‘Tam giác quỷ’ ở Việt Nam, nơi những chiếc máy bay một đi không trở lại…
Tại huyện Bắc Yên, Sơn La, có một khu vực mà nhiều năm trước không hiểu vì sao lâu lâu lại có một chiếc máy bay lao xuống nổ tan tành.
07:30 03/10/2017
Khu vực này được gọi là núi U Bò – một ngọn núi cao hơn 3000 mét so với mực nước biển, nằm ở phần đuôi của dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Theo người dân địa phương kể lại, từ hàng chục năm qua đã có cả chục chiếc máy bay đi qua khu vực này rồi đâm xuống núi. Hai vụ gần đây nhất xảy ra năm 1985 và 1994.
Cuối năm 1985, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam thông báo có một chiếc máy bay quân sự chở các chuyên gia Nga từ Bắc Lào về Việt Nam đã mất liên lạc và mất tích. Theo như sơ đồ đường bay, thì chiếc máy bay này đã bay qua khu vực Bắc Yên.
Một số đồng bào Mông sống ở các xã Xím Vàng, Tà Xùa, Háng Đồng kể lại rằng, họ đã nghe thấy một tiếng nổ trầm, như tiếng bom vọng lại từ rất xa. Những cụ già từng chứng kiến máy bay rơi ở khu vực này thời chiến tranh thì khẳng định chắc nịch rằng, tiếng nổ đó đúng là tiếng máy bay đâm vào núi.
Đoàn tìm kiếm gồm hàng trăm người nhanh chóng được thành lập, họ đi suốt ngày đêm trong rừng, song tuyệt nhiên không thấy xác máy bay ở đâu.
Đến ngày tìm kiếm thứ ba thì đoàn nhận được tin báo của một thợ săn người Mông rằng, chính mắt anh ta đã nhìn thấy một chiếc trực thăng xuyên qua những đám mây, lao thẳng vào vách núi U Bò, rồi một tiếng nổ lớn phát ra, khói lửa cháy ngùn ngụt.
Xác định được địa điểm rơi máy bay, nhưng đội tìm kiếm phải lần mò suốt 4 ngày nữa, mới tìm thấy, bởi rừng rú quá hoang rậm, núi non quá cheo leo, hiểm trở. Những gì còn lại chỉ là những mảnh vụn máy bay và xác người cháy đen văng tứ phía.
Bẵng đi 10 năm, đến năm 1994, huyện Bắc Yên lại xôn xao tin máy bay rơi khi đồng bào Mông sống trên những đỉnh núi cao ở các xã Xím Vàng, Tà Xùa kể rằng nghe thấy tiếng nổ lớn. Lần này, một chiếc máy bay trực thăng chở các chuyên gia bay từ Điện Biên về đã mất tích vào ngày 7-5-1994. Chiếc máy bay này chở các chuyên gia đi khảo sát để mở đường bay du lịch từ Hà Nội lên Điện Biên và Sơn La nhưng việc khảo sát chưa hoàn thành thì họ đã gặp nạn.
Đó là chiếc trực thăng Bell Long Ran Gere. Đây là loại máy bay khá hiện đại thời bấy giờ. Điều đặc biệt, viên phi công lái chiếc Bell Long Ran Gere là một người rất dày dạn kinh nghiệm với hơn 5.000 giờ bay.
Trong ngành hàng không, người có số giờ bay này rất ít. Bay được từng này giờ là đẳng cấp rất cao, đủ kinh nghiệm để xử lý tình huống bất trắc có thể coi là phức tạp nhất nếu xảy ra với máy bay. Theo cơ quan quản lý bay, thì khi chiếc máy bay qua khu vực này, đã mất tín hiệu đột ngột.
Bằng chứng về những vụ nổ máy bay ở núi U Bò còn được hiện diện trong rất nhiều dụng cụ làm việc của người Mông nơi đây. Bởi cứ mỗi lần nghe thấy tiếng nổ, bà con trong xã lại tổ chức vào ngọn núi U Bò để tìm, trước hết là tìm những nạn nhân xấu số, sau đó là kiếm sắt thép về rèn dao, cuốc, xẻng….
Nguyên nhân là gì?
Theo lý giải của đồng bào Mông, thì nguyên nhân có thể do ngọn núi U Bò quá cao, lại quanh năm chìm trong mây mù, trong khi phi công lại chủ quan khi lái máy bay qua khu vực này, nên đã đâm vào vách núi. Lý giải này có vẻ không đáng tin cậy lắm, bởi máy bay có nhiều công nghệ hiện đại, thiết bị định vị dẫn đường, vả lại phi công đều đã nắm rõ địa hình địa vật, chứ đâu dễ dàng bay liều trong mây.
Hơn nữa, có một thực tế là ngoài một số máy bay đâm vào vách núi vỡ tan tành thì theo lời kể của các cụ già người Mông có nhiều máy bay không va vào vách núi mà rơi thẳng xuống chân núi.
Một số suy đoán ngả theo hướng rối loạn tự trường. Ông Hạng A Củ, Chủ tịch UBND xã Xím Vàng bảo: “Ngày trước thi thoảng lại có đoàn nghiên cứu lên đây hỏi han, rồi thuê người Mông chúng ta dẫn đường vào chân ngọn núi U Bò kia. Họ vác theo máy móc đo đạc cái gì ta cũng chả biết. Còn có cả những phái đoàn người Tây vào xã ta tìm hiểu chuyện máy bay rơi. Nhưng họ có tìm hiểu được gì không thì ta không biết, vì họ có nói đâu”.
Theo GS-TSKH Đặng Vũ Khúc (Cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam), vùng đất nơi thâm sơn cùng cốc này có nhiều dị thường về địa chất, trường từ, nên khi máy bay di chuyển qua, những bộ phận điều khiển bằng điện tử dễ bị nhiễu loạn, gây nên những tai nạn thảm khốc.
Đại tá Mùi Trọng Bứng, nguyên Huyện đội trưởng Bắc Yên cho biết, hồi năm 1993, có một đoàn khảo sát địa chất lên đây nghiên cứu, ông đã hỏi thì họ đặt nghi vấn về một mỏ uranium nằm trong lòng đất Bắc Yên. Có thể, thứ nguyên liệu chế tạo bom nguyên tử này đã gây nhiễu loạn với các thiết bị điện tử.
Một số ý kiến cho rằng, khu vực Xím Vàng nhiều núi cao, vực sâu, thung lũng hun hút. Những cấu tạo đặc biệt về địa hình, địa vật, tạo ra luồng không khí đối lưu mạnh, đủ sức hút rơi cả máy bay (?!).
Từ năm 1994 đến nay, nơi này không xảy ra vụ máy bay rơi nào nữa, mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa tìm được lời giải, song đường bay từ Hà Nội lên Sơn La, Điện Biên, Bắc Lào và ngược lại, xuyên qua khu vực xã Xím Vàng đã bị cấm. Do đó, gần hai chục năm nay, không có tiếng động cơ máy bay vang lên trên bầu trời Xím Vàng nữa.
Rõ ràng không phải ngẫu nhiên khi riêng trong thời kỳ Pháp thuộc, đã có tới 5 tai nạn máy bay xảy ra bí ẩn ở vùng đất này. Chưa kể, một số vụ máy bay khi qua đây bị mất tích. Thêm vào đó, thời kỳ chiến tranh, máy bay Mỹ thường bay từ Thượng Lào, Thái Lan qua khu vực này ném bom miền Bắc. Nhiều phi công cho biết, khi bay qua vùng Bắc Yên, các thiết bị điện tử thường nhiễu loạn, tâm trí phi công không được ổn định. Vì thế, họ thường tìm cách tránh khu vực này, dù phải bay đường vòng.
Giống như những gì xảy ra ở vùng tam giác quỷ Bermuda nổi tiếng, có lẽ sẽ còn cần rất nhiều thời gian, cùng sự đột phá mạnh mẽ về công nghệ để những bí ẩn xung quanh ngọn núi “tử thần” và những chiếc máy bay rơi không rõ nguyên nhân mới có thể bước ra khỏi bức màn bí ẩn.
Theo ký sự “Bí ẩn kinh dị về ngọn núi “nuốt” máy bay ở cuối dãy Hoàng Liên”
Hoài Anh tổng hợp
Vì sao Donald Trump trút giận, đổ lỗi cho Facebook
Dân Mỹ cả tin Facebook như lâu này họ tin cậy báo chi, trong khi Mark Zuckerberg chưa tìm ra cách chặn thông tin giả.