Tại sao Trung Quốc ngày nay không thể dẫn đầu về công nghệ?
Trung Hoa từng có một nền văn minh đi đầu về công nghệ trên mọi phương diện, từ khoa học về vũ trụ đến khoa học nhân thể, từ tư tưởng, học thuyết tới các tác phẩm triết học đa dạng hàng nghìn năm trước. Những năm gần đây, sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ khiến nhiều người nhận định quốc gia này có thể trở lại vị thế cường quốc công nghệ. Đáng tiếc, cú ngã của Huawei đã khiến hàng loạt người phải nhìn nhận lại, ngay cả những quan điểm bảo thủ cũng khó lòng giữ vững lập trường.
08:30 15/06/2019
Khi thương chiến Mỹ – Trung mới manh nha, không ít người cho rằng, Trung Quốc mạnh và có thực lực về công nghệ, có dòng chảy lịch sử bảo chứng cho quốc gia này giữ vững đế chế công nghệ với những thành tựu huy hoàng của mình. Nhưng thực tế lại cho thấy, Trung Quốc đang ngày càng yếu thế một cách rõ rệt, những “thành tích” hào nhoáng chỉ là lớp vỏ ngụy trang cho một nền tảng lung lay kém vững chắc. Cho dù Trung Quốc sản xuất sản phẩm đi khắp nơi, nhưng họ lại không nắm giữ được công nghệ lõi, không tạo ra một hệ sinh thái có thể ràng buộc người dùng trên toàn thế giới.
Lối văn hóa “mì ăn liền” và chỉ chú trọng trên bề mặt của Trung Quốc hiện nay, có thể nói là đối lập hoàn toàn so với nền văn minh Hoa Hạ rực rỡ một thời. Một quốc gia muốn dẫn đầu về công nghệ cần phải khích lệ sự sáng tạo. Mà điều kiện tiên quyết để con người có thể sáng tạo và ứng dụng công nghệ là tự do tư tưởng, tín ngưỡng và chuẩn mực đạo đức cao. Cả yếu tố này đều không tồn tại dưới chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày nay, có chăng chỉ là trong lịch sử văn minh Hoa Hạ xa xưa.
Trung Quốc ngày nay không hề có cái gốc của sáng tạo – tự do tư tưởng và tín ngưỡng
Tự do tư tưởng, tín ngưỡng là gốc rễ của sáng tạo. Khi tư tưởng không bị đóng khung bởi các quan niệm cũ, bảo thủ thì sáng tạo mới nảy mầm. Tự do tín ngưỡng thúc đẩy con người tìm hiểu về quy luật nhân sinh, vũ trụ, tôn trọng và hài hòa với tự nhiên. Đó là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng sự sáng tạo. Thực tiễn cho thấy các nhà khoa học hàng đầu của thế giới, các phát minh công nghệ mang tính lịch sử của loài người đều đến từ các nhà khoa học tín Thần, những người giàu đức tin và tuyệt đối trân quý quy luật vận hành của vạn vật, của vũ trụ.
Nhưng hiện nay, Trung quốc là nơi tư tưởng con người bị khống chế mạnh mẽ nhất, nơi chính tín bị đàn áp khốc liệt nhất.
Trung Quốc dùng toàn bộ hệ thống giáo dục, đào tạo, văn hóa, mạng lưới thông tin, tường lửa để tạo ra nội dung thông tin và tuyên truyền mà họ muốn có.
Trong lĩnh vực giáo dục, chính phủ tìm đủ phương thức để nhồi nhét hệ tư tưởng của mình vào đầu người dân, từ mầm non tới đại học. Nhiều sự kiện lịch sử đã bị chính quyền bóp méo, có thể kể đến như kháng chiến chống Nhật, chiến tranh biên giới Việt – Trung, Polpot của Campuchia, Hoàng Sa – Trường Sa thuộc Trung Quốc v.v..
Trong lĩnh vực văn hóa, chính phủ tuyên truyền về tư tưởng “dân tộc đại Hán vĩ đại”, Trung Quốc là trên hết, người Trung Quốc là trên hết (như thế là yêu nước), đánh đồng khái niệm yêu thể chế, chính trị, chính quyền là yêu nước… Việc này không khỏi khiến chúng ta nhớ đến cách mà Hitler dùng học thuyết tiến hóa để kích động người Đức tin rằng chủng tộc của họ – chủng tộc Aryan là thuần khiết, thượng đẳng, cao quý và vĩ đại nhất thế giới, họ có quyền nhục mạ, tàn sát thế giới còn lại ngoài kia…
Đáng chú ý hơn, chính quyền tìm mọi cách bưng bít thông tin, chỉ cung cấp những tin tức mà nhà nước muốn cho người dân biết. Chính quyền không ngại làm giả làm giả thông tin, ngụy tạo thông tin.
Ví như trong sự kiện “Lục Tứ” năm 1989, ĐCSTQ tuyên bố sinh viên là “côn đồ gây bạo loạn”, thẳng thừng đưa quân đội đi “dẹp bạo loạn”. Thế nhưng ngay sau cuộc thảm sát “Lục Tứ”, chính quyền lại tuyên bố “Quân đội chưa từng nổ súng vào bất kỳ ai, quảng trường Thiên An Môn không có bất cứ thương vong nào.”
Tại Trung Quốc, các mạng xã hội như Google hay Facebook không thể xâm nhập thị trường. Chỉ các hãng của Trung Quốc – những nền tảng công nghệ đi sau, thừa hưởng và sao chép lại các tính năng của Google, Facebook, Twitter – được phép tiếp cận thị trường hơn 1,5 tỷ dân này. Kết quả là có những cụm từ khóa tìm kiếm hoàn toàn không ra kết quả chính xác khi bạn dùng ứng dụng này. Chẳng hạn, khi bạn tìm kiếm từ khóa “Thảm sát Thiên An Môn” thì hình ảnh ghê sợ về vụ thảm sát sẽ không xuất hiện, chỉ hiện ra hình ảnh đất nước Trung Quốc tươi đẹp mà thôi.
Sự phát triển công nghệ của Trung Quốc không dựa trên chuẩn mực đạo đức cao – bởi thế nền tảng bảo vệ cho thành quả sáng tạo không còn
Ở Trung Quốc cổ đại, khoa học và công nghệ rất tiên tiến. Trung Quốc từng rất tiên tiến và đi trước thời đại. Trung Quốc từng có kiến thức chuyên môn rộng lớn trong các ngành y dược, nông học, thiên văn học, xây dựng và thủ công nghiệp, bao gồm làm gốm, dệt, in, sản xuất đồ thủ công và chế biến thực phẩm… Trung Quốc có những phát minh đi đầu nhân loại, chẳng hạn như la bàn, thuốc súng, nghề làm giấy hay nghề in. Tuy nhiên, với người Trung Quốc cổ mà nói, đây là chỉ “thuật”, liên quan đến những thứ như là “phương thuật”, “thuật số” và “kỹ thuật”... Cái mà họ chú trọng hơn cả là “Đạo”, phải nhìn nhận rõ đâu là căn bản của sự vật, đâu là khởi nguyên của sự vật; đâu là nguyên nhân, nguyên nhân đưa đến kết quả gì.
Các phát minh sáng tạo và nghiên cứu cơ bản đều phải tĩnh tâm xuống để làm, phải dựa vào sự hứng thú, nghị lực, sự cống hiến lâu dài, đòi hỏi phải có một môi trường lớn mà tâm thái người dân trầm ổn. Để sáng tạo nảy mầm và phát triển, người sáng tạo nhất định phải có lòng tự trọng, tôn trọng, biết lắng nghe, và đặc biệt là sự sáng tạo của họ phải được tôn trọng và được bảo vệ thích đáng. Bởi vậy mới nói rằng, nền tảng cho sáng tạo là chuẩn mực đạo đức cao, thể hiện ở mức thấp nhất là chuẩn mực của khuôn khổ pháp luật, ở một thể chế thượng tôn pháp luật, một xã hội coi trọng các chuẩn mực, phẩm giá của con người chứ không phải là tìm kiếm lợi nhuận bằng các thủ đoạn tàn khốc từ giả – ác – đấu.
Thời điểm ĐCSTQ lên cầm quyền đã bắt đầu quá trình phát triển kinh tế xã hội khá muộn. Để có thể bắt kịp các nước phát triển, nhà cầm quyền theo khuynh hướng bắt chước công nghệ của các nước tiên tiến thông qua việc: (i) cưỡng ép chuyển giao công nghệ (Trung quốc đưa vào Luật đầu tư về điều kiện này); (ii) nuôi dưỡng mạng lưới gián điệp công nghệ để ăn cắp công nghệ trên khắp toàn cầu; (iii) chấp nhận hàng nhái, hàng giả và luật hóa việc này khiến mọi thương hiệu lớn nhất trên thế giới đều không thể cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái khi kinh doanh tại quốc gia này. Mặc dù việc bắt chước công nghệ có thể tạo ra sự tăng trưởng kinh tế ngắn hạn, nhưng nó lại gây nên nhiều rủi ro tiềm ẩn hoặc thậm chí thất bại trong việc phát triển dài hạn bởi vì nó triệt tiêu sáng tạo.
Các mục tiêu phát triển kinh tế của chính quyền đã dẫn đến hệ quả là người dân Trung Quốc bị bức ép đến mức chỉ để tâm vào kiếm tiền cho nhanh, đầu cơ trục lợi, giở mọi mánh khóe, làm không được thì trộm. “Trộm kỹ thuật” đã trở thành một nghề nghiệp chính đáng “cao cấp”, hoàn toàn không có cảm giác xấu hổ về đạo đức của người Hoa Hạ “lễ nghi chi bang” nữa.
Theo báo cáo công bố năm 2017 của Ủy ban bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Mỹ, Trung Quốc mỗi năm gây thiệt hại cho Mỹ từ 225 – 600 tỷ USD thông qua việc làm hàng giả, phần mềm lậu và ăn cắp bí mật công nghiệp của Mỹ, thống kê trên chưa bao gồm việc vi phạm quyền sáng chế phổ biến ở Trung Quốc. Báo cáo còn nêu, trong ba năm qua Mỹ đã thiệt hại 1200 tỷ USD do bị đánh cắp sở hữu trí tuệ, phần lớn do Trung Quốc gây ra. Báo cáo tháng 11/2015 của văn phòng Cục tình báo quốc gia Mỹ cho thấy hoạt động gián điệp kinh tế của hacker máy tính gây thiệt hại cho Mỹ 400 tỷ USD mỗi năm, 90% hoạt động gián điệp đến từ Trung Quốc.
Quay trở lại mà nói, dựa vào làm giả làm nhái, trộm cắp chắp vá lung tung thì chắc chắn không thể tạo nên một hệ thống khoa học kỹ thuật hoàn chỉnh được.
Không quá khi nói rằng sự suy thoái về đạo đức trong lĩnh vực học thuật có thể nói đã chặn đứng con đường sáng tạo khoa học công nghệ kỹ thuật của người Trung Quốc. Tháng 3/2015, nhà xuất bản BMC của Anh đã thu hồi 43 bài luận văn giả, trong đó có 41 bài là của các học giả đến từ Trung Quốc. Tháng 8/2015, nhà xuất bản học thuật nổi tiếng Springer Nature của Đức thu hồi 64 bài luận văn giả, toàn bộ những bài này là của Trung Quốc. Tháng 10/2015, nhà xuất bản học thuật nổi tiếng Elsevier thu hồi 9 bài luận văn đăng trên 5 loại tập san, toàn bộ luận văn này cũng của học giả Trung Quốc. Ngày 20/4/2017, tạp chí Springer của Đức đã tiêu hủy một loạt 107 bài viết đến từ Trung Quốc đăng trên tập san Tumor Biology từ năm 2012 đến 2016, những bài viết này bị nghi là làm giả từ khâu đánh giá đến thẩm định, việc làm giả này là có hệ thống và có tổ chức.
Trung Quốc ngày nay, dễ nhận thấy con đường mà họ giỏi nhất chính là đánh cắp công nghệ và cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Ngày 26/9/2018, Nhật báo Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ công bố 4 thủ đoạn chính mà Trung Quốc cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Bao gồm: thứ nhất, gây sức ép với đối tác Mỹ trong công ty liên doanh Trung – Mỹ từ bỏ công nghệ của họ; thứ hai, sử dụng tòa án tuyên bố bằng sáng chế của công ty Mỹ không hợp lệ; thứ ba, dùng danh nghĩa điều tra chống độc quyền và qua đó tịch thu các tài liệu công nghệ của công ty Mỹ; thứ tư, yêu cầu công ty Mỹ cung cấp chi tiết các công thức hoặc quy trình sản xuất cho các chuyên gia Trung Quốc để xem xét, nhưng những công nghệ này nhanh chóng rơi vào tay các công ty Trung Quốc.
Dù vậy, Trung Quốc vốn không dẫn dắt về công nghệ, nên thành tựu luôn đi sau, luôn không có đột phá. Nhiều năm qua, người ta vẫn luôn băn khoăn, vì sao hơn mấy chục năm mở cửa phát triển mà Trung Quốc chưa tạo ra được một thương hiệu quốc tế nổi tiếng nào? Vì sao những phần cốt lõi của các sản phẩm được mệnh danh là cao cấp có sở hữu độc quyền phần lớn đều dựa vào nhập khẩu? Vì sao những chi tiết nhỏ như bu-lông của hàng không mẫu hạm, máy bay quân sự, đường sắt cao tốc đều phải nhập khẩu?
Nói gần hơn nữa, nền tảng cuộc cách mạng công nghệ thông tin 4.0 chính là hệ sinh thái công nghệ, tức là môi trường để các nền tảng công nghệ khác ứng dụng trên đó. Như vậy, quốc gia nào sở hữu hệ sinh thái công nghệ thì quốc gia đó có lợi thế về công nghệ thông tin. Khi Huawei ăn cắp công nghệ sản xuất smartphone cao cấp, về chip, về máy tính… nhưng lại phụ thuộc vào hệ sinh thái công nghệ do Mỹ dẫn đầu và phụ thuộc vào nền tảng công nghệ bán dẫn cho Nhật dẫn đầu (khi sản xuất chip) nên Huawei khó có thể tồn tại.
Con đường nào cho công nghệ và trí tuệ Hoa Hạ thăng hoa trở lại?
Người Trung Quốc thông minh, cần cù và chưa bao giờ ngừng nỗ lực để tồn tại, để sáng tạo. Dù sự sáng tạo của họ đang bị kìm hãm bởi vô vàn rào cản hữu hình và vô hình. Nhưng một khi có cơ hội, họ nhất định sẽ đạt được những thành tựu công nghệ mà họ đã từng có và xứng đáng có.
Để một lần nữa quay lại đỉnh cao của thế giới về công nghệ, Trung Quốc buộc phải trở thành một quốc gia khích lệ sáng tạo. Trung Quốc có quyền mơ ước và có thể mơ ước về điều đó. Nhưng để đạt được điều ấy, chính quyền và nhân dân Trung Quốc phải lựa chọn gỡ bỏ triệt để rào cản sáng tạo đang tồn tại. Hãy học chính tổ tiên của họ về tự do tư tưởng và tôn giáo, về tuyên dương chữ Đức trong mọi hành vi, hoạt động, khuôn khổ pháp lý của mình. Nhưng điều này chẳng khác gì với việc phải thay đổi tận gốc rễ thể chế chính trị mà họ đang bảo hộ. Sự thay đổi này cũng phải hy sinh lợi ích của nhóm cầm quyền.
Minh Tâm
Hơn 600 công ty Mỹ gửi thư kêu gọi ông Trump giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc
Hơn 600 công ty Mỹ gửi thư kêu gọi ông Trump giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc