Thảm cảnh ở ‘thành phố không ngủ’ của nước Mỹ: Times Square từng có 450.000 người đi bộ mỗi ngày giờ hoang lạnh, khách sạn, nhà hàng đóng cửa, người dân tuyệt vọng
New York City - thành phố không ngủ của nước Mỹ đang trải qua những ngày buồn bã nhất trong lịch sử.
13:00 15/10/2020
Bên ngoài nhà ga số 4 sân bay quốc tế Kennedy, hình ảnh hàng dài những chiếc xe taxi nhãn vàng biểu tượng của thành phố New York tấp nập đón khách không còn nữa. Hàng dài người cả trong lẫn ngoài xếp hàng chờ xe cũng không còn. Chỉ có khoảng chục chiếc xe rảnh rỗi ngồi chờ khách. Ghi nhận của tờ New York Times vào thứ 5 tuần trước, chỉ có 2 chiếc xe ngồi chờ ở cửa ra nhà ga. Các lái xe phải chờ đợi hàng nhiều giờ trước khi đón được 1 khách.
"Tôi không kiếm được tiền. Không có chuyến bay nào tới cả, chẳng có khách du lịch và cũng có rất ít người đi trên đường", Jean Metellus – một người dân New York 71 tuổi làm lái xe taxi từ năm 1988 cho hay. "Làm thì chẳng ra đồng nào mà chúng tôi vẫn phải trả rất nhiều loại hóa đơn".
Khủng hoảng dịch bệnh kèm theo những lệnh cấm đi lại trên toàn cầu áp dụng từ hồi tháng 3 nhằm làm chậm lại quá trình lây lan của dịch bệnh đã khiến ngành du lịch của Mỹ gần như kiệt quệ, thổi bay đi thu nhập của hàng triệu người. Hiệp hội du lịch Mỹ dự đoán rằng Mỹ sẽ chứng kiến lượng khách quốc tế giảm tới gần 80% trong năm nay, xuống chỉ còn 18,6 triệu người so với mức 79 triệu người vào năm trước.
Sự sụt giảm lượng khách đã khiến những điểm du lịch nổi tiếng như Orlando và Los Angeles chịu thiệt hại nặng nề nhưng không thể bằng New York City – nơi đã thu hút 13,5 triệu lượt khách quốc tế vào năm ngoái. New York City đã nhiều năm luôn là điểm đến nổi tiếng bậc nhất tại Mỹ.
Hiện tại những công dân từ nhiều nước trên khắp thế giới gồm cả Anh, Trung Quốc, Brazil – 3 thị trường khách quan trọng bậc nhất của ngành du lịch New York đều bị cấm nhập cảnh vào đây.
Ở 5 sân bay khu vực của bang vào tháng 7, lượng khách quốc tế đã giảm 93% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tại sân bay Kennedy, số lượng khách quốc tế giảm 70% xuống còn 2.121 người vào tháng 7 so với mức 7.034 người vào tháng 1. Trong tháng 8, ít hơn 400.000 khách quốc tế đến sân bay Kennedy, giảm 89% so với mức 3,5 triệu người cùng kỳ năm ngoái.
Lĩnh vực đồ ăn và thức uống của thành phố này đã mất gần 200.000 việc làm kể từ tháng 3. Tỷ lệ phòng khách sạn được lấp đẩy giảm xuống 40% - chỉ bằng 1 nửa so với mức hơn 80% vào tháng 8/2019. Nhu cầu taxi và dịch vụ gọi xe trong tháng 6 giảm 71% mặc dù con số này đang dần hồi phục.
Khung cảnh hoang tàn ở khắp nơi trong thành phố đã cho thấy ảnh hưởng tồi tệ của việc không có khách du lịch.
Tại quảng trường Times, những biển hiệu quảng cáo cỡ lớn vẫn sáng đèn nhưng hơn 1 nửa các khách sạn trong khu vực đã đóng cửa và lượng người đi bộ giảm chưa từng có. Tại Columbus Circle, những người lái xe du lịch nhàn rỗi ngồi nhìn điện thoại. Các chiếc xe buýt du lịch trống không, đi qua những điểm du lịch hoang lạnh.
Những cửa hàng bán đồ lưu niệm trên khắp Manhattan từng đón nhiều nhất 30 khách mỗi tiếng thì giờ trống không. Những chiếc vali, áo phông in hình "I love NY" đều không có người mua.
"Nếu không có du khách, tôi cũng không có việc làm. Đồ lưu niệm là để bán cho khách du lịch. Chẳng có người New York nào mua mấy món đồ này cả", theo Prince Mahamud – chủ cửa hàng lưu niệm tại đường Canal, khu Chinatown.
Ngành du lịch sụp đổ
Năm 2019, ngành công nghiệp du lịch New York đã đánh dấu mốc tăng trưởng 10 năm liên tiếp, mang về 7 tỷ USD cho bang, tạo ra 403.000 việc làm. Tuy nhiên xu hướng này đã không còn nữa kể từ tháng 3.
"Du lịch đã sụp đổ, những sự kiện lớn nhất của mùa hè đều bị hủy, sân khấu Broadway tối đèn, các khách sạn và nhà hàng thì hoặc phải đóng cửa, hoặc có rất ít khách ghé thăm", ông Scott M. Stringer, kiểm soát viên của thành phố, bình luận.
Theo tính toán của văn phòng ông Stringer, thành phố sẽ thua lỗ ít nhất 1,5 tỷ USD doanh thu ngành du lịch có chịu thuế trong năm 2021. Toàn quốc, Hiệp hội du lịch Mỹ dự đoán giảm 75% lượng chi tiêu du lịch quốc tế tính tới cuối năm nay, còn 39 tỷ USD từ mức 155 tỷ USD vào năm 2019.
"Ngành du lịch của thành phố, đặc biệt là du lịch quốc tế sẽ không quay trở lại như trước dịch cho tới khi mọi người cảm thấy an toàn. Nhiều cửa hàng và nhà hàng không thể tồn tại nếu như thua lỗ quá lâu. Chính quyền cần phải có một gói hỗ trợ khổng lồ để giải quyết vấn đề này", theo ông Stringer.
Sự hoang lạnh của Time Square
Tác động của dịch bệnh đến New York City không đâu rõ hơn Times Square – nơi các hoạt động kinh doanh chủ yếu phụ thuộc vào khách du lịch và nhân viên văn phòng. Những tấm biển quảng cáo khổng lồ vẫn sáng đèn nhưng nhiều điểm du lịch hấp dẫn và các cửa hàng, nhà hàng tại đây đều đã đóng cửa. Không có các đám đông đi lại như hàng ngày, những cột đèn sáng càng làm lộ rõ ra những không gian trống trải.
Trên thực tế, Khu vực quảng trường Times đã tạo ra 180.000 việc làm, cung cấp 15% sản lượng kinh tế đầu ra của thành phố và tạo ra 2,5 tỷ USD doanh thu chịu thuế. Trước đại dịch, khoảng 380.000 người đi bộ qua khu vực này mỗi ngày, con số đó có thể đạt 450.000 vào những ngày cao điểm. Trong khoảng thời gian phong tỏa, lượng người đi qua đây giảm tới 90%, hiện tại dù tình hình đã được cải thiện phần nào nhưng con số này vẫn giảm 72% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số 46 khách sạn tại khu vực, ít nhất 26 khách sạn - bao gồm khách sạn Hilton 478 phòng ở Quảng trường Thời đại - đã đóng cửa. 48 nhà bán lẻ trên tổng số 151, 90 nhà hàng trong số 162 cũng đóng cửa.
Vào ngày thứ 5 tuần trước, chiếc xe bus đứng ở góc đường 48 và Đại lộ số 7 đang nỗ lực bán vé. Mushah Saley, 47 tuổi chuyên bán vé xe bus cho các đại lý du lịch than thở: "Mọi thứ rất tồi tệ và trì trệ".
Trước đại dịch, Saley nói bán được 2000 – 3000 vé một tuần. Hiện tại, ông bán được khoảng 450 vé, chủ yếu khách du lịch từ những khu vực nhưNew York, New Jersey và Connecticut . "Những hoạt động kinh doanh này hầu hết phụ thuộc vào khách du lịch. Không chỉ không có khách từ những quốc gia khác, chúng tôi cũng không đón được khách từ những bang khác tới tham quan".
Một điểm nhấn lịch sử ở khu vực này là nhà hát Broadway. Mỗi năm, các buổi biểu diễn ở đây đóng góp hơn 15 tỷ USD cho kinh tế địa phương và hỗ trợ 97.000 việc làm. Năm nay, sau khi đóng cửa vào tháng 3, rạp hát này chưa có kế hoạch mở cửa lại cho tới năm 2021.
Monique Scott, một nghệ sỹ tự do 30 tuổi đến New York với giấc mơ được trình diễn. Vì dịch bệnh, cô hiện làm việc bán thời gian tại một phòng tập để kiếm sống. "Rất nhiều nghệ sỹ rơi vào tình cảnh như của tôi. Chúng tôi phải gạt bỏ tất cả những gì mà chúng tôi từng cố gắng, thậm chí mắc nợ, để có được", Scott nói trong tuyệt vọng.
"Trước đây, tôi không thể đếm nổi lượng khách mỗi ngày. Còn bây giờ, tôi chỉ có 3 khách", Ossama Elsayed – 43 tuổi một chủ cửa hàng chia sẻ. "Tôi không kiếm được tiền, có 3 đứa trẻ cần chăm sóc còn vợ tôi cũng không có việc làm".
Tài lãnh đạo của 4 vị Tổng thống nổi danh nước Mỹ: Từ George Washington đến Donald Trump
“Một nhà lãnh đạo vĩ đại phải linh hoạt, giữ vững lập trường của mình dựa trên các nguyên tắc chân chính, lựa chọn những thỏa hiệp có thể gắn kết mọi người lại với nhau. Một nhà lãnh đạo vĩ đại phải thấu hiểu mọi sự khó khăn như vậy chúng ta mới không làm lãng phí tiền của vào hư không”. [Donald J. Trump]…