Tâm sự của người bệnh COVID-19: Ai cũng nghĩ đó chỉ là trò lừa bịp, cho tới khi bị ốm nặng
Ruben Mata, một huấn luyện viên thể hình ở Stanton, California, đồng thời là một nhà diễn giả đã đi khắp thế giới, đã cương quyết trong những ngày đầu của đại dịch rằng COVID-19 không có thật.
11:00 11/08/2020
Hầu hết những gì ông ấy đã nghe về virus này là từ những người bạn của mình tại phòng tập của ông, ngay cả khi đại dịch đã đang hoành hành khắp nước Mỹ.
Nhưng chỉ vài tuần sau khi chính quyền Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vào ngày 13 tháng 3, Mata, 53 tuổi, đã được xét nghiệm dương tính COVID-19.
Sau đó, ông đã trải qua năm ngày trong tình trạng hôn mê.
Có thời điểm ông chỉ có ít hơn 40% cơ hội sống sót.
Và giờ đây ông muốn những người khác học hỏi từ những sai lầm của chính ông.
“Trước khi bị nhiễm bệnh, tôi đã nghĩ, 'Đây chỉ là trò lừa bịp, tất cả đều là bịa đặt' ", Mata nói với NBC News.
“Suy nghĩ đó chính là thứ ngăn cho tôi tìm kiếm một sự trợ giúp sớm hơn.”
Mata tin rằng thói quen tập thể dục sáu ngày một tuần và chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp ông thoát khỏi con virus này.
Ông ấy không phải là người duy nhất nghĩ như vậy.
8 tháng sau khi đại dịch toàn cầu này bắt đầu và đã lây nhiễm cho hơn 19 triệu người trên toàn thế giới, vẫn còn nhiều người hoài nghi sâu sắc về những nguy hiểm mà virus gây ra.
Những người khác chỉ đơn giản là còn không tin COVID-19 đang tồn tại.
Một cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 6, tỷ lệ người Mỹ cho rằng đại dịch COVID-19 đang bị phóng đại đã tăng từ 3 trên 10 người lên gần 4 trên 10 người.
Một cuộc thăm dò trước đó được tiến hành bởi Survey 160 và Gradient Metrics chỉ ra rằng những người theo dõi kênh Fox News thường có xu hướng tin rằng mối đe dọa của virus đã bị thổi phồng quá mức.
Tất cả những điều này cho thấy rằng ở Mỹ, trận chiến truyền thông cũng đang diễn ra đồng thời với cuộc chiến chống lại COVID-19.
Mặc dù tin tức về những ca tử vong, những đợt phong tỏa và cách ly luôn tràn ngập, Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục vẽ ra một triển vọng tươi sáng về cách xử lý của đất nước với dịch bệnh và xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của nó.
Thông tin sai lệch
Tuần này, Facebook và Twitter đã phải xóa các video nằm trong chiến dịch tranh cử của Trump được đăng lên các tài khoản mạng xã hội do những đoạn video này chứa thông tin sai lệch về COVID-19.
Đoạn video đó được trích từ một đoạn clip của Fox News, trong đó tổng thống đã tuyên bố một cách sai lầm rằng trẻ em "gần như miễn nhiễm" với virus.
COVID-19, giống như cuộc tranh luận về vắc-xin, thật không may đã trở thành một chủ đề chính trị.
Một phân tích được thực hiện từ tháng 10 năm 2019 đến tháng 6 bởi Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy 55% người trưởng thành ở Mỹ “thường xuyên” hoặc “thỉnh thoảng” nhận tin tức của họ từ mạng xã hội.
Sự phụ thuộc vào mạng xã hội đã là mối quan tâm trong nhiều năm nay.
Với COVID-19, các chuyên gia y tế công cộng đang cố gắng truyền đạt với người Mỹ rằng mạng xã hội không thể là nguồn thông tin duy nhất của một người.
Lindsey Leininger, nhà nghiên cứu và giáo dục sức khỏe cộng đồng tại Trường Kinh doanh Dartmouth’s Tuck ở New Hampshire, cho biết: “Bạn phải nhìn xa hơn phạm vi cuộc sống xung quanh mình để có được thông tin xác thực tốt hơn."
“Bộ não của chúng ta rất kém trong việc đưa ra quyết định khi không chắc chắn."
“Vì vậy, cách tốt nhất chúng ta có thể tự bảo vệ mình là trước khi tin tưởng vào mạng xã hội, hãy tự xác minh bằng các nguồn tin tức khác”.
Vào tháng 6, một thời gian dài sau khi virus đã lây lan trên hầu hết nước Mỹ, Tony Green, 43 tuổi, đã tổ chức một buổi họp mặt gia đình nhỏ tại nhà của anh ấy ở Dallas.
Anh đã cảm thấy không hài lòng trước việc phải thực hiện hướng dẫn của chính phủ liên bang và các tiểu bang về giãn cách xã hội.
“Đó là gia đình của chúng tôi. Chúng ta đã không thể gặp nhau trong vài tháng và giờ đây tôi thậm chí còn không thể ôm người thân của tôi, ôm người mẹ của tôi khi tôi được gặp lại bà? Làm ơn đi. Chắc chắn là tôi sẽ ôm bà ấy", Green nói.
Green sau đó đã nhanh chóng hối hận về việc tổ chức buổi họp mặt gia đình này.
Chỉ vài ngày sau, 14 thành viên trong gia đình anh đã bị nhiễm COVID-19.
Bà của vợ anh ấy đã tử vong.
Bản thân Green cũng phải nhập viện, hệ thống thần kinh trung ương của anh bị tấn công bởi virus, chiếc giường của anh trong phòng chăm sóc đặc biệt chỉ cách bố vợ anh ấy, Rafael Ceja, một tầng.
“Tôi thực sự muốn đổ lỗi cho chính phủ liên bang và Tổng thống Trump, người mà tôi đã bỏ phiếu cho hồi năm 2016", Green nói.
"Ông ấy đã không thể hiện được năng lực lãnh đạo trong thời điểm này, ông ấy cũng không thực hiện giãn cách xã hội hay đeo khẩu trang, ông ấy còn hạ thấp mức độ nghiêm trọng của nó."
Green nói rằng trước khi tổ chức buổi họp mặt gia đình, anh ta đã nhận được hầu hết thông tin về virus trên mạng, thông qua một mạng lưới bạn bè từ khắp nơi trên đất nước.
"Từ mạng lưới bạn bè của tôi, tôi đã nghĩ toàn bộ chuyện dịch bệnh này là không có lý."
"Tôi đã đâm đầu xuống hố mà không biết, thật đáng xấu hổ."
Quay lại với Mata, HLV thể hình ở California, ông đang cố gắng chia sẻ kinh nghiệm của mình: từ việc nghi ngờ về COVID-19 cho tới khi bị thực tế đánh thức tỉnh, để thuyết phục những người đã và đang coi thường virus giống như ông trước đây.
Ông ấy đã lên tiếng trên các diễn đàn mạng xã hội và phản hồi về câu chuyện của ông rất tích cực. Mọi người trên khắp thế giới đã tìm đến ông để cảm ơn vì ông đã tiến lên phía trước.
“Ai cũng nghĩ rằng nó không có thật, cho đến khi nó xảy ra với chính họ và người thân của họ”, Mata kết luận.
Trường ở Mỹ cấm học sinh mặc quần ngủ, đi dép lê khi học online
Quy định về học online còn bao gồm cấm học sinh nằm trên giường và mặc quần áo rộng thùng thình, có các chữ viết, ký hiệu mang tính xúc phạm.