Sinh viên Mỹ bị đình chỉ vì chấm điểm thư xin lỗi của bạn gái cũ
Hành động đánh giá thư xin lỗi của bạn gái chỉ đạt điểm D khiến nam sinh Mỹ bị trường đại học đình chỉ.
02:35 22/07/2017
Nick Lutz, sinh viên ngành quản trị thể thao của Đại học Central Florida (UCF) cho biết, một bức thư xin lỗi viết tay dài 4 trang xuất hiện dưới cần gạt nước xe tải của anh vào mùa đông. Nó đến từ cô bạn gái cũ mà anh đã chặn số điện thoại và tài khoản trên mạng xã hội. Cô thể hiện sự hối hận khi chia tay anh trong bức thư có vài lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp.
Vẫn cảm thấy bị phản bội sau cuộc chia tay, Lutz chợt nhận ra đây là cơ hội trả đũa. Giống như một giáo viên chấm điểm bài kiểm tra, anh lấy bút mực đỏ, sửa lỗi và nhận xét với giọng điệu phê bình. Cuối cùng, anh chấm bức thư điểm D.
Sau khi đăng lên mạng xã hội Twitter với chú thích 'Khi bạn gái cũ viết thư xin lỗi và bạn chấm điểm để trả lại', Lutz nhận được gần 340.000 lượt thích và 122.000 lượt chia sẻ. Hành động trả đũa bạn gái cũ của anh lên mặt báo xảy ra cách đây 5 tháng.
Theo Washington Post ngày 19/7, Đại học Central Florida vừa ra quyết định đình chỉ Lutz bởi bài đăng trên Twitter của anh vi phạm các quy tắc ứng xử sinh viên, được đánh giá là hành vi gây rối và có ảnh hưởng xấu.
Bức thư xin lỗi dài 4 trang viết tay của bạn gái cũ bị Lutz chấm điểm bằng mực đỏ.
Lutz và luật sư riêng, Jacob Stuart cho rằng phán quyết này của trường đi ngược hiến pháp, dội gáo nước lạnh vào quyền tự do ngôn luận của sinh viên. Tuần này, họ đã kháng cáo bằng một bức thư gửi Văn phòng Quản lý Sinh viên của UCF.
'Tôi nghĩ rằng điều nguy hiểm ở đây là làm thế nào UCF xác định hành vi gây hại về mặt đạo đức? Không có gì xúc phạm trong bài đăng. Rõ ràng Lutz đang trêu chọc bạn gái cũ, nhưng nó không vi phạm hiến pháp', Stuart nói.
Hình phạt dành cho Lutz bao gồm đình chỉ học suốt mùa hè và học kỳ mùa thu, bị quản chế cho đến khi tốt nghiệp và được giao cho một cố vấn riêng, theo thư kháng cáo. Lutz cũng phải tường trình về tác động của hành vi trong vụ việc này đối với người khác và viết 5 trang giấy về 'ảnh hưởng của loại hành vi này trong tương lai'.
Một phát ngôn viên của trường nói với tờ Miami Herald rằng đây chưa phải là quyết định cuối cùng.
Theo Stuart, bạn gái cũ của Lutz cảm thấy bị ức hiếp qua mạng xã hội, do đó đã nộp đơn khiếu nại tới văn phòng Cảnh sát trưởng quận Volusia, nhưng vụ việc này chưa từng bị truy tố. Cô tiếp tục phản ánh với trường đại học của bạn trai cũ. Vài tuần sau, Lutz được lãnh đạo gọi lên trao đổi về bài đăng trên Twitter. Ngày 6/7, Lutz nhận được một bức thư đưa ra các chế tài mà anh sẽ phải đối mặt.
Luật sư Stuart cho rằng quyền ngôn luận được hiến pháp bảo vệ, và Lutz không nói bất cứ điều gì hạ thấp phẩm giá, xúc phạm hay đe dọa người khác. Tên của bạn gái cũ xuất hiện trên bức thư, nhưng Lutz không hề chia sẻ họ, gắn thẻ tài khoản của cô vào bài đăng hay tiết lộ thông tin cá nhân. Theo ông, việc trêu chọc qua mạng mà lãnh đạo nhà trường đang nói tới sẽ khiến hàng nghìn sinh viên UCF bị đình chỉ vì bài đăng và bình luận tương tự.
Stuart chỉ ra trường đại học này đang vi phạm chính bản giới thiệu về quy tắc ứng xử của mình: 'Quyền tìm tòi kiến thức, thảo luận ý tưởng, hình thành quan điểm và tự do thể hiện của mọi sinh viên được Đại học Central Florida công nhận đầy đủ. Quy tắc ứng xử áp dụng cho hành vi của sinh viên và sẽ không áp đặt kỷ luật cho việc thể hiện quan điểm một cách hợp pháp'.
Trong một cuộc phỏng vấn với WFTV 9, Lutz cho biết bài đăng gây chú ý trên mạng chỉ là một trò đùa với bạn bè. Khi anh gửi ảnh bức thư gốc cho họ xem, một người gợi ý hãy chấm điểm nó bằng mực đỏ. 'Mục tiêu của tôi không bao giờ là để lộ thông tin về cô ấy. Tôi chỉ nhấn mạnh vào bức thư', anh nói. Việc chấm điểm này là cách anh tự bảo vệ mình sau một mối quan hệ thiếu lòng tin và sự chân thành.
'Tôi không làm gì sai trái và tôi không hiểu tại sao trường lại can thiệp vào việc này, nó chẳng liên quan gì đến họ', Lutz nói. Mặc dù nam sinh 21 tuổi thừa nhận thấy có lỗi khi bài đăng lan truyền với tốc độ chóng mặt trong một cuộc phỏng vấn với BBC vào tháng 2, song anh không hối hận về những gì đã làm.
'Một khi đã đăng lên mạng, tôi không thể kiểm soát được phản ứng của mọi người', anh cho biết.
Nhiều sinh viên Mỹ phải sống ‘bụi đời’, thiếu ăn
Cộng đồng sinh viên Los Angeles (Mỹ) có 230.000 sinh viên, cứ 5 người thì có 1 người không có nhà ở và phải sống ‘bụi đời’. Nhiều sinh viên trở thành kẻ vô gia cư, phải sống tạm trong các ngôi nhà bỏ hoang hay xe hơi.