Sóng nhiệt buộc 400 triệu dân Trung Quốc tìm nơi sơ tán vào năm 2070?

Sóng nhiệt áp suất cực đại có thể quét qua miền bắc Trung Quốc trong vòng 50 năm tới. 400 triệu dân có thể đối mặt với ngày mà họ chỉ còn vài giờ để sống.

13:30 05/08/2018

Bình nguyên Trung Hoa sẽ là một điểm nóng dưới tác động của biến đổi khí hậu. Một báo cáo được đăng trên tạp chí khoa học Nature Communications cho biết chi tiết về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với vùng đồng bằng phía Bắc rộng lớn của Trung Quốc.

Vùng đồng bằng phía Bắc của Trung Quốc đã trải qua nhiều sự thay đổi và phát triển thành khu vực tập trung nhiều siêu đô thị như Bắc Kinh hay Thiên Tân.

Những cánh đồng màu mỡ giờ đây đã trở thành một trong những nơi có mật độ dân cư cao nhất trên trái đất, và nhiệt độ cũng không ngừng gia tăng, theo tờ Nt News.

Người dân đang cố gắng làm mát cơ thể tại một công viên nước ở Suining, phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, khi một đợi sóng nhiệt xảy ra ở một số tỉnh thuộc Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

Cảnh báo sóng nhiệt tại Trung Quốc

“Khu vực này sẽ là điểm nóng nhất trong những đợt nắng nóng chết người trong tương lai, đặc biệt dưới sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”, giáo sư Elfatih Eltahir thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cảnh báo.

Dữ liệu dự báo đây sẽ là một trong những đợt sóng nhiệt tồi tệ nhất trên Trái đất. Ngay cả trong bóng râm, hơi nóng xung quanh và độ ẩm có thể sẽ giết chết con người trong vòng 6 giờ.

Một trong những khu vực đông dân cư nhất thế giới có thể đứng giữa ranh giới của khả năng sinh tồn vào cuối thế kỷ này. (Ảnh: MIT)

Sóng nhiệt – mối lo ngại của tất cả các quốc gia

Đối với bất kỳ lãnh thổ nào, sóng nhiệt không chỉ là vấn đề về nóng. Đó là vấn đề độ ẩm trong không khí sẽ quyết định liệu cơ thể con người có cơ hội hạ nhiệt hay không. Còn được gọi là nhiệt độ “bầu ướt” (wet – bulb).

Khả năng chịu được sóng nhiệt của cơ thể con người phụ thuộc vào khả năng đổ mồ hôi – và mồ hôi đó làm mát da thông qua sự bay hơi. Khi độ ẩm ở mức tối đa, có nghĩa là không có không gian cho mồ hôi đó bay đi, vì vậy, mồ hôi sẽ bám vào cơ thể con người. Và cơ thể sẽ nóng dần lên. Ngay cả một người lớn khoẻ mạnh cũng không thể sống sót ngoài trời trong một “bầu ướt” 35 độ C trong hơn 6 giờ.

Đám đông nghỉ mát tại một bãi biển trong một ngày thiêu đốt tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc. (Ảnh: Imaginechina/REX)

Khi mồ hôi không còn duy trì cơ chế làm mát cho cơ thể 

“Nếu nhiệt độ bầu ướt vượt quá nhiệt độ tối đa của da con người là 35 độ C, mồ hôi không còn hoạt động như một cơ chế làm mát được nữa”, theo Giáo sư Jeremy Pal thuộc trường Khoa học và Kỹ thuật Seaver, “Cơ thể sẽ nhanh chóng nóng quá mức, dẫn tới tử vong”.

“Với điều kiện thời tiết nóng và ẩm, nhiệt độ trong cơ thể không thể thoát ra ngoài”, nhà nghiên cứu Camilo Mora tại Đại học Hawaii cho biết. Ông cũng đã phát triển các mô hình để tính toán ra cái ngày chết người này, theo các kịch bản biến đổi khí hậu khác nhau. “Điều này sẽ dẫn tới một tình huống gọi là tế bào nhiệt độc hại (heat cytotoxicity), gây hại cho nhiều cơ quan nội tạng của cơ thể, ông trả lời tờ AFP. “Nó giống như cháy nắng, nhưng cháy bên trong cơ thể”.

Bài báo cáo trên tờ Nature Communications cho biết các điều kiện thời tiết có khả năng sinh ra một “bầu ướt” có thể gây chết người vào năm 2070 tại Trung Quốc.

Bài báo cáo hôm 2/8 của tờ NatureCommunications cho biết Trung Quốc đối mặt với sóng nhiệt nguy hiểm vào năm 2070. (Ảnh: Twitter/ NatureCommunications)

Sóng nhiệt cực độ đã xuất hiện tại Trung Quốc

Dữ liệu thời tiết lưu trữ cho thấy nhiệt độ phía bắc Trung Quốc đang biến đổi theo một chiều hướng đáng sợ. Theo dữ liệu, kể từ năm 1970, sóng nhiệt đã trở nên dữ dội và thường xuyên hơn. Từ năm 1990, tần suất của những cơn sóng nhiệt đã bùng nổ. Sóng nhiệt cực độ đã kéo dài trong thời gian lên tới 50 ngày, theo nghiên cứu.

Một nhân viên bảo vệ đang làm nhiệm vụ dưới cái nắng mặt trời như thiêu đốt dọc Bến Thượng Hai khi nhiệt kết hiển thị nhiệt độ đạt 42 độ C tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 6/3/2013. (Ảnh: Imaginechina / AP Images)

Một ví dụ, Thượng Hải, thành phố lớn nhất phía đông Trung Quốc, đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trong 141 năm, vào năm 2013. Hàng chục người đã chết. Về cơ bản, khu vực này đang trải qua biến đổi khí hậu với tốc độ gấp đôi phần còn lại của thế giới.

Biểu đồ mô tả khí hậu khu vực, đồng bằng phía Bắc Trung Quốc nổi bật như một điểm nóng trong bản đồ toàn cảnh của nhiệt độ “wet-bulb” tối đa trong vài thập kỷ qua. Với những quan sát trước đây được ghi lại, khu vực này dự kiến sẽ vẫn dễ bị tổn thương bởi sóng nhiệt trong tương lai.

Sóng nhiệt gia tăng bởi hệ thống hoá tưới tiêu

Và nó trở nên tồi tệ hơn, bởi giải pháp nhằm giải quyết một vấn đề khác: Đói.

Phần lớn đồng bằng bắc Trung Quốc đã được hệ thống hóa tưới tiêu để tối đa hóa sản lượng nông nghiệp. Khu vực này chính là “giỏ bánh mì” của Trung Quốc. Hàng chục triệu nông dân Trung Quốc trồng trọt trên những cánh đồng mỗi ngày để nuôi những thành phố khổng lồ như Bắc Kinh. Những tính toán trên máy tính cho thấy, một mạng lưới tưới tiêu sẽ làm tăng thêm 0,5 độ C vào nhiệt độ của khu vực, cũng như độ ẩm.

Những ghi chép về nhiệt độ tại lục địa Trung Quốc tháng 7/2013. (Ảnh: CNN)

Giáo sư Eltahir cho biết: “Thuỷ lợi làm trầm trọng thêm tác động của biến đổi khí hậu. Đồng bằng bắc Trung Quốc có khả năng trải nghiệm sóng nhiệt chết người với nhiệt độ “bầu ướt” vượt quá ngưỡng những gì nông dân Trung Quốc có thể chịu đựng được”.

Vì vậy, vào những năm 2070, cái ngày mà những người nông dân sẽ đối mặt với cái chết, vì đột quỵ do nhiệt trong vòng 6 giờ – cho dù họ có đang nghỉ ngơi trong bóng râm hay không.

Các điều kiện trong thành phố sẽ rất khủng khiếp – mặc dù có thể sống sót bằng cách ở trong điều hoà máy lạnh cả ngày. Nhưng nguồn cung cấp thực phẩm sẽ lên tới đỉnh điểm khủng hoảng. Và các điều kiện sống sẽ không thể đáp ứng.

Khoảng 400 triệu người có thể buộc phải chạy trốn tới nơi có khí hậu mát mẻ hơn.

Máy bay ném bom chiến lược H-3K của Trung Quốc cất cánh vào một bình minh đỏ. Trung Quốc đã gia tăng đáng kể sự hiện diện quân sự dọc theo biên giới phía nam. (Ảnh: Truyền thông Trung Quốc / Nt News)

Bài báo cáo trên tờ Nature Communications kết luận: “Trung Quốc hiện là nước đóng góp lớn nhất vào khí thải nhà kính, với những tác động nghiêm trọng tới chính người dân của họ: Việc tiếp tục mức độ phát thải toàn cầu như hiện tại có thể giới hạn khả năng sinh tồn của cư dân vùng đông dân nhất, tại một quốc gia có dân số lớn nhất trên Trái đất”.

Từ báo cáo khoa học của Nature Communications, tác giả Jamie Seidel của tờ báo Australia, Nt News, nhận định trong bài viết đăng tải ngày 2/8: “Bây giờ thì chúng ta biết tại sao Bắc Kinh lại quan tâm đến biển Đông đến vậy”.

Triệu Hằng

Tags:
Tại sao không nên dùng đồ nhựa đựng thức ăn?

Tại sao không nên dùng đồ nhựa đựng thức ăn?

Các bác sĩ nhi khoa ở Mỹ khuyến cáo cha mẹ không nên dùng những vật dụng bằng nhựa để đựng đồ ăn cho trẻ vì chúng chứa nhiều hóa chất có thể ảnh hưởng đến hệ thống tuần hoàn máu và hoóc môn ở trẻ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất