Tại sao ngày bỏ phiếu ở Mỹ lại vào thứ Ba sau Thứ Hai đầu của tháng 11?
Thứ Ba tới (3/11) là ngày bỏ phiếu chính thức cho cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Để tránh dịch, năm nay các cử tri nhiều nơi đã bỏ phiếu trước để tránh xếp hàng dài trong ngày bỏ phiếu chính thức. Ngày bỏ phiếu chính thức của cuộc tổng tuyển cử Hoa Kỳ thường được ấn định vào thứ Ba liền sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11 hàng năm. Bạn có biết tại sao?
23:30 01/11/2020
Trước hết, tại sao lại chọn tháng 11?
Bởi vì từ lâu trước đây, nước Mỹ chủ yếu là xã hội nông nghiệp, sau vụ thu và trước mùa đông, nông dân tự do hơn, đường xá cũng không đến nỗi vì tuyết rơi mà không đi lại được, do vậy khoảng thời gian này thường được chọn để tổ chức bầu cử.
Thứ hai, tại sao được đặt vào thứ Ba thay vì cuối tuần?
Sở dĩ như vậy là vì thời đó đa số người Mỹ tin theo Thiên chúa giáo hoặc Công giáo, Kinh thánh quy định Chúa nhật là ngày Sabát, mọi người phải gác lại công việc, họ sẽ mặc quần áo đẹp nhất và đến làm lễ tại nhà thờ.
Hồi đó, nhiều con đường ở Mỹ còn kém, một số nơi xa thậm chí còn không có đường xá đàng hoàng, phương tiện giao thông còn kém phát triển so với bây giờ, người dân có thể mất một ngày mới đến được các điểm bỏ phiếu. Hơn nữa, thời đó, bỏ phiếu tổng tuyển cử được tổ chức tại trụ sở của chính quyền quận, nhưng nhiều nông dân hoặc công nhân nông nghiệp sống ở xa điểm bỏ phiếu.
Để tránh khiến cử tri phải đi lại vào Chủ nhật, Quốc hội Mỹ đã chọn thứ Ba để những cử tri ở xa có thể bắt đầu lên đường vào thứ Hai.
Bằng cách này, các địa phương đã ấn định ngày tổng tuyển cử vào ngày thứ Ba đầu tiên của tháng Mười Một.
Tại sao lại là Thứ Ba liền sau sau Thứ Hai đầu tiên mà không phải là Thứ Ba đầu tiên của tháng Mười Một?
Bởi vì nếu thứ Ba đầu tiên của tháng Mười Một đúng vào ngày 1 thì rất rắc rối. Vì ngày 1/11 là “ngày thiêng liêng” của Giáo hội Công giáo nên các tín đồ có thể không thể đi bỏ phiếu vào ngày này. Một lý do khác là các thương nhân đã ấn định ngày 1 là thời điểm kết toán của tháng trước.
Ngoài ra, Quốc hội Hoa Kỳ quy định, kết quả của cuộc bầu cử Đại cử tri đoàn của các bang sẽ phải chuyển đến Washington vào thứ Tư đầu tiên của tháng Mười Hai. Để đảm bảo không bị chậm trễ, luật vào năm 1792 quy định rằng, ngày bầu cử tổng thống của mỗi bang phải được hoàn thành trong vòng 34 ngày trước đó. Lý do của việc đặt ra khoảng cách thời gian dài như vậy là do các cử tri phải đến các thủ phủ của bang để thực hiện nghĩa vụ bỏ phiếu của mình, một số chặng đường rất dài, một số khác phải tính đến tốc độ gửi phiếu qua bưu điện.
Năm 1845, Quốc hội phát hiện ra rằng trong một số năm, ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 11 có thể trùng vào ngày 1, do vậy, khoảng thời gian từ đó đến ngày thứ Tư đầu tiên của tháng 12 sẽ vượt quá 34 ngày.
Để giải quyết mâu thuẫn pháp lý này, năm 1845, Quốc hội Liên bang đã ấn định ngày tổng tuyển cử toàn quốc là ngày thứ Ba liền sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Mười Một. Bầu cử sơ bộ ở các bang cũng diễn ra theo đó. Thứ Ba đã trở thành ngày bầu cử phổ biến nhất ở Hoa Kỳ.
Có thể nào không phải là thứ Ba không?
Một số người nói rằng Hoa Kỳ không còn là xã hội nông nghiệp của hơn 100 năm trước, và giao thông đi lại rất thuận tiện, hơn nữa Thứ Ba lại là ngày làm việc của nhiều người, vậy có thể thay đổi ngày bỏ phiếu thành cuối tuần hoặc ngày lễ được không?
Trên thực tế, tổ chức phi lợi nhuận “Why Tuesday?” (Tại sao lại thứ Ba?) chuyên thúc đẩy Quốc hội và chính quyền địa phương sửa đổi luật, thay đổi ngày bỏ phiếu để người dân dễ dàng bỏ phiếu hơn.
Tuy nhiên, mỗi bang của Mỹ lại có những quy định khác nhau. Một số tiểu bang cho phép bỏ phiếu trước hoặc bỏ phiếu vắng mặt (cử tri yêu cầu phiếu bầu trước và gửi về nơi quy định trước ngày bầu cử), vì vậy không cần phải xếp hàng dài để bỏ phiếu vào thứ Ba.
Bỏ phiếu vắng mặt bắt đầu cách đây hơn một thế kỷ, trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, cho phép những người lính đang chiến đấu có thể gửi phiếu bầu về nhà. Vào giữa thế kỷ 20, hầu hết các bang đã áp dụng một số hình thức bỏ phiếu vắng mặt, nhưng cũng có những hạn chế nhất định. Ví dụ như yêu cầu bằng chứng cụ thể chứng minh cử tri không thể bỏ phiếu trực tiếp vào ngày bầu cử, chẳng hạn như đi xa, tạm thời đang ở nước ngoài, tình trạng thể chất, nhu cầu công việc v.v.
Hải Dương
Nhiều nước châu Âu tái phong tỏa, kỷ lục buồn của Mỹ
Anh nối góp Pháp, Đức quay lại phong tỏa, Mỹ lập kỷ lục mới khi ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới trong ngày cao nhất thế giới...