Sinh viên gốc Việt học tiến sĩ không trả học phí, còn có tiền xài

Ai cũng biết học tiến sĩ (Ph.D.) là rất tốn tiền. Nhưng em Phan Quang Thịnh, sinh viên trường đại học University of California, Irvine (UCI), đang theo học tiến sĩ lại không phải lo chuyện tiền bạc gì cả.

06:30 23/07/2018

Thịnh tươi cười nói: “Lúc đầu, cháu có ngại rằng nếu học thêm nữa thì tiền đâu mà đóng học phí. Nhưng đến khi biết rằng vào chương trình tiến sĩ, cháu có tiền, là cháu hoàn toàn an tâm mà tiếp tục học ngay.”

Trước hết, đại học UCI trả học phí cho sinh viên muốn lấy bằng tiến sĩ. Thịnh nhấn mạnh: “Chỉ cho những ai học tiến sĩ thôi, chứ sinh viên học cao học thì vẫn phải tự lo tiền học.”

Ngoài ra, trường còn cho sinh viên học tiến sĩ một khoản tiền nữa. Thịnh khẳng định: “Đây không phải là học bổng, vì sinh viên học cử nhân mới có học bổng mà thôi.”

Một cách vắn tắt, UCI bảo đảm cho Thịnh mỗi năm có từ $20,000 đến $30,000, là tiền “stipend.” “Đó là chưa nói đến họ trả học phí cho cháu, mỗi năm trị giá $17,000,” em nói.

“Tiền ‘stipend’ này là tiền lương của cháu. Nghĩa là cháu phải làm việc ở trường, như trợ giảng hay phụ tá giáo sư,” Thịnh giải thích.

“Đó là chưa nói nếu hội đủ diều kiện, sinh viên có thể xin thêm tiền ‘fellowship’ nữa,” em thêm.

“Fellowship” là một loại ngân sách mà chính phủ hay các cơ quan nghiên cứu lớn cấp cho sinh viên (thường là một nhóm) có những công trình nghiên cứu mà họ cảm thấy thích hợp.

Một cách tổng quát, Pell Grants là học bổng dành cho sinh viên học bằng cử nhân lần thứ nhất. Sau khi có bằng rồi, dù muốn lấy thêm bằng cử nhân khác, sinh viên không thể xin học bổng nữa.

Phan Quang Thịnh ngày tốt nghiệp bằng cử nhân tại UCI. (Hình: Phan Quang Thịnh cung cấp)

Ngoài ra, còn có Cal Grants, cũng là học bổng dành cho sinh viên học cử nhân hay học trường huấn nghệ.

Chỉ có sinh viên học tiến sĩ mới có những khoản tiền mà Thịnh kể.

Như vậy để được nhận vào chương trình tiến sĩ, điều kiện thế nào?

“Với cháu, việc ghi danh vào chương trình tiến sĩ không có gì khó khăn lắm, chỉ cần mình giữ cái đà học ngay từ đầu,” Thịnh cho biết. “Cháu học tại UCI từ năm đầu tiên đến giờ.”

Với Thịnh, có thể đây là việc “không có gì là khó khăn lắm,” nhưng thống kê cho thấy, hằng năm, trong số 8,000 sinh viên nhận bằng cử nhân tại đây, mỗi ngành học chỉ có chừng 20 sinh viên được tuyển chọn vào chương trình tiến sĩ, cho nên toàn trường chỉ có khoảng 280 sinh viên học tiến sĩ.

Vẫn với thái độ khiêm tốn, Thịnh kể về những yêu cầu em phải vượt qua để được nhận vào hậu đại học phân khoa kỹ sư y tế (biomedical engineering) tại UCI.

Em nói: “Về điểm trung bình (GPA), cháu chỉ có 3.7 thôi.”

Nhưng đó chưa phải là tất cả những điều kiện em phải hội đủ. Em cần nộp tài liệu chứng minh công trình nghiên cứu trong thời gian qua dưới sự hướng dẫn của giáo sư chuyên trách.

Song song, em phải viết một bản tuyên bố mục đích cá nhân (personal statement) cho biết em muốn lấy bằng tiến sĩ ngành kỹ sư y tế để làm gì. “Sau điểm trung bình và công trình nghiên cứu, bản tuyên bố mục đích quan trọng hàng thứ ba. Mục đích phải hợp lý và thực sự có ích cho xã hội thì hội đồng tuyển sinh mới chấp nhận,” Thịnh kể.

Rồi điều kiện thứ tư là điểm thi GRE (Graduate Record Examinations). “GRE có ba phần là đọc, viết và toán. Vì là ngành kỹ sư nên họ không chú trọng nhất đến môn toán. Đọc và viết chỉ cần bốn trên sáu là đủ rồi,” Thịnh cho biết.

Nói về việc chọn học tiến sĩ ngành kỹ sư y tế, Thịnh cho hay, năm đầu tiên đại học, em cũng định theo học ngành y như nhiều sinh viên gốc Việt giỏi khác. “Nhưng dần dần, cháu thấy không thích hợp với công việc này. Vốn có kiến thức về ngành y, cháu nghĩ kỹ sư y tế là thích hợp với cá tính mình nhất. Rồi cháu nghĩ đến việc các bác sĩ đều phải dùng sản phẩm của kỹ sư y tế,” em chia sẻ.

Thứ nhất, công việc của kỹ sư y tế là cung cấp những dụng cụ hữu ích cho bác sĩ và bệnh nhân. Thịnh cười: “Cứ nghĩ rằng trong tương lai, cháu có thể phát minh ra những dụng cụ có ích lợi cho người khác là cháu thấy vui rồi.”

Thịnh thêm: “Hơn nữa, cháu muốn chứng minh cho chính mình là cháu có thể làm cái gì khác hơn là trở thành bác sĩ. Sinh viên gốc Việt nào học giỏi đều muốn thành bác sĩ thôi.”

Điều đặc biệt, Phan Quang Thịnh mới sang Mỹ có sáu năm, khi em đang học nửa chừng lớp 12 tại Việt Nam.

Tags:
Người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên chinh phục đỉnh núi cao nhất Bắc Mỹ

Người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên chinh phục đỉnh núi cao nhất Bắc Mỹ

Amanda Burrill, người phụ nữ gốc Việt từng đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe, đã chinh phục đỉnh Denali – ngọn núi cao nhất Bắc Mỹ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất