Sống ở Mỹ khó hay dễ? Đâu là điều quan trọng?
Muốn sống được ở Mỹ là mình phải lao vào việc làm, lối sống cũng phải thay đổi chút. Nhưng điều mình thích nhất ở đây là dịch vụ và cách đối đãi người với người, không có cái chuyện hoạnh họe để đòi thêm tiền mới phục vụ đâu nha.
07:42 01/11/2021
Bài viết của bạn Chí Vân Tâm đề cập gần như chính xác mọi điều về cuộc sống ở Mỹ, nhưng tất nhiên trong nội dung bị giới hạn nên đã không thể lột tả toàn cảnh về cuộc sống ở nơi này.
Sang Mỹ sinh sống, cái trở ngại to lớn nhất là tiếng Anh. Không có tiếng Anh thì đi đâu làm gì cũng vướng vấp, riết rồi hoảng loạn. Nhiều đêm có người còn mộng mị mong về lại cố hương.
Tiếp đó là tuổi tác và công việc. Thường thì việc làm chia làm 2 loại, trí óc và tay chân. Các cô chú lớn tuổi sang Mỹ rất đau đầu về khía cạnh công việc. Vì đi làm thì sức không bằng các dân gốc Mễ, gốc Sì, gốc Phi mà nhất là mấy thành phố đông dân, thiếu việc thì lương lại quá ư là thấp. Làm trí óc thì không hẳn nhẹ hơn, nhưng sẽ phù hợp với gốc dân sức nhỏ, vai gầy như Việt Nam mình. Tuy nhiên nói đi thì cũng nói lại, chua cay là vậy, nhưng các cô chú sang Mỹ là điều rất đáng khâm phục. Chưa kể đời bố sẽ củng cố đời con. Trình độ học vấn của con em dân Việt Nam mình không tệ chút nào.
Về học hành, tuổi nào cũng học được, miễn dốc lòng dốc sức. Chẳng ai cười bạn, cũng không ai soi mói đời tư của bạn. Học ra rồi làm gì? Cái không thiên đường tiếp theo của Mỹ là ở đây. Tỉ lệ thất nghiệp khá cao! Học ra đôi khi lóng ngóng mãi không ra việc. Mà rồi đôi khi có việc cũng xa tít mù tắp, phải dời sang sống tại tiểu bang khác và phải xa gia đình một thời gian. Các bạn biết không, mỗi tiểu bang của Mỹ to lớn như 1 quốc gia nếu so với Viật Nam hay các tiểu quốc khác. Nên dọn đi, dọn lại là điều khá chán nản với truyền thống an cư của người Việt mình. Lại phải đau đầu suy nghĩ.
Vậy tại sao việc làm là quan trọng? Bảo hiểm và chi phí khám chữa bệnh hao phí nhiều và cao lắm. Không có bảo hiểm thì lỡ ra có chuyện gì là sính vính luôn. Cái vinh dự quốc gia hàng đầu về chăm sóc y tế cộng đồng cũng đi đôi với chi phí y tế cao nhất thế giới có khi. Bảo hiểm giúp mình giảm nhẹ tiền khám chữa bệnh. Vậy đi mua bảo hiểm. Không phí, không thừa nhưng thú thật hồi mới qua cái vụ bảo hiểm này làm mình tiếc tiền dễ sợ.
Nhưng nói đi phải nói lại, có việc làm là có nhiều thứ. Có nhanh hơn những gì mình mong muốn tại quê nhà! Ví dụ cái nhà, một người nhân viên bình thường không thể mua nổi nếu không có thu nhập không thường xuyên hay bất thường nào đó (các bạn hiểu văn hóa kinh doanh, dịch vụ bên quê nhà rồi ha). Vậy rồi với lương ba cọc ba đồng thì chia ra xem căn nhà 1 tỷ đồng thôi, ta phải để dành trong bao lâu?
Bên Mỹ thì khác chút. Không trả góp không phải dân Mỹ. Trả góp đây không phải là mô đen gì hết. Trả góp để xây điểm tín dụng như bạn Chí Vân Tâm đề cập ở trên. Nhưng cái hay của trả góp là mình có mình xài sớm, góp xong nó hư, mình lại góp. Nhà thì từ ngày đi down đủ tiền cho ngân hàng và bắt đầu góp là có thể dọn và ở. Xui xui mất job, hết góp nổi, nó kéo nhà. Vậy đó! Góp xong cái nhà đầu cũng hai màu tóc vì lo đó nghen.
Lối sống cũng phải thay đổi ít nhiều. Sẽ là rất phù hợp nếu ai thích cơm, bỏ phở. Mình đề cập cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Bạn có gia đình, bạn chung vai đấu cật với bạn đời thì cuộc sống cũng dễ dàng hơn. Còn ngoại tình lăng nhăng thì xem như thả dốc không phanh nếu chính bản thân bạn không có gì bền vững trong sự nghiệp.
Còn nghĩa đen là mình có xu hướng ăn cơm nhà sẽ tiết kiệm rất nhiều. Hãn hữu lắm đi ra ngoài ăn, ăn xong bo từ 10-20% thì có mà tiếc đứt ruột. Xin đừng nghĩ mình keo khi nói vậy. Chính ra phàm là dân Việt, cơm với nước mắm cũng sẽ thấy ngon hơn thứ phở lạt lẽo tại Mỹ đó. Cà phê cũng nhạt nhẽo, rồi … ui thôi ẩm thực nghĩ đến mà oải người.
Mình keo cũng được, tiết kiệm cũng được. Nhưng ai đó qua đây đi làm rồi, va vấp cái công việc tay chân rồi mới biết. Tụi chủ nó trả lương đáng đồng tiền bát gạo lắm, chứ không có chuyện sáng 9 giờ cafe 4 giờ về mà ăn lương tháng ngon lành đâu.
Cái mà mình thích nhất mà sắp sửa đề cập ở đây là cái dịch vụ và cách đổi đãi người với người. Mặc dù đó là hai vấn đề của kinh tế và xã hội, nhưng gom lại là vì mình sẽ thích lắm khi người đối diện nói chuyện tôn trọng mình. Không có đâu cái kiểu hoạnh họe, chửi lên đầu lên cổ để vòi tiền nhằm tăng chất lượng phục vụ.
Mong có vài ý chia sẻ cùng các bạn đọc. Đi Mỹ được cứ đi, đóng thuế được cứ đóng, học được cứ học, giấc mơ Mỹ nằm ở chỗ bạn dám lao ra ngoài đi cày thuê cuốc mướn. Đi rồi sẽ sợ, sợ rồi muốn về, nhưng ở quen rồi bảo về sẽ không ai dám mặc dù than ầm trời luôn.
Thẻ xanh mỹ – theo Richard Nguyen (vnexpress)
Lời răn dạy của người xưa: “Quét nhà chưa xong, lấy gì quét thiên hạ”
Cổ nhân có câu: “Đại sự thiên hạ đều xuất phát từ những việc tưởng như nhỏ nhặt, chuyện khó thiên hạ đều xuất phát từ những việc tưởng là giản đơn”. Chính những việc thoạt nhìn có vẻ bé nhỏ và đơn giản ấy cũng có đủ sức để góp thành chuyện lớn.