Tận mắt chứng kiến cách phục vụ ở nước ngoài mới thấy trân trọng các dịch vụ ở Việt Nam
Tận mắt chứng kiến cách phục vụ ở nước ngoài mới thấy trân trọng sự chu đáo, tận tình của các dịch vụ ở Việt Nam.
09:54 24/06/2023
Với đặc thù công việc, mỗi năm tôi đi nước ngoài vài bận. Với kinh phí eo hẹp, tôi luôn phải mày mò tìm ra cách chi tiêu tiết kiệm nhất, nhưng phải đạt hiệu quả cao nhất cho mỗi chuyến công tác. Nói theo cách của dân du lịch bụi thì mọi dịch vụ phải “ngon, bổ, rẻ”.
Trong mỗi chuyến đi, tôi thường so sánh cách phục vụ ở nước sở tại với cách người Việt mình phục vụ khách hàng ở trong và ngoài nước. Phải khẳng định rằng, có rất nhiều điều người Việt cần học hỏi từ dịch vụ ở nước ngoài để hội nhập sâu rộng hơn nữa. Nhưng tôi cũng dám chắc rằng nếu phải sử dụng các dịch vụ ở nước ngoài, đặc biệt là ở Âu châu hoặc Mỹ, nhiều người đang luôn miệng chỉ trích, chê bai, thậm chí chửi bới dịch vụ của người Việt sẽ phải suy nghĩ lại, thay đổi thái độ.
Ai từng đi Nga, đến sân bay Sheremetyevo sẽ chứng kiến cảnh người Việt bị dồn vào một đường nhập cảnh riêng. Đoàn người đông nghẹt rồng rắn xếp hàng đợi đến lượt mình. Mỗi người phải mất hàng chục phút để làm việc với nhân viên an ninh. Để qua được cửa nhập cảnh, người xếp hàng cuối cùng có khi phải mất từ 2 đến 4 tiếng đồng hồ. Tôi đã chứng kiến nhân viên hải quan quẳng cái túi xách của ai đó sau khi lớn tiếng hỏi cộc lốc: “Túi của ai đây?”.
Đến Mỹ, một trong những điều khiến người mới tới sốc nhất khi đi ăn uống là tip (tiền bo). Theo lẽ thường, khi bạn đến nhà hàng gọi món thì phải có người mang ra cho bạn. Người đó đã được nhà hàng trả lương. Tuy nhiên, khi thanh toán, khách hàng buộc phải tip cho nhân viên phục vụ 20% giá trị hoá đơn trở lên. Vài năm trước đây, khi thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến, nếu bạn quên tip, nhân viên phục vụ sẽ nói thẳng: “Ông (bà) mới trả tiền trên hoá đơn, còn tiền tip của tôi chưa có”.
Luật bất thành văn là bạn phải móc ví trả thêm ít nhất 20% giá trị hoá đơn. Sẽ không có chuyện bạn thanh thản bước ra khỏi nhà hàng nếu không tip.
Còn bây giờ, khi việc thanh toán bằng thẻ đã trở nên phổ biến, trong khoản thanh toán trên máy đọc thẻ sẽ kèm mục tip với 3 mức 20% - 25% - 30%. Dù rất xót tiền, bạn buộc phải bấm vào một trong 3 mức này và hoá đơn in ra sẽ có thêm khoản tiền tip lớn đến vô lý.
Ngay nhiều người Việt sống ở Mỹ lâu năm cũng rất bức xúc với điều này, nhưng họ chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Việc đặt vé máy bay giá rẻ nội địa trên mạng cũng có thể khiến bạn gặp nhiều rắc rối và phiền toái. Thậm chí bạn sẽ có cảm giác giống như bị lừa bởi nếu cộng mọi chi phí và có những chi phí vô lý, số tiền bạn phải trả cho chuyến bay giá rẻ đó cao hơn rất nhiều so với chuyến bay thông thường của các hãng bay uy tín.
Tôi đặt chuyến bay giá rẻ từ Atlanta đi San Francisco với giá 375 USD. Khi vào quầy làm thủ tục check-in, cô nhân viên hỏi tôi có mấy kiện hành lý, tôi nói chỉ có 1 kiện ký gửi (checked baggage), còn 1 hành lý xách tay (carry-on) tiêu chuẩn mang theo người lên máy bay. Tuy nhiên, cô ta bắt tôi phải trả tiền cả 2 kiện hành lý, còn thứ duy nhất tôi được mang theo không phải trả tiền là chiếc balo trống rỗng. Cuối cùng, tôi phải trả 175 USD cho 2 kiện hành lý. Tổng cộng tôi phải trả 550 USD cho chuyến bay một chiều, đắt hơn rất nhiều so với vé của các hãng uy tín.
Điều làm tôi hết sức khó chịu là cô nhân viên trả lời với thái độ hết sức lạnh nhạt, bất cần. Nếu để cô ta làm thủ tục check-in, bạn sẽ phải trả thêm 30 USD nữa thay vì bạn tự làm các bước check-in trực tuyến. Do giản tiện đến mức tối đa, được bọc lớp nệm mỏng dính, ghế ngồi trên máy bay cứng như sắt.
Đa số người Việt từng đi nước ngoài đều gặp phải sự phục vụ lạnh nhạt kiểu này. Càng thấm thía bài học, dù đặt bất cứ dịch vụ gì thì phải kiểm ra rất kỹ tất cả những điều kiện đi kèm, dù là nhỏ nhất. Bạn cũng cần kiểm tra đánh giá xếp hạng công ty mà bạn sử dụng dịch vụ ở những website uy tín.
Khi đến khách sạn ở San Francisco, tôi mới nhớ ra đã bỏ quên chiếc túi đựng toàn bộ thẻ các loại và hộ chiếu ở đâu đó. Tôi nói với nhân viên lễ tân khách sạn về sự việc và anh ta tỏ ra chia sẻ với tôi. Tuy nhiên, khi check-in (vào ở), anh ta nói phải có ID (giấy tờ căn cước, hộ chiếu) mới làm thủ tục cho tôi được. Tôi nói với anh ta rằng bây giờ đã là nửa đêm, tôi gọi khắp các nơi liên quan nhưng không có ai nghe máy để tôi hỏi về chiếc túi, tôi biết tá túc ở đâu giữa đêm khuya giá lạnh này.
Tôi mở điện thoại chỉ cho anh ta giấy đặt phòng kèm đặt cọc của công ty du lịch cho phòng nghỉ của tôi. Ngay sau đó công ty du lịch cũng gọi đến xác nhận và tác động, nhưng anh ta vẫn nói câu duy nhất và bằng chất giọng lạnh lùng không suy suyển: “I need your ID” (Tôi cần ID của anh). May sao hơn 1 giờ sau, người chở tôi về khách sạn phát hiện ra chiếc túi tôi để quên đã quay lại. Nhân viên lễ tân kia chợt quay ngoắt thái độ, giả lả hỏi tôi đủ thứ chuyện. Gần 3 giờ sáng, tôi mới được lên phòng nghỉ, mang theo sự mệt mỏi, bực bội và khó chịu.
Những người đã tá túc ở Âu - Mỹ đều có chung nhận định rằng đa số khách sạn, kể cả khách sạn sang trọng 5 sao, còn lâu mới so sánh được với các khách sạn 5 sao ở Việt Nam. Từ những chiếc thang máy cũ kỹ, lên xuống cứ lắc lư uỳnh uỵch; phòng khách sạn thì nhỏ, không có trang thiết bị nhỏ cho những nhu cầu tối thiểu như pha trà. Nhiều người sẽ sốc bởi khách sạn Âu - Mỹ không có bàn chải đánh răng, máy sấy tóc, dao cạo… vốn được trang bị đến tận răng ở các khách sạn cao cấp tại Việt Nam.
Bây giờ, internet đã trở nên phổ biến đến mức, khắp hang cùng ngõ hẻm ở Việt Nam đều tìm thấy wifi miễn phí, nhưng ra nước ngoài, bạn vẫn rất khó tìm được internet miễn phí, dù bạn đang sử dụng dịch vụ của chính nơi đó. Cách đây chừng 6 năm, đi công tác châu Âu, tôi còn phải mua gói wifi tốc độ cao giá 30 EUR cho 1 tuần sử dụng tại chính khách sạn mình ở. Nếu không bỏ tiền, bạn sẽ được dùng wifi miễn phí với tốc độ chậm đến sốt ruột, và chỉ có thể sử dụng ở những dịch vụ cơ bản.
Cảm giác ấm ức, bực bội, khó chịu, mệt nhọc nếm trải trong những ngày nước ngoài chợt tan biến trong chặng về ở sân bay nếu bạn đi hãng hàng không trong nước. Bạn sẽ thấy ấm lòng khi thấy logo quen thuộc của các hãng hàng không Việt Nam, những nụ cười tươi tắn, giọng nói thân thương của các chàng trai, cô gái đồng hương.
Hành lý của bạn bị quá cân? Không sao, những người đồng hương vẫn thông cảm và không tính thêm tiền nếu số cân vượt quá ở mức chấp nhận được. Sau nhiều ngày ăn đồ Tây, trên máy bay bạn muốn ăn đồ ăn Việt Nam? Ok, bạn sẽ được phục vụ món mỳ bò thơm phức. Bạn muốn thêm một ly rượu sau suất ăn chính để lăn ra ngủ hoặc xem bộ phim yêu thích? Có ngay. Các tiếp viên đồng hương đẹp trai, xinh gái sẵn sàng phục vụ bạn với thái độ niềm nở, lịch sự.
Trên đường trở về nhà, ngẫm lại những hành trình đã qua, bạn sẽ thấy quê hương đất nước mình vẫn là số 1 trên hành tinh này.
Bạn đã trải qua những tình huống như trong bài viết? Hãy chia sẻ với độc giả trong box bình luận bên dưới.
Sau ly hôn Lệ Quyên, chồng cũ đại gia U50 bận rộn chăm con, tặng bé biệt thự, siêu xe 30 tỷ
Là người chăm sóc con trai chính sau khi ly hôn, chồng cũ Lệ Quyên - đại gia Đức Huy là một ông bố rất có trách nhiệm.