Sự đạo đức giả và tiêu chuẩn kép trên đồi Capitol
Sau vụ biểu tình trên đồi Capitol hôm 06/01, các học giả đã nói về sự đạo đức giả của giới truyền thông và tiêu chuẩn kép của dân chủ Mỹ.
05:30 11/01/2021
Các phương tiện truyền thông chính thống của Hoa Kỳ đưa tin về các cuộc đụng độ ở Đồi Capitol (Capitol Hill) hôm 06/01/2021 hoàn toàn trái ngược với cách nó đối xử với các cuộc bạo động Black Lives Matter (viết tắt BLM, tức “Mạng sống của người da đen cũng đáng giá”) vào mùa hè năm ngoái, các nhà bình luận chính trị Hoa Kỳ đã đưa ra lời giải thích của họ về cách tiếp cận tiêu chuẩn kép của giới truyền thông nước này.
Các cuộc biểu tình ở Đồi Capitol đã bị giới truyền thông Hoa Kỳ đẩy lên một cấp độ dữ dội, họ mô tả sự kiện này là một "âm mưu đảo chính" và "nổi dậy", gọi đám đông biểu tình là "những kẻ cực đoan ủng hộ Trump"; trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và ban lãnh đạo GOP (Đảng Cộng hòa) cũng lên án những kẻ đã xâm nhập vào trụ sở Quốc hội Mỹ có liên quan đến cướp bóc và đụng độ bạo lực.
Trước tình cảnh đó, một số chuyên gia đã đặt câu hỏi về những ngôn từ được báo chí lựa chọn để miêu tả sự kiện ở DC, so với cách phương tiện truyền thông mô tả các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng của Phong trào BLM trên toàn quốc sau cái chết của George Floyd vào tháng 5 năm 2020.
Cuộc chiến truyền thông: "Cuộc nổi dậy ủng hộ Trump” và "Biểu tình hòa bình của BLM".
Nhà báo người Mỹ Andy Ngo tự hỏi trong dòng tweet của mình rằng: “Tại sao ngôn ngữ mạnh mẽ tương tự lại không được áp dụng cho những kẻ bạo loạn đã xông vào, phá hủy, cướp phá và đốt cháy các tòa nhà chính phủ vào mùa hè năm 2020”; hay "Tại sao những nỗ lực kéo dài nhiều tháng để thiêu rụi tòa án liên bang ở trung tâm thành phố Portland không được gọi là 'cuộc nổi dậy'”? – nhà báo Andy Ngo thốt lên.
Ông Derek Maltz, Giám đốc Điều hành An toàn Công cộng và An ninh Quốc gia cho biết, các phương tiện truyền thông chính thống ở Mỹ đã rất thiên vị, điều này rõ ràng là rất đạo đức giả nếu so với hành động của BLM đốt phá Washington DC, Seattle, Portland, Oregon và Minneapolis.
BLM đã vi phạm luật pháp mỗi ngày, phá hủy các doanh nghiệp, kéo các chủ doanh nghiệp vô tội ra khỏi doanh nghiệp, gây ra sự sợ hãi và lo lắng từ những cư dân hợp pháp. Thế nhưng, chưa bao giờ thấy quá nhiều đảng viên Dân chủ lên tiếng và lên án loại hoạt động đó như bây giờ.
Maltz nhấn mạnh, có một sự khác biệt lớn giữa cách miêu tả trên các phương tiện truyền thông Mỹ về các cuộc đốt phá của BLM hồi mùa hè năm nay và cuộc biểu tình Capitol Hill hôm 06/01 vừa qua.
Người biểu tình ủng hộ Trump trên đồi Capitol hôm 06/01
Báo chí đã mô tả về BLM "như thể đó là một cuộc biểu tình hợp pháp", trong khi những kẻ bạo loạn đang phạm vào hàng loạt tội.
Ông cũng cho rằng, một nhóm người biểu tình DC đã "vượt quá giới hạn" vào ngày 6 tháng 1 và điều đó không nên được dung thứ, nhưng ông thực sự rất buồn vì các phương tiện truyền thông được cho là phải cung cấp cho công chúng những thông tin chính xác, nhưng họ đã không làm như vậy.
Còn Megyn Kelly đã tổng kết 3 vấn đề như sau:
* Những hành động đáng xấu hổ của một bộ phận nhỏ người biểu tình đã gây thiệt hại to lớn cho những gì mà họ coi là “chính nghĩa” trong ngày hôm nay (06/01).
* Sự đạo đức giả của các phương tiện truyền thông trong việc “lên án một cách phẫn nộ” cuộc biểu tình trên đồi Capitol, sau khi hạ thấp tính chất các cuộc bạo động của BLM suốt mùa hè là điều rất rõ ràng.
* Sự đổ lỗi cho những gì đã xảy ra, cụ thể là 4 năm cầm quyền của ông Donald Trump, của các phương tiện truyền thông đã phá hủy mọi chuẩn mực và lòng tin của người dân Mỹ.
Bạo loạn có lợi cho đảng Dân chủ
Vlad Davidiuk, chiến lược gia và nhà phân tích chính trị của đảng Cộng hòa lập luận: “Một đám những kẻ kích động xông vào thủ đô chỉ là một thiểu số rất nhỏ trong số đông đảo người Mỹ đến để phản đối”, nên việc giới truyền thông gọi toàn bộ ngày biểu tình hòa bình là “một cuộc nổi dậy hoặc một sự kích động bạo lực” là một sự phản bội lời hứa về sự tự do và quyền tự do của người Mỹ.
Davidiuk nhấn mạnh rằng, hàng trăm nghìn người Mỹ từ khắp đất nước, gồm cả trẻ, già, da đen, da trắng, người Do Thái, Cơ đốc giáo, người Hồi giáo… đã tập trung tại DC vào ngày 6 tháng 01.
Theo ông Davidiuk, cuộc biểu tình chỉ nhằm mục đích "đòi hỏi trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong quá trình bầu cử", còn chính "sự thất bại của giới lãnh đạo và cơ quan thực thi pháp luật trong việc duy trì quyền kiểm soát đã dẫn đến sự hỗn loạn trên đồi Capitol.
Lửa cháy trong cuộc biểu tình của BLM chiếu sáng thủ đô Mỹ
Vị chiến lược gia của Đảng Cộng hòa cho rằng, việc gán cho cuộc biểu tình ôn hòa là hành động bạo loạn, trong khi “không có doanh nghiệp nào bị cướp phá, không có nhà thờ nào bị đốt cháy và không có đồn cảnh sát nào bị phá hủy” không chỉ làm xói mòn thực tế mà còn vu khống những người Mỹ yêu nước đang tuần hành với mục đích chuyển mối quan tâm của họ lên Quốc hội.
Ngược lại, các cuộc bạo loạn mùa hè đi kèm với "đốt phá, cướp bóc và giết người vô tội và các sĩ quan cảnh sát" được các phương tiện truyền thông chính thống gọi là "các cuộc biểu tình ôn hòa" - Davidiuk chỉ rõ.
Ông cho biết, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý với điều này và nhận định rằng, đảng Dân chủ coi bạo loạn là có lợi cho chương trình chính trị của họ, khi mô tả nước Mỹ là “hỗn loạn và mất kiểm soát” dưới thời Trump sau cuộc bầu cử.
Vị học giả cho biết, người dân Mỹ không hoàn toàn đứng về phía BLM và Antifa, hầu hết người Mỹ phản đối cách các nhóm này gây ra bạo lực và rối loạn xã hội đất nước.
Vào tháng 9 năm 2020, các cuộc thăm dò trong cả nước đã cho thấy sự tán thành của công chúng Hoa Kỳ đối với phong trào BLM đã giảm kể so với hồi tháng 6.
Cuộc thăm dò xã hội từ Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Công cộng của Associated Press-NORC chỉ ra rằng, chỉ có 39% vẫn tán thành phong trào BLM và có tới 44% người Mỹ không tán thành các cuộc biểu tình BLM, giảm sâu so với 54% vào tháng 6 năm 2020.
Vì sao họ đổ thêm dầu vào lửa?
Trong khi đó, Tổng thống mới đắc cử Joe Biden coi những kẻ xâm phạm tòa nhà Quốc hội ở Capitol Hill không khác gì "những kẻ khủng bố trong nước" trong khi có bài phát biểu ở Wilmington, Delaware, hôm 06/01.
“Không dám gọi họ là những người biểu tình. Họ là một đám đông náo loạn. Những người theo chủ nghĩa trào lưu. Những kẻ khủng bố trong nước...” ông Bidern nói và cam kết sau khi lên nắm quyền sẽ thông qua luật chống khủng bố trong nước.
Một người biểu tình ủng hộ Trump đi ngang qua Tòa nhà Văn phòng Thượng viện trên Đồi Capitol ở Washington, ngày 8 tháng 1 năm 2021
Sau khi cáo buộc Tổng thống Donald Trump về điều mà ông gọi là "sự kích động bạo lực", Joe Biden cũng đả kích cảnh sát Capitol, tuyên bố rằng "nếu đó là một cuộc biểu tình của nhóm Black Lives Matter" thì họ sẽ bị đối xử "rất rất khác với đám côn đồ xông vào Điện Capitol ”.
Nhận xét về BLM của Biden đã khiến một số người phải ngạc nhiên. Chủ tịch Tom Fitton của Judicial Watch, chỉ trích tổng thống mới đắc cử đã "chơi một canh bạc” bằng cách ủng hộ nhóm BLM bạo lực và chống lại cảnh sát.
Về phần mình, người dẫn chương trình cũ của Fox News, Megyn Kelly, cáo buộc Biden "tấn công cảnh sát một cách nguy hiểm với cáo buộc phân biệt chủng tộc vô căn cứ".
Phó Tổng thống mới đắc cử Kamala Harris cũng lặp lại những lời chỉ trích của Biden đối với cảnh sát, khi cho rằng họ không đủ cứng rắn với những kẻ đột nhập Đồi Capitol, trong khi lại "xả hơi cay vào những người biểu tình ôn hòa vào mùa hè năm ngoái".
"Chúng tôi đã chứng kiến hai hệ thống công lý, một hệ thống cho phép những kẻ cực đoan xông vào toàn nhà Quốc hội Hoa Kỳ và một hệ thống khác đã xả hơi cay vào những người biểu tình ôn hòa vào mùa hè năm ngoái... Chúng tôi biết điều này là không thể chấp nhận được” - Kamala Harris phát biểu.
Tuy nhiên, Julio Rosas, một nhà báo của Townhall và cũng là một cựu quân nhân, đã gọi Harris là kẻ dối trá vì đã đưa ra một tuyên bố "sai sự thật".
“Là một người đã đưa tin về nhiều cuộc bạo động năm ngoái, tôi có thể nói câu chuyện này chỉ đơn giản là sai. Hơi cay, đạn xịt hơi cay, bình xịt hơi cay và lựu đạn gây choáng đều được sử dụng vào ngày hôm qua [ngày 6 tháng 1], giống như chúng đã được sử dụng cho những kẻ bạo loạn vào năm 2020 " - Julio Rosas viết trên Twitter của mình khi nghe bài phát biểu của bà Kamala Harris.
Luật sư, tác giả và nhân vật phát thanh người Mỹ Mark Levin đã bình luận về những lời lẽ tương đối nhẹ nhàng được Kamala Harris sử dụng đối với những người biểu tình BLM và cho rằng, việc kéo dài các cuộc biểu tình này nằm trong mục đích hạ bệ Trump của đảng Dân chủ.
Đặc biệt, bà Kamala Harris đã nói trong trong chương trình “Trò chuyện đêm khuya với Stephen Colbert” (The Late Show With Stephen Colbert) vào ngày 18 tháng 6 năm 2020 rằng, các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc sẽ không kết thúc cho đến Ngày bầu cử. "Họ sẽ không từ bỏ và họ không nên từ bỏ quyết tâm đó" - vị phó Tổng thống tương lai của Mỹ nói.
Thiên Nam
Quang Dũng lần hiếm hoi trải lòng về cuộc ly hôn ồn ào với hoa hậu Jennifer Phạm
Đằng sau cuộc ly hôn tốn giấy mực cùng hoa hậu Jennifer Phạm, ca sĩ Quang Dũng còn bị đồn yêu đồng giới với nhạc sĩ Lê Quang...