Tâm sự một giáo viên người Mỹ: Thành thật tôi không muốn về nhà, tôi cảm thấy an toàn khi ở Việt Nam!
Brendan Ryan từng dạy tiếng Anh tại TP.HCM khi Covid-19 tấn công Việt Nam vào tháng 1/2020. Sau khi trở về Mỹ, Ryan đã chia sẻ trải nghiệm của mình về tình hình dịch bệnh trên trang SunHerald.
10:00 20/04/2020
Covid-19 trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của tôi kể từ cuối tháng 1. Tôi đến từ Diamondhead, Mississippi nhưng từ 1 tháng trước tôi sống và dạy tiếng Anh ở TP.HCM, Việt Nam.
Vào tháng 1, tôi đến thăm một người bạn ở Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian đó là Tết Nguyên Đán của Việt Nam.
Các trường học thông báo tiếp tục đóng cửa sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Tôi đeo khẩu trang mua ở hiệu thuốc địa phương trong chuyến đi kéo dài 6 tiếng khi trở về TP.HCM. Tôi thấy các trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 ở Việt Nam sớm hơn nhiều so với Hoa Kỳ, và tôi muốn chia sẻ về trải nghiệm của mình để thấy rằng tôi vẫn còn rất quan ngại về tình hình Covid-19 tại Hoa Kỳ.
Ở TP.HCM, ban đầu chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng rồi các sự kiện lớn đã bị hủy bỏ, và mọi người được yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội. Tôi đã nhắn tin với bạn bè ở Trung Quốc để chắc chắn rằng họ vẫn ổn. Sau đó, Chính phủ Việt Nam đã đóng cửa các quán bar, và yêu cầu mọi người đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Tại các trung tâm thương mại, bảo vệ được trang bị nhiệt kế để kiểm tra thân nhiệt của mọi khách hàng.
Mặc dù có chung đường biên giới và quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc nhưng Việt Nam có số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 cực kỳ thấp. Tại thời điểm viết bài, Việt Nam có 268 trường hợp được xác nhận mắc Covid-19 và chưa có trường hợp tử vong nào. Đây là một quốc gia có diện tích bằng California nhưng với dân số lớn gấp hai lần. Điều này thật đáng kinh ngạc và sẽ rất hữu hiệu nếu có thể học hỏi kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam.
Kể từ cuối tháng 3, bất kỳ ai nhập cảnh vào Việt Nam đều được gửi tới các khu cách ly trong vòng hai tuần. Họ được xét nghiệm và khi ai đó trên chuyến bay có kết quả dương tính thì mọi người trên cùng chuyến bay đó đều được thông báo.
Những biện pháp này nghe có vẻ hà khắc, nhưng chúng ta đang sống trong thời kỳ đại dịch - không giống ngày thường, vì vậy có lẽ đây là những biện pháp hiệu quả nhất mà chúng ta có thể làm.
Tôi đã có ý định ở lại Việt Nam để chờ qua thời kỳ này. Một tuần trước khi tôi rời đi, tôi dự trữ đồ ăn thức uống trong căn hộ của mình để không phải đi ra ngoài. Cảm giác giống như đang chuẩn bị cho một cơn bão, và đó là cách mà tôi hình dung về đại dịch này. Đây là một cơn bão tồi tệ chưa biết ngày kết thúc. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng cơn bão này chưa đổ bộ đến Mississippi và điều đó làm tôi cảm thấy lo sợ.
Thành thật mà nói, tôi không muốn trở về. Tôi cảm thấy an toàn khi ở Việt Nam, giống như tôi đang sống ở một đất nước có chính phủ và các công dân rất nghiêm túc đối với vấn đề này. Tôi lo lắng về việc di chuyển với những người có khả năng bị bệnh. Tôi trở về nhà vì nhớ bố mẹ mình, họ lo lắng cho tôi vì sợ tôi đang đơn độc ở một đất nước xa lạ trong khoảng thời gian này.
Trong sân bay ở Việt Nam, chúng tôi được yêu cầu đeo khẩu trang và mọi người đã chủ động giãn cách xã hội. Trên chuyến bay của tôi từ Sài Gòn đến Nhật Bản không ai tháo khẩu trang trừ lúc họ ăn và việc đó cũng diễn ra rất nhanh chóng.
Tôi quá cảnh ở Houston và khi tôi đi qua hải quan thì không có ai hỏi tôi có đi từ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi Covid-19 không, và không một người nào nói với tôi rằng tôi phải tự cách ly tại nhà trong hai tuần tiếp theo. Chúng tôi là hành khách từ một chuyến bay kéo dài 13 giờ trong một khoảng không gian hạn chế và bao quanh bởi những người có thể mang virus.
Khi đi qua cổng an ninh, các đặc vụ (Tổ chức Quản lý An ninh Vận chuyển Hoa Kỳ) đeo găng tay nhưng họ không thay găng khi họ kiểm tra xong mỗi túi hành lý. Một hành khách yêu cầu các đặc vụ thay găng tay mới khi kiểm tra túi của anh ta và họ tỏ ra rất khó chịu. Cuối cùng các đặc vụ đã thay găng tay nhưng chỉ sau khi anh ta yêu cầu rất nhiều lần.
Trên chuyến bay gần như không người từ Houston đến Gulfport, tôi là người duy nhất đeo khẩu trang. Tiếp viên hàng không duy nhất trên máy bay đó nói rằng chúng tôi có thể ngồi cách đều nhau nếu muốn nhưng không có ai làm thế.
Khi trở về nhà, tôi đã tự cách ly trong hai tuần, tránh tất cả những nơi công cộng và cố hết sức không tiếp xúc trực tiếp với bất kỳ ai.
Bây giờ khi tôi có thể đi đến các cửa hàng, tôi thấy mọi người ngang nhiên bỏ qua các biện pháp giãn cách xã hội. Tôi thấy các bãi đậu xe của Lowe’s và Home Depot vẫn chật cứng xe.
Đây không phải là một kỳ nghỉ. Đây không phải là khoảng thời gian để thực hiện ước mơ cải tạo, sửa chữa lại nhà. Những hành động này là ích kỷ và mang đến rủi ro cho các nhân viên và khách hàng khác.
Tôi không biết đáp án cho Mississippi là gì. Tôi không nghĩ rằng các phương án của Việt Nam cũng phải phải được thi hành ở đây.
Tôi biết rằng nếu chính phủ buộc người dân phải cách ly tại nhà, mọi người sẽ gây náo loạn.
Một khẩu hiệu được phát đi bởi các phương tiện truyền thông tới mọi nẻo đường tại Việt Nam là "ở nhà là yêu nước". Điều đó có nghĩa là bạn ở nhà cũng để thể hiện tình yêu quê hương đất nước.
Nếu bạn yêu Mississippi và muốn bảo vệ nơi này, hãy ở nhà.
Trong thời gian này, đây là cách tốt nhất để thể hiện tinh thần yêu nước của bạn.
Link nguồn: https://kenh14.vn/tam-su-mot-giao-vien-nguoi-my-thanh-that-toi-khong-muon-ve-nha-toi-cam-thay-an-toan-khi-o-viet-nam-20200418200406149.chn
Bài Toán nào cho WHO ?
Việc Tổng Thống Trump tạm ngừng tài trợ cho WHO cuối cùng có thể đánh động cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc này.