'Tập đoàn lớn nhất Việt Nam' trong mắt anh chàng Tây hé lộ cơ hội kinh doanh cho bất kỳ ai
Vấn đề ăn uống đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân. Quán ăn, nhà hàng có mặt khắp mọi nơi.
07:00 26/07/2017
Thú ăn uống của người Việt
"Người Việt chúng ta rất coi trọng vấn đề ăn uống và dĩ nhiên nấu ăn ngon", tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty Thái Hà Books từng nhận xét trong một bài viết cách đây khá lâu.
Theo ông, ở Việt Nam khi yêu quý nhau, thân thiết với nhau, ta hay rủ nhau đi ăn. Mới quen thì cà phê. Thân thì mời nhau về nhà. Đối với các doanh nghiệp, nhiều khi hợp đồng được thống nhất trên bàn ăn, thậm chí đôi khi các doanh nhân đặt bút ký khi chuẩn bị hay trong bữa tiệc.
Chính vì ăn uống quan trọng nên trong dịp Tết, chúng ta hay biếu nhau rượu, bánh, trái cây. Trên bàn thờ gia tiên luôn có đồ ăn. Nhiều gia đình đến nay vẫn giữ thói quen nấu thức ăn nóng, mới mỗi ngày để cúng các cụ trong mấy ngày Tết.
Vì ăn uống rất quan trọng nên người Việt đầu tư nhiều vào ăn uống. Nhiều gia đình ngày nghỉ cuối tuần chỉ quanh quẩn trong bếp lo món ăn hay đi chơi cũng nghĩ xem ăn gì, ở đâu, với ai.
Vấn đề ăn uống đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân. Quán ăn, nhà hàng có mặt khắp mọi nơi. Món ăn Việt rất ngon. Mỗi vùng miền lại có những đặc sản, những món ăn đặc trưng. Đi đâu chúng ta cũng tìm cách nếm thử những món ăn địa phương, đặc biệt.
Tiến sĩ Hùng còn chia sẻ câu chuyện của một người bạn là doanh nhân người Anh tên Anthony. Anh này đã có một câu hỏi và cũng là kết luận khiến ông bất ngờ - COM PHO là tập đoàn lớn nhất Việt Nam. Phải đến khi người bạn anh viết ra giấy, ông mới hiểu ý Anthony nói gì.
"Đâu đâu cũng thấy biển hiệu với hai chữ "Cơm Phở" nên Anthony nghĩ rằng đây là một thương hiệu, một doanh nghiệp. Anh còn phân tích rất hùng hồn rằng doanh nghiệp "COM PHO" này có mặt khắp nơi. Rằng ở đâu cũng có văn phòng, chi nhánh của COM PHO. Rằng "hãng này" xuất hiện trên tất cả những nơi anh từng có mặt, bất kể thành thị hay nông thôn, bất kể thành phố lớn hay vùng quê hẻo lánh", tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng nhớ lại.
Thị trường lớn cho ngành ẩm thực
Không chỉ là chuyện đùa của người sáng lập Thái Hà Books, không ít doanh nhân đã và đang đặt kỳ vọng lớn vào món phở.
Đầu tiên phải nói đến thương hiệu Phở 24 của doanh nhân Lý Quí Trung. Cửa hàng đầu tiên của Phở 24 được mở năm 2003 và là thương hiệu đầu tiên đưa tô phở Việt Nam từ quán bình dân vào nhà hàng máy lạnh một cách bài bản. Tuy nhiên đến năm 2012, Phở 24 được chuyển giao cho công ty Việt Thái Quốc Tế (chủ thương hiệu cà phê Highland) và sau được bán nửa cổ phần cho Jollibee của Philippines.
Vài năm sau sự kiện chuyển giao ồn ào của Phở 24, một doanh nhân Việt Kiều có tên Huy Nhất lại đặt kỳ vọng lớn vào món ăn này. "Tôi muốn như Subway, McDonald’s nhưng là món Việt, là nơi thuận tiện cho người Việt đến ăn", ông Huy từng trả lời phỏng vấn một tạp chí nổi tiếng.
Năm 2015, công ty của ông Huy (Huy Việt Nam) trở thành nhân tố gây đột biến trên thị trường F&B nội địa với các chuỗi cửa hàng thương hiệu Phở Ông Hùng, Món Huế và Cơm Thố Cháy, tăng từ 14 cửa hàng giữa năm 2014 lên con số 110 vào cuối năm 2015.
Hay mới đây nhất, doanh nhân Hoàng Khải cũng nhận định thị trường phở có tiềm năng rất lớn, cả ở thị trường quốc tế. "Phở Việt Nam nổi danh hàng trăm năm nay rồi. Vậy nên, người đi du lịch tới Việt Nam cũng biết phở. Người Việt ở nước ngoài kinh doanh thì họ cũng mở cửa hàng phở. Hàng trăm năm nay, phở đã có marketing tự nhiên trong cuộc sống", ông Khải nhận xét. Và phở ông Khải ra đời giữa tháng 6 năm nay.
Thị trường F&B Việt Nam giai đoạn 2014 – 2019 được Euromonitor nhận định tăng trưởng trung bình với tốc độ 18%/năm. Đây được xem là thị trường tiềm năng bởi quy mô dân số hơn 90 triệu người, dân số trẻ, xu hướng thích ăn ngoài ở các đô thị khiến, đồng thời ngành cũng hấp dẫn do vòng quay vốn nhanh, tiền mặt thu về mỗi ngày.
Với người Việt, ăn luôn đi kèm với uống. Số liệu mới nhất của Euromonitor cho thấy tốc độ tăng trưởng của tầng lớp trung lưu cũng như dân số Việt Nam đã khiến tỷ lệ tiêu thụ bia tăng 300% kể từ năm 2002 lên 147,2 nghìn tỷ đồng hiện nay, tương đương 6,5 tỷ USD.
Hãng cũng dự đoán mức tiêu thụ bia bình quân tại Việt Nam sẽ đạt 40,6 lít/người trong năm nay. Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á và tương lai sẽ khiến nơi đây trở thành chiến trường trọng điểm tiếp theo của các hãng bia.
"Thị trường bia Việt nam sẽ thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư. Nhờ văn hóa tiêu thụ bia và tốc độ đô thị hóa cao, tăng trưởng tiêu thụ bia của Việt Nam được dự đoán sẽ ở mức cao trong khoảng 2016-2021", báo cáo của Euromonitor nhận định.
Không chỉ có bia, Việt Nam còn là thị trường rất tiềm năng cho thức uống trà sữa. Một thương hiệu trà sữa Đài Loan cho biết tăng trưởng doanh thu đạt mức trung bình 20% trong mỗi năm. Sau giai đoạn phát triển 2007-2008 rồi trở nên im ắng, 2 năm gần đây trà sữa trở lại một cách ngoạn mục với nhiều thương hiệu từ Phúc Long, Ding Tea, Coco, Gong Cha, Chevi, Bobabop… Một điểm khiến thức uống này được ưa chuộng chính là việc khai thác được sở thích nhai, được ăn của người Việt.
Thế mới thấy ăn không chỉ là cho thứ gì đó vào miệng mà còn là điểm cần lưu ý trong kinh doanh. Khi thỏa mãn được khách hàng, tất nhiên doanh nghiệp cũng sẽ trở nên "ăn khách", "ăn đứt" đối thủ của mình.
Những chi tiết tàn nhẫn được tiết lộ trong vụ án cha giết con trai
Gần 5 năm sau khi một cậu bé 13 tuổi biến mất trong khi đi thăm tòa án với cha ở Colorado, người đàn ông này đã bị buộc tội giết con trai.