Thăm dò dư luận: Dân Mỹ không muốn lẫn lộn tin tức với bình luận
Kết quả hai cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy những gì người dân Mỹ muốn có được từ giới truyền thông và những gì các nhà báo muốn tường thuật phần lớn đều giống nhau. Tuy nhiên, kết quả thăm dò cũng cho thấy rằng cả hai phía đều cảm thấy rằng hiện chưa hoàn toàn có được điều này.
06:30 13/06/2018
Sự nghi ngờ của công chúng về giới truyền thông một phần cũng vì sự hiểu lầm rất căn bản về cách làm việc của báo chí, nhất là trong thời buổi tin tức thay đổi nhanh chóng, theo kết quả hai cuộc thăm dò công chúng và các nhà báo, do tổ chức Media Insight Project thực hiện và công bố hôm Thứ Hai ngày 11 Tháng Sáu.
Nỗ lực này là sự hợp tác giữa hãng thông tấn AP-NORC Center for Public Affairs Research và The American Press Institute.
Cuộc thăm dò được thực hiện giữa khi có các cuộc tấn công liên tục của Tổng Thống Donald Trump nhắm vào giới truyền thông và tình trạng ngày càng thu nhỏ của kỹ nghệ báo in thường xuyên gặp khó khăn tài chánh.
Đa số các nhà báo, vào khoảng 75%, nghĩ rằng sự tin tưởng của công chúng vào truyền thông đã sút giảm trong năm qua. Thế nhưng chỉ có 44% người lớn được hỏi nói rằng mức độ tin tưởng của họ có giảm sút.
Và công chúng thật sự muốn những gì mà phần lớn các nhà báo nói rằng họ muốn cung cấp: đó là các bản tin trung thực, đồng thời cũng cho thấy các bối cảnh và có phân tích, theo lời ông Tom Rosenstiel, giám đốc điều hành American Press Institute.
Tuy nhiên, công chúng lại cảm thấy họ không thấy đủ nỗ lực này từ nhà báo. Có khoảng 42% người Mỹ được hỏi nói rằng các nhà báo “lạc bước” quá xa và đưa bình luận, diễn dịch, của họ vào bản tin.
Đó là lý do vì sao bà Anna Retana, một bà mẹ có năm con ở Emumclaw, tiểu bang Washington, nói rằng bà ít theo dõi tin tức hơn trước.
“Phần lớn khi người ta xem tin tức trên truyền hình hay đọc báo là muốn biết sự thật,” bà Retana cho hay. “Họ không muốn phải gạn lọc hàng tấn phần tuyên truyền, và đây là chúng tôi thấy rất nhiều.”
Ông Rosenstiel nói rằng các nhà báo cũng không nên coi như độc giả của họ tự biết là họ đang đọc cái gì.
Ông Rosenstiel cho hay phần lớn cách viết và cách làm việc của nhà báo là từ các tờ báo giấy, trong khi nhiều người trẻ Mỹ nay đọc tin từ các nguồn mạng xã hội, những nơi ít khi cho biết các bản tin đến từ đâu.
Các tờ báo thường có riêng trang bình luận (op-ed), trong khi có tới 50% dân Mỹ không hiểu từ ngữ này nghĩa là gì.
Điều này có thể góp phần đưa đến việc phần lớn người lớn Mỹ, từ 18 đến 29 tuổi, nghĩ rằng tin tức thường không chính xác, trong khi phần lớn người hơn 30 tuổi cho hay tin tức khá chính xác.
Ngoài ra, cũng có sự đồng ý của cả hai phía là các nhà báo phải cố gắng hơn để giải thích công việc của họ. Có tới 68% công chúng nghĩ rằng giới truyền thông nên cho biết rõ là họ lấy tin tức từ nguồn nào. Đây là điều có tới 66% giới nhà báo đồng ý. Có tới gần một nửa công chúng nói rằng nhà báo phải giải thích họ tường thuật vấn đề ra sao, và có 42% nhà báo cũng đồng ý điều này.
“Bạn phải giải thích sự bí ẩn là món ăn đó được nấu như thế nào,” ông Rosenstiel nói.
“Chúng ta phải bắt chước những người đi mua thực phẩm ở chợ. Trước khi họ mua món gì đó, họ phải biết là trong đó có chứa các nguyên vật liệu gì,” ông Rosenstiel nói tiếp.
Một nửa dân Mỹ cho rằng đạo đức trong nước đang suy thoái
Có gần 50% dân chúng Mỹ tin rằng đạo đức trong nước đang suy thoái, và có hơn 3/4 nghĩ rằng sẽ còn tệ hại hơn, theo kết quả một cuộc thăm dò của viện Gallup, được công bố hôm 1 Tháng Sáu, 2018.