Tân Sơn Nhất, ‘ngộp thở’ đón Việt kiều về quê ăn Tết

Vào những ngày giáp Tết Kỷ Hợi, không có gì quá đáng khi cho rằng, trong tất cả các điểm “tụ tập đông người” và kẹt xe ở Sài Gòn thì phi trường Tân Sơn Nhất luôn đứng ở hàng thứ nhất.

05:00 29/01/2019

Mọi ngả đường dù là đường cũ hay cầu vượt mới khánh thành trong năm 2018, các phương tiện di chuyển đều phải nhích từng mét. Hẳn nhiên vẫn chưa thể biết mọi hướng ra vô phi trường có rơi vào tình trạng giao thông chết đứng tồi tệ như năm 2017 hay không.

Để sum họp cùng với gia đình, nhiều bà con Việt kiều chọn chuyến bay đáp xuống Tân Sơn Nhất vào lúc sau 11 giờ đêm. Nhưng không vì vậy mà khu vực ga hàng không này giảm bớt tình trạng chật kín người đến đón người thân vào ban ngày.

Có mặt tại Tân Sơn Nhất vào những ngày trước khi “đưa ông Táo về trời” (23 Tháng Chạp), đã thấy hàng ngàn người dân ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận, nhất là bà con ở miền Tây đã tập trung về chờ đón người thân. Người ta có thể nhìn thấy đủ loại xe nhà, xe thuê đi đón thân nhân đậu chật các bãi xe.

Ngoài số Việt kiều từ các nước như Mỹ, Úc, Châu Âu,… một nguyên nhân mới khiến Tân Sơn Nhất tràn ngập người vào dịp Tết là do số người Việt đi làm công ở các nước Đông Á, Đông Nam Á, Trung Đông… ngày một tăng với cấp số nhân.

Từ những năm đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước, khi có bà con Việt kiều bắt đầu về quê ăn Tết, việc đưa đón người thân vượt biên hay đi các chương trình định cư khác từ nước ngoài về ăn Tết đã là một thói quen, tạo thành nề nếp văn hóa mới của người Việt còn sống trong nước.

Lối ra trước của nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất. (Hình: Văn Lang/)

Câu chuyện lâu nay lưu truyền trước đây là “Một Việt kiều về thăm quê, có cả một làng đi đón!”

Những cảm xúc đoàn tụ sau bao nhiêu nghịch cảnh lịch sử ở phi trường Tân Sơn Nhất là dấu ấn khó phai nhòa. Nhưng sau hàng chục năm dưới chế độ cộng sản, người Việt lại tiếp tục tìm mọi cách hoặc tận dụng mọi con đường mà họ có thể để rời bỏ quê hương ra đi.

Trò chuyện với một ông lão đến từ Đồng Tháp, đang mệt mỏi ngồi tạm trên xe đẩy hành lý, ông nói. “Con gái tui đi làm hai năm nay mới về ăn Tết, không đi đón thì sợ nó tủi thân, biết người đông như kiến cỏ như vầy tui ở nhà cho khỏe.”

Một gia đình khác là anh Chín L., cư dân chánh gốc của Sài Gòn, đi đón người em gái, từ Mỹ về. Anh cũng giới thiệu cụ ông lớn tuổi ngồi gần: “Đây là ba tui, ổng cưng cô Út lắm, nên đòi ra phi trường đón Út cho bằng được.”

Hỏi thăm, mới biết ba của anh Chín năm nay đã được… 92 cái xuân xanh. Cụ ông cười rất thoải mái: “Cũng sống nhờ ơn trên!”

Hồi lâu, cô Út, người về từ nước Mỹ ra tới. Mọi người chào nhau vui vẻ, rồi anh Chín, cụ ông, cùng với mấy người cháu lục tục kéo nhau ra xe.

Vào buổi chiều phi trường càng lúc càng đông người đi đón thân nhân. Hầu hết các chuyến bay về Tân Sơn Nhất là từ Hoa Kỳ hay Châu Âu “transit” qua các cảng hàng không Châu Á, trừ chuyến bay thẳng từ Melbourne, Úc. Do vậy, khó mà đoán được thân nhân đi đón Việt kiều từ nước nào về.

Giây phút đón được người thân. (Hình: Văn Lang/)

Một ông khá lớn tuổi ở Bà Rịa cho biết, đi đón đứa cháu từ Úc về. Ông giới thiệu: “Đây là con, đây là cháu, con rể, cháu rể,… tài xế.”

Trong khi trò chuyện, thấy bảng điện tử nhấy nháy báo cho biết chuyến bay từ Melbourne đã đáp. Chúng tôi tỏ ý nhắc, vì sợ họ bỏ lỡ dịp ùa ra đón thân nhân. Ông già cười ngất: “Ối, lo gì! Bà con tụi tôi, rải quân từ đây ra tới ngoài cổng. Nó ra một cái là có cả ‘sư đoàn’ tiếp lo cái gì.”

Chúng tôi hỏi, đoàn đi đón hết thảy là bao nhiêu người? Ông đầu bạc, cười cho biết: “Sơ sơ, có chừng ba mươi mấy người.”

Thấy chúng tôi tỏ ra ngạc nhiên. Ông kề tai nói nhỏ: “Năm nay không dám thông báo bà con bên nội, bên ngoại. Gia đình tự dàn xếp, chứ bà con biết mà kéo đi hết thì chừng hai chiếc xe đò loại 50 chỗ cũng không chứa hết.”

Hèn chi, phi trường cuối năm là “đông không thở nổi!”

Một cô, đi đón mẹ từ bên Mỹ về và đi có một mình vì “các anh, chị đều mắc bận đi làm.” Cô gái cười, cho biết năm nay 29 tuổi, vẫn còn độc thân và không có ý định di cư sang Mỹ. “Em đã có sự nghiệp ổn định ở Sài Gòn, thích thì đi du lịch thăm mẹ, hoặc mẹ về với em.” Chúng tôi thắc mắc là “sự nghiệp”của cô ở trong ngành gì? Cô cho hay là kinh doanh bất động sản.

Sát phía hàng rào, nơi gần cái cổng mà những người về từ “viễn xứ” sẽ phải bước qua. Thấy một người đàn ông đứng có một mình, lẻ loi. Anh cho biết “đi đón bà già về từ Anh quốc.” Và, “Tui thấy bình thường, vì năm nào má tôi cũng về. Bả nói ở bển buồn, không thấy cái gì là Tết!”

Một anh khác, có gương mặt chất phác, thật thà, cho biết anh quê Trà Vinh, đi rước em gái từ Mỹ về. Hỏi về số người đi rước, anh chỉ về phía một băng ghế: “Ba, má cùng bà xã, anh chị em, con, cháu… Thuê nguyên một chiếc xe!”

Anh này kể: “Xe chạy từ dưới đó lên phi trường mất 5 tiếng. Giá thuê xe có luôn tài xế, vừa đi vừa về là 3 triệu đồng. Gặp thân nhân là ‘bỏ’ luôn lên xe, chạy thẳng về dưới, đỡ tốn tiền khách sạn, cũng như các chi phí ‘hầm bà lằng’ khác.”

Thân nhân mệt mỏi đứng, ngồi chờ người thân hàng giờ đồng hồ. (Hình: Văn Lang/)

Nhưng có lẽ chuyện mệt nhọc đi đón thân nhân đều sẽ biến mất, và niềm vui đoàn tụ sẽ ập đến khi nhìn thấy hình bóng người thân xuất hiện cổng ra đông nghẹt người.

Nếu để ý người ta sẽ thấy có sự khác biệt cảm xúc. Ngày trước, việc đón người thân từng vượt biên thành công, đã định cư ở Mỹ, Úc hay ở các nước tự do khác về, nhiều gia đình, thân nhân ôm nhau khóc òa trong hạnh phúc đoàn tụ. Họ có nhiều biểu hiện cảm động khó có thể mô tả hết; so với cảnh bộc lộ niềm vui có phần thương cảm lo lắng khi đón người thân đi ra nước ngoài làm công, một dạng bán rẻ sức lao động mà chế độ đánh bóng bằng nhiều cụm từ như “thực tập sinh” hay xuất cảng lao động…

Các con số thống kê cho biết, phi trường Tân Sơn Nhất từ ngày 15 Tháng Chạp Mậu Tuất đến 15 Tháng Giêng Kỷ Hợi sẽ có khoảng 134,000 người đến và đi. Như vậy, nếu tính tối thiểu mỗi người khách đi và đến có một người đưa tiễn thì sẽ hình dung phần nào việc phi trường lớn nhất Viện Nam này đang ngộp thở.

Từ lúc hàng trăm triệu tiền đô la viện trợ ODA của Nhật Bản giúp xây mới nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất với hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện, đến nay, không ai có thể ngờ vào Tết Kỷ Hợi này, người ta lại thấy bà con đi đón thân nhân không quên cầm theo cái quạt giấy, tấm trải sàn, thực phẩm nhà quê…

Chúng tôi hỏi một người phụ nữ về cái quạt giấy bà đang cầm phe phẩy cho bớt nóng bức. Bà mỉm cười cho biết. “Đám con cháu chúng bảo phi trường có máy lạnh bà đem theo quạt làm gì, đấy anh thấy không, đông người nóng thế này không có quạt có mà chết ngộp à.”

Vượt qua tất cả những khó khăn của đời sống hay các giờ chờ đợi người thân với bao vất vả mệt mỏi, tập tục văn hóa đón, đưa người thân, bà con sinh sống làm ăn từ nước ngoài về nhà ăn Tết vẫn luôn là sự kiện đáng chú ý nhất hàng năm của người Sài Gòn và miền Nam.

Năm hết Tết đến. Dường như những chiếc phi cơ cũng đang hối hả chạy đua với thời gian, dồn dập đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Chở theo những niềm vui, ước vọng cho những người đang ngóng trông nơi quê nhà.

Tags:
Lấy chồng Việt kiều Mỹ, cô dâu bỏ mạng và tan tành ‘giấc mơ Mỹ’

Lấy chồng Việt kiều Mỹ, cô dâu bỏ mạng và tan tành ‘giấc mơ Mỹ’

Tưởng lấy được chồng ở Mỹ và có cuộc sống tốt hơn, nhưng không ngờ người phụ nữ Việt cùng đứa con gái 11 tuổi bị chồng b.ắn c.h.ết và người chồng ấy cũng t.ự s.át ngay sau đó.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất