Sức hấp dẫn của chương trình hướng nghiệp cho học sinh ở Mỹ
Mỗi học sinh sẽ có từ 3 đến 5 giáo viên chuyên trách công tác hướng nghiệp (tùy từng bang). Không chỉ nói suông, họ còn dẫn học sinh đi tham quan trường mà các em muốn thi vào, cùng những kỹ năng để đỗ vào ngành mà mình mơ ước. Và thật thú vị là tại xứ sở cờ hoa này, 50% học sinh trung học Mỹ không thi vào đại học.
04:30 05/07/2018
Định hướng ngày từ lớp 11
Công tác hướng nghiệp cho học sinh tại Mỹ được diễn ra từ đầu năm lớp 11 đến cuối năm lớp 12. Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, mời những vị khách có kinh nghiệm, nổi tiếng đến nói chuyện với học sinh ở từng lĩnh vực khác nhau. Học sinh có thể đăng ký (hoặc là không) tham gia nhiều buổi tọa đàm như vậy.
Ngoài ra, các thầy cô giáo cũng thường xuyên liên hệ với các nguồn khác (từ trường đại học, các công ty, tổ chức...) để thông báo và tạo cơ hội cho học sinh đến tham dự các sự kiện giống như một thành viên chính thức của đơn vị đó.
Ở Mỹ, trung bình mỗi trường trung học có khoảng từ 3 đến 5 thầy cô chuyên trách công tác hướng nghiệp cho học sinh. Con số này tùy thuộc vào từng bang, chất lượng đào tạo và số lượng học sinh của mỗi trường. Thầy cô làm công tác tư vấn hướng nghiệp (được gọi là counselor) là những người trực tiếp giúp học sinh trong quá trình tìm hiểu cũng như nộp hồ sơ vào các trường đại học.
Họ sẽ tổ chức cho học sinh đi thăm quan các trường, hướng dẫn chi tiết cho học sinh từ khâu chuẩn bị các bài thi chuẩn hóa (SAT, TOEFL, ACT...), đưa ra những lời khuyên làm thế nào để có một profile “đẹp”, đến cách thức để tìm kiếm thông tin của các trường đại học...
Công việc của các counselor là gì? Đó là tư vấn, giúp đỡ học sinh lớp 11 và lớp 12 chuẩn bị hồ sơ. Họ không tham gia giảng dạy bất cứ môn học nào khác. Hầu hết các trường ở bang Pennsylvania nói riêng và nhiều bang khác ở Mỹ nói chung, trung bình một tuần sẽ có 1 tiết học với thầy cô counselor. Trong tiết học này, họ sẽ đề cập từng bước cụ thể hơn, ví dụ như: cách lên mạng tra thông tin, nguồn ở đâu thì chính xác, hoặc cần phải làm những gì, tránh những điều gì trong chuyến đi tham quan trường...
Công việc của các counselor cũng rất bận rộn. Ngoài việc giao tiếp với học sinh, họ còn có những liên lạc từ nơi khác, cung cấp thông tin cho học sinh hoặc các buổi college fair. Họ cũng hay thông báo về các cơ hội học hè (về tự nhiên, xã hội, sinh học, hóa,...) đến với học sinh.
Không phải mọi ngả đường đều dẫn đến đại học
Được trải dài trong suốt năm học lớp 11 và lớp 12, công tác hướng nghiệp luôn nhắc học sinh nhận thức được rằng một ngày nào đó, họ sẽ cần có mục tiêu xác định rõ ràng trong tương lai và nên bắt đầu suy nghĩ. Không bao giờ bị bỏ vào quên lãng, các thầy cô giáo luôn thúc đẩy học sinh tìm hiểu về những điều mình thực sự thích làm hay những gì bản thân muốn trải nghiệm.
Một con số đáng để suy nghĩ, là 50% học sinh tốt nghiệp trung học không theo học đại học. Chính vì thế trường trung học sẽ giúp tư vấn cho những học sinh này chọn học trường nghề, ví dụ như nghề sửa điện máy, ôtô, cơ khí... Các khóa học nghề này thường mất 2 năm để lấy bằng.
Đối với những học sinh có ý muốn học đại học, trường sẽ giúp tư vấn chọn những trường phù hợp với năng lực và khả năng tài chính của học sinh, hoặc trang bị cho học sinh kỹ năng vượt qua những bài thi kiểm tra năng lực theo yêu cầu của từng trường đại học.
Ngoài sự hỗ trợ từ trường trung học, học sinh cũng phải tự tìm hiểu những gì mình thích theo đuổi để chuẩn bị hồ sơ xin học một cách phù hợp nhất. Các học sinh ở Mỹ không chỉ được định hướng nghề nghiệp ngay từ thời còn ở trường trung học, mà hệ thống giáo dục của Mỹ còn linh hoạt cho phép các sinh viên Mỹ thay đổi ngành học tùy theo sở thích của các em.
Nói cách khác, mặc dù phải đăng ký ngành học ngay từ khi vào trường đại học nhưng sinh viên Mỹ có thể thay đổi ngành học trong 2 năm đầu mà hầu như không ảnh hưởng đến thời gian tốt nghiệp vì trong 2 năm đầu tiên hầu hết chương trình của các ngành đều giống nhau. Nền giáo dục mở của đất nước này muốn nhắn nhủ, đại học không phải là cánh cửa vào đời duy nhất.
Chính vì vậy, một số người thậm chí không hoàn thành bậc đại học nhưng vẫn có thể kiếm được việc lương cao nhờ năng lực thật sự của họ. Ở Mỹ có rất nhiều công việc tốt không đòi hỏi phải có bằng đại học mà cần kỹ năng chuyên môn.
Phụ huynh phẫn nỗ vì trường học phân loại học sinh theo màu da
Phụ huynh tại một trường tư thục danh giá đang rất bức xúc trước kế hoạch phân loại học sinh theo màu da của ban quản lý nhà trường.