Tết mênh mang của người Việt ở Mỹ
Người Việt tự xa xưa, với văn hóa thuần nông, cái tết là cả một mùa. Bước sang thời hiện đại, cảnh xa xứ đi làm, cả năm mong mỏi đoàn tụ cũng chỉ có mỗi dịp xuân về… Vì vậy, cái tết là sự phấp phỏng, bồi hồi, trông đợi…
23:30 19/01/2020
Cô bạn cùng công ty đưa cái đơn lên sếp xin “vacation” (đi nghỉ mát) kèm thêm một số ngày nghỉ không lương để… về Việt Nam ăn tết. Cái tin ấy loang ra trong tập thể công ty hầu hết là người gốc Việt, châm ngòi cho những tiếng… rú lên: “Trời ơi, đã vậy!?”, “Trời ơi, cho theo với!”…
Những nhân viên đã qua Mỹ định cư lâu năm, quen rồi nhịp sống bản xứ, đứng mủm mỉm cười thông cảm. Phân nửa, mới qua chừng mươi năm đổ lại, nhất là mấy bạn du học sinh học xong chọn định cư ở Mỹ, dường như thả ánh mắt xa xôi ngoài mấy hàng cây không lá, bầu trời xám âm u.
Thêm một cái tết nữa đến gần.
Tết được về Việt Nam là “phần thưởng”, là niềm mong mỏi cần dày công “tích góp” nhiều năm. Người có thu nhập thấp thì lo tích góp tài chính. Người thu nhập khá hơn lo tích góp ngày nghỉ phép.
Tết lại là dịp con nít đi học bình thường. Không thể bỏ con ở lại Mỹ để về Việt Nam vài tuần… Nếu cho chúng nghỉ học về theo là gần như không thể…
Ở Mỹ, đi học là quyền trẻ em, bắt chúng nghỉ dài ngày là dây dưa luật pháp như chơi. Vì vậy, để về được Việt Nam đón tết là trùng trùng gian khó, hoặc phải đợi tới ngày con lớn, đồng nghĩa với ba mẹ về hưu, thực quá xa xăm!
Mở mạng xã hội, các nhóm của người Việt hải ngoại, bắt đầu thấy… quảng cáo bánh tét, bánh chưng, các loại mứt, kiệu chua… nhà làm. Nếu đặt mua, hàng có thể gửi liên bang, đến những thành phố ít người gốc Việt sinh sống.
Ra siêu thị Việt, bắt đầu thấy nhạc xuân, vài tiểu cảnh nho nhỏ, mái nhà tranh, cây cầu khỉ cùng… bông mai giả.
Tôi định cư tại Houston, bang texas, nơi cộng đồng người gốc Việt thuộc hàng đông đúc tại Hoa Kỳ, theo con số từ Sở Di trú vào khoảng gần bốn mươi ngàn người. Tuy nhiên, cụm đại đô thị trải rộng đến hàng trăm cây số mỗi bề, để gặp nhau không dễ.
Thêm nữa, luật Mỹ gay gắt với việc uống rượu lái xe. Ngày xuân anh em quây quần, thiếu ly rượu kể cũng bớt chút vui vẻ như thói quen quê nhà. Tất nhiên vẫn uống, nhưng các ông phải… lụy bà xã lái xe chở về hoặc… xin ngủ lại, mới đầu năm đã… vô gia cư kể cũng nghiệt!
Nhưng nghiệt nhất vẫn là thời gian, nhất là những năm giao thừa, mùng một rơi vào giữa tuần. Thường phải chọn tổ chức đón xuân vào một ngày gần nhất trước đó. Năm nay, hên sao, giao thừa trúng thứ sáu, bà con hẹn hò tưng bừng hơn hẳn.
Tụ điểm chơi xuân vẫn là mấy khu thương xá có đông người gốc Việt lui tới; các chùa, nhà thờ, thậm chí là mấy nơi bán bông kiểng… Cộng đồng tổ chức múa lân, đốt pháo, ca nhạc…
Tôi cũng có một nhóm bạn thân thiết, mỗi năm các gia đình hẹn hò tại nhà một bạn trong nhóm. Có thể gói bánh tét, bánh chưng, nướng thịt… Vui nổ trời, nhưng cái vui chỉ gói lại trong một ngôi nhà, một cộng đồng nho nhỏ, với một khung giờ ngắn ngủi.
Mở cửa bước ra đường, tất cả lại… hoàn toàn Mỹ. Con nít đi học, người lớn đi làm, những dòng xe lao điên cuồng trên cao tốc…
Hơn thế nữa, cái tết đâu chỉ gói gọn trong vài ngày, “nghiệt” hơn nữa là vài giờ. Cái chộn rộn, tưng bừng, có cả vất vả, lo toan, mệt mỏi, trong nhiều ngày trước đó mới làm nên tổng thể cái tết.
Người Việt tự xa xưa, với văn hóa thuần nông, cái tết là cả một mùa. Bước sang thời hiện đại, cảnh xa xứ đi làm, cả năm mong mỏi đoàn tụ cũng chỉ có mỗi dịp xuân về… Vì vậy, cái tết là sự phấp phỏng, bồi hồi, trông đợi… Điều này đã ăn sâu vào tiềm thức…
Bỗng nhiên đặt chân lên một đất nước không hề có sự bồi hồi, nôn nao ấy, chẳng dễ gì quen được trong ngày một ngày hai, thậm chí nhiều năm sau đó.
Một yếu tố khác, người Âu – Mỹ có nếp sống thiên về gia đình riêng tư. Mỗi dịp lễ lạt, họ thường chọn cách quay về nhà, vui niềm vui riêng. Người Á Đông mỗi dịp vui thường phải ra chốn công cộng hòa niềm vui vào cộng đồng, “ngó người ta vui mình cũng vui”…
Tết nhất mà “chui trong nhà” thì còn chi là tết? Đây đơn giản chỉ là phong tục khác nhau. Khi cộng đồng xung quanh ít người hòa nhịp, thậm chí là cả một đất nước ít hòa nhịp, cái tết trở nên lênh đênh, thậm chí u uất với không ít người.
Cây đào sau vườn đã nở, giữa không gian mênh mông mùa đông lạnh xám… Mùng một, mùng hai tết, mở cửa đưa mấy đứa nhỏ ra school bus (xe đưa đón học sinh) tới trường, kịp dúi vô tay chúng cái phong bao lì xì nho nhỏ: Happy new year, à quên, Chúc mừng năm mới!
Mai mốt có dịp, mình sẽ về quê ăn tết nghe các con!
Nhà văn NGUYỄN DANH LAM (Houston, Texas) – Tuổi Trẻ
Tiền nhà quá cao, số người bỏ California đi nhiều hơn người đến
Hiện nay số người rời bỏ tiểu bang California đang đông hơn số người dọn đến, chứng cớ cho thấy ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nhà ở đối với tiểu bang có nền kinh tế lớn hàng thứ năm trên thế giới này.