Tâm điểm cuộc đấu trước thềm tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã trình lên Quốc hội đề án ngân sách năm 2020, trong đó ông yêu cầu cắt giảm các khoản chi viện trợ nước ngoài cũng như các hoạt động của Bộ Ngoại giao, nhưng lại đề nghị tăng ngân sách quốc phòng và một một khoản để xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico. Đây được coi là tâm điểm của cuộc đấu nội bộ Mỹ trong bối cảnh chiến dịch tranh cử Tổng thống sắp được khởi động vào đầu năm 2020.
23:30 13/06/2019
Tăng chi tiêu quốc phòng
Những khoản chi tiêu quân sự tăng vọt trong ngân sách năm 2020 có thể sẽ nhận được sự ủng hộ từ các thành viên Đảng Cộng hòa nhưng sẽ gấp phải sự phản đối của Hạ viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát. Tổng thống Mỹ D. Trump đề nghị tăng 4% cho chi tiêu quân sự và ngân sách quân sự sẽ tăng lên tới 750 tỷ USD - con số kỷ lục trong điều kiện nước Mỹ không tiến hành một cuộc chiến tranh nào ở nước ngoài.
Để đạt được mục tiêu mà không vi phạm giới hạn chi tiêu đặt ra từ năm 2011, Tổng thống D. Trump sử dụng điều khoản khẩn cấp dành cho chiến dịch chống khủng bố ở nước ngoài để tránh các giới hạn về hạn chế ngân sách được cấp trong Đạo luật hạn chế tài khóa được thông qua.
Nền kinh tế Mỹ đang rất vững mạnh, báo hiệu một kết quả khả quan cho ông Trump trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 (Nguồn: AP)
Bằng thủ thuật này, Đảng Cộng hòa sẽ đạt được mục tiêu tăng ngân sách quân sự mà không cần phải thỏa thuận với phe của Đảng Dân chủ trong Hạ viện cũng như Thượng viện Mỹ. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện John Yarmuth và Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, ông Adam Smith (người của Đảng Dân chủ), đã phản đối dự toán ngân sách dành cho quân sự của Nhà Trắng, bởi hai ông cho rằng kế hoạch này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khoản đầu tư quan trọng khác đối với an ninh kinh tế và Chính phủ Mỹ.
Bên cạnh đó, quỹ các chiến dịch bất ngờ ở nước ngoài (OCO) nhằm phục vụ cho cuộc chiến của Mỹ ở Trung Đông cũng là chủ đề từng gây tranh cãi từ lâu giữa hai đảng cầm quyền ở Mỹ. Ngay cả một số thành viên của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ cũng đã từng phản đối OCO và coi là một "thủ đoạn" lợi dụng luật pháp để tăng ngân sách cho bộ máy chiến tranh của Mỹ.
Cắt giảm mạnh chi tiêu
Theo Đạo luật về giới hạn ngân sách năm 2011, Nhà Trắng sẽ phải cắt giảm 55 tỷ USD cho chi tiêu trong nước và có thể đề xuất cắt giảm thêm nữa. Theo Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, ông Larry Kudlow, Mỹ sẽ phải giảm 5% chi tiêu trong nước trên tất cả các lĩnh vực. Thế nhưng, Tổng thống D. Trump đã không ưu tiên cắt giảm thâm hụt ngân sách ngay cả trong điều kiện khoản nợ quốc gia của Mỹ đã hơn 22.000 tỷ USD (theo thống kê mới nhất tháng 5-2019).
Chủ tịch Ủy ban ngân sách liên bang Maya MacGuineas cho rằng, lẽ ra Chính quyền của ông D. Trump cần tập trung "hóa giải" cuộc khủng hoảng nợ công như một căn bệnh kinh niên của Mỹ thay vì tìm cách tăng chi tiêu công trong ngân sách năm 2020.
Quyết xây dựng bức tường biên giới với Mexico
Tổng thống D. Trump vẫn theo đuổi kế hoạch xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico nên ông yêu cầu một khoản ngân sách bổ sung đáng kể cho việc xây dựng công trình này trong đề án ngân sách năm 2020. Năm 2018, ông đã bị Quốc hội Mỹ từ chối khoản đề xuất trị giá 5,7 tỷ USD. Do bất đồng, ông Trump đã ra lệnh đóng cửa chính phủ trong một thời gian dài kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng phải đồng ý ký một thỏa thuận chi tiêu để cho phép Chính phủ Mỹ hoạt động trở lại mà không có khoản chi nào dành cho việc xây dựng bức tường biên giới theo mức đề xuất của ông.
Sau đó, Tổng thống Mỹ đưa ra một quyết định chưa từng có là tuyên bố "tình trạng khẩn cấp quốc gia" nhằm giúp ông tiếp cận 8 tỷ USD trong các quỹ khác để phục vụ cho việc xây dựng bức tường. Động thái này của ông làm dấy lên lo ngại từ những nhân vật bảo thủ và "diều hâu" về sự chuyển hướng ngân sách dành cho quân sự.
Tuyên bố của Tổng thống D. Trump về tình trạng khẩn cấp đã phải đối mặt với thách thức pháp lý tại tòa án và các đối thủ trong Quốc hội. Những người này đã vận động cho một nghị quyết của Quốc hội Mỹ nhằm ngăn chặn tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống D. Trump, tuy nhiên đã bị thất bại.
Một đoạn tường biên giới Mỹ-Mexico
Vào tháng 5-2019, Tổng thống D. Trump đe dọa tăng thuế 5% đối với hàng hóa Mexico từ 10-6-2019 và tăng 5% mỗi tháng cho đến khi đạt 25% vào tháng 10-2019 nếu Mexico không có hành động đáng kể để hạn chế di cư. Trước đó, hồi tháng 2-2019, ông chủ Nhà Trắng từng tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới Mỹ-Mexico, nói rằng điều đó là cần thiết để giải quyết những gì ông cho là khủng hoảng di cư.
Xóa bỏ di sản "ObamaCare" của người tiền nhiệm
Một khoản đề xuất đáng chú ý của Tổng thống Mỹ liên quan đến chương trình ObamaCare (di sản của người tiền nhiệm Barrack Obama). Những nỗ lực lập pháp để bãi bỏ ObamaCare thất bại, các nghị sĩ của Đảng Dân chủ rất muốn ghi điểm nếu Tổng thống D. Trump một lần nữa kêu gọi bãi bỏ đạo luật này trong ngân sách tài khóa năm 2020.
Một số thành viên của Đảng Dân chủ trong Ủy ban ngân sách Hạ viện Mỹ cho rằng, người dân Mỹ đã chống lại chương trình nghị sự về chăm sóc sức khỏe của Đảng Cộng hòa vào tháng 11-2018.
Văn phòng công ty bảo hiểm ObamaCare tại Miami, Florida (Mỹ)
Năm 2018, ngân sách chi tiêu của Nhà Trắng đã được các thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa là Bill Cassidy và Lindsey Graham thông qua nhằm bãi bỏ chương trình ObamaCare và thay thế bằng đạo luật Chăm sóc Sức khỏe hợp túi tiền (ACA). Phó Chủ tịch Trung tâm ưu tiên chính sách và ngân sách, ông Joel Friedman cho rằng, việc bãi bỏ ObamaCare trong ngân sách tài khóa chứng tỏ ông Trump có khả năng phản đối bất kỳ nỗ lực nào của Đảng Dân chủ trong việc từ chối và bãi bỏ ACA.
Dựa trên những lưu ý từ hai đảng đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe, ngân sách tài khóa năm 2020 sẽ tạo cơ hội cho Tổng thống D. Trump đề xuất các ưu tiên để giảm giá thuốc theo đơn - một lĩnh vực có tiềm năng để ông "giàn hòa" với phe đa số của Đảng Dân chủ trong Hạ viện Mỹ. Ông Donald Trump và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi do Đảng Dân chủ kiểm soát đã bày tỏ sự lạc quan về việc hợp tác với nhau trong vấn đề này.
Ông D. Trump có thời gian không giới hạn cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, trong khi đó các ứng viên của Đảng Dân chủ còn đang phải cạnh tranh để trở thành ứng viên tổng thống của đảng này (Nguồn: Economist)
Ngoài ra, việc cắt giảm nhiều về một số khoản trong ngân sách có thể gây ra tác động tiêu cực. Trong hàng loạt đề xuất cắt giảm, trong năm 2018, Tổng thống Mỹ D. Trump đã từng yêu cầu loại bỏ ngân sách liên bang dành cho hoạt động của mạng lưới truyền thông công cộng PBS (Public Broadcasting Service) và Đài phát thanh quốc gia (National Public Radio) thuộc Tổng công ty phát thanh công cộng. Yêu cầu này đã gây nên sự phản đối dữ dội của dư luận Mỹ cũng như Đảng Dân chủ.
Do đó, trong đề án ngân sách năm 2020, ông D. Trump sẽ phải thận trọng với khoản cắt giảm này. Bên cạnh đó, ông Trump còn phải chú ý hơn đối với đề xuất cắt giảm ngân sách trong một số lĩnh vực khác như tem thực phẩm cho người nghèo và chương trình hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp. Ông không thể "mạo hiểm" đánh mất lá phiếu của các cử tri ở những vùng sâu, vùng xa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trong nhiệm kỳ 2 sẽ được khởi động vào đầu năm 2020.
Mạnh Quỳnh tiết lộ cuộc sống giản dị ở Mỹ và lý do thân thiết với Phi Nhung
Nam ca sĩ cho biết, anh và Phi Nhung có mối quan hệ thân thiết, xem nhau như tri kỷ.