Sợ Trump trừng phạt, doanh nghiệp Trung Quốc gấp rút vận động hành lang
Trong năm qua, Tổng thống Donald Trump đã hành động quyết liệt để ngăn chặn những hành vi thương mại không lành mạnh của các công ty Trung Quốc gây tổn hại tới lợi ích của Hoa Kỳ.
10:30 22/06/2019
Một ví dụ điển hình là Huawei, tập đoàn viễn thông Trung Quốc bị nghi ngờ có mối liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc, bị cáo buộc hình sự liên quan đến lệnh trừng phạt Iran, bị cấm mua công nghệ Mỹ và đối mặt với làn sóng tẩy chay từ các nước khác sau những động thái của Washington.
Hiện tại, các công ty Trung Quốc khác đang gấp rút tiến hành vận động hành lang và thuê các công ty quan hệ công chúng để tránh điều tương tự xảy ra với họ, theo bài báo ngày 20/6 của Politico.
Tờ báo này cho biết 8 công ty Trung Quốc khác đã chi ít nhất 7,9 triệu đô la Mỹ cho các công ty vận động hành lang và quan hệ công chúng kể từ mùa xuân năm ngoái, ngay trước khi Tổng thống Trump trừng phạt một công ty viễn thông khác của Trung Quốc là ZTE, theo tiết lộ của Polotico. Số tiền này gấp gần 8 lần những gì các công ty đã chi so với cùng kỳ một năm trước đó.
Trong đó có một doanh nghiệp phát thanh Trung Quốc, một nhà sản xuất xe lửa nhà nước và một nhà sản xuất camera giám sát. Họ đã thuê hơn hai chục nhà vận động hành lang trong năm qua, bao gồm các nhà lập pháp cũ và nhân viên trong chiến dịch tranh cử lần đầu của ông Trump.
Sự tăng cường này cho thấy các công ty Trung Quốc (trong quá khứ cũng đã từng chơi trò chơi gây ảnh hưởng tới Washington) đang ngày càng lo lắng trước các mối đe dọa từ chính quyền Trump, cũng như việc đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Nghị viện đang mong muốn trấn áp Trung Quốc. Và đó là một dấu hiệu khác cho thấy cuộc chiến thương mại của ông Trump với Trung Quốc đang thúc đẩy kinh doanh trên Phố K – nơi có nhiều công ty vận động hành lang ở Washington.
“Nó đã phát đi sóng xung kích”, Amiad Kushner, một luật sư ở New York đại diện cho các công ty Trung Quốc ở Mỹ nói về ảnh hưởng từ hành động của chính quyền lên Huawei và ZTE.
Chính quyền Trump đã cấm các công ty Mỹ làm ăn với ZTE sau khi kết quả điều tra cho thấy công ty này bán thiết bị cho Iran và Triều Tiên, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. ZTE đã phản ứng bằng cách chi hàng triệu đô la cho vận động hành lang, bao gồm thuê cựu thượng nghị sĩ Joe Lieberman và Norm Coleman cùng hai nhà vận động hành lang làm việc cho chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump, David Urban và Bryan Lanza, theo tiết lộ từ hồ sơ của Politico.
Và có vẻ như việc vận động hành lang theo lệnh từ ông Tập Cận Bình đã hiệu quả. Ông Trump đã đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm vận, nếu công ty trả khoản tiền phạt 1 tỷ USD và đưa ra những nhượng bộ khác.
Cách tiếp cận của Huawei trong cuộc chiến của họ với ông Trump cho đến nay lại hoàn toàn ngược lại. Huawei đã quyết định từ hơn một năm trước rằng sẽ không đáng để vận động Nghị viện hoặc chính quyền Trump sau khi đã giúp chính phủ Trung Quốc theo dõi các thiết bị của họ. Huawei chỉ giữ lại một vài người vận động hành lang, và công ty quyết định tiến hành cuộc chiến tại tòa án và trên báo chí. Huawei kiện chính phủ liên bang vào tháng 3, lập luận rằng một đạo luật được thông qua vào năm ngoái đã loại bỏ Huawei và bốn công ty Trung Quốc khác là vi hiến.
Huawei cũng thuê Racepoint Global, một công ty quan hệ công chúng ở Boston trong tháng 3 để giúp soạn các bài đăng trên mạng xã hội Twitter quảng bá thông điệp của Huawei, Larry Weber, chủ tịch công ty nói trong một bài phỏng vấn.
Nhưng các động thái cũng không tạo được ra nhiều sự khác biệt. Huawei vẫn nằm trong danh sách đen thương mại, khiến các nhà cung cấp dịch vụ không dây nhỏ lo ngại rằng họ có thể tốn hàng trăm triệu đô la để thay thế thiết bị của Huawei.
Có lẽ sau khi nhìn vào hai hướng xử lý trái ngược nhau của ZTE và Huawei, các công ty Trung Quốc khác đang phải đối mặt với các mối đe dọa tiềm tàng từ Nghị viện Hoa Kỳ đã học được bài học và quyết định sẽ làm theo cách của ZTE và tăng cường chi tiêu của họ ở Washington.
Hikvision, một nhà sản xuất camera giám sát của Trung Quốc thuộc một phần sở hữu nhà nước, đã bỏ ra gần 1,8 triệu đô la để thuê các nhà vận động hành lang Washington và công ty quan hệ công chúng trong năm qua. Trong đó bao gồm cựu đại diện Hoa Kỳ Rick Boucher – một thành viên đảng Dân chủ từ Virginia, và Lanza – cựu trợ lý chiến dịch tranh cử của ông Trump. Chính quyền đang xem xét đưa Hikvision và một công ty Trung Quốc khác là Dahua Technology vào danh sách đen, nhưng chưa đưa ra kết luận chính thức.
Công ty vi mạch Phúc Kiến Kim Hoa Kết hợp (Fujian Jinhua Integrated Circuit), một nhà sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc, đã thuê các công ty vận động hành lang và các hãng luật kể từ khi bị chính quyền Trump đưa vào danh sách đen trong năm ngoái. Nhà vận động hành lang nổi tiếng của đảng Cộng hòa là Marc Lampkin nằm trong số những người ủng hộ công ty.
DJI, một công ty máy bay không người lái Trung Quốc, đã thuê công ty vận động hành lang BGR Group vào tháng 4 để tư vấn chiến lược về luật hoặc các quy định có thể ảnh hưởng đến công ty.
Hytera một nhà sản xuất đài phát thanh Trung Quốc có tên trong dự luật cho biết đã thuê công ty vận động hành lang Chiến lược chính phủ Duane Morris, để tìm hiểu lý do tại sao công ty lại bị đưa vào danh sách. Và hiện tại họ vẫn chưa có được câu trả lời.
ByteDance, công ty Trung Quốc đứng sau ứng dụng nổi tiếng TikTok, đã xúc tiến hoạt động vận động hành lang đầu tiên của mình ở Washington vào đầu tháng này.
BYD Motors, một công ty xe buýt điện của Trung Quốc, và CRRC, một nhà sản xuất xe lửa nhà nước, đã tthuê thêm các nhà vận động hành lang trong những tháng gần đây để ngăn Nghị viện Mỹ thông qua các dự luật khiến hệ thống giao thông Mỹ khó mua tàu và xe buýt từ công ty hơn.
Tuy đã gấp rút đẩy mạnh vận động hành lang nhưng có vẻ các công ty thuộc diện có nguy cơ chịu ảnh hưởng từ sự trừng phạt và giới hạn của Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với khá nhiều khó khăn.
Các công ty Trung Quốc có rất ít đồng minh ở Washington vào lúc này, vì cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều bày tỏ mong muốn trấn áp họ. Theo một nguồn tin chia sẻ với POLITOCO, “Rất nhiều thành viên của Nghị viện đã suy nghĩ về Trung Quốc và tất cả những vấn đề liên quan tới Trung Quốc”.
Thượng nghị sĩ Rick Scott, thành viên đảng Cộng hòa từ Florida đã đề nghị một lệnh cấm tiềm năng đối với máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất. Ông Scott nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng chúng ta thật điên rồ khi làm kinh doanh với người Trung Quốc. Chúng ta nên mua sản phẩm của Mỹ bằng mọi cách có thể”.
Dân biểu Harley Rouda, thuộc đảng Dân chủ tại California cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng ông dự kiến các điều khoản bổ sung sẽ được đưa vào dự luật chi tiêu quốc phòng năm nay trong đó có danh sách các công ty Trung Quốc mà Mỹ không được mua hàng. Dự luật là cần thiết để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước và giải quyết nỗi sợ an ninh mạng, ông cho biết.
Tất Thăng
Những lầm tưởng phổ biến khi uống rượu bia
Nhiều người nghĩ rằng uống rượu bia nhiều mới có hại sức khỏe, thực tế lượng uống an toàn tùy thuộc nhiều yếu tố như độ cồn, cơ địa.