Sinh viên Mỹ được Triều Tiên thả đã tử vong
Gia đình Otto Warmbier, sinh viên Mỹ được Triều Tiên thả trong tình trạng hôn mê tuần trước, nói anh đã tử vong.
09:47 20/06/2017
Otto Warmbier qua đời vào 14h20 ngày 19/6 trong vòng tay người thân tại quê nhà Cincinnati, bang Ohio. "Chúng tôi có nghĩa vụ báo tin con trai, Otto Warmbier, đã kết thúc hành trình", gia đình Warmbier thông báo, theo AFP.
Warmbier, 22 tuổi, sinh viên Đại học Virginia, bị bắt vào tháng 1/2016 và bị tòa án tối cao Triều Tiên kết án 15 năm lao động khổ sai tháng 3/2016. Warmbier thừa nhận lấy trộm biểu ngữ tuyên truyền trong khu vực dành cho nhân viên tại một khách sạn ở Bình Nhưỡng.
Bình Nhưỡng cho biết Warmbier rơi vào tình trạng hôn mê không lâu sau khi lĩnh án. Warmbier bị ngộ độc thịt và đã được uống thuốc an thần. Triều Tiên thả Warmbier về nước ngày 13/6 dựa trên "cơ sở nhân đạo". Theo một quan chức Mỹ, Warmbier được thả sau khi Joseph Yun, đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ về Triều Tiên, tới Bình Nhưỡng và yêu cầu Triều Tiên thả người.
Các bác sĩ điều trị cho Warmbier tại Mỹ nói cậu bị tổn thương mô nghiêm trọng tại mọi vùng ở não nhưng không có dấu hiệu chấn thương thể xác. Kết quả xét nghiệm y khoa không thể xác định được nguyên nhân gây tổn thương thần kinh và không có bằng chứng cho thấy có ngộ độc trước đó.
Phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc hiện chưa có bình luận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/6 gửi lời chia buồn đến gia đình Warmbier và lên án "sự tàn bạo của Triều Tiên". Ông từng hứng chỉ trích hồi tháng 5 khi nói sẽ cảm thấy "vinh dự" nếu được gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về "án tù bất công" của Warmbier.
Otto Warmbier được đưa về Ohio, Mỹ
Reuters dẫn lời Troy Collings, giám đốc Young Pioneer Tours, tuyên bố sẽ không tổ chức các chuyến đi tới Triều Tiên cho công dân Mỹ. Đây là đơn vị tổ chức cho Warmbier đến Triều Tiên.
Triều Tiên hiện còn giữ ba công dân Mỹ gốc Hàn là Kim Sang-dok, hay còn gọi là Tony Kim, Kim Dong-chul và Kim Hak-song. Kim Sang-dok và Kim Hak-song là giảng viên một trường đại học ở Bình Nhưỡng còn Kim Dong-chul là một mục sư bị nghi làm gián điệp.
Ngoại trưởng Tillerson kêu gọi Bình Nhưỡng lập tức trả tự do cho ba người này. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm nay cũng đưa ra đề nghị tương tự.
Ngoài Otto Warmbier, Triều Tiên còn giữ ba công dân Mỹ gốc Hàn là Kim Sang-dok, hay còn gọi là Tony Kim, Kim Dong-chul và Kim Hak-song. Ảnh: CNN. |
Như Tâm
Kết cục đau đớn của sinh viên Mỹ bị Triều Tiên bắt
Otto Warmbier nhắc đi nhắc lại lời xin lỗi, lúc đầu còn bình tĩnh, sau nghẹn ngào trong nước mắt – cầu khẩn được trở về đoàn tụ với gia đình.