Tâm sự của một bác sĩ khi không cho con đang du học Canada về Việt Nam

Trong khi nhiều du học sinh may mắn thoát khỏi những ổ dịch từ nước ngoài để về đến Việt Nam và đang cách ly, số khác lại đang lo lắng, mong mỏi chờ trực những thông tin từ đại sứ quán để có hy vọng quay về, thì cũng có những người lựa chọn ở lại.

08:00 29/09/2021

Dù lòng như lửa đốt vì lo lắng và nhớ con da diết nhưng những đấng sinh thành này vẫn khuyên con không nên về nước thời điểm này vì "phòng dịch tốt nhất bây giờ là ngồi yên 1 chỗ".

Hàng chục nghìn người là người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài, chủ yếu là các nước châu Âu và châu Mỹ đã trở về nước, tạo nên cuộc hồi hương lớn của người xa quê. Trong đó có nhiều du học sinh đang theo học tại các quốc gia có nền giáo dục nổi tiếng như Anh, Pháp, Mỹ, Canada,...

Trong khi nhiều du học sinh may mắn thoát khỏi những ổ dịch từ nước ngoài để về đến Việt Nam và đang cách ly, số khác lại đang lo lắng, mong mỏi chờ trực những thông tin từ đại sứ quán để có hy vọng quay về, thì cũng có những người lựa chọn ở lại. 

Bác sĩ BV Bạch Mai không để con gái về Việt Nam

Lê Thu Hà, một du học sinh lớp 11, trường Hudson College, Toronto, Canada đã quyết định không về Việt Nam sau khi nghe lời khuyên của gia đình. Ở đầu cầu Việt Nam, tuy không được nhìn con trở về, nhưng với bác sĩ Lê Sỹ Hùng, làm tại Bệnh viện Bạch Mai, bố của Hà thì đó lại là điều đúng đắn nhất ở thời điểm hiện tại.

Là một bác sĩ, ông Hùng đặc biệt quan tâm tới từng tin tức và đường đi của virus corona. Khi nghe những diễn biến về dịch COVID-19 trở nên phức tạp hơn bao giờ hết ở Anh, Mỹ, Pháp, Ý…, ông cũng bắt đầu lo lắng và tự hỏi con gái bên nước bạn liệu có ổn không?

Và rồi, tình hình thực sự căng thẳng khi các trường học ở các nước đồng loạt đóng cửa, trong đó có Canada, nơi con gái ông đang theo học. Những ông bố bà mẹ khác có con du học ở trời Tây mà ông biết đều nóng lòng gọi điện để con họ thu xếp tìm cách bay về. Những người họ hàng của ông cũng đã gợi ý cho ông nên làm theo như thế.

Thế rồi ở nửa bên kia bán cầu, con gái đang đối mặt với hiểm nguy, thì ở đây, ông cũng đang chống chọi với sự nguy hiểm khi BV Bạch Mai trở thành ổ dịch mới. Nhưng giữa những đắn đo, ông đã quyết định liên lạc và khuyên Thu Hà nên ở lại. Đó là lựa chọn khi chứng kiến những thực cảnh trước mắt, dòng người ùa về thật đông, cảnh chầu trực tại sân bay, thiếu chỗ cách ly khi về đến.

Bác sĩ Hùng chia sẻ trên báo điện tử Tổ quốc: "Sau một thời gian suy nghĩ, bố mẹ quyết định gọi điện thoại cho con và khuyên con nên ở lại. Và theo bố, về Việt Nam là gây áp lực cho công tác phòng chống dịch, vì sao ư? Cách chống dịch hiệu quả nhất bây giờ là, mọi người hãy ở yên tại chỗ. Và việc con về nước trong lúc này, có thể sẽ bị lây nhiễm ngay trên đường về, và thậm chí con cũng có thể mang theo mầm bệnh về cho quê hương, ngoài ra con còn có thể phải đi cách ly một thời gian, sẽ thêm phần áp lực cho đất nước, vốn đã và đang gồng mình gánh chịu."

Ông cho biết nếu về trong tình cảnh này, con gái sẽ phải tới 3 sân bay gồm sân bay tại Canada, sân bay quá cảnh và Nội Bài. Hơn lúc nào hết, sân bay đang trở thành một điểm nóng và nguy cơ lây nhiễm cũng trở nên cao hơn. Chưa kể con cũng sẽ bị lây nhiễm trên các chuyến bay mà mình sẽ lên bởi các hành khách khác.

Với tâm huyết của người làm nghề y, vị bác sĩ dặn dò những ai cùng chung lựa chọn ở lại nước sở tại như con gái: "Hãy làm tốt những lời khuyên của cơ quan y tế và chính quyền sở tại nhằm góp phần chống dịch. Dùng thời gian rỗi làm thêm một số việc có ích: học ngoại ngữ, tập vẽ, làm thơ....luyện tập thể dục, ăn ngủ điều độ, giữ gìn sức khỏe. Yên tâm chờ đợi dịch qua lại tiếp tục học tập."

Lá thư đẫm nước mắt của người mẹ quyết không cho con đang du học về Việt Nam dù đã mua vé máy bay

Chị L.H, hiện đang là phụ huynh của một du học sinh lớp 11, Vancouver, Canada. Chị đã có một quyết định khó khăn trước những diễn biến khó lường của dịch. Đó là việc có nên để con về hay không? Và sau những đắn đo của cả mẹ và con, chị đã để con ở lại dù đã mua vé máy bay, chuẩn bị để con về nước.

Đứng trước lựa chọn này, bên kia bán cầu, con gái của chị có đôi chút buồn vì không được đi học và phải hạn chế khoảng cách xã hội tối đa. Chị chia sẻ, hiện tại con đang được ở với chủ nhà người Canada tốt bụng và 6 du học sinh khác, Mọi thứ đang bình thường, khiến chị an tâm và đỡ lo hơn khi chứng kiến dòng người, trong đó đa phần là du học sinh trở về Việt Nam ồ ạt.

Tuy nhiên chị vẫn có những nỗi niềm riêng trước lựa chọn để con ở lại, chị tâm sự: "Mình lo rằng cơn đại dịch bao lâu nữa sẽ qua để bình yên sẽ trở lại vùng đất lá phong và con có vững vàng tâm lý để bình an vượt qua những ngày khó khăn này?"

Để con gái hiểu hơn về những quyết định ở thời điểm này dành cho mình, chị L.H đã có những dòng tâm sự dành cho con, nguyên văn như sau:

Một quyết định khó khăn

Sáng dậy nhận được nhắn tin của con: Mẹ ơi, 600 ca rồi. Hỗn loạn. Tỉnh bang BC của con trường học đóng cửa vô thời hạn tất cả sẽ học trực tuyến. Mẹ có cho con về nhà không?

Mẹ choàng dậy! Nước mắt mẹ nhoè đi! Mẹ không nghĩ được gì hơn nữa. Mẹ đặt vé cho con về.

Thế rồi vé cũng xuất, tiền cũng trả xong nhưng rồi mẹ bình tĩnh lại và nghĩ. Giờ mà về một chặng dài mấy chục tiếng, lây nhiễm trên máy bay là khả năng cao. Khi lây nhiễm không chỉ khổ con mà khổ cả tổ bay, khổ cả chính quyền và thế là mình lại chồng chất thêm một gánh nặng cho quê hương vốn đã nghèo nay lại chìm trong dịch bệnh khổ cực lắm con ơi!

Con có biết Vũ Hán và Miền Bắc nước Ý trước giờ phong toả đã tạo ra một làn sóng di chuyển và chính điều đó đã gây ra sự lây nhiễm khủng khiếp trong cộng đồng. Cuối cùng Vũ Hán và Ý đã trở thành tâm dịch bởi coronavirus hay cũng bởi chính virus hoảng loạn trong mỗi chúng ta con à!

Thôi con cứ ở lại bên đó. Nhà chủ họ vẫn cưu mang mình, đất nước họ y tế tốt, bảo hiểm tốt, họ văn minh và tử tế tại sao mình phải chạy để tạo nên một sự hỗn loạn trong thế giới.

Con hãy ở lại nhé và làm theo hướng dẫn y tế của chính quyền sở tại, của bác chủ nhà, hạn chế không ra ngoài, rửa tay sạch, học bài, nghe nhạc, ăn uống đầy đủ và ngủ đủ giấc. Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi! Vùng đất lá phong vẫn sẽ đẹp và bình yên con nhé! Cả nhà yêu con.

Nữ chủ tịch công ty BĐS khuyên con đang du học ở Mỹ về nhà tránh dịch COVID-19 và câu trả lời bất ngờ của người con

Chị Phạm Thị Lam, Chủ tịch HĐQT một công ty bất động sản tại Hà Nội có cô con gái đầu đang du học tại Mỹ ngành truyền thông năm thứ 3. Cũng như hầu hết các bà mẹ Việt, chị Lam có tư tưởng "mẹ là nhà, không nơi đâu an toàn bằng nhà mình", thế nên ngay khi Mỹ bắt đầu ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, chị đã lập tức nói chuyện với con gái và muốn con về nhà ngay.

"Có người mẹ nào mà không xót con, nhất là lại con gái một thân một mình nơi xứ người giữa mùa đại dịch bùng phát, dân bản xứ nhiều người họ còn hoang mang, trong khi ở Việt Nam công tác phòng chống dịch quyết liệt và được Chính phủ dốc sức dốc tiền đầu tư như vậy, thì tại sao mình lại không về tránh dịch cho an toàn?", chị Lam chia sẻ.

Tuy nhiên, đáp lại lời khuyên và sự lo lắng của mẹ, Nguyễn Minh Phương - con gái của chị Lam, đã có câu trả lời khiến người mẹ vô cùng bất ngờ.

"Khi đã là đại dịch toàn cầu thì chỗ nào cũng nguy hiểm. Mẹ có đảm bảo con sẽ an toàn suốt hành trình 28-32 giờ với 1-2-3 chặng transit nơi mà những máy bay, sân bay có nguy cơ truyền bệnh cao nhất không? Mẹ kêu gọi mọi người "ngồi yên là yêu nước" sao mẹ lại muốn con đi chuyển?", chị Lam thuật lại lời con gái.

Theo cô gái này, khi về Việt Nam sẽ bị cách li ít nhất 14 ngày và khi quay lại Mỹ có thể cũng bị cách li tiếp. Trong khi cô đang bị chậm môn do chuyển trường, nếu về nước tránh dịch thì có thể chậm tốt nghiệp một năm, chưa kể còn mất cơ hội đi thực tập.

"Khi đó kinh tế gia đình sẽ thiệt hại không nhỏ. Mất đi thời gian và cơ hội cũng là thiệt hại lớn lao", cô con gái của chị Lam phân tích.

Một lí do nữa để không nên trở về nước vào thời điểm này, theo Nguyễn Minh Phương, đó là không nên gây bận, gây áp lực thêm cho Chính phủ bằng việc tham gia vào dòng người ồ ạt trở về. "Trong tình hình này, ngồi yên chính là yêu nước", cô gái nhấn mạnh.

K.N (th) - (theo báo Gia đình và Xã hội)

Tags:
Covid-19: Thuốc dạng xịt mới diệt SARS-CoV-2 trong 30 giây

Covid-19: Thuốc dạng xịt mới diệt SARS-CoV-2 trong 30 giây

Các nhà khoa học Anh đã phát triển một loại thuốc xịt mũi có thể giúp bảo vệ cả người chưa tiêm và đã tiêm chủng khỏi virus SARS-CoV-2.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất