nếu bạn theo dõi tôi, tức bạn cũng thích văn hóa đại chúng, như vậy chúng ta có chung ngôn ngữ để trao đổi rồi. Ngoài ra, nếu bạn có thể hiểu mối quan hệ con người giữa 2 ngôi sao nổi tiếng, bạn có thể hiểu bất kỳ khái niệm tài chính nào”, Sacks chia sẻ.

4 năm sau khi xây dựng thương hiệu Bà Dow Jones, Sacks ký hợp đồng với một công ty đại diện tài năng, đồng thời xây dựng một nhóm gồm trợ lý và quản lý để giúp cô đàm phán các hợp đồng tiền triệu USD với nhiều thương hiệu.

Sacks cũng tận dụng nhu cầu tìm hiểu về tài chính cá nhân trong thời gian gần đây. Theo đó, cô cung cấp khóa học trên website riêng với giá 115 USD.

Thiếu influencer chất lượng

Mặc dù mạng xã hội cho phép các công ty tiếp cận nhóm khách hàng trẻ nhanh hơn bao giờ hết, họ cũng cần đảm bảo tránh làm việc với những ngôi sao thiếu thông tin.

“Internet vẫn còn nhiều đất để phát triển. Về cơ bản, không gian mạng vẫn chưa đủ nhà sáng tạo nội dung để nắm bắt nhiều cơ hội mới này, và gần như không đủ finfluencer chất lượng cao”, CEO Hanly nói.

Những nội dung về tài chính cá nhân, hoặc cách làm giàu nhanh chóng đang gây thắc mắc trên mạng xã hội do một số nhà sáng tạo đưa ra lời khuyên đáng xem xét lại, thậm chí sai lệch hoàn toàn.

sao mang Pho Wall anh 6

Nhà sáng tạo nội dung Vivian Tu khẳng định kiến thức tài chính cô đưa ra chỉ mang tính tham khảo. Ảnh: Desiree Rios/Bloomberg.

Theo đó, một số nền tảng đã siết chặt quy định đăng tải. Những công ty như Betterment và Wealthfront cũng cân nhắc lại việc sử dụng các nhà sáng tạo nội dung.

Chẳng hạn, Betterment sẽ kiểm tra, đánh giá kịch bản nội dung của các influencer trước khi quay, còn Wealthfront kiểm tra lý lịch của người có ảnh hưởng kỹ càng trước khi ký hợp đồng.

Vivian Tu (27 tuổi), cựu nhân viên giao dịch cổ phiếu ở JP Morgan, tin rằng vấn nạn sai lệch thông tin trên mạng xã hội và nhu cầu được tư vấn tài chính vững chắc là nguyên nhân chính khiến tài khoản của cô thu hút nhiều người theo dõi như vậy.

Hiện cô đại diện cho 10 công ty, sở hữu nửa triệu lượt theo dõi và được trả 3.000-4.000 USD/bài đăng. Ngoài công việc chính, cô dành khoảng 10-15 tiếng/tuần để chăm chút cho tài khoản mạng xã hội của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công cá nhân, mục giới thiệu trên kênh của Tu vẫn đề dòng cảnh báo: “Đây không phải lời khuyên tài chính”.

“Những gì tôi nói ra không nên được coi là một chỉ dẫn tuyệt đối. Không có một hình thức tài chính cá nhân nào phù hợp tất cả”, cô nói.

Tags:
Vạch trần Shein – đế chế tỷ ‘đô’ bí ẩn nhất Trung Quốc: Nhà xưởng tồi tàn, nhân viên phải đi bộ cả chục km/ngày, tất cả đều bị cấm nói về công ty

Vạch trần Shein – đế chế tỷ ‘đô’ bí ẩn nhất Trung Quốc: Nhà xưởng tồi tàn, nhân viên phải đi bộ cả chục km/ngày, tất cả đều bị cấm nói về công ty

Ít ai biết rằng đằng sau những bộ trang phục lung linh, hợp mốt của Shein là những nhà xưởng tồi tàn và công sức bị bóc lột của công nhân.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất