Startup y tế 600 triệu USD ở Thung lũng Silicon bị nghi lừa đảo
Cục Điều tra liên bang Mỹ vừa khám xét văn phòng của công ty khởi nghiệp uBiome vì nghi vấn lừa đảo. Startup này từng huy động hơn 100 triệu USD và được định giá 600 triệu USD.
05:30 19/05/2019
Theo Business Insider, mới đây các đặc vụ FBI đã đến khám xét văn phòng của công ty uBiome tại San Francisco (Mỹ). CEO Jessica Richman và đồng sáng lập Zachary Apte đều quyết định tạm dừng việc điều hành công ty trong giai đoạn điều tra.
uBiome là công ty khởi nghiệp, cung cấp dịch vụ kiểm tra sức khỏe vi khuẩn và vi sinh vật trong cơ thể người. Công ty khẳng định xét nghiệm này là miễn phí và các công ty bảo hiểm sẽ thanh toán chi phí xét nghiệm cho người lao động.
Thời gian qua, uBiome đã huy động được hơn 105 triệu USD vốn đầu tư và được định giá khoảng 600 triệu USD. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều khách hàng của uBiome rơi vào rắc rối khi không được công ty bảo hiểm thanh toán chi phí xét nghiệm, khiến họ phải móc tiền túi hàng nghìn USD.
Một số nhân viên cũ của uBiome còn tiết lộ với Business Insider rằng có thể công ty đã có những hành vi gian lận về việc xét nghiệm. Ngoài ra, họ cũng cho biết CEO Jessica Richman không cung cấp tuổi thật của bản thân để đánh bóng hình ảnh.
Trên thực tế, Richman và Apte là tình nhân, sống chung với nhau. Năm 2014, Richman nói với báo chí rằng cô ta chưa đầy 30 tuổi. Nhờ đó, Richman lọt vào danh sách “30 người phụ nữ quan trọng nhất trong ngành công nghệ” của Business Insider khi đó.
Lúc đó thật ra Richman đã 40 tuổi. Một năm sau, uBiome được CNN đưa vào danh sách các công ty sáng tạo có CEO dưới 40 tuổi. Richman cũng khẳng định với phóng viên CNN rằng cô ta dưới 40 tuổi.
Năm 2018, Richman một lần nữa nói với một phóng viên khác của Business Insider rằng cô ta dưới 40 tuổi, nhờ đó được nêu tên trong bài báo “Gặp gỡ 30 nhà lãnh đạo y tế dưới 40 tuổi đang sử dụng công nghệ để xây dựng tương lai y tế”.
Nguồn: Zing.vn
Nếu là một quốc gia, vùng Silicon Valley sẽ là ‘quốc gia giàu hạng nhì’ trên thế giới
Nếu là một quốc gia độc lập thì vùng Silicon Valley ở miền bắc California sẽ trở thành xứ sở giàu hạng nhì thế giới, chỉ đứng sau Quatar mà thôi.