Tâm sen trấn kinh, an thần nhưng những ai không nên dùng?

Hoa sen là một biểu tượng không thể thiếu được khi nhắc tới Việt Nam, với một nét đẹp thuần khiết, hoa sen mang trong mình một sự thanh tịnh mà không loài hoa nào có được. Và mỗi tâm sen nho nhỏ cũng lại mang tới những lợi ích sức khoẻ được lưu truyền lâu đời nay.

08:08 30/06/2018

Sen là một trong số ít loại thảo dược sử dụng hầu như toàn cây, cho nhiều vị thuốc như: liên diệp (lá sen), liên tu (nhuỵ sen), liên ngẫu (ngó sen), liên phòng (gương sen), liên nhục (hạt sen đã bỏ vỏ cứng), thạch liên nhục (hạt sen phơi khô còn cả vỏ cứng) và cuối cùng là liên tử tâm (hay tâm sen). Mỗi thứ có tính năng trị bệnh khác nhau, bài viết sau sẽ giới thiệu đến bạn đọc vị tâm sen về công năng trị bệnh, và cách dùng hiệu quả.

Tâm sen là mầm của hạt sen, còn được Y học cổ truyền gọi là liên tử tâm, được biết đến với công dụng thần kỳ trong việc giúp an thần, gây ngủ. Tuy nhiên để phát huy hết công dụng của tâm sen và tránh gây nguy hại cho sức khoẻ thì không phải ai cũng biết cách sử dụng và cách dùng ra sao.

Công dụng của tâm sen

Khi phân tích thành phần hoá học cho thấy, tâm sen có chứa asparagine và các alkaloid. Asparagine có tác dụng lợi tiểu nên làm hạ huyết áp. Alkaloid có tác dụng kéo dài giấc ngủ, trấn tĩnh, an thần. Các thử nghiệm trên lâm sàng, dịch chiết từ tâm sen còn có tác dụng cường tim.

Y học cổ truyền cho rằng, tâm sen có vị đắng, tính hàn, quy kinh tâm được cho là có tác dụng thanh tâm (giải nhiệt tạng tâm), trấn kinh an thần (giữ cho tinh thần thư thái).

Tâm sen là mần xanh trong hạt sen, có tác dụng thanh tâm, trấn kinh, an thần. (Ảnh: how01.com)

Công năng chủ trị thanh tâm hoả (giải nhiệt tạng tâm): Vị thuốc có tính hàn, lực thanh tâm tương đối mạnh, dùng đối với bệnh ôn nhiệt, tà nhiệt bị hãm (giữ) ở tâm bào (màng bao bên ngoài tạng tâm) với các biểu hiện sốt, chóng mặt, nói mê, nói nhảm, có thể phối hợp với huyền sâm, mạnh môn.

Trấn tâm, an thần, gây ngủ: Dùng khi tâm phiền, bất an dẫn đến mất ngủ; phối hợp với toan táo nhân, bá tử nhân. Thường được dùng để chữa các chứng bệnh như đầu choáng, mắt hoa, hay hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, mất ngủ…

Tâm sen dùng tốt cho người mất ngủ thể thực nhiệt với biểu hiện: mất ngủ mới xuất hiện, kèm theo bốc hỏa, ù tai, miệng khô, chất lưỡi đỏ có thể kèm theo táo bón… Theo Y thư cổ, tâm sen còn có công dụng giáng áp (hạ huyết áp), sáp tinh (giữ cho tinh khí được bền chặt) và chỉ huyết (cầm máu).

Những lưu ý khi dùng tâm sen

Những người mất ngủ ở thể hư nhược, thể hàn với biểu hiện: khi ngủ hay mê, dễ tỉnh giấc, mỏi mệt, ăn uống giảm sút, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, sợ lạnh thích ấm… nếu dùng thì bệnh nặng hơn và dễ gây rối loạn tiêu hóa, đại tiện lỏng…

Người bị tỳ vị hư yếu (ăn không ngon, đầy bụng, đại tiện lỏng hoặc sống phân…), hoặc bị hư nhiệt (thể trạng suy nhược, mệt mỏi, ngại hoạt động, nói nhỏ, thích đồ nguội, táo bón, có thể kèm sốt nhẹ…) không nên dùng.

Người thể trạng hư nhược, thể hàn, hư nhiệt không nên dùng tâm sen. (Ảnh: bẹnhhocmatngu.vn)

Thành phần có tác dụng an thần của tâm sen là các alcaloid. Chất này giúp ngủ ngon nhưng cũng dễ gây độc với cơ thể. Do đó, tâm sen phải qua bào chế và không nên dùng lâu dài. Alcaloid có tác dụng an thần là chính, giúp tạo giấc ngủ ngay nhưng tác dụng phục hồi thần kinh chưa mạnh. Người bệnh khi dùng có thể ngủ tốt một thời gian nhưng dễ mất ngủ trở lại do thần kinh vẫn yếu, quá trình điều tiết giấc ngủ chưa được phục hồi. Do đó thay đổi chế độ sinh hoạt trong ngày cũng góp phần vào hiệu quả điều trị.

Sử dụng tâm sen như thế nào cho đúng?

  • Lựa chọn kỹ tâm sen có nguồn gốc rõ ràng, không nấm mốc, đảm bảo chất lượng để tránh bị nhiễm độc khi uống
  • Sao vàng trước khi sử dụng để giảm tính hàn (lạnh) của tâm sen, trừ khử bớt độc tính
  • Kiểm soát liều dùng phù hợp với bản thân: Lúc đầu nên hãm loãng sau đó tăng dần lượng tâm sen lên đến khi có giấc ngủ ngon. Nếu có hiện tượng hồi hộp, tim đập nhanh thì cần giảm lượng tâm sen.
  • Nếu dùng quá 1 tuần mà không có hiệu quả thì nên dừng sử dụng
  • Không nên dùng liên tục trên 1 tháng để tránh tích lũy gây độc với cơ thể

Một số cách dùng

Cao huyết áp: 4g tâm sen sao vàng hãm nước uống, có thể phối hợp hoa hèo sao vàng, thảo quyết minh sao vàng. Tâm sen hạ áp theo cơ chế giãn mạch và lợi tiểu giảm áp lực của máu lên thành mạch.

Tâm sen sao vàng hãm uống, hạ huyết áp. (Ảnh: zhidao.baidu.com)

Sách Trung dược dưỡng sinh còn giới thiệu cách chế thành cháo liên tử tâm: Tâm sen sao vàng 5g, gạo tẻ rang 100g, hai thứ đem ninh nhừ thành cháo, chế thêm một chút đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày. Món ăn này tốt trong mùa hè có công dụng thanh nhiệt, giải độc, dưỡng tâm, an thần, được dùng trong trường hợp hoa mắt, chóng mặt, cao huyết áp, đại tiện ra máu, táo bón kéo dài…

Điều trị bí tiểu: Tâm sen sao vàng 8g, cam thảo 5g, cho tất cả vào nồi sắc với 1 lít nước. Đun nhỏ lửa trong 2 giờ, chia nước uống 3 lần trong ngày, sau ăn 30 phút. Nếu đi tiểu được thì dừng uống.

Trên đây giới thiệu về công dụng của tâm sen và một số lưu ý khi dùng. Độc giả có thể tham khảo kỹ để áp dụng và đừng quên sự tư vấn của các chuyên gia y tế sẽ hữu ích nếu bạn có bất kì thắc mắc nào.

Mộc Chi

 

Tags:
Đã 36 tuổi, Anh Thư vẫn được khen trẻ như gái đôi mươi khi đi du lịch ở Mỹ cùng con trai

Đã 36 tuổi, Anh Thư vẫn được khen trẻ như gái đôi mươi khi đi du lịch ở Mỹ cùng con trai

Diễn viên Anh Thư đã đưa con trai qua Mỹ thăm người em thân thiết là Dương Mỹ Linh. Nữ diễn viên được cư dân mạng khen trẻ như gái đôi mươi vì nhan sắc xinh đẹp và vòng eo thon.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất