Tham vọng của ông Trump hứng chịu một đòn đau
Việc bị Facebook duy trì lệnh cấm khiến ông Trump mất đi không chỉ công cụ giao tiếp với cử tri mà còn cả nền tảng gây quỹ hiệu quả nhất.
09:00 23/05/2021
Quyết định của ban giám sát Facebook hồi đầu tháng khiến tài khoản của cựu Tổng thống Trump bị khóa vô thời hạn. Quyền quyết định hiện nay sẽ nằm trong tay giới lãnh đạo Facebook. Họ có thể mở khóa tài khoản, hoặc cấm vĩnh viễn ông Trump quay trở lại mạng xã hội này.
Lệnh cấm của Facebook khiến nhân vật có ảnh hưởng nhất của đảng Cộng hòa hoàn toàn bị chia tách với cử tri và các nhà tài trợ thông qua mạng xã hội.
Đối với bản thân ông Trump, ông mất đi một trong những công cụ vận động gây quỹ hiệu quả nhất, giáng một đòn đau vào tham vọng tranh cử năm 2024.
Phản ứng trái ngược của phe Cộng hòa
Phản ứng chính thức từ phía đội ngũ của ông Trump cho thấy họ không quá quan ngại về hậu quả tài chính từ việc Facebook duy trì lệnh cấm.
Phía ông Trump dường như chỉ muốn dư luận tập trung vào tác động về khía cạnh truyền thông, khi nay cựu tổng thống đã bị chặn trên cả Twitter và Facebook.
Ông Trump cáo buộc ba gã khổng lồ công nghệ, gồm Twitter, Facebook và Google, đã tước đoạt quyền tự do ngôn luận, cáo buộc họ "suy đồi" và kêu gọi công chúng khiến ba công ty này "trả cái giá chính trị.
Nhưng rõ ràng vấn đề tài chính là một cơn đau đầu cho cựu tổng thống. Sau khi tuyên bố việc Facebook duy trì khóa tài khoản ông Trump là quyết định "vô lý", chiến dịch của cựu tổng thống đã nhanh chóng tập hợp danh sách các nhà tài trợ.
Cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich cho rằng Facebook và Twitter đã hành động độc đoán. Ảnh: AP.
Đối với một số người trong đảng Cộng hòa, tình hình của ông Trump không hẳn là xấu đi sau khi tiếp tục bị Facebook cấm cửa.
Ngay cả khi mất quyền truy cập hai mạng xã hội lớn nhất nước Mỹ, cựu tổng thống vấn có trong tay danh sách dài các nhà tài trợ chính trị, vượt trội hơn bất cứ đối thủ nào.
Hơn nữa, ông Trump giờ đây đã có vốn liếng để tập hợp những cử tri vốn có hiềm khích với các tập đoàn công nghệ lớn. Cựu chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich cho rằng quyết định của Facebook thậm chí có thể giúp ông Trump trở thành một người "tử vì đạo" trong cuộc đối đầu với các tập đoàn công nghệ.
"Các bạn muốn tiếng nói của mình sẽ bị kiểm soát theo một cách độc đoán, hay theo phong cách tự do kiểu Mỹ? Chúng ta sẽ chờ xem liệu ông Biden đứng về phía người Mỹ, hay những kẻ độc đoán kia", ông Gingrich nói.
Một số tiếng nói bảo thủ cho rằng ông Trump bị cấm khỏi Facebook là một điều tốt lành cho đảng Cộng hòa, ngay cả khi điều này gây tổn hại cho cựu tổng thống.
"Ông ấy sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, và tạo ra cơ hội cho mọi ứng viên khác, từ Tim Scott, Nikki Haley, Mike Pompeo cho tới Ted Cruz giành lấy các nhà tài trợ và cử tri nhờ khoảng trống ông Trump để lại", một nhà hoạt động hàng đầu của đảng Cộng hòa nói.
Một số nhóm Cộng hòa như Ủy ban Thượng nghị sĩ Cộng hòa Quốc gia đã khởi tạo các quảng cáo trên Facebook về cuộc chiến của ông Trump với giới "Big Tech".
Đây là dấu hiệu cho thấy đảng Cộng hòa coi động thái của Facebook là cơ hội để thu hút cử tri, và rằng ông Trump vẫn là nhân vật thu hút các nhà tài trợ hiệu quả nhất.
Nhưng bản thân ông Trump lại không lợi dụng được cuộc chiến ấy, hay ít nhất là vào ngay lúc này. Một số đảng viên Cộng hòa lo ngại những người ủng hộ phong trào MAGA (Make America great again) sẽ dần xa rời đời sống chính trị bảo thủ bởi sự hiện diện của ông Trump trong cuộc sống cử tri ngày càng thưa thớt.
Đòn đau với ông Trump
Tài khoản của ông Trump bị đình chỉ sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol hôm 6/1. CEO Facebook Mark Zuckerberg ban đầu tuyên bố ông Trump sẽ bị cấm vô thời hạn bởi "kích động nổi loạn chống lại chính phủ được bầu dân chủ".
Nhưng Facebook sau đó mở lại tài khoản này, đồng thời chuyển vụ việc của ông Trump sang một ủy ban giám sát độc lập để đánh giá lại.
Dẫu vậy, sau quyết định hôm 5/5 của ủy ban giám sát độc lập, người phát ngôn của Facebook cho biết tài khoản ông Trump tiếp tục bị đình chỉ vô thời hạn.
Với việc mất đi cả tài khoản Facebook và Twitter, ông Trump chỉ còn có thể phát đi thông điệp của mình tới cử tri thông qua những buổi phỏng vấn với một số hãng tin, truyền hình hoặc sử dụng thông cáo gửi qua email.
Trước khi nhóm giám sát của Facebook đưa ra kết luận, ông Trump hôm 4/5 đã lập một website riêng để chia sẻ thông điệp. Người xem có thể chia sẻ lại những bài đăng từ website này lên Facebook hoặc Twitter. Dẫu vậy, các trợ lý thừa nhận mức độ phủ sóng của hình thức này thua xa các mạng xã hội.
Một số nền tảng mạng xã hội từng được các trợ lý của ông Trump đề cập tới trước đây, nhưng đến lúc này chưa được ông Trump hậu thuẫn hay công khai chia sẻ.
Trước đó, đội ngũ của ông Trump kỳ vọng cựu tổng thống sẽ được phép quay trở lại Facebook. Một nhân vật thân cận với ông Trump cho biết quyết định của Facebook sẽ đẩy nhanh sự phát triển của một nền tảng mạng xã hội mới
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty.
"Mô hình gây quỹ được sử dụng đến lúc này là một mô hình kiểu Facebook. Nhưng ông Trump có một trong những cơ sở dữ liệu email và số điện thoại lớn nhất trong các chiến dịch tranh cử chính trị hiện đại. Vì thế, vấn đề sẽ là phải sử dụng cơ sở dữ liệu đó theo một cách khác", người này cho biết.
Với 32 triệu người theo dõi, ông Trump có tài khoản với lượng người theo dõi lớn thứ 3 trên thế giới chỉ sau cựu Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Trang Facebook của ông Trump là một trong những nền tảng quyền lực nhất trên Internet. Trong những tháng cuối cùng đợt tranh cử năm 2020, trang Facebook của ông Trump không chỉ vượt trội đối thủ Joe Biden, mà còn lấn át nhiều hãng thông tấn lớn về mức độ tương tác với người sử dụng.
Ông Trump tận dụng sức mạnh trang Facebook không chỉ để phát đi những thông điệp vận động, mà còn nhằm tiếp cận mạng lưới khổng lồ các nhà tài trợ nhỏ. Quảng cáo Facebook thu về gần 140 triệu USD cho chiến dịch tranh cử 2020 của cựu tổng thống.
"Lệnh cấm khiến ông ấy (Trump) khó huy động tiền hơn rất nhiều. Facebook từng là kênh huy động quyên góp chính của ông Trump, là nơi ông ấy tìm thấy các nhà tài trợ. Giờ thì ông ấy sẽ mất nhiều công sức hơn để kiếm những kênh quyên góp tiền khác", một nhân vật thân cận của ông Trump cho biết.
Đối với những cử tri bảo thủ muốn tuyên chiến với Big Tech, việc Facebook tiếp tục đình chỉ tài khoản ông Trump, sau khi Twitter cấm cửa vĩnh viễn cựu tổng thống, chỉ càng khiến đối đầu leo thang. Các tổ chức bảo thủ đã đe dọa sẽ khởi kiện chống độc quyền đối với Big Tech.
Bản thân ông Trump khi còn nắm quyền cũng từng tuyên bố sẽ trả đũa bằng cách hủy bỏ quy chế bảo vệ các công ty vận hành mạng xã hội khỏi các vấn đề phát sinh từ nội dung do người sử dụng đăng tải.
Nếu cựu tổng thống chạy đua và một lần nữa chiến thắng, ông sẽ lại vươn lên vị trí có thể tạo ra một chính sách làm đau đầu Big Tech. Nhưng với việc tiếp tục bị Facebook đình chỉ tài khoản, kế hoạch của ông Trump, dù có là gì đi chăng nữa, cũng đã ít nhiều trật đường ray.
Lý do gần 1/4 người Mỹ ở nước ngoài muốn từ bỏ quốc tịch
Gần 1/4 người Mỹ ở nước ngoài đang cân nhắc từ bỏ quốc tịch Mỹ do phiền phức liên quan đến quy định về khai báo thuế hằng năm.