Sức nặng của những lá phiếu bầu sớm
Mặc dù còn khoảng 1 tuần nữa mới tới ngày tổng tuyển cử 3/11, song cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 đang ghi nhận mức tăng nhảy vọt về số lượng phiếu bầu sớm với ít nhất 66 triệu cử tri Mỹ đã thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình, tương đương với một nửa tổng số phiếu bầu được kiểm trong kỳ bầu cử 2016.
00:00 29/10/2020
Con số phiếu bầu sớm cao kỷ lục trong lịch sử trên, bao gồm cả số phiếu bầu trực tiếp và gửi qua bưu điện, trở thành một yếu tố khiến việc dự đoán kết quả cuộc bầu cử, đặc biệt tại các bang "chiến địa" có tính quyết định ai sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ, càng trở nên khó khăn.
Với xu hướng ngày càng gia tăng như hiện nay, cuộc bầu cử năm nay có thể sẽ đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử chính trị nước Mỹ, đa số phiếu bầu sẽ được bỏ trước ngày bầu cử chính thức. Đây cũng là năm được dự đoán chứng kiến số lượng cử tri đi bỏ phiếu lớn nhất kể từ năm 1908.
Cuộc bầu cử năm 2020 cũng có những điểm khác biệt so với 4 năm trước. Đó là cử tri đi bỏ phiếu đặc biệt tăng cao ở một số bang vốn không được coi là "chiến trường" lớn như bang Montana hay Tennessee, một dấu hiệu cho thấy có thể sẽ có kết quả đáng ngạc nhiên ở những bang ít ngờ tới.
Ngoài ra, các cử tri da màu cũng xuất hiện với số lượng lớn hơn ở những bang quan trọng như Georgia và Carolina Bắc, cùng sự gia tăng đáng kể các cử tri trẻ, cử tri mới cũng như các cử tri không theo đảng phái nào. Đây cũng được đánh giá là lực lượng nhiều khả năng quyết định kết quả bầu tổng thống hơn là sự khác biệt về số cử tri đi bầu giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ.
Nhu cầu bỏ phiếu sớm lớn hiện nay với những hàng dài cử tri xếp hàng đi bỏ phiếu tại nhiều bang trên toàn nước Mỹ, có thể bắt nguồn từ thực tế nhiều cử tri lo ngại nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong ngày bầu cử 3/11. Chính vì lý do đó mà đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng của đại dịch đối với các hình thức bỏ phiếu được đánh giá là "biến số khó lường" trong cuộc bầu cử năm nay.
Tuy nhiên, làn sóng bỏ phiếu sớm tăng vọt cũng cho thấy mức độ quan tâm của cử tri đối với vận mệnh của đất nước trong 4 năm tiếp theo. Cùng với đó, nhiệt huyết và sự ý thức về tầm quan trọng của từng lá phiếu đối với ứng cử viên mà họ ủng hộ trong cuộc đua khốc liệt năm nay cũng là động lực để cử tri đưa ra lựa chọn bỏ phiếu thích hợp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành ở nước Mỹ.
Hiện đảng Dân chủ đang tạm dẫn trước đảng Cộng hòa với tỷ lệ áp đảo về số lượng cử tri đi bỏ phiếu sớm. Thực tế cho thấy sự nhiệt tình của các cử tri đảng Dân đang thúc đẩy làn sóng bỏ phiếu sớm lan rộng trên khắp đất nước, từ các thành phố cho tới nông thôn, hay ở những bang "chiến địa" lâu nay vốn được cho là có thể quyết định người sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ, và thậm chí là những khu vực không phải "chiến trường cạnh tranh" của các cuộc đua vào Nhà Trắng trong nhiều năm.
Theo số liệu của Dự án Bầu cử Mỹ, tính tới chiều 27/10, đã có 69,5 triệu phiếu bầu sớm được gửi đi, tương đương 50,4% tổng số cử tri đi bỏ phiếu trong kỳ bầu cử năm 2016. Trong số này, có 46,3 triệu cử tri lựa chọn bầu qua đường bưu điện và 23,1 triệu phiếu bầu trực tiếp. Trong cuộc bầu cử năm 2016, tổng số cử tri đi bầu sớm là 47,2 triệu. Đặc biệt, bang Texas đã ghi nhận mức tăng bất ngờ khi có trên 7,8 triệu cử tri đã bỏ phiếu vào sáng 27/10, tương đương 86% tổng số phiếu bầu tại bang này trong năm 2016.
Đảng Dân chủ cũng đang dẫn trước đảng Cộng hòa về tỷ lệ phiếu bầu sớm tại hầu hết các bang "chiến địa" quan trọng. Tại bang Pennsylvania, số cử tri đảng Dân chủ bầu sớm chiếm 69% và đảng Cộng hòa là 21%. Trong khi đó tại Florida - bang có hơn 6,4 triệu cử tri đã bỏ phiếu cho đến nay, số cử tri đảng Dân chủ đi bầu sớm cao hơn cử tri đảng Cộng hòa khoảng 300.000 người. Tương tự ở bang Carolina Bắc, đảng Dân chủ chiếm 52% trong số 3,4 triệu phiếu bầu đã được bỏ tính tới sáng 27/10, so với 47% của đảng Cộng hòa.
Nhiều chuyên gia nhận định khoảng cách trên sẽ tạo áp lực lớn lên đảng Cộng hòa và đảng này khó có thể thu hẹp cách biệt, thậm chí kể cả khi tỷ lệ bầu cử sớm của cử tri đảng Dân chủ giảm xuống trong những ngày tới. Đây được đánh giá là một lợi thế cho đảng Dân chủ vì tỷ lệ cử tri đi bầu cử càng cao và số lượng cử tri đi bầu sớm hoặc gửi phiếu bầu qua bưu điện càng lớn, thì thường gây bất lợi nhiều hơn cho đảng Cộng hòa. Đó là lý do giải thích tại sao đảng Cộng hòa cũng như Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn phản đối hình thức bỏ phiếu qua bưu điện với cáo buộc dễ gây gian lận trong bầu cử.
Thế nhưng, lợi thế này không có nghĩa là ứng cử viên của đảng Dân chủ - cựu Phó Tổng thống Joe Biden - có khả năng giành chiến thắng bởi việc bỏ phiếu sớm qua bưu điện cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì một số lý do, nhiều lá phiếu không được tính là hợp lệ như không đáp ứng được các tiêu chuẩn và quy định, sai sót của cử tri khi điền thông tin, hay sự chậm trễ của cơ quan bưu chính có thể khiến cử tri không nhận được và gửi đi lá phiếu của họ đúng thời hạn. Điều này cũng có thể gây ra tranh chấp pháp lý trong trong cuộc bầu cử năm nay.
Đối với đảng Cộng hòa, mặc dù phải đối mặt với mối lo ngại về làn sóng lớn đi bầu cử sớm của các cử tri đảng Dân chủ, song trong nhiều cuộc thăm dò dư luận, đảng Cộng hòa luôn dẫn trước về mức độ nhiệt tình của cử tri. Nhiều nhận định cho rằng các cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa sẽ đi bỏ phiếu nhiều hơn cử tri đảng Dân chủ vào đúng ngày bầu cử 3/11 và hoàn toàn có thể bắt kịp đảng Dân chủ. Bên cạnh đó, đảng Cộng hòa hiện cũng đã thu hẹp dần được khoảng cách với đảng Dân chủ về tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm ở một số bang "chiến địa".
Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu mức độ tham gia và sự nhiệt tình của các cử tri đảng Cộng hòa có thể sánh ngang hay vượt qua được các cử tri đảng Dân chủ hay không? Đáp án có lẽ phải chờ tới ngày bầu cử 3/11.
Link nguồn: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/suc-nang-cua-nhung-la-phieu-bau-som-20201028155029916.htm
Luật sư của Trump, Biden đổ xô tới bang chiến địa bảo vệ phiếu bầu cử
Florida hiện là một trong bang chiến địa nóng bỏng nhất