Thạc sĩ Toán nuôi gà kiểng ở Mỹ xuất về Việt Nam
Không làm việc theo ngành nghề mình bỏ công suốt bao năm đèn sách vốn dĩ không có gì lạ. Nhưng xếp lại tấm bằng thạc sĩ, bỏ giấc mộng trở thành thầy giáo dạy toán ở đại học để đi… nuôi gà gửi về Việt Nam bán thì quả là không mấy ai nghĩ đến.
05:00 17/10/2018
“Hồi đó, giá ‘ship’ một con gà kiểng về Việt Nam là $250, trong khi giá vốn mua gà và làm các thủ tục giấy tờ ở đây chỉ khoảng $80, cộng với chi phí làm thủ tục hải quan, kiểm tra y tế bên phía Việt Nam khoảng $40-45 nữa. Tiền lời ‘ship’ một con gà như vậy là rất cao. Năm 2012, tôi bắt đầu nhận chuyển gà về Việt Nam,” Tuấn Nguyễn, thạc sĩ Toán nuôi gà kiểng ở Mỹ xuất về Việt Nam, bắt đầu câu chuyên đặc biệt của mình.
Bỏ nghiên cứu toán, chuyển sang nghiên cứu… gà
Sinh ra và lớn lên ở Bến Tre, từ nhỏ, Nguyễn Tuấn đã theo ông nội và ba chơi gà kiểng, rồi trở nên đam mê thú vui này. Năm 20 tuổi, Tuấn cùng gia đình sang Mỹ định cư. Cuộc sống mới với bao lo toan khiến anh không còn thời gian theo đuổi sở thích của mình. Hơn nữa, anh nghĩ rằng ở Mỹ không có ai chơi gà kiểng như ở Việt Nam.
Tuấn vào California State University, Long Beach, học chuyên ngành toán. Sau khi xong bằng đại học bốn năm, anh ghi danh học thạc sĩ (master) với mong muốn trở thành thầy giáo dạy toán ở bậc đại học.
Năm 2010, gia đình anh chuyển từ Orange County về Riverside sinh sống. Tại đây, một cách tình cờ, Tuấn biết được thú chơi gà kiểng cũng khá phổ biến ở California. Niềm đam mê ngày xưa chợt sống lại. Tuy nhiên, điều thú vị hơn nữa là anh bất ngờ khám phá rằng ở Việt Nam có nhu cầu nhập cảng gà kiểng từ Mỹ rất lớn. Từ đó, anh nảy ra ý tưởng làm trung gian giữa người nuôi ở Mỹ với người chơi gà kiểng nơi quê nhà.
Như đã nói ở trên, sau khi trừ đi các chi phí, thì tiền Tuấn kiếm được từ việc gửi một con gà kiểng về Việt Nam được hơn cả trăm dollar.
Tuy nhiên, như ông bà nói “vạn sự khởi đầu nan,” thời gian đầu “vào nghề” của Tuấn không hề dễ dàng.
Anh kể: “Hồi đó, tôi phải liên lạc với những người ở bên Việt Nam muốn mua gà Mỹ để hỏi xem họ muốn mua giống gà gì, giò cẳng ra sao, lông, đuôi kiểu gì… Sau khi biết được nhu cầu của họ, tôi phải chạy đến các trại gà ở tận Fresno để tìm gà, chụp hình, gửi về Việt Nam cho khách hàng xem. Nếu họ đồng ý thì tôi sẽ tiến hành mua và ship về cho họ. Cứ mỗi Thứ Ba, tôi phải lái xe 5 tiếng lên Fresno rồi 5 tiếng lái về. Sau khi mua gà, tôi phải cho vào chuồng dưỡng vài ngày rồi đợi đến cuối tuần mới gửi về Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng lên các diễn đàn trên Internet để tự quảng bá cho mình.”
Tuấn cho biết công sức bỏ ra cũng xứng đáng vì mỗi chuyến “ship” gà như vậy, anh kiếm được đến hơn $1,000.
Nhận thấy lợi nhuận từ công việc này “khá ngon”, lại sẵn sở thích chơi gà kiểng, Tuấn quyết định tự mình nuôi gà để bán về Việt Nam. Mặc dù sắp tốt nghiệp thạc sĩ toán, anh bỏ ngang, chuyển sang nghiên cứu, tìm hiểu tất cả các khía cạnh của nghề nuôi gà kiểng, từ thức ăn đến di truyền và nhân giống.
Năm 2013, Tuấn khởi nghiệp với 20 chuồng gà trên mảnh đất của một người bạn. Công việc ngày càng phát triển, số chuồng gà ngày càng tăng, lên đến 60 rồi 100. Anh phải thuê mảnh đất lớn hơn ở Mira Loma để đáp ứng nhu cầu của mình. Rồi trại gà này, với 288 chuồng, cũng không đủ lớn. Tuấn mua thêm mảnh đất rộng một mẫu ở Riverside từ một người bà con để xây thêm hơn 200 chuồng gà nữa.
Bí quyết nuôi gà kiểng
Nói về bí quyết nuôi gà, Tuấn cho biết hai yếu tố quan trọng là giống và thức ăn.
“Mỗi năm, vào Tháng Mười Một, tôi phải lái xe qua tận miền Đông đến những tiểu bang có nhiều trại gà lớn như Mississippi, Alabama để tìm hiểu xem trại gà nào đang thành công và đang có giống gà gì hay. Sau đó, tôi phải nghiên cứu kỹ từng giống gà để xem có thể lai với giống khác cho ra con gà phù hợp với sở thích của Người Việt Nam hay không. Chẳng hạn, người Việt mình thì quan tâm đến vẩy trên chân gà, và thích loại gà có đuôi bằng bằng,” Tuấn cho biết.
Anh nói thêm: “Làm cái nghề này có thành công hay không là nhờ con gà nọc. Mà kiếm được con gà nọc giỏi là rất khó. Thứ nhất, mình phải bỏ nhiều tiền mới mua được nó. Rồi phải đem về ghép với gà mái để đẻ con. Rồi phải chờ đến hai năm sau mới biết con gà con có giỏi hay không. Nếu gà con giỏi thì coi như tạm thành công. Sau đó, mình phải cố gắng duy trì dòng máu của nó, mà việc này cũng không dễ. Đôi khi cũng nhờ may mắn. Nếu đời con của gà nọc giỏi, mà con của gà con cũng giỏi, thì coi như mình ‘trúng số.’ Có nhiều trại gà chỉ tồn tại được chừng vài năm vì không duy trì được giống gà tốt.”
Về thức ăn cho gà, Tuấn mua nhiều loại khác nhau rồi tự pha trộn theo công thức riêng của mình. “Tôi mua khoảng mười mấy loại về tự trộn. Mình làm như vậy thứ nhất là kiểm soát được lượng protein mình cần. Thứ hai là nó rẻ hơn ngoài thị trường. Chẳng hạn một bao thức ăn trộn sẵn 80 pound có giá $21, nếu mua về tự trộn thì chỉ có $16. Ngoài ra, tôi cũng chịu khó lái xe đến các chợ, nhà hàng để lấy rau mà họ bỏ, đem về bổ sung thêm chất xơ cho gà,” Tuấn cho biết.
Việc chăm sóc hai trại gà với tổng cộng gần 600 con tốn rất nhiều thời gian và công sức của Tuấn vì anh tự thực hiện hầu hết các công đoạn, từ dựng chuồng, làm thức ăn, đến đóng thùng và ship gà. Tuấn hiện có hơn 10 giống gà, gồm những con thuần chủng và những con lai do anh “cản” (tức phối giống). Anh sử dụng hai giống chính là Asil (mua từ Alabama) và Jap (mua từ Ohio) pha vào các giống gà Mỹ như Grey, Kelso, Blueface, Lieper, Albany…
Theo lời Tuấn, hiện nay, anh là một trong hai người duy nhất ở California ship gà kiểng về Việt Nam. Vào mùa “vắng khách,” từ Tháng Bảy đến Tháng Mười Hai, cứ hai tuần anh ship một lần, mỗi lần từ 60 đến 80 con, trong đó số gà do anh tự nuôi khoảng từ 10 đến 20 con, còn lại là gà giống anh nhận chuyển từ người nuôi ở Mỹ cho khách hàng ở Việt Nam. Vào mùa cao điểm, từ Tháng Giêng đến Tháng Sáu, mỗi tuần có một chuyến.
Mới đây, Tuấn được thông báo phải đóng cửa trại gà của mình ở Mira Loma vì người chủ đất muốn lấy lại mảnh đất này. Nhưng “trong cái rủi có cái may,” anh đã tìm được một nơi rộng đến năm mẫu ở Riverside để mở rộng đầu tư. Anh dự trù sẽ xây khoảng 400 chuồng và hai dãy chuồng để nuôi gà con.
Ước mơ hiện nay của Tuấn Nguyễn là trong tương lai, ngoài Việt Nam, anh còn có thể bán gà của mình cho các thị trường lớn như Mexico và Philippines.
Phóng viên Mỹ chia sẻ những lần 'tìm kim cương' khi chụp ảnh ở Việt Nam
Phóng viên ảnh người Mỹ Karnow ca ngợi những phẩm chất của người Việt, khiến bà say mê công việc của mình.