Sống ở Mỹ : Tôi về nghỉ hưu ở Việt Nam

Đã bàn nhiều về cách làm giàu ở Mỹ, nay tôi xin kể về chuyện trở về quê hương, “nghỉ hưu” sau nhiều năm bôn ba trên đất khách của tôi.

23:30 17/04/2020

Sinh ra ở Việt Nam, lớn lên bằng gạo lúa quê mình vì nhiều lý do khác nhau, nhiều người phải mưu sinh ở nước khác. Sau những năm tháng bôn ba trên quê hương thứ hai, thành công về vật chất đã có rất nhiều người đạt được, nhưng về tinh thần cũng còn rất có rất nhiều người luôn nặng tình với quê hương.

Rất hiếm hoi để được nghe người ta nói về tình yêu quê hương, nhưng khi nhắc về những kỷ niệm, về gia đình, về tuổi thơ hay những câu chuyện tình yêu một thời, hai chữ quê hương lúc ẩn lúc hiện và bây giờ họ đã trở thành tầng lớp hưu trí. Và hình như đã đến lúc mọi người cùng ghé tai nhau nói nhỏ “ta về ta tắm ao ta” rồi thì phải.

sanbay-1349832853_480x0.jpg

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhìn từ trên cao. Ảnh: Tapetco

Tôi còn nhớ cái cảm giác lâng lâng và đầy hụt hẫng khi trở lại quê hương, lần đầu trở lại thăm gia đình ở Việt Nam vào năm 1990. Nước mắt đã không ngăn được khi phi cơ vào không phận Việt Nam.

Nhưng năm 1990, tôi chưa có cảm giác có thể quên đi công ăn việc làm ở Mỹ để trở về Việt Nam, gần gũi gia đình. Đến năm 1993 tôi lại về Việt Nam, bức tranh quê hương có thay đổi thêm vào những nét chấm phá của văn hóa rất Việt Nam, những tình cảm ngộ nghĩnh và rất con người đột nhiên tự có.

Tôi làm quen với nhiều người, từ bà cụ bán vịt lộn, anh lái xe ôm, trí thức. Chúng tôi nói nhiều chuyện, trong đó có chuyện làm sao để có đời sống kinh tế khá hơn. Và mỗi người, mỗi câu chuyện lại là một kinh nghiệm đầy phấn đấu cho tôi.

Có những mẩu chuyện mà khó ai tin, một bà cụ vốn liếng chỉ có 30 trái vịt lộn thế nhưng bà cụ nuôi được thân mình và đứa cháu tật nguyền mất cả cha lẫn mẹ. Những mảnh đời thiếu may mắn tôi gặp ở khắp mọi nơi, họ chỉ mong có số vốn nhỏ để bắt đầu. Khi biết được cái mong ước của họ chỉ là số tiền nhỏ có khi chỉ 50 USD, đủ để họ khởi đầu cho một gánh hàng rong, hay có tiền vốn bán vé số, và thực tế hơn chính gia đình người anh ruột của tôi cũng mong được tôi cho 500 USD và hứa sẽ “không bao giờ làm phiền chú nữa”.

Tôi trở lại Mỹ và mau chóng quên những người bạn này vì quá bận rộn, rồi tình cờ tôi gặp lại một vài người đã đến Mỹ theo diện HO. Họ kể cho tôi nghe về những người quen khác ngày một khá hơn, đời sống thay đổi nhiều, và còn nhiều cái vui khác. Tôi lại quyết định về Việt Nam thăm nhà vào đầu những năm 2000.

Và ngày trở lại có nhiều người đón tôi ở phi trường với những trách móc: “Sao tôi viết thư mà ông không trả lời?” Thật là ngỡ ngàng nhưng tôi cười trừ chống chế. Tôi mà nhận được thư ông viết “tôi chết liền”. Tôi không hiểu cái cách nói này tôi học được ở đâu (!) nhưng đó là lần đầu tiên tôi nói.

Một tháng ở Việt Nam trôi qua mau chóng, tôi ngày nào cũng đi hết nhà người này đến nhà người khác, mà ngày nào cũng giống nhau ở đâu thì cũng rượu thuốc (phần lớn là rượu chuối hột). Còn đồ ăn thì được chế biến từ tất cả những thứ mà họ tìm được.

Tôi có cái may mắn là ăn cái gì cũng được, thế mà lần đầu tiên được mời uống tiết rắn. Mặc dù rất sợ nhưng vẫn can đảm, “ai tới đâu thì tôi theo tới đó” có lẽ vì vậy mà tôi dễ thân thiết với mọi người. Bài học đầu tiên mà tôi học được trong cái văn hóa phức tạp của ngày trở về này.

“Bữa nhậu là đầu câu chuyện, từ kinh doanh buôn bán, đến việc giải quyết xung khắc trong nhiều lĩnh vực. Những ông lớn không làm những việc bé, nhưng rất nhiều người “bé” lại có quan hệ với nhiều ông lớn, và cuối cùng thì các ông lớn sẽ giải quyết những việc của người bé”, một người bạn của tôi đúc kết như vậy.

Tôi trở lại Mỹ, để rồi hai tháng sau tôi quyết định nghỉ việc và về Việt Nam hưu trí. Bây giờ đã 10 năm, khi viết bài này, tôi đang ở Việt Nam và được gọi là . Tôi là một người “ hưu trí” 10 năm, một khoảng thời gian “được cái này mất cái kia” và rất nhiều điều tôi đã trải qua vừa vui và vừa buồn cười. Những trải nghiệm của tôi đôi lúc trở thành câu chuyện dí dỏm, và tôi sẽ tuần tự trình bày dưới khía cạnh của kinh nghiệm thực tế, để các bạn “Người Việt hải ngoại” đừng vấp phải những khó khăn mà tôi đã trải qua khi các bạn quyết định về Việt Nam hưu trí.

Tôi mua nhà

Về Việt Nam, tôi không có ý định ở khách sạn, nên quyết định mua một căn nhà nhỏ chỉ bằng diện tích của một studio ở Mỹ làm nơi tạm trú với dự định là số khi nào không cần nữa thì cho ai đó là xong.

Căn nhà đầu tiên tôi mua có diện tích 5×9 = 45m2, giá mua là 45 cây vàng 9999. (một lượng vàng 9999 quy thành tiền Việt = 4,7 triệu/cây vàng và bằng 22.000 USD). Đây là số tiền không lớn, làm tôi không phải băn khoăn, và để căn nhà này cho một người thân đứng tên.

1-1349832853_480x0.jpg

Nhiều Việt kiều đã không còn muốn mua nhà tại Việt Nam như trước đây. Ảnh: Hoàng Hà

Căn nhà được tôi tu bổ và trở nên rất ấm cúng với những hệ thống nội thất trang trí vừa phải đã cho tôi một tổ ấm đúng nghĩa 50%, còn 50% còn lại là do tôi không được đứng tên nhà. Chỉ có điều tôi không bao giờ ngờ rằng, người thân mà tôi nhờ đứng tên lại có ý “chỉ coi tôi như một người ở nhờ”. Cái đắng cay là mất tình nghĩa chứ không phải là do số tiền mua nhà.

Trong khi để cảm ơn họ đã giúp tôi, tôi cũng đã mua lại một khu nuôi gia súc cách thành phố 40 km thuộc vùng Tân Uyên Biên Hòa với ý định biếu họ. Tôi may mắn lấy lại được nhà chỉ vì họ phạm phải lỗi lầm to lớn đó là khi tôi đi chơi xa, họ mang người đến đục két sắt và lấy của tôi một số tiền, nhờ vậy để tránh bị tù tội họ phải chuyển chủ quyền cho một người khác mà tôi chỉ định, và dĩ nhiên không bao giờ họ nhận được cái trang trại mà tôi có ý cho họ.

Về Việt Nam, mang danh nghĩa Việt kiều, thời năm 2000 đi tàu giá vé gấp đôi, vào nhà hàng thì luôn có con dao thật bén để họ chém đẹp, dù không bao giờ tự nhận mình là Việt kiều, nhưng họ tinh lắm chỉ cần nhìn cách đi đứng ăn nói của mình là họ biết ngay. Chẳng vậy mà trên tuyến đường đi từ Đà Lạt xuống Phan rang, khi xe ngừng lại một quán nước bên đường đã có người bán hàng rong đưa tay bóp bắp tay tôi rồi nói: “Chu ơi, Việt kiều mập quá!”

Bây giờ, những chuyện thế này thì không còn nữa và luật pháp Việt Nam khá thông thoáng. Theo thông tin đại chúng, Việt kiều được đứng tên mua nhà và làm chủ tài sản của mình, nhưng đến thời điểm này liệu không còn có nhiều người thật sự muốn mua nhà. Vì các nguyên nhân sau đây:

– Những người cần mua thì họ đã mua rồi, họ không đứng tên thì người nhà của họ đứng tên. Khi đó giá nhà đất còn rẻ, nhiều người có thể đủ khả năng để mua một biệt thự hay một căn nhà phố, giá chỉ vài ba tỷ đồng Việt Nam.

– Ngày nay muốn mua được một biệt thự họ phải trả từ 6 đến 10 tỷ hay từ 300.000 đến 500.000 USD (10 tỷ VND), cho một biệt thự, trong khi giá cho thuê một biệt thự cao cấp cũng chỉ khoảng 1.000 USD. Hãy làm một so sánh: nếu phải bỏ ra 10 tỷ đồng, số tiền này có thể cho lợi nhuận 50 triệu VND/tháng. Như vậy, dù có thuê nhà với giá 1.000 USD họ vẫn còn lợi đươc 1.500 USD.

– Hiện tại giá nhà đất tăng vọt, giá trị thật sự của nhu cầu không tương ứng với số tiền người ta phải bỏ ra để mua.

– Tâm lý Việt kiều không bao nhiêu người muốn ở Việt Nam toàn thời gian mà chỉ có ý định sống hai nơi tùy theo lúc và nhu cầu.

– Việc khó khăn để có được giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam là một hành trình dài, trong khi hộ chiếu của Mỹ thì có ghi rõ “Xuất xứ: Việt Nam” mặc dù vậy họ vẫn không được công nhận là còn quốc tịch Việt Nam.

– Thủ tục hành chính rườm rà, dể làm nản lòng rất nhiều người.

– Hệ thống pháp lý của Việt Nam cũng vô cùng phức tạp, nhất là khi người Việt hải ngoại có vướng mắc với luật pháp, thông thường là các án dân sự, rất và rất nhiều do tranh chấp tài sản khi nhờ người khác đứng tên.

Trên mục “Người Việt Năm châu” tôi đọc được một số bài viết của các bạn đọc ở hải ngoại có những ưu tư như những bài “Có nên về Việt Nam hưu trí”, “Về Việt Nam làm việc” hay “Mua nhà ở Việt Nam để hưu trí” và còn nhiều nữa. Với kinh nghiệm mà tôi có được trong nhiều năm sống tại Việt Nam, tôi mong được chia sẻ với bạn đọc, hy vọng những kinh nghiệm nhỏ bé này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn khi chọn lựa cho mình một quyết định.

Xin chào tất cả bạn đọc và hẹn gặp lại.

Tags:
Mẹ hối hận khi dạy con theo 'tư duy người nghèo'

Mẹ hối hận khi dạy con theo 'tư duy người nghèo'

Con tốt nghiệp không kiếm được việc, Tạ Linh hối hận bởi quyết định của mình 7 năm về trước.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất