Thảm cảnh của 5 đại gia công nghệ Mỹ
Đằng sau sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ là sức ép đến từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ – Trung cũng như các vụ bê bối tại Thung lũng Silic
13:30 23/11/2018
Cổ phiếu của 5 đại gia công nghệ Mỹ – Facebook, Amazon, Apple, Netflix, Alphabet – trong ngày giao dịch 20-11 có lúc giảm tổng cộng 1.020 tỉ USD so với mức cao nhất trong 52 tuần qua.
Cụ thể, Facebook mất 253 tỉ USD, Amazon 280 tỉ USD, Apple 253 tỉ USD, Netflix 67 tỉ USD và Alphabet 164 tỉ USD. Đến cuối ngày giao dịch, cổ phiếu của 4 công ty Amazon, Apple, Netflix, Alphabet hồi phục phần nào.
Theo đài CNBC (Mỹ), cổ phiếu của 5 công ty trên thuộc số những sản phẩm ưa thích nhất của giới đầu tư trong thập kỷ qua. Dù vậy, chúng đều rơi vào “thị trường gấu” – tức có giá trị giảm ít nhất 20% từ mức cao nhất trong 52 tuần – khi ngày giao dịch 19-11 khép lại.
Đây là lần đầu tiên hiện tượng này xảy ra. Trước đó, cổ phiếu của Amazon và Apple lần lượt đạt đỉnh trong 52 tuần hồi tháng 9 và 10 (2.550,5 USD/cổ phiếu và 233,47 USD/cổ phiếu). Trong khi đó, cổ phiếu của Facebook và Alphabet (công ty mẹ của Google) đều đạt mức cao nhất hồi tháng 7 vừa qua, lần lượt là 218,62 USD/cổ phiếu và 1.291,44 USD/cổ phiếu. Với Netflix, con số này là 423,21 USD/cổ phiếu, đạt được hồi tháng 6.
Các nhà giao dịch bận rộn tại Sàn giao dịch chứng khoán New York ở TP New York – Mỹ hôm 20-11 Ảnh: REUTERS
Chỉ số S&P 500 giảm 1% và chỉ số NASDAQ giảm 0,9% khi thị trường chứng khoán đóng cửa hôm 20-11. Đằng sau sự sụt giảm này là sức ép đến từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như những vụ bê bối tại Thung lũng Silicon khiến niềm tin của nhà đầu tư vào đại gia công nghệ bị lung lay.
Ông Mark Hackett, Giám đốc nghiên cứu đầu tư tại Công ty Quản lý đầu tư Nationwide Investment Management (Mỹ), cho biết các nhà đầu tư đang bán tháo cổ phiếu của những công ty công nghệ hàng đầu từng thống trị thị trường thời gian qua.
Trong số này, Facebook chứng kiến giá cổ phiếu giảm 40% từ mức cao nhất trong 52 tuần trước đó trong bối cảnh mạng xã hội lớn nhất thế giới trải qua không ít sóng gió, như vụ Công ty Cambridge Analytica (Anh) sử dụng trái phép dữ liệu của 87 triệu người sử dụng Facebook cho mục đích chính trị. Bất chấp đang trải qua một năm nhiều thử thách, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg hôm 20-11 tuyên bố ông không có ý định từ chức.
Trong khi đó, theo ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs (Mỹ), cổ phiếu của Apple đang chịu tác động bởi nhu cầu thấ đối với các sản phẩm của họ tại Trung Quốc và những thị trường mới nổi khác, cũng như việc khách hàng không mặn mà với mẫu điện thoại iPhone XR mới bán. Ngoài ra, cổ phiếu của Amazon lâm cảnh bi đát kể từ khi tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới công bố báo cáo triển vọng kinh doanh của quý IV/2018 không khả quan như mong đợi.
Bất chấp sự lao dốc nói trên, cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, hôm 20-11 bác bỏ khả năng suy thoái kinh tế sẽ sớm xảy ra. Ông Kudlow cho rằng nỗi lo sợ kinh tế sụp đổ là “vô lý” bất chấp mọi thành quả của thị trường chứng khoán trong năm 2018 đã bị xóa sạch trong vài giờ.
“Theo quan điểm của tôi cũng như chính quyền Mỹ, kịch bản suy thoái kinh tế xa vời tới nỗi tôi không thấy nó đâu cả. Nền kinh tế Mỹ tổng thể rất mạnh mẽ” – cố vấn này nhấn mạnh. Đáng nói là ông Kudlow cũng từng có những dự đoán lạc quan tương tự hồi tháng 12-2007, đúng vào tháng bắt đầu lần suy thoái kinh tế Mỹ gần đây nhất.
Ám ảnh suy thoái
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs vừa đưa ra dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể trong nửa cuối năm 2019 khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) tiếp tục tăng lãi suất và tác động kích thích tài chính của chính sách cắt giảm thuế không còn mạnh như trước.
Theo đài CNBC, ngân hàng trên dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,5% trong quý IV/2018 và quý I/2019 nhưng sẽ lần lượt giảm xuống còn 2,2%, 1,8% và 1,6% trong 3 quý còn lại của năm tới. Con số này trong quý III/2018 là 3,5%.
Trong khi đó, FED sẽ tăng lãi suất trong tháng 12-2018 và thêm 4 lần nữa trong năm 2019. Theo Goldman Sachs, FED làm thế bởi lạm phát sẽ tăng lên mức 2,25% vào cuối năm tới do thuế quan và lương tăng. Bất chấp dự báo kém khởi sắc nói trên, ngân hàng này không tin tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ rơi xuống mức âm trong thời gian tới.
Ông Jan Hatzius, chuyên gia kinh tế trưởng của Goldman Sachs, nhận định nguy cơ tăng trưởng quá nóng hoặc mất cân bằng tài chính – những nguyên nhân kinh điển của suy thoái kinh tế Mỹ – không đáng lo ngại lúc này và trong vài năm tới. Vì thế, giai đoạn tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế hàng đầu thế giới nhiều khả năng là dài nhất từ trước đến giờ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan như ông Hatzius. Theo báo The Washington Post hôm 18-11, hơn 30% chuyên gia kinh tế hàng đầu được hỏi đã dự đoán kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu suy thoái vào năm 2020. Theo họ, có nhiều nguyên nhân đang cản trở kinh tế Mỹ phát triển, như chi phí vay mượn cao, đồng USD mạnh, chi tiêu chính phủ tăng, kinh tế toàn cầu suy yếu, cuộc chiến thuế quan leo thang… Giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư phố Wall đang muốn một giải pháp nhanh chóng cho cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và có lẽ là một dự luật về cơ sở hạ tầng nhằm rót thêm tiền mặt vào nền kinh tế vào cuối năm tới.
Theo NLĐ
Mỹ thu hồi thị thực đặc biệt của các nhà nghiên cứu Trung Quốc
Mỹ thu hồi loại thị thực nhập cảnh nhiều lần trong 10 năm nhằm thắt chặt kiểm soát nhập cảnh trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc xấu đi.