Tâm niệm cuối cùng của thẩm phán Ruth Bader GinsBurg, biểu tượng cho bình đẳng giới tính
Chỉ vài ngày trước khi qua đời, khi sức khoẻ bắt đầu suy yếu, Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg đã đọc cho người cháu gái Clara Spera của bà viết ra di nguyện: "Tâm niệm lớn nhất của tôi là tôi sẽ không bị thay thế cho đến khi Hoa Kỳ có tổng thống mới."
06:25 20/09/2020
Có vẻ như bà Ginsburg đã biết trước những điều sắp xảy ra. Sự ra đi của bà sẽ để lại vết khuyết sâu thẳm cho nền công lý và đất nước Hoa Kỳ. Bên trong Toà Tối cao Pháp viện, không chỉ cánh chim đầu đàn của nền tự do dân chủ đã xếp lại, mà việc tòa án sắp khởi đầu nhiệm kỳ mới, chánh án không còn nắm giữ phiếu kiểm soát trong các vụ án tranh chấp.
Hơn thế, sự ra đi của bà Ginsburg dường như chắc chắn sẽ khuấy lên một cơn bão lửa chính trị mà Washington chưa từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ qua. Đây là ngọn đuốc trao vào tay Tổng thống Donald Trump cơ hội để lấp vào vị trí thứ ba còn lại trong Toà Tối cao, củng cố đa số phiếu bảo thủ (theo Politico).
Còn với người dân Mỹ, đêm Thứ Sáu, 19 Tháng Chín là một đêm buồn. Vị Thẩm phán biểu tượng cho quyền bình đẳng giới, người đã đặt quyền lợi của người phụ nữ lên cán cân công bằng của luật pháp, ra đi giữa lúc chính trường Mỹ hỗn loạn nhất lịch sử.
Không ai bảo ai, ngay khi truyền thông cả nước đồng loạt loan tin bà Ginsburg qua đời, rất nhiều người dân Hoa Kỳ đã đến trước Toà Tối Cao Pháp Viện ở Washington để tưởng nhớ bà.
Họ thắp lên những ngọn nến, đặt ở đó những bó hoa có tên và hình ảnh của bà. Họ ngồi rất lâu trước nơi bà làm việc 20 năm qua. Nơi đó, bà đã từng là tiếng nói quyết định cuối cùng cho rất nhiều những vấn đề hợp hiến.
Người phụ nữ có vẻ ngoài bé nhỏ, đôi khi có cảm giác bà “lọt thỏm” giữa chiếc ghế Thẩm phán của Toà Tối cao Pháp viện, chức vụ do Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm vào năm 1993, lại là người suốt đời tranh đấu cho nữ quyền, cho công bằng, bình đẳng và xoá cách biệt tôn giáo. Bà chính là người quyết định thúc đẩy hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới tại 50 bang ở Mỹ vào Tháng Sáu, 2015.
Tuy vậy, con đường đến với vai trò gánh vác “cán cân công lý” của bà không trải đầy hoa hồng.
Bà Ginsburg sinh ra ở Brooklyn, New York, là học sinh của các trường công lập. Nơi đó, bà đã chứng tỏ khả năng học tập xuất sắc. Nguồn động lực lớn nhất của bà thời tuổi trẻ không ai khác hơn, chính là bà Celia Bader, mẹ của bà. Nhưng, khi chỉ còn hai ngày nữa, nữ luật sư, nữ Thẩm phán tương lai của nước Mỹ tốt nghiệp James Madison High School thì mẹ của bà qua đời vì bệnh ung thư.
Khi đó, bà Ginsburg 17 tuổi. Sau cái chết của mẹ, bà tiếp tục con đường học vấn, vào trường Đại học Cornell với học bổng toàn phần. Tại đây, bà gặp phu quân tương lai, ông Martin Ginsburg.
“Điều mà Martin thu hút tôi, đó là anh ấy nhận biết và quan tâm đến việc tôi có một ‘bộ não’” bà nói.
Sau khi tốt nghiệp, họ kết hôn. Ông Martin khi ấy đang trong thời kỳ đi lính nên họ chuyển tới Fort Sill, Oklahoma, nơi ông thực hiện nghĩa vụ. Ở đó, bà Ginsburg, mặc dù đạt điểm cao trong kỳ thi công chức, nhưng chỉ có thể xin được việc làm là nhân viên đánh máy. Đến khi mang thai, bà đã bị mất luôn công việc này.
Hai năm sau, họ quay trở lại Bờ Đông và theo học trường Luật danh giá Havard. Bà Ginsburg khi đó là một trong chín phụ nữ duy nhất của lớp học hơn 500 sinh viên.
Nơi này, ngôi sao trong lớp học, chính là người phụ nữ có vóc dáng bé nhỏ Ruth Bader Ginsburg.
Những tháng năm dài sau đó không dễ dàng với bà Ginsburg. Ông Martin Ginsburg bị bệnh, vợ chồng bà có con nhỏ, chương trình học căng thẳng ở Havard…tất cả những điều đó làm cho bà chỉ có thể ngồi vào bàn cùng những cuốn sách luật vào lúc 2 giờ sáng.
Mặc dù tốt nghiệp với số điểm hạng ưu, nhưng cánh cửa các công ty luật lúc đó chưa mở rộng cho người phụ nữ. Mặc dù được đề nghị trở thành Thư ký Toà Tối cao, bà vẫn không được mời phỏng vấn.
Lúc đó không có câu trả lời nào cho bà chính xác hơn là: “vì bà là phụ nữ.” Sau đó, được sự giới thiệu của các giáo sư Đại học Columbia, bà Ginsburg được Thẩm phán quận Edmund L. Palmieri tuyển dụng làm việc cho đến năm 1961.
Năm 1972, bà trở thành nữ giáo sư đầu tiên của Đại học Columbia. Bà nhận lời làm luật sư trong sáu vụ kiện liên quan đến quyền phụ nữ trước Tối cao Pháp viện từ năm 1973 đến 1976. Bà giành thắng lợi năm trong sáu vụ kiện này, xác lập nhiều tiền lệ pháp lý dẫn đến những thay đổi đáng kể trong luật pháp Mỹ liên quan đến quyền của phụ nữ.
Ngày 14 Tháng Tư, 1980, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đề cử bà Ginsburg vào một ghế trong Tòa phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ.
Ngày 14 Tháng Sáu, 1993, Tổng Thống Bill Clinton đề cử bà làm Thẩm Phán Tối cao Pháp viện.
TikTok kiện chính quyền Trump
TikTok đệ đơn yêu cầu một thẩm phán liên bang ở Washington chặn chính quyền Trump ban lệnh cấm ứng dụng chia sẻ video này tại Mỹ.