Thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ mang theo thông điệp cảnh báo

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson được cho là sẽ đưa ra nhiều thông điệp cảnh báo đối với Trung Quốc trong chuyến thăm nước này sắp tới, đặc biệt là về vấn đề Triều Tiên.

22:35 16/03/2017

tham-trung-quoc-ngoai-truong-my-mang-theo-thong-diep-canh-bao

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từ ngày 15 - 19/3 công du các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Khi đến Bắc Kinh ngày 18/3, ông Tillerson sẽ thông báo với phía Trung Quốc rằng Mỹ đang chuẩn bị gia tăng các hình phạt kinh tế lên những công ty, ngân hàng nước này có quan hệ làm ăn với Triều Tiên, CNN dẫn lời một số quan chức Mỹ cho hay.

Ông Tillerson được cho là sẽ bày tỏ nỗi thất vọng của Mỹ trước việc các công ty Trung Quốc giúp Bình Nhưỡng mở rộng, phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa, đồng thời thuyết phục Trung Quốc ủng hộ nỗ lực kiềm chế Triều Tiên.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ đặt lên bàn thảo luận những vấn đề tồn tại lâu nay trong mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, như tranh chấp trên Biển Đông, thương mại, vấn đề Đài Loan hay động thái mới đây nhất, Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cùng máy bay tấn công không người lái tới Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo cây bút Nicole Gaouette và Elise Labott từ CNN, Triều Tiên vẫn là điểm nóng nổi cộm hơn cả.

"Trung Quốc là một phần của vấn đề hơn là giải pháp", Bruce Klingner, chuyên gia cấp cao tại viện nghiên cứu Heritage Foundation, nhận xét. Ông miêu tả Triều Tiên không khác gì một mối đe dọa quân sự toàn cầu.

Trung Quốc "hành động như luật sư đại diện cho Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Họ bác bỏ các chứng cứ về hành động sai trái của Triêu Tiên, họ nhấn mạnh vào những sơ hở, họ phản đối các biện pháp mà nhiều người cho rằng là giải pháp hiệu quả" tại Liên Hợp Quốc, ông Klingner nói. "Bất kể khi nào Triều Tiên có động thái khiêu khích hoặc vi phạm, họ luôn đưa ra cách phản ứng trung lập, kêu gọi cả Hàn Quốc và Triều Tiên không làm leo thang căng thẳng dù bên gây hấn là Triều Tiên".

Quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết các cuộc thảo luận giữa Ngoại trưởng Tillerson và người đồng cấp Trung Quốc liên quan đến biện pháp xử lý vấn đề Triều Tiên đang được tiến hành. Họ tập trung xem xét "những bước tiếp theo có thể thực hiện nhằm gây áp lực thực sự lên Triều Tiên, khiến họ cảm thấy sức ép và trả giá cho hành vi của mình", Toner quả quyết và thêm rằng Mỹ muốn Trung Quốc hành động tích cực hơn. Bắc Kinh từ chối bình luận.

Các quan chức giấu tên tiết lộ chính quyền Mỹ đang cân nhắc áp đặt lệnh trừng phạt lên những công ty Trung Quốc có mối liên hệ kinh tế với Triều Tiên dựa trên bằng chứng về việc họ giúp đỡ Triều Tiên nhập khẩu và xuất khẩu vũ khí.

"Chúng ta có thể tác động tới ngân hàng cũng như doanh nghiệp Trung Quốc đang làm ăn với Triều Tiên. Nó từng phát huy hiệu quả", Klingner nhận định, dẫn lại sự việc hồi giữa những năm 2000, một ngân hàng Trung Quốc phải cắt đứt mọi giao dịch với Triều Tiên nhằm tránh lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ tuần trước thông báo phạt công ty công nghệ Trung Quốc ZTE 1,2 tỷ USD vì bán thiết bị cho Iran và Triều Tiên, vi phạm các lệnh trừng phạt.

Hồi tháng 9 năm ngoái, chính quyền tổng thống Barack Obama cũng phạt công ty Hồng Tường Đan Đông của Trung Quốc, chuyên buôn bán máy móc thiết bị, vì có liên hệ với Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên chính quyền Obama áp trừng phạt đối với một công ty Trung Quốc vì vấn đề Triều Tiên. Theo báo cáo từ Viện nghiên cứu Chính sách Asan, Hàn Quốc, và Trung tâm C4ADS, Mỹ, giao dịch thương mại hai chiều giữa Hồng Tường Đan Đông và Triều Tiên đạt hơn 530 triệu USD từ năm 2011 đến 2015.

Trung Quốc cảnh báo Nhật điều tàu chiến lớn nhất đến Biển Đông

Trung Quốc cảnh báo Nhật điều tàu chiến lớn nhất đến Biển Đông

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh chưa nhận thông báo của Tokyo về việc điều tàu chiến Izumo đến Biển Đông, nêu nghi vấn về mục đích của kế hoạch này.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất