Tết đoàn viên của mẹ Việt 14 năm bươn chải ở Đài Loan

Sau 14 năm bươn chải ở Đài Loan, người phụ nữ ở Hòa Bình mới đón được đứa con gái lớn sang và lần đầu được ăn Tết bên con.

03:08 16/02/2018

Chị Nguyễn Thị Thủy (trái) và con gái Trang Nhung (phải). Đầu năm 2017, chị đón con gái sang Đài Loan học ngôn ngữ theo nguyện vọng của Nhung. Ảnh: NVCC.

Chị Nguyễn Thị Thủy (trái) và con gái Trang Nhung. Đầu năm 2017, chị đón con gái sang Đài Loan học ngôn ngữ theo nguyện vọng của Nhung. Ảnh: NVCC.

"Đài Loan là nơi tôi đánh đổi cả tuổi trẻ và chưa một lần ngừng dõi theo quê hương", chị Nguyễn Thị Thủy, 46 tuổi, người Việt nhập tịch Đài Loan, chia sẻ với VnExpress.

Chị Thủy quê ở Hòa Bình, lấy chồng năm 1994, khi mới 22 tuổi. Không bao lâu, chị phát hiện chồng nghiện hút. Anh thường xuyên bán đồ đạc lấy tiền chích hút, đánh đập vợ nếu không có tiền.

Cuối cùng, chị ly hôn vì không muốn hai con gái chứng kiến bi kịch gia đình. Năm 2003, chị đưa hai con về nhà mẹ đẻ với hai bàn tay trắng và tìm đường sang Đài Loan làm công nhân với mong muốn đổi đời, để con lại nhờ bà ngoại chăm sóc.

Đắng cay xứ người

Chị gặp và kết hôn với người chồng Đài Loan năm 2008 tại thành phố Đấu Lục, tỉnh Văn Lâm. Thời đó, số lượng phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan rất nhiều, đặc biệt tại những vùng nông thôn như nơi chị sinh sống.

Cuộc sống vùng nông thôn Đài Loan không hề sung sướng và phồn hoa như nhiều người vẫn tưởng. Hai vợ chồng sống trong căn nhà nhỏ xây tạm bợ, nhà vệ sinh cũng không khép kín, nhìn ra cánh đồng lúa hoang vu. Hồi đó, lương cơ bản của chị khoảng 15.800 Đài tệ (540 USD), không đủ để gửi về nuôi con và trả nợ nếu không tăng ca.

"Những lúc rảnh rỗi, ai thuê gì tôi cũng làm, từ dọn dẹp nhà cửa đến chăm em bé, rửa bát thuê đến phụ đám cưới, miễn có tiền tôi đều không ngại vất vả", chị Thủy nói.

Chị quyết định không sinh con với người chồng mới, bởi "cuộc sống vốn nghèo, nếu sinh thêm con, chẳng phải hai đứa trẻ ở nhà sẽ không ai lo lắng?" Làm được bao nhiêu tiền, chị đều tích cóp gửi về lo cho con, cho mẹ.

Cuộc hôn nhân thứ hai cũng không bền. Người chồng Đài Loan bắt đầu cáu giận, mắng mỏ chị. Sau đó là những trận đòn bầm tím mặt mũi. Chồng chị ngoài nghiện thuốc lá, ăn trầu, việc làm không ổn định, còn vướng vào ma túy. Chị Thủy trầm cảm, không biết chia sẻ cùng ai.

Cuối cùng chị tích cóp và đưa chồng 70.000 tệ (2.400 USD), thuyết phục anh đưa đi đăng ký nhập tịch Đài Loan. Sau khi trở thành công dân Đài Loan, tháng 11/2016, chị được chồng đồng ý ly hôn.

Năm ngoái, chị đón con gái lớn vừa tốt nghiệp đại học sang Đài Loan học ngôn ngữ. Ngày chị đi, cô bé mới 10 tuổi mà giờ đã thành một thiếu nữ. Hai mẹ con được ở bên nhau sau bao năm xa cách.

"Xa nhà bao năm chỉ vì kiếm tiền lo cho con, nhưng cũng vì thế mà không được gần bên con trong những năm trưởng thành quan trọng nhất, không được trực tiếp dạy dỗ con như những người mẹ khác, giờ muốn bù đắp cho con mà cũng không biết phải làm sao, cuộc sống thật quá thiệt thòi", chị Thủy tâm sự.

Chị Thủy (áo xanh, hàng thứ hai, thứ ba từ phải sang) cùng các học viên trong khóa huấn luyện hộ lý ở Đài Loan. Ảnh: NVCC.

Chị Thủy (áo xanh, hàng thứ hai, thứ ba từ phải sang) cùng các học viên trong khóa huấn luyện hộ lý ở Đài Loan. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về cảm xúc được sống gần mẹ sau thời gian dài xa cách, Trang Nhung, cô con gái lớn 23 tuổi của chị Thủy cho biết "xa nhau lâu quá nên hai mẹ con không hiểu tính nhau, ở gần là to tiếng. Nhưng chỉ cần em đi làm vài ngày không về nhà là mẹ gọi điện suốt, lo lắng như em còn bé lắm. Vẫn là mẹ thương em nhất". 

Sau khi con gái sang, chị nghỉ việc ở công xưởng, theo học lớp hộ lý do chính quyền Đài Loan tổ chức. Khóa học kéo dài ba tháng và miễn phí. Chị hy vọng có thể bắt đầu cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Được sống cùng con, chị cảm giác mọi vất vả đều đã qua và xứng đáng.

Tết này bên con

Mẹ con chị Thủy đang sống trong một phòng trọ nhỏ 20 m2. Chị tìm được công việc mới là làm hộ lý ở bệnh viện. Trang Nhung ngoài giờ đi học còn đi làm thêm ở chợ đêm để tự trang trải cuộc sống. 

Dù không nhà cửa, không có một gia đình trọn vẹn nhưng đối với chị, đây là quãng thời gian hạnh phúc nhất bởi Tết này, chị lần đầu đón năm mới cùng con gái lớn sau 14 năm. Hai người vẫn phải đi làm, dù người Đài Loan nghỉ Tết 7 ngày.

"Hy vọng mấy năm sau, tôi tiết kiệm đủ tiền để về quê, đón Tết cùng hai con và mẹ tôi tại ", chị Thủy bày tỏ.

Tags:
Mẹ Việt ở ngoại quốc kể chuyện đi đẻ sướng như tiên

Mẹ Việt ở ngoại quốc kể chuyện đi đẻ sướng như tiên

“Bệnh viện bên đó rất thích, đẻ không đau, phục hồi sau sinh rất nhanh”.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất