Sự khác biệt trong câu chuyện “thiếu ốc vít” giữa Mỹ và Việt Nam
Câu chuyện “không sản xuất nổi con ốc vít” đã từng được các chuyên gia tại Việt Nam đề cập trong một số hội nghị về công nghiệp phụ trợ từ nhiều năm qua. Mới đây, câu chuyện “thiếu ốc vít” lại được tờ Thời báo New York (The New York Times) xới lên, chỉ khác là xảy ra ở Mỹ
23:00 09/08/2019
Câu chuyện “thiếu ốc vít” ở Mỹ được The New York Times đề cập là vào năm 2012 khi Apple cho biết sẽ sản xuất một mẫu máy tính Mac ngay tại Mỹ. Thế nhưng, khi mẫu máy tính có mức giá đến 3.000 USD bắt đầu được sản xuất ở nhà máy đặt tại Austin thuộc bang Texas, một khó khăn nảy sinh gây khó cho Apple đó là không đủ ốc vít.
Một ốc vít trên phiên bản Mac Pro cuối năm 2013. Ảnh: NYTimes
Bình thường nếu dự án lắp ráp máy tính này triển khai tại Trung Quốc vốn được gọi là “đại công xưởng của thế giới”, thì bài toán thiếu ốc vít sẽ dễ dàng được giải quyết vì đại lục là nơi có hàng trăm công ty cung cấp các linh phụ kiện có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe của Apple, là vì Trung Quốc có một nền công nghiệp phụ trợ nhộn nhịp và phát triển bậc nhất thế giới và giữ vai trò số 1 trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhưng ở Mỹ thì khác. Từ đầu những năm 2000, Apple đã dần đưa sản xuất ra ngoài nước Mỹ mà cụ thể là Trung Quốc, ngoài việc hưởng lợi từ chính sách đầu tư của các đối tác, Apple cũng hưởng lợi giá nhân công rẻ hơn, kéo theo giá của tất cả các linh phụ kiện cũng rẻ hơn, dẫn đến giá thành sản phẩm rẻ hơn so với sản xuất tại Mỹ, và hệ quả là Apple lãi nhiều hơn.
Mặt khác, nền sản xuất Mỹ đã chuyên môn hóa cao, đi vào sản xuất những thiết bị, linh phụ kiện chuyên biệt mà những nơi khác không sản xuất. Việc sản xuất những con ốc vít hay những loại linh phụ kiện thông thường không còn là mục đích hướng tới của ngành công nghiệp Mỹ. Họ nghiên cứu và phát triển các công nghệ, thiết bị có giá trị cao hơn, khác biệt hơn; còn những công việc thâm lạm nhân công hay có giá trị gia tăng thấp đã được chuyển sang các quốc gia khác thực hiện. Như vậy, Apple thiếu ốc vít tại Mỹ để lắp ráp máy tính Mac không phải do nền sản xuất Mỹ yếu kém hay suy giảm mà đúng hơn là vì tính thực dụng của một nền sản xuất trình độ cao đã tự điều tiết.
Sau khi đã có sự phân công lao động và phân hóa về vai trò trong chuỗi cung ứng, nếu muốn khôi phục lại việc sản xuất ốc vít số lượng lớn cung cấp cho Apple tại Mỹ, các đối tác của Apple sẽ phải mất thời gian đầu tư, tính toán hiệu quả kinh tế. Bản thân Apple, phải tính đến yếu tố chi phí nếu lấy linh kiện sản xuất trong nước để lắp ráp. Nếu giá linh kiện quá cao so với linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc hay từ các nước khác, giá thành sản phẩm chắc chắn sẽ tăng.
Ngược lại, câu chuyện “không sản xuất nổi con ốc vít” hay “thiếu ốc vít” tại Việt Nam lại đề cập trực diện đến thực trạng nền sản xuất công nghiệp. Nền sản xuất công nghiệp tại Việt Nam nhìn chung trình độ còn rất hạn chế, chưa có một ngành công nghiệp phụ trợ đủ sức đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thực tế các doanh nghiệp làm công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam hiện nay đa phần do các tập đoàn lớn của nước ngoài như Samsung, Intel, LG, Canon.v.v… kéo vào. Đây là những đối tác truyền thống của họ. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp như Samsung hay Canon cũng luôn tìm kiếm đối tác cung cấp linh phụ kiện trong nước, nhưng số lượng và khả năng còn nhiều hạn chế.
Không phải doanh nghiệp Việt tham gia ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam không sản xuất được con ốc vít hay cục sạc điện thoại. Thường là rơi vào các khả năng: Một là sản xuất được nhưng sản phẩm đầu ra có chất lượng, tiêu chuẩn không đáp ứng yêu cầu khắt khe của các “ông lớn”. Hai là, để đầu tư và sản xuất được những linh phụ kiện đạt tiêu chuẩn cần có bề dày kinh nghiệm hoạt động và kinh phí đầu tư hạ tầng, máy móc.
Khi Việt Nam đang hướng đến một ngành công nghiệp phụ trợ đa dạng, cũng có nghĩa chúng ta hoàn toàn có thể tham gia chuỗi cung ứng cho Apple mà trường hợp cụ thể đang đề cập ở đây là những con ốc vít để lắp ráp máy tính Mac.
Trong khoảng thời gian xảy ra căng thẳng thương mại Mỹ-Trung từ năm 2018 tới nay, không ít doanh nghiệp đã nhắm đến Việt Nam hoặc Ấn Độ là một trong hai quốc gia để chuyển bớt công việc từ Trung Quốc sang nhằm tránh thuế của chính quyền Mỹ đánh vào hàng hóa xuất xứ Trung Quốc.
Trên thực tế, bài toán giải quyết câu chuyện sản xuất con ốc vít còn phụ thuộc rất lớn vào việc doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ Việt Nam chơi với “ông lớn” nào để có đơn hàng ổn định và lâu dài, để được huấn luyện kĩ thuật và chuyển giao các công nghệ. Một khi đã gắn được vào guồng quay của các “ông lớn” và trở thành một phần của họ, vốn vay để đầu tư sản xuất không còn là vấn đề lớn và quá khó khăn.
Theo msn
Ai là người chi trả cho tủ đồ 'khủng' toàn hàng hiệu của Đệ nhất phu nhân Mỹ?
Phu nhân Tổng thống Melania Trump luôn được ngưỡng mộ vì thần thái người mẫu quyến rũ và phong cách thời trang đẳng cấp. Nhưng liệu bạn đã từng thắc mắc bà lấy đâu ra tiền để đầu tư vào vẻ ngoài lộng lẫy như thế chưa?