Sự thật đáng sợ phía sau những con chip điện thoại

Sản xuất chip thực chất là ngành công nghiệp hóa học, với những loại hóa chất có thể gây nhiều vấn đề với sức khỏe con người. Nó từng gây nhiều tranh cãi từ châu Mỹ tới châu Á.

06:06 29/06/2017

Không nhiều người biết sản xuất chip, bộ não của điện thoại thông minh, máy tính xách tay hay các thiết bị công nghệ thời thượng khác, thực chất là sản phẩm của chu trình hóa học chứ không phải ngành công nghiệp điện tử hay vật lý. Về cơ bản, người ta sử dụng hóa chất và ánh sáng để in các mạch lên những tấm silicon.

Ngành công nghiệp hóa học làm thay đổi thế giới

Gordon Moore, nhà sáng lập Intel và là nhân vật quan trọng trong công nghệ chế tạo chip hiện đại, là một nhà hóa học. Moore kết hợp với một nhà vật lý khác là Jay Last để tạo ra những con chip đầu tiên và phát triển ngành công nghiệp này trở thành một phần không thể thiếu của tương lai nhân loại. Hàng loạt tên tuổi lớn khác của Mỹ và thế giới cũng thành công vang dội trong lĩnh vực sản xuất này.

Chip thực chất là sản phẩm của ngành công nghiệp hóa học. Ảnh: Cpuartworks
Chip thực chất là sản phẩm của ngành công nghiệp hóa học. Ảnh: Cpuartworks

Tuy nhiên, việc sử dụng hỗn hợp hóa chất để tạo ra những loại dung dịch cần thiết cho quá trình sản xuất chip được đánh giá là vô cùng độc hại. Thậm chí, nhiều loại hóa chất có thể thấm qua găng tay cao su hay những sản phẩm bảo hộ thông thường mà công nhân làm việc trong các “phòng sạch” vẫn mang.

Chính việc phơi nhiễm với những loại hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất chip gây ra những vấn đề nghiêm trọng với công nhân, chủ yếu là những người đang trong độ tuổi sinh đẻ, làm việc trong ngành này. Thậm chí, những nghiên cứu độc lập còn cho thấy con số đáng báo động về tỷ lệ sẩy thai và dị tật bẩm sinh của thai nhi đối với những người mẹ làm việc trong lĩnh vực này.

Phát hiện làm rúng động nước Mỹ

Năm 1984, nhóm nghiên cứu do Harris Pastides, Phụ tá giáo sư của Đại học Massachusetts, Mỹ phát hiện những trường hợp sảy thai bất thường ở nhà máy bán dẫn của Tập đoàn Digital Equipment.

Nghiên cứu chuyên sâu do chính Digital Equipment tài trợ cho thấy phụ nữ tiếp xúc với hóa chất bị rối loạn khả năng sinh sản, đặc biệt là có nguy cơ ung thư cao. Tỷ lệ sảy thai và dị tật bẩn sinh trên thai nhi cũng được ghi nhận cao bất thường.

Năm 1986, Digital Equipment công bố cáo cáo gây sốc cho thấy phụ nữ làm việc trong nhà máy ở Hudson, Massachusetts – nơi nghiên cứu được tiến hành –  có tỷ lệ sảy thai cao gấp đôi so với những gì người ta nghi ngờ. Tháng 11 cùng năm, kết quả nghiên cứu này được công bố rộng rãi, khiến Hiệp hội ngành Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) phải lên tiếng.

Bên trong nhà máy sản xuất chip của IBM. Ảnh: Pcmag
Bên trong nhà máy sản xuất chip của IBM. Ảnh: Pcmag

Trợ lý giáo sư Pastides, người đứng sau quá trình nghiên cứu, phải làm việc với SIA về nghiên cứu của ông. Sau những giờ đối mặt căng thẳng, SIA cho rằng nghiên cứu của Pastides là phiến diện và có những thiếu sót đáng kể. Dẫy vậy, trước áp lực từ dư luận Mỹ, SIA buộc phải tài trợ cho các nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này.

Trong sự kiện được mô tả là chưa từng có trong lịch sử, 50.000 lao động ở 42 nhà máy của 14 công ty thành viên SIA đã tham gia vào quá trình nghiên cứu. Tháng 12/1992, kết quả đáng kinh ngạc được công bố khi cả ba nhóm chuyên gia tham gia dự án đều đưa ra một kết quả gần như đồng nhất về tỷ lệ sẩy thai của phụ nữ trong các nhà máy này.

Ngay sau những tuyên bố rúng động, các công ty Mỹ đồng loạt tuyên bố loại bỏ những hóa chất độc hại khỏi quá trình sản xuất chip. Thậm chí, IBM còn tuyên bố loại bỏ hoàn toàn các hoạt động sản xuất chip từ năm 1995.

Đẩy cái chết tới những nước nghèo

Tuy nhiên, ngành công nghiệp sản xuất chip là lĩnh vực không thể bị bỏ qua. Thay vì sản xuất chip, các ông lớn công nghệ Mỹ quyết định nhập khẩu chúng từ các nước đang phát triển. Hai cái tên nổi bật nhất trong những thương vụ này là Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc. Theo báo giới Hàn Quốc lúc đó, hợp đồng giữa IBM với 2 công ty này lên tới 165 tỷ USD.

Theo chân IBM là hàng loạt tên tuổi khác trong ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ. Trong 2 thập kỷ qua, Samsung và SK Hynix đã thống trị thị trường chip toàn cầu khi chiếm tới 74% thị phần trong năm 2015. Chúng góp mặt trong điện thoại thông minh, ôtô tự lái, ti vi thông minh, máy tính…

Công nhân làm việc trong nhà máy chip của Samsung ở Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg
Công nhân làm việc trong nhà máy chip của Samsung ở Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg

Ở thời điểm đó, Hàn Quốc hay các nước châu Á không có bất cứ quy định nào về loại hóa chất được dùng trong ngành công nghiệp sản xuất chip. Chính vì thế, lợi thế về giá rẻ hay sự phù hợp khiến những hóa chất từng bị cấm cửa ở Mỹ tiếp tục được sử dụng để sản xuất chip trên khắp châu Á. Mẫu thử năm 2009, 14 năm sau lệnh cấm của Mỹ, đã chỉ rõ điều này.

Trong tổng cộng 10 mẫu thử lấy từ các máy quang phổ của Samsung và SK Hynix, 6/10 mẫu chứa loại hóa chất từng bị cấm ở Mỹ. Tới đợt kiểm tra năm 2015, 2 thập kỷ sau những bê bối rúng động nước Mỹ, những loại hóa chất này đã không còn trong các nhà máy của Samsung và SK Hynix nhưng được tìm thấy ở các nhà máy sản xuất chip nhỏ hơn tại Hàn Quốc.

Theo tính toán, có khoảng 120.000 phụ nữ Hàn Quốc lao động chính trong ngành này và một số lượng chưa xác định số lao động thời vụ hoặc làm việc cho các nhà thầu phụ. Tình trạng tương tự cũng được lặp lại ở các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, Singapore hay Malaysia. Lợi nhuận cao cùng những quy định lỏng lẻo có thể khiến loại hóa chất chết người này tiếp tục được sử dụng trong sự thờ ơ của giới chủ và sự mù mờ của người lao động.

Theo ZingVn

Tags:
Google dính án phạt kỷ lục từ EU vì 'dìm hàng' đối thủ trên kết quả tìm kiếm

Google dính án phạt kỷ lục từ EU vì "dìm hàng" đối thủ trên kết quả tìm kiếm

Liên minh Châu Âu (EU) vừa phạt Google khoản tiền kỷ lục lên tới 2,42 tỷ euro (2,7 tỷ USD) vì vi phạm luật chống độc quyền.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất