Tài xế công nghệ kể lại chuyện trả ví cho thủy thủ tàu sân bay Mỹ

Dọn xe sau sáu chuyến chở khách, anh Trinh phát hiện chiếc ví màu đen rớt dưới gầm ghế sau, bên trong có thẻ quân nhân Hải quân Mỹ.

14:52 08/07/2023

Tài xế công nghệ Grab, anh Phạm Văn Trinh, 36 tuổi, nhớ ra vị khách nước ngoài đặt xe tối ngày hôm trước, từ một khách sạn trên đường Nguyễn Văn Linh và điểm đến là bãi xe cạnh Bảo tàng Điêu khắc Chăm (quận Hải Châu). Sau khi báo sự việc cho Tổng đài Grab, anh chạy xe ngay đến khách sạn, hỏi thông tin thì khách đã trả phòng.

"Lúc đó tôi không biết thẻ quân nhân bên trong chiếc ví là của thủy thủ tàu sân bay Mỹ, nhưng chỉ muốn trả lại tài sản thật nhanh vì khách sạn cho biết vị khách đang ở cảng Tiên Sa và chuẩn bị rời Đà Nẵng", anh Trinh kể. Đó là sáng 30/6, tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76) và hai tàu tuần dương USS Antietam (CG-54) và USS Robert Smalls (CG-62) kết thúc chuyến thăm TP Đà Nẵng sau 5 ngày.

Tài xế Grab Phạm Văn Trinh. Ảnh: Nguyễn Đông
Tài xế Grab Phạm Văn Trinh. Ảnh: Nguyễn Đông

Anh Trinh tức tốc lái xe hướng ra cảng, dọc đường, anh nhận một cuốc chở khách và kể câu chuyện mình đang tìm người trả lại ví. Vị khách đi xe đoán khả năng người mất ví có thể liên quan đến tàu sân bay USS Ronald Reagan. Người này khuyên anh nên liên lạc với Đại sứ quán Mỹ vì có ra cảng cũng không được vào và "đoàn hải quân Mỹ hơn 5.000 người, rất khó tìm".

Chiều hôm đó, anh Trinh đã trả lại toàn bộ tài sản mình nhặt được là một thẻ quân nhân, hai thẻ ngân hàng và hơn 1,1 triệu đồng cho Đại sứ quán Mỹ tại , dưới sự chứng kiến của Lãnh sự người ở nước ngoài, Sở Ngoại vụ TP Đà Nẵng và đại diện Grab tại Đà Nẵng. "Tôi được tùy viên Hải quân Mỹ tặng một đồng xu biểu tượng của hải quân Mỹ. Đó là món quà rất đẹp", anh nói.

Anh Trinh kể, khoảng 19h ngày 29/6 đã nhận chở hai người khách nước ngoài . Trên xe, vị khách khen "thành phố Đà Nẵng rất đẹp, đường xá sạch và bãi biển đẹp". Tuy nhiên do quãng đường ngắn, anh không kịp hỏi khách đến từ đâu. Sau chuyến xe này, anh tiếp tục nhận chở thêm ba cuốc khác. Đến sáng 30/6, anh chở thêm ba cuốc rồi mới mở cửa dọn vệ sinh ôtô.

Khi dọn đến túi chứa đồ ở phía sau ghế lái, anh Trinh phát hiện chiếc ví màu đen. "Mỗi khi khách đặt xe, Grab sẽ gửi thông báo nhắc nhở hành khách kiểm tra tư trang để tránh thất lạc lại trên xe. Cũng may vị khách người Mỹ quên ví nhưng bỏ vào túi treo sau ghế, nên dù tôi đã đón thêm sáu chuyến chở khách khác, chiếc ví vẫn nằm nguyên vị trí cũ", anh Trinh kể.

Anh Trinh và món quà lưu niệm của Hải quân Mỹ. Ảnh: Nguyễn Đông
Anh Trinh và món quà lưu niệm của Hải quân Mỹ. Ảnh: Nguyễn Đông

Anh Trinh quê gốc Bình Định. Hơn 10 năm trước, anh Trinh vào TP HCM lập nghiệp, làm việc cho một công ty may. Khi công ty phát triển chi nhánh, anh được điều ra Đà Nẵng, giữ chức quản lý. Sau khi lấy vợ người TP HCM, hai vợ chồng quyết định chọn Đà Nẵng định cư vì không khí trong lành, cuộc sống không quá xô bồ.

Năm 2019, anh nghỉ làm ở công ty may vì muốn dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, khi vợ chồng đã có con nhỏ. Cuối tháng 6/2020, khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, anh Trinh quyết định đầu tư mua ôtô để chạy Grab. Là người hoạt bát, chịu khó nên anh sớm thích nghi công việc mới. "Điều tôi thấy thoải mái nhất khi chạy Grab là chủ động được thời gian", anh nói.

Một năm chạy xe, đây không phải là lần đầu anh Trinh trả lại tài sản cho khách. Bốn lần trước, anh từng nhặt được ví, điện thoại iPhone 14 của khách để quên. "Nếu đón khách tại nhà thì mình quay lại địa chỉ nhận khách để trả lại ngay", anh nói. Anh cũng thường tương tác, trò chuyện mỗi với khách, nên anh nhớ mặt từng người. Nhờ vậy nên khi khách quên tài sản, anh trả lại nhanh chóng hơn.

Anh Trinh cùng chiếc bằng khen và cúp vinh danh được Grab trao tặng vì hành động đẹp của mình. Ảnh: Quỳnh Như
Đại diện Grab (áo đen) trao bằng khen và cúp vinh danh cho anh Phạm Văn Trinh vì hành động đẹp. Ảnh: Quỳnh Như

Trước nghĩa cử cao đẹp của đối tác tài xế Phạm Văn Trinh, Grab đã trao tặng anh bằng khen cùng chiếc cúp "Vinh danh bác tài Grab siêu sao", qua đó khích lệ anh cũng như các đối tác tài xế tiếp tục lan tỏa những hành động đẹp trong xã hội.

Nguyễn Đông

Tags:
Tình người xa xứ: Tôi không chỉ có một mình

Tình người xa xứ: Tôi không chỉ có một mình

Tôi phải mạnh mẽ và vượt qua tất cả để hoàn thành khóa học. Nơi quê nhà thân thương bố mẹ, gia đình và em vẫn luôn tin tưởng, chờ đợi tôi. (Trần Ngọc Mỹ, Hải Phòng)

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất